06:16 09/07/2009

Dow Jones phục hồi trở lại

Duy Cường

Chỉ số Dow Jones đã tăng điểm vào cuối ngày giao dịch nhờ sự lên điểm của cổ phiếu khối dược phẩm và hàng tiêu dùng

Chứng khoán Mỹ hôm thứ Tư đã phục hồi trở lại vào cuối ngày giao dịch nhờ một đợt gom mua cổ phiếu của giới đầu tư - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ hôm thứ Tư đã phục hồi trở lại vào cuối ngày giao dịch nhờ một đợt gom mua cổ phiếu của giới đầu tư - Ảnh: Reuters.
Ngày 8/7, chỉ số Dow Jones đã tăng điểm vào cuối ngày giao dịch nhờ sự lên điểm của cổ phiếu khối dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chính thức công bố tên của 5 đến 10 quỹ đầu tư tư nhân sẽ tham gia lập quỹ đầu tư liên doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD với Bộ này để tham gia thực hiện mua lại tài sản xấu của các định chế tài chính Mỹ.

Mục đích của quỹ này là giải trừ các tài sản xấu khỏi bảng cân đối kế toán, qua đó giúp các định chế tài chính tránh được sự đổ vỡ và sẽ làm ổn định hệ thống tài chính. Kế hoạch này còn có sự tham gia của Cục Dự trữ Liên bang và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang.

Tuy nhiên giới phân tích thì cho rằng có lẽ gói giải cứu này đã quá muộn đối với hệ thống ngân hàng bởi vì suốt 5 tháng kể từ ngày gói giải cứu này được công bố, chưa có hành động nào được thực hiện. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn đã và đang chạy đua trả lại Chính phủ Mỹ vốn đã vay khẩn cấp hồi tháng 10/2008, đồng thời nhiều ngân hàng lớn bất ngờ công bố có lãi trong quý 1/2009.

Thực tế trong suốt hơn 3 tháng qua, thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường hàng hóa đã phục hồi trở lại và nhiều trong số tài sản xấu trước kia nay đã lên giá nhờ sự phục hồi đó. Vì vậy số tài sản xấu trước kia nay phải được định giá cao hơn hoặc có thể đã được bán.

Những tên tuổi lớn trong hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm như Blackrock, Pacific Investment Management và TCW Group rất có thể sẽ nằm trong danh sách quỹ đầu tư tham gia liên doanh với Chính phủ góp vốn để đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề là nếu những tài sản xấu đó được định giá quá thấp thì các định chế sẽ không bán, còn nếu tài sản được định giá ở mức không còn hấp dẫn thì các quỹ đầu cơ sẽ không rót vốn. Đây chính là điểm mấu chốt và sẽ có những tác động nhất định tới xu hướng của thị trường chứng khoán.

S&P 500 tiếp tục mất điểm

Chứng khoán Mỹ hôm thứ Tư đã phục hồi trở lại vào cuối ngày giao dịch nhờ một đợt gom mua cổ phiếu của giới đầu tư khi họ nhận thấy giá nhiều cổ phiếu đã xuống thấp sau chuỗi ngày giảm điểm mạnh.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã bắt đầu và sẽ tác động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực mỗi khi có tập đoàn lớn nào công bố kết quả kinh doanh. Dù vậy, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm lên thị trường nên cũng không tạo ra được sự thay đổi đáng kể.

Trong ngày giao dịch, chỉ số S&P 500 và Nasdaq có lúc đã giảm hơn 1% vì sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu khối công nghệ. Nhưng về cuối phiên, nhà đầu tăng mua những mã đã giảm mạnh trước đó nhằm kiếm tìm lợi nhuận từ các đợt phục hồi kỹ thuật. Nhờ đó mà thị trường này lấy lại sự cân bằng khi kết thúc ngày giao dịch.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones lại tăng điểm trở lại nhờ sự phục hồi của nhiều cổ phiếu blue-chip khối dược phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu - trong đó cổ phiếu Johnson & Johnson và Merck & Co đều tăng 1,5%.
Dow Jones phục hồi trở lại - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 8/7 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 8/7: chỉ số Dow Jones tăng 14,81 điểm, tương đương 0,18%, chốt ở mức 8.178,41.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 1 điểm, tương đương 0,06%, chốt ở mức 1.747,17.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 1,47 điểm, tương đương -0,17%, đóng cửa ở mức 879,56.

