11:19 22/01/2025

Dù "đối đầu", Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là đối tác thường xuyên nhất trong nghiên cứu AI 

Hoàng Hà

Theo dữ liệu, trong 10 năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những đối tác thường xuyên nhất trong các công trình nghiên cứu AI...

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ lâu vẫn do Hoa Kỳ và Châu Âu thống trị. Tuy nhiên, gần đây, nghiên cứu về AI đã nhận được sự tham gia của nhiều quốc gia hơn, đặc biệt, hoạt động hợp tác xuyên quốc gia trong nghiên cứu AI đang ngày càng mở rộng.

AI LÀ MỘT LĨNH VỰC CÓ TÍNH CỘNG TÁC RẤT CAO

Trong 10 năm qua, các nhà nghiên cứu AI ở các quốc gia đang tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác nghiên cứu quốc tế.

Theo phân tích của trang Rest of World, sử dụng dữ liệu do Đài quan sát công nghệ mới nổi tại Đại học Georgetown ở Washington thu thập, công cụ Country Activity Tracker đã đo lường nhiều chỉ số khác nhau về đổi mới AI theo quốc gia, bao gồm bằng sáng chế, đầu tư và công trình nghiên cứu. Kết quả cho thấy, để một quốc gia xuất bản một công trình nghiên cứu, ít nhất phải có một đồng tác giả từ một tổ chức ở quốc gia khác tham gia.

“AI là một lĩnh vực có tính cộng tác rất cao. Có nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư AI khác nhau trên khắp hành tinh”, chuyên gia Zachary Arnold, một nhà phân tích tại Emerging Technology Observatory, chia sẻ. “Bằng cách hợp tác với nhau, tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ nói rằng lĩnh vực này đã được đẩy nhanh”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hợp tác xuyên biên giới trong nghiên cứu, bao gồm những người có nhiều nền tảng và giá trị khác nhau, là điều quan trọng trong mọi ngành khoa học để đảm bảo rằng nhiều quan điểm và bối cảnh xã hội khác nhau được phản ánh trong các phát hiện. Điều này cũng đúng đối với sự phát triển của AI.

Chuyên gia Arnold nhận định: "Trong nghiên cứu AI ứng dụng, một trong những thách thức phổ biến khiến các công cụ hoặc phương pháp AI tiềm năng không đạt hiệu quả như mong đợi là khi chúng được áp dụng ra ngoài bối cảnh phòng thí nghiệm hoặc xã hội cụ thể nơi chúng được phát triển. Quá trình này thường diễn ra rất nhanh và khó có thể dự đoán trước."

Ông nhấn mạnh: "Sự hợp tác xuyên biên giới, nơi các công nghệ được thử nghiệm trong những bối cảnh đa dạng, có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng."

Theo dữ liệu, trong 10 năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những đối tác thường xuyên nhất trong các công trình nghiên cứu AI. Gần đây hơn, sự hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia khác như Singapore và Ả Rập Xê Út cũng đang tăng đều đặn.

Ngoài ra, có 10 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu, đứng đầu về số lượng công trình nghiên cứu AI hợp tác được công bố từ năm 2014 đến năm 2024 là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Malaysia, Brazil và Đài Loan.

Trung Quốc và Hoa Kỳ có đến 46.641 hợp tác nghiên cứu về AI trong 10  năm qua. 
Trung Quốc và Hoa Kỳ có đến 46.641 hợp tác nghiên cứu về AI trong 10  năm qua. 

Dữ liệu cho năm 2023 và 2024 chưa đầy đủ do độ trễ giữa thời điểm bắt đầu nghiên cứu mới và thời điểm công bố. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia này đã công bố nhiều công trình nghiên cứu AI có sự hợp tác xuyên quốc gia hơn vào năm 2023 so với năm 2022, cho thấy xu hướng tăng sẽ tiếp tục.

CHÍNH PHỦ ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU XUYÊN BIÊN GIỚI

Các quốc gia hợp tác để thực hiện nghiên cứu AI thường xuyên nhất là hợp tác với Trung Quốc, Hoa Kỳ hoặc một quốc gia châu Âu. Ả Rập Xê Út là một trường hợp ngoại lệ - những cộng tác hàng đầu của nước này là Pakistan, Ấn Độ và Ai Cập. Những cộng tác hàng đầu của Malaysia là Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Indonesia.

Nhiều trong số những hợp tác nghiên cứu này liên quan đến lĩnh vực thị giác máy tính, liên quan đến việc đào tạo máy tính để diễn giải thông tin từ ảnh và video để sử dụng trong nhận dạng khuôn mặt và xe tự hành, cùng với các ứng dụng thực tế khác. Trong các công trình này, các nhà nghiên cứu đang giải quyết những cách mới để sử dụng công nghệ này - một bước đầu tiên quan trọng để thúc đẩy đổi mới AI, Saaidal Razzali Azzuhri, giảng viên cao cấp tại Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, nói.

Một dự án hợp tác nghiên cứu hiện tại giữa Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, Đại học Malaya và công ty blockchain Zetrix của Malaysia là một ví dụ về nghiên cứu xuyên biên giới giúp kết nối khu vực công và tư. Dự án đang phát triển các cách sử dụng công nghệ blockchain và AI để thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nghiên cứu xuyên biên giới, chuyên gia Azzuhri, nhà nghiên cứu chính của dự án cho biết. "Khi một tổ chức muốn thực hiện loại nghiên cứu này, phải có sự hỗ trợ của chính phủ".

Ông Azzuhri hy vọng sẽ có sự gia tăng trong hợp tác giữa Malaysia và Hoa Kỳ trong tương lai, vì các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ bao gồm Microsoft và Amazon đã thành lập các trung tâm dữ liệu tại quốc gia này. Ông cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng như các trung tâm dữ liệu quy mô lớn có thể giúp thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến hợp tác cũng như đầu tư hơn.

"Có thể có một số vấn đề trong tương lai mà chúng ta chưa biết", chuyên gia Azzuhri cho biết. "Vì thế, phải thực hiện các nghiên cứu xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới phát sinh".