Đua nhau làm khu kinh tế
Cuộc đua giữa các tỉnh thành trong việc xây dựng các khu kinh tế đang đặt ra những câu hỏi mới
Cuộc đua giữa các tỉnh thành trong việc xây dựng các khu kinh tế đang đặt ra những câu hỏi mới.
Nhộn nhịp… đề xuất
Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định rõ phương hướng chung hình thành hệ thống 15 khu kinh tế ven biển bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh); Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Đông Nam Nghệ An (Nghệ An); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Chu Lai (Quảng Nam); Dung Quất (Quảng Ngãi); Nhơn Hội (Bình Định); Nam Phú Yên (Phú Yên); Vân Phong (Khánh Hòa); Phú Quốc (Kiên Giang); Định An (Trà Vinh) và Năm Căn (Cà Mau).
Thời điểm đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc xây dựng và hoàn thiện 15 khu kinh tế này đã là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia cũng như các địa phương. Hơn nữa, vì các khu kinh tế đã được “quy hoạch” cụ thể, nên nhiều người cho rằng số lượng khu kinh tế sẽ tạm dừng lại ở đó.
Các chính sách ưu đãi đầu tư cho khu kinh tế là khá cởi mở, nên về mặt thực tế, ý nghĩa của nó là tạo ra các khu vực đặc biệt để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một số khu kinh tế tiếp tục được… đề xuất bổ sung vào quy hoạch, qua đó tạo ra cảm giác rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khu kinh tế khác được xây dựng, và do đó, mặt bằng ưu đãi giữa các khu vực và các tỉnh thành sẽ lại được “cào bằng”.
Mới đây, đề án xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) đã được lập và khu này đã được đồng ý về nguyên tắc về việc bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020.
Sát cạnh Nam Định, khu kinh tế ven biển Thái Bình cũng đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch tổng thể nói trên
Cuộc đua xây dựng khu kinh tế tiếp tục nóng, khi các tỉnh tiếp tục có những đề xuất về việc xây dựng thêm các khu kinh tế mới. Đi trên quốc lộ 1A, dễ nhận thấy là biển báo hiệu điểm cuối của khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và điểm đầu của khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ cách nhau khoảng chục km. Thế nhưng, trong một hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, một lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đã công khai ý tưởng về việc xin thành lập thêm khu kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ nằm trên phần đất nối hai khu kinh tế này!
Tìm vốn ở đâu?
Các tỉnh thành đều muốn được thành lập các khu kinh tế vì nhiều lý do. Ngoài khả năng “mở mặt mở mày” với các tỉnh bạn, các khu kinh tế cũng là điểm mấu chốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước với các ưu đãi cao nhất.
Hơn thế, vì phát triển khu kinh tế được xác định là một “chính sách quốc gia” nên mỗi khu kinh tế đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ để xây dựng hạ tầng, điều tối quan trọng cho việc phát triển của từng tỉnh thành.
Theo Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển, ban hành tháng 10/2009, thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho bốn đầu việc rất quan trọng.
Thứ nhất là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trục chính trong khu kinh tế ven biển và hệ thống giao thông kết nối khu kinh tế ven biển với hệ thống giao thông bên ngoài.
Thứ hai là bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trong khu kinh tế được xem là “mang tính động lực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành và lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư có tổng mức vốn đầu tư đăng ký từ 20.000 tỷ đồng trở lên”.
Thứ ba là bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ người bị thu hồi đất trong khu kinh tế ven biển.
Thứ tư là đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, khu phi thuế quan trong khu kinh tế ven biển, bao gồm hệ thống thoát nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung.
Với bấy nhiêu lợi ích, không ngạc nhiên khi các tỉnh thành đều muốn có khu kinh tế riêng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước thì có hạn nên nhiều khu kinh tế ra đời nhưng không thể nhận đủ lượng vốn ngân sách cho các công việc trên, dẫn tới tình trạng đầu tư hạ tầng không theo kịp với yêu cầu phát triển thực tế.
Giáo sư Trần Phương trong một hội thảo khoa học gần đây đã nhận xét thẳng thắn rằng đầu tư tới 15 khu kinh tế là một việc làm bất hợp lý vì ngân sách sẽ không thể “kham” nổi.
Bản thân lãnh đạo các khu kinh tế cũng không khỏi lo lắng về vấn đề vốn đầu tư. Lãnh đạo khu kinh tế mở Chu Lai trong một hội nghị gần đây nói rằng hiện nay các bộ ngành trung ương chưa thực sự vào cuộc, chỉ xem việc đầu tư phát triển khu kinh tế này là công việc của tỉnh Quảng Nam, chứ chưa xem đây là “việc của mình”.
“Trong bối cảnh cả nước đều mở như hiện nay thì tính hấp dẫn của khu kinh tế mở Chu Lai đã không còn như trước đây. Miền Trung đến nay gần như tỉnh nào cũng có khu kinh tế với nội dung không khác gì khu kinh tế mở Chu Lai, thậm chí còn cao hơn và tiến bộ hơn so với cơ chế ưu đãi của Chu Lai. Họ đi sau nhưng xuất phát ở mức cao hơn nên chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Chu Lai“, vị lãnh đạo này lo lắng.
Tại khu kinh tế Dung Quất, các lãnh đạo ở đây đã nhìn thấy sự ”mất cân đối giữa yêu cầu về hạ tầng tiện ích với khả năng đáp ứng về nguồn vốn đầu tư”, nhấn mạnh rằng đó có thể ”sẽ là lực cản đối với sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất”.
Trong một tài liệu gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban lãnh đạo khu kinh tế Dung Quất cho biết từ nay đến 2015 cần xây mới 38 km đường, xây dựng mới các khu tái định cư với diện tích 151 ha… và nhiều công trình tiện ích khác. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng, tiện ích tại Dung Quất đến 2015 lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách giảm mạnh, và đây là một bài toán thật sự khó giải.
Nhộn nhịp… đề xuất
Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định rõ phương hướng chung hình thành hệ thống 15 khu kinh tế ven biển bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh); Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Đông Nam Nghệ An (Nghệ An); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Chu Lai (Quảng Nam); Dung Quất (Quảng Ngãi); Nhơn Hội (Bình Định); Nam Phú Yên (Phú Yên); Vân Phong (Khánh Hòa); Phú Quốc (Kiên Giang); Định An (Trà Vinh) và Năm Căn (Cà Mau).
Thời điểm đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc xây dựng và hoàn thiện 15 khu kinh tế này đã là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia cũng như các địa phương. Hơn nữa, vì các khu kinh tế đã được “quy hoạch” cụ thể, nên nhiều người cho rằng số lượng khu kinh tế sẽ tạm dừng lại ở đó.
Các chính sách ưu đãi đầu tư cho khu kinh tế là khá cởi mở, nên về mặt thực tế, ý nghĩa của nó là tạo ra các khu vực đặc biệt để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một số khu kinh tế tiếp tục được… đề xuất bổ sung vào quy hoạch, qua đó tạo ra cảm giác rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khu kinh tế khác được xây dựng, và do đó, mặt bằng ưu đãi giữa các khu vực và các tỉnh thành sẽ lại được “cào bằng”.
Mới đây, đề án xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) đã được lập và khu này đã được đồng ý về nguyên tắc về việc bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020.
Sát cạnh Nam Định, khu kinh tế ven biển Thái Bình cũng đã được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch tổng thể nói trên
Cuộc đua xây dựng khu kinh tế tiếp tục nóng, khi các tỉnh tiếp tục có những đề xuất về việc xây dựng thêm các khu kinh tế mới. Đi trên quốc lộ 1A, dễ nhận thấy là biển báo hiệu điểm cuối của khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và điểm đầu của khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ cách nhau khoảng chục km. Thế nhưng, trong một hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, một lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đã công khai ý tưởng về việc xin thành lập thêm khu kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ nằm trên phần đất nối hai khu kinh tế này!
Tìm vốn ở đâu?
Các tỉnh thành đều muốn được thành lập các khu kinh tế vì nhiều lý do. Ngoài khả năng “mở mặt mở mày” với các tỉnh bạn, các khu kinh tế cũng là điểm mấu chốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước với các ưu đãi cao nhất.
Hơn thế, vì phát triển khu kinh tế được xác định là một “chính sách quốc gia” nên mỗi khu kinh tế đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ để xây dựng hạ tầng, điều tối quan trọng cho việc phát triển của từng tỉnh thành.
Theo Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển, ban hành tháng 10/2009, thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho bốn đầu việc rất quan trọng.
Thứ nhất là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trục chính trong khu kinh tế ven biển và hệ thống giao thông kết nối khu kinh tế ven biển với hệ thống giao thông bên ngoài.
Thứ hai là bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trong khu kinh tế được xem là “mang tính động lực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành và lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư có tổng mức vốn đầu tư đăng ký từ 20.000 tỷ đồng trở lên”.
Thứ ba là bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ người bị thu hồi đất trong khu kinh tế ven biển.
Thứ tư là đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, khu phi thuế quan trong khu kinh tế ven biển, bao gồm hệ thống thoát nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung.
Với bấy nhiêu lợi ích, không ngạc nhiên khi các tỉnh thành đều muốn có khu kinh tế riêng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước thì có hạn nên nhiều khu kinh tế ra đời nhưng không thể nhận đủ lượng vốn ngân sách cho các công việc trên, dẫn tới tình trạng đầu tư hạ tầng không theo kịp với yêu cầu phát triển thực tế.
Giáo sư Trần Phương trong một hội thảo khoa học gần đây đã nhận xét thẳng thắn rằng đầu tư tới 15 khu kinh tế là một việc làm bất hợp lý vì ngân sách sẽ không thể “kham” nổi.
Bản thân lãnh đạo các khu kinh tế cũng không khỏi lo lắng về vấn đề vốn đầu tư. Lãnh đạo khu kinh tế mở Chu Lai trong một hội nghị gần đây nói rằng hiện nay các bộ ngành trung ương chưa thực sự vào cuộc, chỉ xem việc đầu tư phát triển khu kinh tế này là công việc của tỉnh Quảng Nam, chứ chưa xem đây là “việc của mình”.
“Trong bối cảnh cả nước đều mở như hiện nay thì tính hấp dẫn của khu kinh tế mở Chu Lai đã không còn như trước đây. Miền Trung đến nay gần như tỉnh nào cũng có khu kinh tế với nội dung không khác gì khu kinh tế mở Chu Lai, thậm chí còn cao hơn và tiến bộ hơn so với cơ chế ưu đãi của Chu Lai. Họ đi sau nhưng xuất phát ở mức cao hơn nên chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Chu Lai“, vị lãnh đạo này lo lắng.
Tại khu kinh tế Dung Quất, các lãnh đạo ở đây đã nhìn thấy sự ”mất cân đối giữa yêu cầu về hạ tầng tiện ích với khả năng đáp ứng về nguồn vốn đầu tư”, nhấn mạnh rằng đó có thể ”sẽ là lực cản đối với sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất”.
Trong một tài liệu gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban lãnh đạo khu kinh tế Dung Quất cho biết từ nay đến 2015 cần xây mới 38 km đường, xây dựng mới các khu tái định cư với diện tích 151 ha… và nhiều công trình tiện ích khác. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng, tiện ích tại Dung Quất đến 2015 lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách giảm mạnh, và đây là một bài toán thật sự khó giải.