Đưa điện ra đảo: Không chỉ khó vốn, khó thi công…
EVN đã thực hiện đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo
Để triển khai các dự án "thắp sáng" biển đảo, EVN đã phải chủ động huy động nguồn vốn rất lớn. Chỉ riêng giai đoạn 2013 - 2018, EVN đã thực hiện đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo.
Thực tế, các dự án cấp điện ra đảo với suất đầu tư cao, không mang đến hiệu quả tài chính đã khiến EVN gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ vốn.
Ngoài một phần tài chính từ nguồn ngân sách, EVN đã chủ động làm việc với các tổ chức, ngân hàng quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW),... để thu xếp các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, triển khai các hình thức xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực xã hội để huy động vốn cho các dự án điện hải đảo.
Gian nan thi công, vận hành
Vượt qua gian nan trong khâu huy động vốn từ khi dự án còn nằm trên giấy đã khó, đến quá trình triển khai thi công các công trình xuyên biển cũng không hề dễ dàng. EVN và các nhà thầu, các đơn vị thi công đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, giông bão, con nước thủy triều thất thường; điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc hoàn toàn vào đặc thù địa chất từng vùng biển…
Cụ thể, với dự án kết nối lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), việc rải đường dây 110 kV bằng khinh khí cầu dù đã được tính toán kỹ lưỡng và được coi là phương án khả thi nhất, thế nhưng khi triển khai, nhà thầu vẫn phải "đau đầu" bởi khí hậu biển biến đổi thất thường, gió mạnh, lại vướng nhiều tàu, bè, gây khó khăn rất lớn.
Còn với dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công dự án, EVN phải chống chọi, thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Thậm chí, có những thời điểm biển động, khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể "đúng hẹn".
Hay đối với Trường Sa, do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc cấp điện cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần.
Hoàn tất quá trình thi công, EVN lại đối mặt với những "bài toán" vận hành hệ thống điện nơi "đầu sóng ngọn gió". Hệ thống điện thường xuyên phải hứng chịu giông, bão khắc nghiệt. Chưa kể, do ảnh hưởng của khí hậu biển, các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí khá cao, gây nhiều nguy cơ cho việc vận hành tin cậy hệ thống điện.
Bù lỗ hơn 1.500 tỷ đồng
Với các dự án đưa điện ra đảo, EVN cũng chịu không ít áp lực về cân đối hiệu quả kinh tế. Từ khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, tới năm 2018, EVN đã bù lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng do các đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ, chi phí đắt đỏ.
Theo ông Trần Tuệ Quang - Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), mức giá điện bán cho người dân theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành Điện. Trong đó, đặc biệt có nơi EVN chịu lỗ rất lớn, giá bán chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất.
Cụ thể, tại huyện đảo Trường Sa, giá thành sản xuất điện lên tới 72.552 đồng/kWh, nhưng theo quy định của Nhà nước, EVN chỉ bán với giá trung bình 1.635 đồng/kWh. Tại các huyện đảo khác, với tình trạng tương tự, EVN cũng đang gánh toàn bộ phần lỗ, để người dân đảo được mua điện với mức giá như ở đất liền.
Dù nhiều khó khăn, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành vẫn khẳng định, việc cung ứng điện tại các huyện đảo trên cả nước luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được EVN chú trọng thực hiện.
Tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo điện ổn định, liên tục, tin cậy trên các huyện đảo, với mục tiêu không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết là góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.