* Kết thúc ngày giao dịch, nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở Mỹ - Alcoa đã thông báo thua lỗ 26 cent/cổ phiếu trong quý 2/2009 - giảm mạnh so với mức lãi 66 cent/cổ phiếu của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng trong quý đạt 4,2 tỷ USD, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố về doanh số bán buôn.

Thứ Sáu: Công bố giá xuất/nhập khẩu; hoạt động thương mại thế giới và công bố chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm phiên thứ năm

Chứng khoán khu vực tiếp tục mất điểm phiên thứ năm liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tuần qua. Lo ngại kinh tế sẽ không sớm phục hồi, nhà đầu tư đã tăng mạnh bán cổ phiếu trong nhiều ngày qua.

Cổ phiếu khối tài chính và sản xuất ôtô giảm mạnh, góp phần lớn vào sự giảm điểm của thị trường phiên này.

Trong đó cổ phiếu HSBC, Banco Santander, UBS, BNP Paribas, Aviva, KBC Groep, Legal & General và AXA giảm từ 1,9 - 8,7%. Đối với các hãng sản xuất ôtô, cổ phiếu của Renault mất 7,5%, cổ phiếu Peugeot hạ 5,1% và cổ phiếu Daimler xuống 2,3%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 46,77 điểm, tương đương -1,12%, chốt ở mức 4.140,23. Khối lượng giao dịch đạt 1,98 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức mất 0,56%, khối lượng giao dịch đạt 21,46 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 1,27%, khối lượng giao dịch đạt 125,13 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á nối dài chuỗi ngày giảm điểm

Thông tin xấu từ thị trường nội địa làm chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm điểm mạnh nhất, tiếp theo là chỉ số BSE 30 của Ấn Độ. Còn những thị trường còn lại như thường lệ vẫn chạy trong biên độ hẹp khi chỉ giảm dưới 1%.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 1,4% xuống 100,45 điểm - đây là phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp của chỉ số này và mất tổng cộng 2,7%.

Chuyển qua diễn biến thị trường Nhật, hôm thứ Tư, Văn phòng nội các Nhật cho biết số đơn đặt hàng máy móc của các công ty nước này trong tháng 5/2009 đã giảm 3 so với tháng 4/2009. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho hay thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 5 cũng đã giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Yên phiên này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua khi 94,1 Yên đổi được 1 USD.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 đã sụt giảm mạnh, đưa chỉ số này có phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Thông tin số đơn đặt hàng máy móc giảm mạnh và đồng Yên lên giá đã tạo nên làn sóng bán cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất máy móc như Komatsu giảm 3,5%, cổ phiếu Kubota mất 4,4%, cổ phiếu Hitachi Construction hạ 3,4%.

Trong khi đó, đồng yên lên giá đã đẩy cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn như Honda hạ 5,5%, cổ phiếu Toyota Motor mất 3,3%, cổ phiếu Tokyo Electron trượt 5,2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 227,04 điểm, tương đương -2,35%, chốt ở mức 9.420,75. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có hơn 7 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất 0,7%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam hạ 0,19%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc xuống 0,28%. Chỉ số ASX của Australia hạ 0,05%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,67. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc trượt 0,22%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 0,79%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 1,45%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.163,608.178,41Up  14,81Up0,18
Nasdaq1.746,171.747,17 Up    1,00Up0,06
S&P 500881,03 879,56 Down    1,47Down0,17
AnhFTSE 1004.187,004.140,23 Down  46,77Down1,12
ĐứcDAX4.598,19 4.572,65 Down  25,54Down0,56
PhápCAC 403.048,57 3.009,71Down  38,86Down1,27
Đài LoanTaiwan Weighted6.715,226.668,14Down  47,08Down0,70
NhậtNikkei 2259.647,799.420,75Down227,04Down2,35
Hồng KôngHang Seng17.862,2717.721,07Down141,20Down0,79
Hàn QuốcKOSPI Composite1.434,201.431,02Down    3,18Down0,22
Singapore Straits Times2.273,83 2.256,98 Down  15,28 Down0,67
Trung Quốc Shanghai Composite3.089,453.080,77Down    8,68Down0,28
Ấn ĐộBSE14.151,9313.965,67Down204,78 Down1,45
AustraliaASX3.767,803.766,00Down    1,80Down0,05
Việt NamVN-Index447,63446,79Down    0,84Down0,19
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg