10:39 20/09/2012

Đồng Tâm chờ Thắng

Nguyễn Hùng

Ông Võ Quốc Thắng đưa đồng tâm từ một cơ sở nhỏ thành thương hiệu vang tiếng khắp nơi

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm.
19 tuổi đã đứng ra gánh vác công ty do cha thành lập, Võ Quốc Thắng đưa đồng tâm từ một cơ sở nhỏ thành thương hiệu vang tiếng khắp nơi. Thế rồi cơn bão ập đến và giờ là thời điểm then chốt đối với ông bầu này.

Chiều 18/8, tại sân vận động Quy Nhơn, đội bóng đồng Tâm Long An đã vô địch Giải hạng nhất Quốc gia tranh Cúp Tôn Hoa Sen năm 2012 và chính thức lên hạng. Ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng), chủ đội bóng, đã tuyên bố sẽ chi mạnh tay để tăng cường lực lượng, quyết lấy lại những gì đã mất. Người hâm mộ của Đồng Tâm đang chờ câu lạc bộ này lấy lại hình ảnh về một đội bóng từng làm mưa làm gió ở sân chơi V-League.

Đồng Tâm Long An là một trong số ít các câu lạc bộ V-League sau khi xuống hạng, lại lên hạng ngay sau chỉ 1 mùa giải. Đội bóng của Bầu Thắng đã quay trở lại sân chơi đỉnh cao, liệu bầu Thắng có làm được điều tương tự trong lĩnh vực kinh doanh với Công ty Cổ phần Đồng Tâm, phần quan trọng hơn trong tâm trí ông.

Khi Đồng Tâm lỗ

Mới đây, Đồng Tâm đã công bố kết quả báo cáo kinh doanh năm 2011. Theo đó, doanh thu của Đồng Tâm chỉ đạt 1.089 tỉ đồng, bằng 65,3% kế hoạch. Công ty lỗ 191 tỉ đồng so với kế hoạch lãi 78 tỉ đồng. Đó là lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, Đồng Tâm báo cáo lỗ. Theo giải trình của Ban điều hành Công ty, chi phí bán hàng và chi phí tài chính tăng trong khi sức cầu của thị trường giảm là những nguyên nhân khiến cho Đồng Tâm bị lỗ.

2011 được xem là năm vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khi phải ở trong tình trạng “nội công ngoại kích”. Đầu tư công bị cắt giảm, các dự án bất động sản giảm tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai… khiến nhu cầu vật liệu xây dựng giảm trông thấy. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ Trung Quốc.

Bất động sản, một lĩnh vực kinh doanh khác của Đồng Tâm cũng bị giảm nguồn thu đáng kể. Năm 2010 doanh thu bán hàng từ lĩnh vực bất động sản của Đồng Tâm chiếm 13% tổng doanh thu, nhưng con số này của năm 2011 chỉ còn 4%.

Thu từ bất động sản và vật liệu xây dựng đều giảm trong khi Đồng Tâm lại phải trả các khoản nợ và lãi vay đến hạn cho các khoản đầu tư rất lớn trước đó. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thua lỗ của Đồng Tâm. Nếu như năm 2010, chi phí tài chính (trả lãi vay) chỉ có 102 tỉ đồng thì năm 2011 tăng vọt lên 226 tỉ đồng. Đến cuối năm 2011, nợ phải trả của Đồng Tâm là hơn 2.450 tỉ đồng, chiếm hơn 80% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.500 tỉ đồng; nợ dài hạn là 444 tỉ đồng.

Sự khó khăn của thị trường vốn trong năm 2011 cũng khiến cho Đồng Tâm phải đưa ra những chiến thuật để đảm bảo nguồn vốn hoạt động. Trong báo cáo thường niên, Đồng Tâm cho biết: Ban điều hành phải quyết định tạm thời cơ cấu lại nguồn vốn tài trợ, dùng các nguồn vốn tín dụng ngắn hạn (dưới 1 năm) được ngân hàng hỗ trợ để trang trải các khoản nợ gốc, lãi vay phải trả và chi phí hoạt động cho các dự án bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Ban điều hành Đồng Tâm, khoản chi phí lãi vay phát sinh được hạch toán vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ, thay vì được vốn hóa vào giá thành thành phẩm bất động sản như các nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn khác.

Mặc dù hoạt động kinh doanh khó khăn và thua lỗ của Đồng Tâm nguyên nhân lớn từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, tuy nhiên nếu suy xét kỹ thì sự khó khăn này cũng xuất phát từ chính chiến lược kinh doanh của Công ty.

Không qua nổi ải bất động sản

“Tôi chủ trương chỉ đi sâu phát triển những ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng, vì nó thuộc lĩnh vực mình am hiểu,” bầu Thắng nói trong chương trình Người Đương Thời vào năm 2009. Theo ông, Đồng Tâm đã định hướng lấy lĩnh vực truyền thống là vật liệu xây dựng - trang trí nội thất làm nền tảng cho sự phát triển của toàn hệ thống, tạo thế đứng cho sự phát triển sang các lĩnh vực khác. Lĩnh vực khác mà bầu Thắng nói đến chính là bất động sản.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy, thực tế bầu Thắng không tạo được thế đứng đáng kể trong lĩnh vực này.

