09:58 03/11/2008

Đồng Yên “nổi loạn”: Ai gánh chịu thiệt hại?

Nguyễn Hoài

Đồng Yên Nhật tăng giá mạnh khiến không ít doanh nghiệp, dự án ODA từ Nhật đã hoặc đang đứng trước nguy cơ rủi ro tỷ giá

Tính từ cuối tháng 6/2008 đến nay thì đồng Yên đã tăng giá 7,73% so với USD.
Tính từ cuối tháng 6/2008 đến nay thì đồng Yên đã tăng giá 7,73% so với USD.
Mặc dù đồng Yên tạm dừng tăng “phi mã” nhưng mức tăng từ 20% - 25% so với USD mấy ngày trước đã làm cho doanh nghiệp sử dụng vốn vay bằng đồng Yên choáng váng.

Trong bối cảnh thị trường ngoại hối đầy bất ổn, việc phòng tránh rủi ro cho những đồng vốn vay bằng Yên gần như bế tắc.

Vài tháng gần đây, vấn đề đồng Yên (Nhật Bản) tăng giá trở nên trầm trọng hơn mặc dù xu hướng này xuất hiện từ một năm trước. Các giao dịch trên thị trường cho thấy, trong 2 tháng 8 và 9/2008, đồng Yên tăng giá chóng mặt so với các ngoại tệ mạnh như USD, EUR và VND cũng bị ảnh hưởng rất mạnh.

Nhận diện “thủ phạm” Carry Trade

Bốn ngày qua, đồng Yên đã giảm giá nhưng tính bình quân trong tháng 9 đến nay, đồng Yên tăng khoảng 20% - 25% so với USD và 30 - 40% so với EUR. Còn nếu tính từ cuối tháng 6/2008 đến nay thì theo bà Võ Diệu Thúy (Ban Nguồn vốn kinh doanh tiền tệ BIDV), đồng Yên đã tăng giá 7,73% so với USD và 8,39% so với VND.

Sở dĩ đồng Yên tăng giá nhanh so với VND ngoài các lý do khác thì còn một nguyên nhân là Việt Nam vẫn tính tỷ giá với đồng Yên thông qua đồng USD trong khi đồng USD cũng tăng.

Cụ thể, ngày 17/10, một Yên ăn 164,2 đồng nhưng đến 20/10 nhích lên 165,7 đồng và lần lượt: 21/10: 166,01 đồng; 24/10: 174,54 đồng; 27/10: 180,14 đồng; 28/10: 181,34 đồng...

Nếu so với mức bán ra 144,38 đồng/Yên ngày 2/1/2008 hoặc 136,39 đồng/Yên ngày 2/1/2007 với mức bán ra của ngày 28/10 vừa qua từ các ngân hàng thương mại thì một Yên mất đứt từ 37 đồng - 45 đồng/Yên do rủi ro tỷ giá.

Bà Nguyễn Thanh Sơn, trợ lý đầu tư một ngân hàng thương mại cổ phần nói: “Đồng Yên tăng giá phần lớn xuất phát từ hoạt động Carry Trade của giới buôn tiền”.

Trên thế giới, không có một mặt bằng lãi suất chung, mỗi quốc gia đều có một đồng tiền với lãi suất riêng. Vì thế đã nảy sinh loại hình buôn tiền, tạm dịch là hoạt động kinh doanh dựa trên chênh lệch lãi suất. Thời gian vừa qua, lãi suất của đồng Yên ở Nhật ở mức rất thấp và có khuynh hướng tăng giá.

Suốt 7 năm liền, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nhật duy trì ở mức 0,5%/năm và ngày 31/10 vừa qua, đã hạ xuống còn 0,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất đồng USD và EUR lại cao hơn đồng Yên nên các nhà buôn tiền đã vay ngắn hạn đồng Yên, dùng số tiền này mua những loại ngoại tệ có lãi suất cao, sau đó dùng loại ngoại tệ này cho vay kiếm lời hoặc mua các loại tài sản đầu tư rủi ro cao để kinh doanh. Dĩ nhiên, họ phải tính được mức độ chênh lệch tỷ giá giữa đồng Yên và đồng tiền mà họ cho vay.

Tuy nhiên, vòng xoáy bắt đầu dội ngược trở lại khi cầu đồng Yên tăng cao, đẩy tỷ giá tăng, những nhóm buôn tiền bắt đầu bán các loại tài sản rủi ro hoặc rút tiền về mua Yên trả nợ ngân hàng.

Hoạt động Carry Trade diễn ra trong tháng 8 và 9/2008 với một quy mô rất lớn. Do bản chất đầy rủi ro nên giao dịch của Carry Trade chỉ giới hạn ở thời gian rất ngắn (qua đêm, 2 ngày, 3 ngày...) và vì thế, tổng giá trị giao dịch của Carry Trade lên tới hàng chục nghìn tỷ USD mỗi ngày, dẫn đến nhu cầu đồng Yên Nhật tăng cao cho đến tận bây giờ.

