10:03 05/05/2009

Du lịch châu Á tiêu tan hy vọng phục hồi sớm vì dịch cúm

Trung Việt

Mặc dù dịch cúm A/H1N1 chưa lan rộng ở châu Á, song nó đang phủ bóng đen lên ngành du lịch của khu vực này

Virus cúm A/H1N1 đang là nỗi lo ngại lớn của du khách.
Virus cúm A/H1N1 đang là nỗi lo ngại lớn của du khách.
Mặc dù dịch cúm A/H1N1 chưa lan rộng ở châu Á, song nó đang phủ bóng đen lên ngành du lịch của khu vực này.

Theo số liệu thống kê của WHO, hiện virus cúm A/H1N1 đã có mặt tại 18 nước với số người bị khẳng định nhiễm virus lên tới 663 người và số người nghi nhiễm virus lên tới 3.752 người.

Tại châu Á, mới phát hiện một số ít trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở Hồng Kông, Thái Lan... Nhưng, dịch cúm đã làm tiêu tan hy vọng phục hồi của ngành du lịch, vốn là trụ cột kinh tế của nhiều nước châu Á.

Người phát ngôn của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương cho biết, ngành du lịch châu Á từng hy vọng sẽ phục hồi vào khoảng cuối năm 2009 nhưng giờ đây  sẽ phụ thuộc vào mức độ của việc đối phó với dịch cúm và khôi phục niềm tin của du khách.

Trong tình huống tốt nhất, sự phục hồi cũng phải mất hai đến ba tháng, còn trong tình huống xấu nhất phải mất đến sáu tháng hoặc hơn. Để đối phó với dịch cúm A/H1N1, ngành hàng không và hải quan ở cửa khẩu các nước châu Á đang phải theo dõi sát hành khách đến với hy vọng có thể phát hiện và cách ly những người bị nhiễm virus cúm.

Tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp nước này vừa cho biết, đã phát triển một loại sinh phẩm chẩn đoán mới để phát hiện virus cúm A/H1N1 ở lợn và phương pháp mới này có thể cho kết quả xét nghiệm trong vòng 5 giờ đồng hồ.

Các chuyên gia hy vọng kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh SARS năm 2003 ở châu Á có thể sẽ giúp ngành du lịch của khu vực nhanh chóng khắc phục được tình trạng ế ẩm. Chủ tịch Hội đồng Đại diện ngành hàng không tại Thái Lan Brian Sinclair - Thompson cho rằng ngành du lịch và chính phủ của các nước châu Á đã có được những kinh nghiệm trong quá trình đối phó với cuộc khủng hoảng về dịch bệnh SARS vào năm 2003 và hiện nay, giới hữu trách ngành hàng không đã hành động đúng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngành du lịch các nước châu Á hiện đã được trang bị tốt hơn để có thể phối hợp với nhau nhằm bảo đảm an toàn y tế cho ngành vận tải công cộng, với các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và theo dõi dịch bệnh được triển khai đồng bộ.

Cùng với du lịch, ngành hàng không châu Á cũng khó khăn hơn khi dịch cúm xuất hiện. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế IATA cho biết, số lượt hành khách đi máy bay giảm 11% trong tháng 3. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu về mức cầu giảm sút với hơn 14%. Các hãng hàng không đã thua lỗ gần 8,5 tỉ USD trong năm 2008. IATA trước đó đã từng ước tính rằng mức lỗ của các hãng hàng không sẽ giảm xuống còn khoảng 5 tỉ USD trong năm nay.

Vì vậy, các hãng hàng không ASEAN phối hợp giảm giá vé để thúc đẩy du lịch nội vùng. Hãng hàng không Quốc tế Thái Lan (THAI) đã phối hợp với 5 hãng hàng không khu vực ASEAN là Vietnam Airlines, Lao Airlines, Garuda Indonesia, Philippine Airlines và Myanmar Airways International triển khai chương trình giảm giá vé đặc biệt, với mức giá khởi điểm khoảng 350-370 USD, nhằm thúc đẩy du lịch nội vùng trong thời khủng hoảng kinh tế.

Chiến dịch này được đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không Thái Lan nói riêng, du lịch Thái Lan nói chung đang chịu tác động nặng nề bởi tình trạng bất ổn chính trị trong nước cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và đứng trước nguy cơ có 200.000 người mất việc làm trong năm nay.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn của ngành du lịch và khủng hoảng tài chính, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa dự báo kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng 3,4% trong năm nay.

Đồng thời, ADB công bố kế hoạch tăng quỹ hỗ trợ cho vay thêm 10 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2010, nâng tổng quỹ hỗ trợ cho vay của ADB lên khoảng 32 tỷ USD trong cùng thời gian này, so với khoảng 22 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2008.