Năm 2007, theo kế hoạch, Công ty Đồng Tâm sẽ đưa vào hoạt động 85.000 m2 đất khu đô thị tại trung tâm hành chính Tân An - Long An. Vào thời điểm đó, với giá bán 5 triệu đồng/m2 dự kiến doanh thu của mảnh đất này mang lại cho Đồng Tâm doanh thu khoảng 425 tỉ đồng và lợi nhuận 150 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bầu Thắng đã không bán vì dự báo giá đất thị trường sẽ tiếp tục tăng sau đó. Thế nhưng, vận may đã không mỉm cười với ông. Năm 2008 khủng hoảng kinh tế đã khiến thị trường bất động sản bị đóng băng, khiến doanh thu của Đồng Tâm sụt giảm mạnh. Năm 2008 lợi nhuận của Đồng Tâm là 46 tỉ đồng và chỉ đạt có 18% kế hoạch năm.

Bầu Thắng từng phát biểu rằng, “trong thời kỳ khủng hoảng, tư duy đột phá là điều rất quan trọng. Nó giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được nhiều cơ hội để phát triển”. Có lẽ vì tư duy đó, bầu Thắng vẫn tiếp tục theo đuổi bất động sản bất chấp khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp rút lui hoặc trì hoãn. 

Ví dụ như dự án Khu dân cư Bắc Lê Lợi, Thành phố Quãng Ngãi, dự án khu đô thị trung tâm hành chính Tân An vẫn được Đồng Tâm tiếp tục đầu tư. Hay gần đây nhất là dự án góp vốn liên danh với VinaCapital đầu tư vào dự án khu đô thị dịch vụ Cảng quốc tế Long An. Tính đến năm 2011, Đồng Tâm đã đầu tư vào dự án này gần 130 tỉ đồng và hiện dự án đang tạm ngưng triển khai.

Cái được lớn về thương hiệu

Bầu Thắng và những người thân sở hữu gần 70% cổ phần tại Đồng Tâm. Chắc hẳn sẽ ít người phủ nhận tài năng kinh doanh của bầu Thắng. Ông cũng đã nhiều lần được các tổ chức xã hội vinh danh. Năm 2009 ông là gương mặt doanh nghiệp trẻ (42 tuổi) xuất sắc nhất ASEAN. Những điều ông làm được cho Đồng Tâm cũng cho thấy điều này.

Gạch Đồng Tâm do ông Võ Thành Lân, cha của bầu Thắng thành lập năm 1969. Cơ sở gạch Đồng Tâm hoạt động đến năm 1978 thì tạm ngừng do khó khăn về nguồn nguyên liệu. Đến năm 1985-1986, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Nhà nước, là 1 trong 10 người con của ông Lân, bầu Thắng lúc bấy giờ mới 19 tuổi đã đứng ra khôi phục thương hiệu Gạch Đồng Tâm của gia đình. Ông đã lèo lái Đồng Tâm từ một cơ sở nhỏ đến thương hiệu lớn như ngày hôm nay.

Gạch là lĩnh vực khởi đầu kinh doanh của bầu Thắng, một lĩnh vực có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Đây là điều khó có thể lựa chọn khi ông kế thừa ngành này từ gia đình. Tuy nhiên, từ gạch, bầu Thắng đã phát triển thêm nhiều mặt hàng khác tạo thành một chuỗi các mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng. Đó là đầu tư nhà máy sản xuất sơn, nhà máy sản xuất cửa, sản xuất ngói.

Bầu Thắng cũng mua lại cổ phần nhà máy sứ Thiên Thanh để tham gia vào nhóm sản phẩm thiết bị vệ sinh. Báo cáo thường niên năm 2010 của Đồng Tâm cho thấy bên cạnh sản phẩm gạch, Đồng Tâm đã có doanh thu từ nhiều dòng sản phẩm khác. Ví dụ như sơn và ngói chiếm 8%, thiết bị vệ sinh 6%, cửa 4%...

Những bước đi đó thể hiện “tư duy đột phá” - điều bầu Thắng học từ Giáo sư Shozo Hibino khi sang Nhật học nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp vào năm 2007. Tính đột phá còn thể hiện ở việc Đồng Tâm thay đổi mô hình quản trị, hợp nhất các công ty vào năm 2007. Đồng Tâm cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chiến lược thuê tổng giám đốc ngoại về điều hành công ty.

Tháng 8.2008, ông Etienne Lucien Laude, người Pháp, chính thức về làm Tổng Giám đốc của Đồng Tâm. Ông Laude trước đó là Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric. Ngoài Tổng Giám đốc người Pháp, năm 2008, một Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực bất động sản người nước ngoài cũng đã cập bến Đồng Tâm: kiến trúc sư người Nhật Seiji Suzuki, có 30 năm làm quản lý tại Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, năm 2010 hai lãnh đạo người nước ngoài này đều đã thôi việc tại Đồng Tâm. Và lý do được đưa ra trên báo cáo thường niên là nghỉ việc vì lý do gia đình.

