Dự báo hay thực thi nghiêm chỉnh việc công bố thông tin?
Dự báo tất nhiên bao giờ cũng cần vì nó cho ta một cái nhìn về tương lai, để từ đó ta có những sửa soạn cần thực hiện, những chọn lựa phải làm
Bài viết của TS. Vũ Quang Việt (Cục Thống kê Liên hợp quốc - New York).
Dự báo tất nhiên bao giờ cũng cần vì nó cho ta một cái nhìn về tương lai, để từ đó ta có những sửa soạn cần thực hiện, những chọn lựa phải làm.
Không nên tuyệt đối hoá tầm quan trọng của dự báo
Tuy nhiên hiện nay, “dự báo” được một số người bàn đến, chỉ mang tính nhiễu loạn thông tin và thiếu hiểu biết, không hiểu vì thiếu kinh nghiệm hay là thủ thuật được sử dụng tràn lan chỉ để che đậy cái không thực hiện được: đó là chỉ tiêu kế hoạch. Giống như bàn về “đầu ra, đầu vào; quay hộp đen” thời chưa đổi mới.
Tôi chưa thấy trong lịch sử điều hành kinh tế trên thế giới có ai đó lại đánh giá khủng hoảng kinh tế là do yếu kém về dự báo của Chính phủ, và là nguyên nhân của những nguyên nhân đưa đến khủng hoảng. Điều này ám chỉ rằng nếu ta làm dự báo tốt (hay nói trắng ra ý ngầm là kế hoạch tốt) thì ta tránh được khủng hoảng?
Điểm thứ nhất cần nói là cho đến nay ở những nước tư bản phát triển, không ai lại đánh giá tầm quan trọng của dự báo đến như thế. Tất nhiên cũng có thời, cũng như những nhà kinh tế kế hoạch, người ta đã tin rằng có thể dùng các mô hình kinh tế với các lý thuyết đã được tìm ra để làm dự báo, qua đó có thể xoá bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng. Họ tin rằng, họ đã nắm được quy luật điều hành kinh tế.
Nhiều mô hình to lớn như Chase Econometrics, Wharton Econometrics, DRI, cũng như các mô hình ở Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc... đã ra đời, nhưng rồi những mô hình tốn kém này đã bị xoá bỏ chỉ vì chưa bao giờ chúng tiên đoán đúng được những bước ngoặt của nền kinh tế.
Thực chất, nó còn sai lầm hơn cả các tiên đoán của các nhà kinh tế có hiểu biết thực tế và theo dõi sâu sát tình hình với cái bút chì và những hình vẽ đơn giản mô tả thống kê các chỉ số, số liệu thống kê theo thời gian.
Sai lầm thường không phải từ phương pháp dùng trong mô hình mà từ chính việc không nắm đầy đủ để cảm nhận được sự phát triển của thực tế, và đặc biệt là không có đầy đủ thông tin. Những phát biểu này dựa trên chính kinh nghiệm của tác giả khi sử dụng các mô hình lớn vào những năm 1980.
Điểm thứ hai là, dự báo là nói về tương lai, nhưng dù cố gắng làm việc nghiêm chỉnh, ta có thể có thông tin khá hoàn hảo về quá khứ, và về hiện tại, nhưng khó lòng có được thông tin hoàn hảo về tương lai, bởi vì tương lai luôn bất trắc, bất trắc theo nghĩa không thể xác suất hoá được. Nếu tính được xác suất cái có thể xảy ra thì đó là cái biết được, không còn là bất trắc.
Thông tin chính xác hoặc mang tính xác suất thống kê chính là chìa khoá giảm thiểu bất trắc. Người làm dự báo phải thay đổi dự báo, có thể hàng ngày, thậm chí hàng giờ nếu thông tin về hiện tại và tương lai, về chính sách của các đối tác thay đổi.
Dự báo là cần thiết để ta thấy được hướng đi một cách logic dựa vào những tiền đề đặt ra. Tiền đề chính là thông tin về hiện tại và đặc biệt về tương lai. Và chính những người làm chính sách cũng là tác nhân góp phần thay đổi các tiền đề này qua các quyết định mang tính chính sách.
Điểm thứ ba là hệ luận của hai điểm trên: đó là sự cần thiết của thông tin. Khi thông tin về quá khứ không đầy đủ thì khó lòng đưa ra các tiền đề có thể về tương lai. Càng thiếu thông tin thì lại càng mất khả năng giảm thiểu bất trắc. Dự báo đòi hỏi sự hiểu biết về lý thuyết kinh tế, hiểu biết thực tế để có thể xác suất hoá bất trắc một cách nhanh nhạy, và tất nhiên không phải là người nói theo.
