21:48 12/09/2010

Dự án ngoại ngày càng “xài” nhiều vốn nội

Anh Quân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính một số chỉ tiêu về thu hút vốn FDI trong năm 2010 có thể không đạt kế hoạch

“Điểm sáng” lớn nhất trong thu hút FDI tính đến thời điểm 20/8 là số vốn thực hiện đã đạt khoảng 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2009.
“Điểm sáng” lớn nhất trong thu hút FDI tính đến thời điểm 20/8 là số vốn thực hiện đã đạt khoảng 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đã đạt 11,577 tỷ USD sau 8 tháng, giảm 12,3% so với cùng kỳ.

Trong con số kể trên, vốn đăng ký cấp mới đạt 10,79 tỷ USD, tăng 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009, nhưng vốn đăng ký bổ sung mới đạt 787 triệu USD, chỉ bằng 14,2% cùng kỳ.

“Tận dụng” vốn trong nước

“Điểm sáng” lớn nhất trong thu hút FDI tính đến thời điểm 20/8 là số vốn thực hiện đã đạt khoảng 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, trong báo cáo trình lên thường trực Chính phủ trong phiên họp tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có nhiều chỉ tiêu quan trọng có thể không đạt như kỳ vọng.

Theo bộ này, số vốn FDI thực hiện năm 2010 ước tính có thể đạt mức kế hoạch là 11 tỷ USD, tuy nhiên ở con số quan trọng nhất, vốn FDI chuyển thực tế qua cán cân thanh toán chỉ vào khoảng 8 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch năm nay, nhưng vẫn tăng 9,6% so với thực hiện năm 2009.

Đáng chú ý là khoảng cách giữa vốn FDI thực hiện và vốn chuyển thực tế có vẻ ngày càng nới rộng: năm 2008 là 2,3 tỷ USD (vốn thực hiện là 11,5 tỷ USD), năm 2009 là 2,7 tỷ USD (vốn thực hiện 10 tỷ USD), và năm nay ước tính là 3 tỷ USD.

Phần chênh lệch này thường là do vốn trong nước tham gia vào các dự án FDI. Như vậy, có thể thấy rằng các dự án FDI ngày càng “tận dụng” nhiều hơn nguồn tài chính trong nước và giảm phần đầu tư thực tế.

Trong một dự báo liên quan, nhiều khả năng thặng dư cán cân vốn và tài chính năm nay sẽ không đủ bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 có thể thâm hụt khoảng 4 tỷ USD.

Về vốn đăng ký, nhiều khả năng thu hút vốn FDI năm nay sẽ chỉ đạt 21 tỷ USD, thấp hơn kịch bản dự kiến là 22 tỷ USD và giảm khoảng 9,1% so với thực hiện năm 2009.

Vốn bổ sung tăng rất mạnh

Tuy nhiên, điểm bất ngờ trong dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là số vốn bổ sung tăng rất mạnh, có khả năng đạt mức 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay, sau giai đoạn 8 tháng đầu năm “chật vật” dưới 1 tỷ USD.

Trong khi đó, số vốn đăng ký mới ước tính đạt 16,5 tỷ USD, khá hợp lý với khả năng thu hút bình quân khoảng 1,4 tỷ USD/tháng cho 4 tháng còn lại trong năm.

So với cùng kỳ năm trước, hai chỉ tiêu này đều giảm hơn. Cụ thể là vốn đăng ký cấp mới giảm khoảng 4,3%; vốn bổ sung giảm tới 23,4%.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp FDI trong năm nay có khả năng đạt khoảng 31,2 tỷ USD, tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2009; nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng tương ứng 31,2%.

Khu vực FDI cũng nộp ngân sách năm 2010 tăng khoảng 7,1%, tương ứng đạt 2,9 tỷ USD. Số lao động đến cuối năm nay có thể lên mức 1,9 triệu người, tăng thêm so với cuối năm 2009 khoảng 50 nghìn lao động.

2011: Đăng ký giảm, giải ngân tăng?

Cũng trong báo cáo kỳ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kịch bản thu hút FDI năm 2011 với các chỉ tiêu cũng không mấy khả quan so với năm nay.

Cụ thể, thu hút vốn FDI năm tới có thể giảm khoảng 1 tỷ USD so với ước thực hiện năm 2010, ở mức 20 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký cấp mới giảm tương ứng khoảng 500 triệu USD và đạt 16 tỷ USD; vốn bổ sung cũng có cùng con số giảm 500 triệu USD và còn đạt 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân năm 2011 có khả năng trở lại bằng mức của năm 2008, với 11,5 tỷ USD và tăng hơn năm 2010 khoảng 500 triệu USD. Dù vậy, khoảng cách với vốn chuyển thực qua cán cân thanh toán có khả năng tiếp tục doãng xa với mức 3,1 tỷ USD, khi con số này dự kiến đạt 8,4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2010.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô của các doanh nghiệp FDI trong năm 2011 tiếp tục tăng 10% so với ước thực hiện năm 2010 và đạt khoảng 34,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng tương ứng 9,1% và đạt 37,3 tỷ USD.

Trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các doanh nghiệp FDI có khả năng nộp ngân sách đạt 3,1 tỷ USD và số lao động cuối kỳ sẽ chạm mức 2 triệu người.