Trong 2 tuần gần đây, hoạt động Carry Trade đã giảm nhiệt do các nước khác đều hạ lãi suất, khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Yên và các đồng tiền khác bị thu hẹp lại. Một nguyên nhân nữa, theo bà Sơn là giới đầu tư của Nhật khi thu hẹp hoạt động ở nước ngoài, mang vốn về nước và bắt đầu mua Yên để tích trữ nên đẩy cầu đồng Yên tăng lên, tác động lên giá.

Ai gánh chịu thiệt hại?

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại ước tính về thiệt hại do đồng Yên tăng giá: “Mỗi năm, công ty mất khoảng 60 tỷ đồng do đồng Yên tăng giá”.

Theo ông Sơn, Dự án Nhiệt điện Phả Lại 1,2,3 đang vay của JBIC khoảng 50 tỷ Yên, tương đương 600 triệu USD. Mỗi năm, dự án phải trả 2 tỷ Yên cả vốn lẫn lãi. Thời điểm công ty vay chỉ khoảng 147 đồng/Yên nhưng bây giờ lên tới 181 đồng/Yên, chênh khoảng 34 đồng/Yên, tính ra mỗi năm bị thiệt khoảng 60 tỷ đồng do rủi ro tỷ giá.

Đó mới chỉ là một dự án Phả Lại, còn số liệu từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JBIC (vừa sáp nhập với JICA) cho thấy, kết thúc năm tài chính 2007, tổng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ hợp tác Kinh tế Hải ngoại (OECF) và JBIC đã lên tới 1.250,71 tỷ Yên, phân bổ cho 66 dự án, 8 khoản vay hàng hóa và chương trình.

Trong đó, cơ cấu cho ngành điện, khí là 31,72%, giao thông vận tải 41,45%. Mặc dù là nguồn vay trung, dài hạn nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải trả dần một phần gốc, lãi và phải chịu áp lực rủi ro tỷ giá Ông Sơn cho biết thêm, để đối phó với rủi ro này, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khấu lợi nhuận của nhà máy để bù đắp.

Cụ thể, khi xác định giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm 147 đồng/Yên nhưng nếu khi tỷ giá lên tới 181 đồng/Yên thì doanh nghiệp phải lấy 34 đồng lợi nhuận cộng thêm vào phần tài sản doanh nghiệp để... chống rủi ro tỷ giá!

Từ đây lại đặt ra vấn đề liên quan đến câu chuyện định giá VND qua cầu đồng  USD cũng như vốn vay ODA.

Thứ nhất, theo bà Nguyễn Thanh Sơn, lâu nay Việt Nam chưa thực hiện tự do tỷ giá mà vẫn neo theo đồng USD. Chẳng hạn, muốn biết tỷ giá giữa VND và Yên (hoặc với một ngoại tệ bất kỳ) bao nhiêu thì động tác đầu tiên là lên các chợ ngoại tệ quốc tế tham khảo tỷ giá giữa USD và Yên. Sau đó, dựa trên tỷ giá giữa VND và USD để tính tỷ giá VND và Yên.

Thực tế này đã xuất hiện bất cập, ở chỗ: mỗi đồng tiền đều có một bản chất rủi ro riêng, chưa kể việc định giá VND so với USD trên thực tế là chưa chính xác do phần lớn là để hỗ trợ xuất khẩu chứ không phải theo mối tương quan thương mại giữa Việt Nam với thị trường sử dụng đồng tiền thanh toán là USD.

Do vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó đánh giá mức độ rủi ro tỷ giá đến đâu khi một trong các đồng tiền thanh toán bị tăng giá.

Hiện tại, mặc dù các ngân hàng trong nước, kể cả ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có cung cấp một số sản phẩm phái sinh về tỷ giá nhưng với khoản nợ quá lớn như hiện nay, sẽ không thể nào đáp ứng được. Hoặc nếu đáp ứng được thì cũng với mức giá bảo hiểm quá cao và nền kinh tế khó chịu nổi mức chi phí này.

Thứ hai, từ thực tế trên, khá nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết phải đánh giá và cân nhắc những thua thiệt đối với những khoản vay nợ nước ngoài, kể cả vốn ODA ở nhiều góc độ, trong đó có vấn đề rủi ro tỷ giá.

Việc đánh giá này sẽ góp phần tránh để lại nợ nần chồng chất cho mai sau và điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh không ít bộ ngành, địa phương đang tiếp tục phong trào vay nợ nước ngoài, coi đó như thành tích!