Cần minh bạch thông tin
Vấn đề của Việt Nam là hầu hết thông tin về tài chính và tiền tệ, và doanh nghiệp nhà nước nếu có đều bị độc quyền, không được công bố chính thức và cập nhật. Vì thông tin không được công bố, không được rà soát đánh giá khoa học và độc lập cho nên sự tin cậy của chúng, và giá trị của chúng nếu có cũng rất hạn chế.
Người dân không có thông tin thì người dân sẽ hành động theo cách của người không có thông tin, thí dụ như vụ tăng đột biến giá gạo vừa qua. Người dân nói ở đây cũng bao gồm chính các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và chính Nhà nước. Chỉ mới đây mới thấy hé lộ trên báo chí là năm 2007 dư nợ tín dụng tăng hơn 70%, khối lượng tiền tăng hơn 40%, vượt ngoài suy nghĩ của mọi người, nhưng vẫn không biết đó có chính xác không.
Ở một môi trường như thế thì đầu cơ là chuyện khó tránh. Gọi là đầu cơ trên thị trường chứng khoán chính là vì thông tin về các công ty trên sàn không đầy đủ và không cập nhật và do đó người đầu tư dựa theo tin đồn mà “lướt sóng” kiểu đánh bạc. Đó là chưa kể sự cần thiết phải giáo dục người đầu tư chứng khoán về nguyên tắc vận hành của thị trường.
Nếu cần nhìn lại thì không phải là xem xét khả năng dự báo, mà Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của toàn bộ hệ thống trong việc công bố thông tin, và cần đặt ra yêu cầu xử lý những cơ quan thiếu trách nhiệm.
Thử hỏi cho đến nay, ai đã đứng lên đòi hỏi áp dụng kỷ luật đối với tuyệt đại đa số các công ty, đặc biệt là tập đoàn quốc doanh không cung cấp thông tin đầy đủ và đúng kỳ các báo cáo tài chính? Ai được phép biết tài chính điện lực như thế nào và điện được sử dụng ra sao với giá cả ra sao?
Tình hình thông tin về kinh tế - xã hội vẫn chưa thực sự chuyển đổi. Vì vậy, Quốc hội cần có biện pháp thích hợp, như đưa vào chương trình nghị sự việc lập một ủy ban xem xét các thông tin cần thiết cho xã hội và dựa vào đó ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ công bố thông tin này theo chi tiết và lịch trình Quốc hội quy định. Ủy ban này sẽ tiếp tục theo dõi và báo cáo việc thực hiện nghị quyết này, và có quyền yêu cầu luật pháp trừng trị những đơn vị nhà nước hoặc tư nhân không tuân thủ.
Dự báo tất nhiên bao giờ cũng cần vì nó cho ta một cái nhìn về tương lai, để từ đó ta có những sửa soạn cần thực hiện, những chọn lựa phải làm.
Không nên tuyệt đối hoá tầm quan trọng của dự báo
Tuy nhiên hiện nay, “dự báo” được một số người bàn đến, chỉ mang tính nhiễu loạn thông tin và thiếu hiểu biết, không hiểu vì thiếu kinh nghiệm hay là thủ thuật được sử dụng tràn lan chỉ để che đậy cái không thực hiện được: đó là chỉ tiêu kế hoạch. Giống như bàn về “đầu ra, đầu vào; quay hộp đen” thời chưa đổi mới.
Tôi chưa thấy trong lịch sử điều hành kinh tế trên thế giới có ai đó lại đánh giá khủng hoảng kinh tế là do yếu kém về dự báo của Chính phủ, và là nguyên nhân của những nguyên nhân đưa đến khủng hoảng. Điều này ám chỉ rằng nếu ta làm dự báo tốt (hay nói trắng ra ý ngầm là kế hoạch tốt) thì ta tránh được khủng hoảng?
Điểm thứ nhất cần nói là cho đến nay ở những nước tư bản phát triển, không ai lại đánh giá tầm quan trọng của dự báo đến như thế. Tất nhiên cũng có thời, cũng như những nhà kinh tế kế hoạch, người ta đã tin rằng có thể dùng các mô hình kinh tế với các lý thuyết đã được tìm ra để làm dự báo, qua đó có thể xoá bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng. Họ tin rằng, họ đã nắm được quy luật điều hành kinh tế.
Nhiều mô hình to lớn như Chase Econometrics, Wharton Econometrics, DRI, cũng như các mô hình ở Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc... đã ra đời, nhưng rồi những mô hình tốn kém này đã bị xoá bỏ chỉ vì chưa bao giờ chúng tiên đoán đúng được những bước ngoặt của nền kinh tế.
Thực chất, nó còn sai lầm hơn cả các tiên đoán của các nhà kinh tế có hiểu biết thực tế và theo dõi sâu sát tình hình với cái bút chì và những hình vẽ đơn giản mô tả thống kê các chỉ số, số liệu thống kê theo thời gian.