Nhìn lại quá trình phát triển của Đồng Tâm, có thể thấy rằng, cái được lớn nhất mà Bầu Thắng đã làm được chính là việc xây dựng thương hiệu cho Đồng Tâm.

Giống như bầu Đức, bầu Thắng cũng chọn bóng đá để làm marketing cho doanh nghiệp. Bầu Thắng cho biết, từ khi đầu tư cho đội bóng, mỗi năm Đồng Tâm tiết kiệm được vài chục tỉ đồng tiền quảng cáo so với trước.

Tạm hiểu, số tiền tiết kiệm được chính là lãi ròng hằng năm và mức lãi này có thể còn tăng nếu mỗi lúc đội bóng càng chơi tốt hơn. Quan điểm của bầu Thắng nhận được sự tán thành của giới marketing và đã được áp dụng rộng tại các đội như Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội hay SHB Đà Nẵng. Đầu tư cho bóng đá được trích thẳng từ nguồn ngân sách tiếp thị - quảng cáo hàng năm (chiếm 10-20% doanh thu) của các tập đoàn này.

Mỗi nhân viên là một tham tán thương mại

Năm 2012, ban điều hành của Đồng Tâm đã đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là một chuyện còn vấn đề kinh doanh của Đồng Tâm có thể “lên hạng” vào năm 2012 hay không lại là chuyện khác. Đây là thời điểm tốt nhất mà bầu Thắng cần thể hiện bản lĩnh cũng như tài kinh doanh.

Giải pháp đầu tiên mà bầu Thắng thể hiện đó chính là đánh vào con người, để tăng hiệu suất kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2012, Đồng Tâm chuẩn hóa lại hệ thống điều hành sản xuất kinh doanh, xây dựng mới sơ đồ chức năng; truyền đạt cho người lao động tinh thần “Mỗi nhân viên Đồng Tâm là một tham tán thương mại”. Mọi lao động đều chủ động tìm thị trường, lấy nhu cầu của thị trường, sự hài lòng của khách hàng làm tôn chỉ hoạt động.

Ngay sau đó, Đề án “29 ngày” được Công ty triển khai. Trong vòng 29 ngày, nhân viên ở bộ phận sản xuất tham gia vào bộ phận bán hàng và ngược lại nhân viên bán hàng vào công việc của nhân viên sản xuất. Theo bầu Thắng, đề án này là nhằm để mọi người cùng chia sẻ công việc với nhau và hiểu hơn những khó khăn vất vả của các bộ phận. Từ đó, họ có cái nhìn thấu đáo hơn trong quá trình làm việc sau này.

Bầu Thắng nói vậy, nhưng có lẽ bản chất của đề án này là chuẩn bị rèn luyện để mọi nhân lực tham gia vào giải quyết hàng tồn kho. Nếu như năm 2009 giá trị hàng tồn kho của Đồng Tâm là 1.332 tỉ đồng thì đến năm 2011 con số này tăng lên tới 1.768 tỉ đồng. Năm 2010 toàn bộ lao động của Đồng Tâm là 3.433 người thì năm 2011 con số nay chỉ còn 2.712 người. Hàng tồn kho tăng, nhân sự lại giảm, nên việc người người trong Công ty phải tham gia bán hàng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh giải pháp “người người làm kinh doanh”, bầu Thắng cũng đã có những đột phá nhằm đưa ra các sản phẩm mới để tạo doanh thu. Tiêu biểu nhất trong số này là bộ sưu tập gạch granite lát nền “Trường Sa - Hoàng Sa” được ra mắt vào tháng 3/2012.

“Đồng Tâm ra mắt sản phẩm này để muốn đưa Hoàng Sa - Trường Sa về gần hơn với mỗi người, mỗi nhà. Đây là loại gạch chuyên dùng lót sân, lối đi và buổi sáng thức dậy mỗi người đã có thể thấy Hoàng Sa - Trường Sa ở ngay bước chân mình”, bầu Thắng nói hôm ra mắt sản phẩm. Một cách kinh doanh mang đậm chất “ông Nghị” của Bầu Thắng. Trong giới kinh doanh thì ai cũng biết rằng, đây là cách kinh doanh bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc.

Hiệu quả chương trình này của bầu Thắng phải mất một thời gian nữa mới được kiểm chứng, nhưng theo tính toán của ông, ít nhất Đồng Tâm cũng có thể bán được 100.000 m2 gạch loại này trong một năm. “Trong năm đầu tiên này, tôi cam đoan sẽ có ít nhất 2 tỉ đồng được trích ra từ việc tiêu thụ sản phẩm để góp sức cho Trường Sa”, bầu Thắng nói với Báo Tuổi Trẻ. Cụ thể, cứ mỗi mét vuông gạch “Trường Sa - Hoàng Sa” đến tay người tiêu dùng, Đồng Tâm sẽ đóng góp 20.000 đồng vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động.

Qua những động thái từ trong ra ngoài đó, có thể thấy, giải quyết hàng tồn kho chính là chiến lược sống còn trong giai đoạn hiện nay của Đồng Tâm. 

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)