13:05 25/10/2007

Dòng tiền thay đổi

Thị trường chứng khoán đi lên, tiền lại được đổ vào chứng khoán nhưng lần này đường đi của dòng tiền có vẻ đang khác trước

Với việc tăng giá gần đây, chỉ số P/E của các cổ phiếu hàng đầu đang trở lại mức 25 trên lợi nhuận ước tính đạt được của năm 2008.
Với việc tăng giá gần đây, chỉ số P/E của các cổ phiếu hàng đầu đang trở lại mức 25 trên lợi nhuận ước tính đạt được của năm 2008.
Từ cuối tháng 8 đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam (tính chung cả hai sàn) đã tăng trưởng khoảng 25%. Thị trường lên, tiền lại đổ vào với những thay đổi mới.

Ngay cả những nhà đầu tư lạc quan cũng không thể dự báo một tốc độ tăng trưởng ngoạn mục đến vậy trong một thời gian chưa đầy 60 ngày, khi mà trong tháng 8 đã có ngày VN-Index tụt xuống dưới 900 điểm. Thị trường lên, tiền lại đổ vào chứng khoán, nhưng lần này đường đi của dòng tiền có vẻ đang khác trước.

Tiền Đông Âu

Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền cho vay đầu tư chứng khoán tuy có tăng, nhưng không đáng kể. Nguồn tiền này chủ yếu từ các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán chưa tới 3% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát từ các ngân hàng nhà nước cho thấy họ không mặn mà cho vay chứng khoán bởi đây là những khoản tài trợ nhỏ, mang tính cá nhân, không thể so sánh với những khoản vay mang tính bán buôn dành cho dự án, doanh nghiệp.

Mặt khác, để tránh rủi ro, các ngân hàng quốc doanh chỉ cho vay chứng khoán với mức gấp 1,5 - 2 lần mệnh giá cổ phiếu, nên số tiền khách hàng vay được cũng không nhiều. Một số công ty chứng khoán kết hợp với ngân hàng quốc doanh, thực hiện repo cổ phiếu (mua bán cổ phiếu có kỳ hạn), nhưng lãi suất khá cao, từ 1,1 - 1,2%/tháng. Lãi suất cao này là rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư.

Trong khi đó Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tháng nào cũng có các đợt kiểm tra ráo riết dư nợ cho vay chứng khoán ở các ngân hàng cổ phần. Những ngân hàng có dư nợ tài trợ chứng khoán trên 3% đều bị đốc thúc giảm xuống một cách nhanh nhất và kết quả là dư nợ cầm cố cổ phiếu tại đây đã giảm một nửa.

Một ngân hàng cổ phần cho biết ngay cả những khoản khách hàng vay góp vốn thành lập công ty cũng được xếp vào đầu tư cổ phiếu và bị thanh tra loại ra.

Tiền “bơm” vào chứng khoán, như vậy, đã không chảy mạnh từ kênh ngân hàng. Giới ngân hàng cho rằng hỗ trợ chứng khoán có sự góp sức của kiều hối chuyển về Việt Nam bắt đầu gia tăng trong quí 4 hàng năm.

Bên cạnh đó, tiền từ kinh doanh vàng cũng chảy về chứng khoán khi không ít nhà đầu cơ vàng đã thu được lợi nhuận khi giá vàng tăng vọt đột biến. Hiện giá vàng vẫn đứng ở mức cao, họ không có nhiều cơ hội đầu tư trở lại vàng vì độ rủi ro lớn. Lợi nhuận thu được phải có nơi hội tụ, và nơi ấy là cổ phiếu.

Tiền đổ vào chứng khoán, theo thông tin chúng tôi có được, còn từ các nhóm đầu tư. Chừng mười nhóm đầu tư của các doanh nhân Việt Nam làm ăn ở Đông Âu được thành lập dưới hình thức công ty TNHH ở Việt Nam trong vòng ba tháng qua. Vốn đầu tư của một số nhóm lên tới cả ngàn tỉ đồng, đứng tên pháp nhân trong nước.

Người đại diện cho một nhóm nói với chúng tôi rằng các nhà đầu tư Việt Nam ở Đông Âu từng chứng kiến sự lên giá của cổ phiếu tại những quốc gia họ làm ăn sinh sống trong thập kỷ trước và họ hy vọng một sự tăng trưởng tương tự đối với thị trường Việt Nam.

Với họ, mua cổ phiếu trong nước bây giờ vẫn chưa muộn. Hơn nữa hiện việc kinh doanh của người Việt ở Đông Âu, đặc biệt ở Nga, không còn thuận lợi như những năm trước. Đó là một phần lý do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trở lại vào trong nước.

