00:39 21/02/2007

Đột phá xuất khẩu lao động năm 2007?

Dũng Hiếu

Có nhiều yếu tố để kỳ vọng con số lao động xuất khẩu năm nay của Việt Nam năm nay sẽ vượt mức 80.000

Lao động Việt Nam tại công trường ACC (Doha, Qatar) - Ảnh: TT.
Lao động Việt Nam tại công trường ACC (Doha, Qatar) - Ảnh: TT.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2007, công tác đào tạo, giáo dục định hướng sẽ được chọn là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Mở nhiều thị trường tiềm năng


Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những điểm nổi bất trong năm 2006 là việc giữ vững, ổn định các thị trường truyền thống, mở thêm được các thị trường mới. Kết quả xuất khẩu lao động và chuyên gia cả nước đạt 78.855 người, bằng 105,1% kế hoạch, vượt 12% so với năm 2005.

Trong số các thị trường truyền thống, Nhật Bản là điểm sáng với con số đưa đi gần 5.400 người, cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2010 đưa được hơn 10.000 lao động sang thị trường này.

Đối với khu vực Trung Đông, năm 2006 cũng là năm có nhiều chuyển biến tích cực với các thị trường Qatar, Dubai và Ảrập Xêút, riêng Qatar đã có gần 6.000 lao động được cấp visa và phía bạn thông báo sẽ cấp 27.000 quota cho lao động Việt Nam.

Điểm mới trong công tác thị trường năm qua là Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động xúc tiến các thị trường mới như Mỹ, Canada và Australia. Đây là những thị trường rất tiềm năng với mức lương cao. Ở Mỹ lương tối thiểu từ 8-10 USD/giờ tuỳ theo từng bang, tại Australia, lương tối thiểu trên 30.000 USD/năm.

Ông Hòa cho biết, Thủ tướng đã cho phép đưa lao động sang Mỹ làm việc. Nhu cầu về lao động ngoài nước của Mỹ khá lớn, từ phổ thông, làm việc theo thời vụ (dưới một năm) trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp đến lao động kỹ thuật cao như kỹ sư công nghệ thông tin, y tá.

Đặc biệt nghề y tá, điều dưỡng rất được Mỹ ưa chuộng, mức lương khoảng 20-30 USD/giờ. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa đủ khả năng đào tạo y tá điều dưỡng theo yêu cầu của Mỹ.

Ông Hòa cũng cho biết, cái khó của thị trường này là điều kiện cấp visa. Lao động ngoài nước chỉ vào được Mỹ khi chủ sử dụng chứng minh được có đủ chỗ ở miễn phí. Lao động phải tự lo tiền ăn và đóng 50% tiền bảo hiểm y tế, 50% còn lại do chủ sử dụng nộp... Luật pháp Mỹ không quy định về thu tiền môi giới, phí đặt cọc mà chỉ có phí dịch vụ. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ràng buộc trách nhiệm của lao động.

Năm 2006, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử 2 đoàn công tác sang Mỹ để khảo sát thị trường. Ông Hoà cho rằng, trong năm 2007 việc đưa lao động sang các nước này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

5 nhiệm vụ lớn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2007 Cục và các doanh nghiệp sẽ quyết tâm vượt con số đưa đi 80.000 lao động mà Nhà nước giao. Cục đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Thứ nhất, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trước 1/7/2007, bao gồm 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng khoảng 8 thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Thứ hai, tiếp tục xúc tiến và mở rộng thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Đồng thời, kiện toàn ban quản lý lao động, đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc và chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ về phát triển thị trường, về quản lý lao động ở nước ngoài, cũng như đội ngũ quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Thứ ba, làm tốt công tác quản lý lao động ở nước ngoài . Riêng đối với thị trường Qatar, Cục quản lý cũng đang trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án quản lý lao động ở nước này, trong đó có việc thành lập một ban quản lý lao động - đặt tại Dubai - để quản lý lao động Việt Nam tại Trung Đông. Sẽ quy định bắt buộc nếu các doanh nghiệp đạt một số lượng đưa đi nhất định phải có đại diện tại Qatar.

Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo, giáo dục lao động trước khi đi.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Theo đó, các tỉnh thành cần rà soát, bổ sung đề án xuất khẩu lao động với các nội dung bao gồm: thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, quy chế, quy trình xuất khẩu lao động với các hình thức phù hợp đến tận thôn, bản, tới người dân với tinh thần thật dễ hiểu.

Song song với đó, sẽ xây dựng lộ trình sắp xếp, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo định hướng, tiêu chí của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để chủ động tạo nguồn lao động có chất lượng theo thị trường, xây dựng thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có cơ chế biện pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động, người nghèo vay vốn, học nghề, làm thủ tục xuất khẩu lao động.