02:41 01/01/2025

Đông Nam Á sẽ là "cường quốc" AI tiềm năng tiếp theo của thế giới?

Thanh Minh

Khi AI dần trở thành xu hướng chủ đạo, tiềm năng của Đông Nam Á trong cuộc đua AI là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần duy trì đầu tư vào hạ tầng, nhân tài và hỗ trợ chính sách…

Đông Nam Á là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới, với lực lượng trung lưu trẻ và đang tăng nhanh
Đông Nam Á là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới, với lực lượng trung lưu trẻ và đang tăng nhanh

Theo South China Morning Post, trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu, Đông Nam Á đang nổi lên như một đối thủ bất ngờ. Nếu trước đây các cuộc thảo luận về đổi mới AI thường xoay quanh Mỹ và Trung Quốc, thì nay sự năng động, thích nghi nhanh chóng cùng những khoản đầu tư chiến lược đã giúp Đông Nam Á khẳng định vị thế quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành AI.

Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, đổi mới công nghệ địa phương và chiến lược chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, khu vực này đang dần thu hẹp khoảng cách với các cường quốc AI. Các trung tâm dữ liệu hiện đại, mô hình ngôn ngữ địa phương hóa và sự hợp tác đa ngành là những yếu tố nổi bật, giúp Đông Nam Á định hình một hướng đi riêng biệt.

TIỀM NĂNG KINH TẾ VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở ĐÔNG NAM Á

Đông Nam Á là một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới, với lực lượng trung lưu trẻ và đang tăng nhanh, lên tới 200 triệu người, đóng vai trò động lực chính thúc đẩy chuyển đổi số. Năm ngoái, nền kinh tế số của khu vực đạt lợi nhuận 11 tỷ USD, tăng từ 4 tỷ USD chỉ hai năm trước đó. Dự báo đến năm 2050, Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, trong khi Malaysia và Thái Lan dự kiến vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD mỗi nước.

Bà Rachel Chng, giám đốc The Ignition AI Accelerator, một đối tác của NVIDIA, cho biết các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng kỹ thuật số đang củng cố sự tăng trưởng này. Chỉ riêng nửa đầu năm ngoái, hơn 30 tỷ USD đã được cam kết để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI hiện đại tại Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Những nỗ lực này không chỉ tạo ra khả năng tính toán tiên tiến mà còn định vị Đông Nam Á trở thành trung tâm sáng tạo AI hàng đầu. Được thúc đẩy bởi dân số am hiểu công nghệ, các quốc gia và doanh nghiệp đang tìm kiếm các giải pháp AI để giải quyết thách thức xã hội và công nghiệp.

Đông Nam Á đang tạo ra một lối đi riêng trong lĩnh vực AI bằng cách tập trung vào các ứng dụng thực tiễn và đổi mới hợp tác trong các ngành như logistics, y tế và giáo dục.

Ví dụ, SeeWise – một công cụ giám sát nhà máy sử dụng thị giác máy tính và học máy – cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm theo thời gian thực. Trong giáo dục, HeyHi, một công ty công nghệ giáo dục, tích hợp AI và dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm học tập, đồng thời tự động hóa các công việc như chấm bài và lập báo cáo.

Những sáng tạo này không chỉ đang chuyển đổi thị trường nội địa mà còn tạo dấu ấn toàn cầu, với Đông Nam Á được công nhận nhờ khả năng phát triển nhanh chóng.

Theo báo cáo của Temasek Holdings, Google và Bain & Company, các doanh nghiệp tại Đông Nam Á có thể triển khai từ ý tưởng đến sản xuất quy mô lớn chỉ trong chưa đầy sáu tháng, với 70% tổ chức đạt lợi nhuận trong vòng một năm kể từ khi triển khai.

CÁC CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN AI CỦA CHÍNH PHỦ ĐÔNG NAM Á

Theo chuyên gia Rachel Chng, điểm đặc biệt của Đông Nam Á không chỉ nằm ở tốc độ mà còn ở sự tập trung vào hợp tác giữa các khu vực và ngành nghề, yếu tố quan trọng đối với các start-up. Ví dụ, Ủy ban khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN đã xây dựng khung hợp tác AI để thúc đẩy sự phát triển chung trong khối.

Singapore ra mắt chiến lược AI quốc gia 2.0 tại Hội nghị Singapore về AI 2023 ngày 4 tháng 12 năm 2023
Singapore ra mắt chiến lược AI quốc gia 2.0 tại Hội nghị Singapore về AI 2023 ngày 4 tháng 12 năm 2023

Các sáng kiến chiến lược từ chính phủ và khu vực tư nhân đang thúc đẩy đổi mới thông qua các khung quản trị vững chắc và chương trình phát triển nhân tài. Ví dụ, khung quản trị AI của Singapore khuyến khích thực hành AI có đạo đức, trong khi các sáng kiến như AI Trailblazers do Google Cloud và Cơ quan Công nghiệp Số Singapore dẫn đầu đang hỗ trợ tổ chức phát triển và triển khai các giải pháp AI thực tiễn.

Tuy nhiên, Đông Nam Á vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng kể nhất là tình trạng thiếu hụt nhân tài. Trên toàn cầu, ước tính có tới 70% các vai trò về dữ liệu, an ninh và phát triển chưa được lấp đầy. Tại khu vực, nhu cầu về chuyên môn kỹ thuật trong xây dựng hệ thống AI và kiến thức chuyên ngành để triển khai chúng càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Sự chênh lệch về hạ tầng cũng là trở ngại lớn. Trong khi Singapore dẫn đầu với các trung tâm dữ liệu tiên tiến và chiến lược AI quốc gia, những quốc gia khác như Malaysia, Indonesia và Thái Lan vẫn nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng AI của Salesforce tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Để khắc phục, các nền tảng AI đang được phát triển nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng suất trong sản xuất, y tế. Chiến lược tuyển dụng xuyên biên giới cũng nổi lên, với các nước như Indonesia và Việt Nam cung cấp nhân sự chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

TƯƠNG LAI AI TẠI ĐÔNG NAM Á

Sự phát triển các mô hình AI địa phương hóa đang được đẩy mạnh nhằm vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Ví dụ, Sony Research hợp tác với AI Singapore để xây dựng một hệ thống ngôn ngữ lớn dành riêng cho Đông Nam Á.

Khi AI dần trở thành xu hướng chủ đạo, tiềm năng của Đông Nam Á trong cuộc đua AI là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, khu vực cần duy trì đầu tư vào hạ tầng, nhân tài và hỗ trợ chính sách.

Sự hợp tác, cả trong khu vực lẫn với các đối tác toàn cầu, sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt. Bằng cách tận dụng thế mạnh độc đáo và đối mặt trực diện với những thách thức, Đông Nam Á không chỉ bắt kịp các cường quốc AI hiện tại mà còn có thể thiết lập tiêu chuẩn mới về đổi mới, quản trị và tác động.