Tiền nước ngoài

Tháng 9/2007 giới chứng khoán chứng kiến vụ chuyển nhượng lớn nhất giữa các nhà đầu tư nước ngoài: Quỹ VOF chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phiếu Thủy điện Cần Đơn (SJD) cho Quỹ Hạ tầng Việt Nam. Cả hai quỹ đều do VinaCapital quản lý.

VOF mua 6,38 triệu cổ phiếu SJD, chiếm 24,5% vốn của Thủy điện Cần Đơn năm ngoái với số vốn đầu tư 15,31 triệu đô la Mỹ. Họ sang tên một nửa lượng cổ phiếu cho quỹ hạ tầng bởi quỹ này mới thành lập, đang cần giải ngân.

Ngoài ra VOF đang muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư. SJD là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận ổn định, nhưng nếu tính hiệu quả đầu tư thì gần như thấp nhất trong danh mục đầu tư tốp 10 cổ phiếu hàng đầu trên sàn của VOF.

Vụ chuyển nhượng trên là minh chứng cho thấy sức ép giải ngân mà các quỹ nước ngoài đang chịu đựng ở thời điểm cuối năm. Song dù sức ép lớn đến đâu, giới đầu tư nước ngoài cũng không mua cổ phiếu với bất cứ giá nào.

Trong bản báo cáo mang tên “Lòng tham và nỗi sợ hãi” (Greed & Fear) của Tổ chức Tư vấn CLSA ra ngày 11/10/2007 (CLSA là tổ chức tư vấn đầu tư tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, đóng ở Hồng Kông của tập đoàn tài chính Pháp BNP-Paribas - NV), CLSA khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng.

Trên sàn niêm yết, với việc tăng giá gần đây, chỉ số P/E của các cổ phiếu hàng đầu đang trở lại mức 25 trên lợi nhuận ước tính đạt được của năm 2008. Đối với việc tham gia IPO các doanh nghiệp tầm cỡ, câu hỏi đặt ra là liệu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được cổ phiếu qua các cuộc đấu giá công khai không.

Thông tin chưa được kiểm chứng mới nhất cho biết có thể nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia đấu giá 6,5% vốn ra công chúng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong đợt IPO ngân hàng này sắp tới.

Ngoài ra, CLSA nhận định hệ thống đấu giá cổ phiếu theo kiểu Hà Lan của Việt Nam hiện nay đang khuyến khích nhà đầu tư trả giá cao, nhất là với những nhà đầu tư chiến lược muốn có tài sản qua đấu giá. Chính phủ Việt Nam rất hiểu nhu cầu thị trường đối với những tài sản đó và không hề muốn bán chúng với giá rẻ.

Có thể hiểu cơ hội săn hàng tốt, giá rẻ ở Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài không còn rộng mở như trước. Và để giải ngân, vốn sẽ được “bơm” nhiều hơn vào công ty niêm yết hoặc sắp lên sàn.

Nhưng chỉ số tài chính của một số các công ty này đang vượt ngưỡng giới hạn mà họ có thể đầu tư. Vì thế một khi VN-Index vượt mức 1.100 điểm, các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mua, tăng bán. Họ đang ở vào tình thế lưỡng nan: một bên là sức ép giải ngân và bên kia là đầu tư hiệu quả.

Nước ngoài môi giới nước ngoài

Hiện những nhà đầu tư nước ngoài không thể trực tiếp mua bán chứng khoán Việt Nam đang tích cực tham gia đầu tư vào các khoản đầu tư do một tổ chức nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam.

Theo CLSA, hiện có 41 công ty niêm yết của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Taiwan Vietnam Index của CLSA bao gồm cổ phiếu của năm công ty hàng đầu niêm yết trên sàn Tp.HCM.

Các tổ chức nước ngoài khác thuộc những tập đoàn tên tuổi như Citigroup, Deutsche Bank, Merrill Lynch… cũng bán các chứng chỉ các khoản đầu tư của họ cho nhà đầu tư nước ngoài ở bên ngoài Việt Nam. Có thời điểm giá trị các chứng chỉ này lên tới 2 tỉ đô la Mỹ. Còn nếu nhà đầu tư nước ngoài nhờ họ mua hộ cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam, phí bình quân lên tới 2% tổng giá trị giao dịch. Các cơ quan chức năng Việt Nam rõ ràng không quản lý được dòng vốn này, nhưng quan sát và dự báo nó là điều cần thiết hiện nay.