Sai lầm thường không phải từ phương pháp dùng trong mô hình mà từ chính việc không nắm đầy đủ để cảm nhận được sự phát triển của thực tế, và đặc biệt là không có đầy đủ thông tin. Những phát biểu này dựa trên chính kinh nghiệm của tác giả khi sử dụng các mô hình lớn vào những năm 1980.
Điểm thứ hai là, dự báo là nói về tương lai, nhưng dù cố gắng làm việc nghiêm chỉnh, ta có thể có thông tin khá hoàn hảo về quá khứ, và về hiện tại, nhưng khó lòng có được thông tin hoàn hảo về tương lai, bởi vì tương lai luôn bất trắc, bất trắc theo nghĩa không thể xác suất hoá được. Nếu tính được xác suất cái có thể xảy ra thì đó là cái biết được, không còn là bất trắc.
Thông tin chính xác hoặc mang tính xác suất thống kê chính là chìa khoá giảm thiểu bất trắc. Người làm dự báo phải thay đổi dự báo, có thể hàng ngày, thậm chí hàng giờ nếu thông tin về hiện tại và tương lai, về chính sách của các đối tác thay đổi.
Dự báo là cần thiết để ta thấy được hướng đi một cách logic dựa vào những tiền đề đặt ra. Tiền đề chính là thông tin về hiện tại và đặc biệt về tương lai. Và chính những người làm chính sách cũng là tác nhân góp phần thay đổi các tiền đề này qua các quyết định mang tính chính sách.
Điểm thứ ba là hệ luận của hai điểm trên: đó là sự cần thiết của thông tin. Khi thông tin về quá khứ không đầy đủ thì khó lòng đưa ra các tiền đề có thể về tương lai. Càng thiếu thông tin thì lại càng mất khả năng giảm thiểu bất trắc. Dự báo đòi hỏi sự hiểu biết về lý thuyết kinh tế, hiểu biết thực tế để có thể xác suất hoá bất trắc một cách nhanh nhạy, và tất nhiên không phải là người nói theo.
Cần minh bạch thông tin
Vấn đề của Việt Nam là hầu hết thông tin về tài chính và tiền tệ, và doanh nghiệp nhà nước nếu có đều bị độc quyền, không được công bố chính thức và cập nhật. Vì thông tin không được công bố, không được rà soát đánh giá khoa học và độc lập cho nên sự tin cậy của chúng, và giá trị của chúng nếu có cũng rất hạn chế.
Người dân không có thông tin thì người dân sẽ hành động theo cách của người không có thông tin, thí dụ như vụ tăng đột biến giá gạo vừa qua. Người dân nói ở đây cũng bao gồm chính các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và chính Nhà nước. Chỉ mới đây mới thấy hé lộ trên báo chí là năm 2007 dư nợ tín dụng tăng hơn 70%, khối lượng tiền tăng hơn 40%, vượt ngoài suy nghĩ của mọi người, nhưng vẫn không biết đó có chính xác không.
Ở một môi trường như thế thì đầu cơ là chuyện khó tránh. Gọi là đầu cơ trên thị trường chứng khoán chính là vì thông tin về các công ty trên sàn không đầy đủ và không cập nhật và do đó người đầu tư dựa theo tin đồn mà “lướt sóng” kiểu đánh bạc. Đó là chưa kể sự cần thiết phải giáo dục người đầu tư chứng khoán về nguyên tắc vận hành của thị trường.
Nếu cần nhìn lại thì không phải là xem xét khả năng dự báo, mà Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của toàn bộ hệ thống trong việc công bố thông tin, và cần đặt ra yêu cầu xử lý những cơ quan thiếu trách nhiệm.
Thử hỏi cho đến nay, ai đã đứng lên đòi hỏi áp dụng kỷ luật đối với tuyệt đại đa số các công ty, đặc biệt là tập đoàn quốc doanh không cung cấp thông tin đầy đủ và đúng kỳ các báo cáo tài chính? Ai được phép biết tài chính điện lực như thế nào và điện được sử dụng ra sao với giá cả ra sao?
Tình hình thông tin về kinh tế - xã hội vẫn chưa thực sự chuyển đổi. Vì vậy, Quốc hội cần có biện pháp thích hợp, như đưa vào chương trình nghị sự việc lập một ủy ban xem xét các thông tin cần thiết cho xã hội và dựa vào đó ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ công bố thông tin này theo chi tiết và lịch trình Quốc hội quy định. Ủy ban này sẽ tiếp tục theo dõi và báo cáo việc thực hiện nghị quyết này, và có quyền yêu cầu luật pháp trừng trị những đơn vị nhà nước hoặc tư nhân không tuân thủ.