09:27 25/09/2007

"Đưa hàng Việt Nam đến EU qua “cửa” Budapest"

Xuân Thái

Trò chuyện với TS. János Jancsó, Giám đốc Trung tâm châu Á (Asia Center-Budapest) tại Hungary

"Chúng tôi đã chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của AC-Budapest kể từ tháng 3/2003."
"Chúng tôi đã chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của AC-Budapest kể từ tháng 3/2003."
Trò chuyện với TS. János Jancsó, Giám đốc Trung tâm châu Á (Asia Center-Budapest) tại Hungary.

Thưa ông, xin ông giới thiệu khái nét về Trung tâm châu Á tại Hungary (AC-Budapest)?

Dự án xây dựng AC-Budapest (ACB) bắt đầu từ tháng 8/1998, tháng 1/2001 khởi công xây dựng. Chúng tôi đã chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của AC-Budapest kể từ tháng 3/2003. Giai đoạn 2 của dự án vẫn còn đang tiếp tục, và sẽ hoàn thiện vào năm 2008 với mô hình được mô phỏng theo thuyết phong thủy cho phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống sinh hoạt của người châu Á.

Tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án là 200 triệu Euro (260 triệu USD), diện tích trên 120.000 m2, bao gồm: 36.000 m2 dành cho showroom, 4.000 m2 diện tích văn phòng, 10.000 m2 dành cho kho hàng. Số cửa hàng, cửa hiệu hiện tại có mặt tại ACB là 850 và sẽ còn tăng rất nhiều trong tương lai. ACB có một bãi đỗ xe với 1.200 xe, đủ để phục vụ cho một xe rất lớn cho du khách và doanh nhân.

ACB quy tụ các doanh nghiệp từ các nước châu Á, trong đó 50% từ Việt Nam, 30% từ Trung Quốc, 10% từ Hungary và 10% còn lại từ nhiều nước khác, trong đó có Triều Tiên. Đây là một trong những trung tâm bán sỉ lớn nhất châu Âu, phục vụ cho tất cả các nhà kinh doanh đến từ khắp nơi trên thế giới nhất là từ châu Âu và khối EU.

Thưa ông, thị trường EU có sức cạnh tranh rất cao, nhiều công ty nước ngoài đã không thể trụ lại được và phải chuyển sang những thị trường khác. Vậy thì đâu là cơ hội cho những nhà đầu tư châu Á, trong đó có Việt Nam?

Đúng là thị trường EU có sức cạnh tranh rất cao. Ngoài yếu tố chất lượng, giá cả là một yếu tố rất quan trọng, và có thể nói tính cạnh tranh cũng xuất phát từ đây. Rất nhiều các tập đoàn, công ty đã phải chuyển sang Đông Âu hay vùng Viễn Đông... để tìm cơ hội mới.

Trên thực tế, sức mua và cung cao hơn phải kết hợp với giá cả phải rẻ. Ở đây có thể thấy có sự mâu thuẫn lớn trong nền kinh tế của châu lục này. Các doanh nghiệp đến từ Việt Nam và châu Á đã đáp ứng được những điều kiện này và tôi có thể khẳng định, đây chính là cơ hội của tất cả chúng ta.

Bởi trước hết, phía Hungary có nhu cầu rất cao về hàng hóa. Chúng tôi đã chọn giải pháp là dùng hàng hóa của Việt Nam, thông qua “cửa ngõ” Budapest-Hungary, để tiêu thụ tại châu Âu. Hiện chúng tôi có đủ các điều kiện cần thiết và lý tưởng để thực hiện điều này.

Xin ông nói rõ hơn về những điều kiện lý tưởng đó? Theo ông, vì sao các nhà đầu tư Việt Nam (và châu Á) lại nên chọn điểm đến là ACB?

Xét về mặt địa lý, Hungary có vị trí là trung tâm của châu Âu. Trong bán kính khoảng 800 km, từ Budapest có thể nối liền với thủ đô của hầu hết các quốc gia châu Âu. Vì thế lưu thông hàng hóa rất thuận tiện; ngoài ra Hungary có cùng hệ thống thuế quan với tất cả các quốc gia khối EU.

Tại Hungary, chúng tôi có một cộng đồng châu Á lớn nhất toàn châu Âu, trong đó đông nhất là Việt Nam, kế đến Trung Quốc, Triều Tiên và một số nước châu Á khác. Hungary hiện được đánh giá là đất nước có sức cạnh tranh cao nhất khu vực Trung Đông Âu dựa trên chỉ số kinh tế phức hợp.

Ngoài ra, Hungary có mối quan hệ truyền thống lâu đời với Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á nên tại đây đã có sự hòa hợp giũa các nền văn hóa.

Mặt khác, giá nhân công tại Hungary rất cạnh tranh, tỷ lệ đó so với khối EU là Hungary: EU = 1:4,4. Mục tiêu của ACB chúng tôi là biến Hungary trở thành cầu nối giữa châu Á với châu Âu, hay giữa các nhà sản xuất châu Á với các nhà phân phối châu Âu.