“Đừng hiểu Ngân hàng Nhà nước can thiệp là bơm tiền thoải mái”
Nội dung chi tiết cuộc trao đổi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu với báo giới, chiều 9/11
Như đã từng xảy ra trong năm nay, kết thúc một đợt vàng "nổi loạn" là Ngân hàng Nhà nước cấp quota và bán ngoại tệ cho nhập khẩu. Nhưng có phải “bơm” ngoại tệ là xả thoải mái?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trao đổi chi tiết với báo giới sau khi cấp phép cho nhập khẩu vàng chiều 9/11. Ông nói:
- Nhiều năm nay, năm nào vàng cũng biến động giá, ít nhất mỗi năm vài ba đợt. Có rất nhiều lý do giải thích vàng tăng giá nhưng chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào giá thế giới. Dù vậy nhưng đến nay, trên thế giới cũng chưa có một tổ chức chính thức nào đứng ra tuyên bố dự báo giá vàng biến động trong tương lai, ở Việt Nam cũng vậy.
Tập quán của dân mình vốn rất thích tích trữ vàng nhưng đó là trong quá khứ. Còn hiện tại, hỏi người dân rằng, nhà ông bà có bao nhiêu “cây”, “chỉ” vàng cất trong tủ làm của để dành thì chắc chắn phần lớn câu trả lời là không. Bởi vì từ ngày thay đổi chính sách quản lý vàng, ban hành các cơ chế mới, tự do hóa hoạt động sản xuất, chế tác, kinh doanh vàng thì họ phải gửi vào hệ thống ngân hàng, vừa có lãi lại an toàn chứ!
Đã là kinh tế thị trường, phải chấp nhận đầu cơ
Thưa Thống đốc, lý do thực sự để thị trường vàng nổi loạn mấy ngày nay là gì?
Chuyện giá vàng tăng trong mấy ngày nay cũng chỉ quanh quẩn ở kịch bản cũ thôi.
Thứ nhất, giá vàng thế giới chỉ trong một ngày đã tăng tới 18 USD/ounce, từ đó kéo giá trong nước tăng theo. Trong khi đó, giá vàng thế giới biến động mấy ngày nay lại không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cảnh báo với dân chúng.
Nếu chiểu theo quy định luật pháp hiện hành thì Ngân hàng Nhà nước chỉ có trách nhiệm cấp quota nhập khẩu vàng khi thị trường có dấu hiệu cung cầu bất cập. Còn việc gần đây Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22 là mong muốn loại bỏ rủi ro tín dụng vàng khỏi hệ thống ngân hàng, bởi một thực tế, có tới 51% tổng giá trị vàng huy động được chỉ đi vào khu vực phi sản xuất, không tạo thêm nhiều việc làm và của cải cho xã hội.
Vì thế, mới đây, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành thông tư quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Lý do thứ hai, khi cơn sốt giá bắt đầu thì xuất hiện yếu tố làm giá. Một số cửa hàng khi thấy người đến mua đông đã đóng cửa, ngừng giao dịch, kích động tâm lý không lành mạnh trên thị trường.
Thứ ba, khi yếu tố “khan cung giả tạo” tung ra, càng khiến cho người mua cố mua vì cứ nghĩ giá thị trường còn lên nữa, dẫn đến thị trường mỗi lúc một lún sâu vào vòng xoáy luẩn quẩn. Ai cũng thế cả, không tỉnh táo thì rất dễ bị mắc bẫy. Và trong ngày 9/11, những người bị mất oan 1 triệu đồng/lượng, hẳn sẽ được bài học nhớ đời bởi kinh doanh gì có thể bù đắp được mức độ rủi ro như thế?
Cũng có ý kiến rằng, nguyên nhân vàng tăng giá còn do các ngân hàng mua vào để chuẩn bị cho việc tất toán theo Thông tư 22, Thống đốc nghĩ sao?
Chúng tôi chưa có số liệu chính thức các ngân hàng đã mua vào bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng là chưa. Bởi lẽ khối lượng tất toán khoảng 10 tấn trong khi họ có thời gian tới 8 tháng để thực hiện. Trong khi giá cao như hiện nay, không ai dại gì đi mua vào để tất toán.
Diễn biến giá dầu 3 năm qua là một bài học. Giá dầu có lúc lên 150 USD/thùng, thậm chí có người còn dự báo giá sẽ lên 200 USD/thùng nhưng rồi tụt dốc xuống 50 USD/thùng và bây giờ mới nhích lên quẩn quanh hơn 80 USD/thùng.
Một ý kiến khác lại cho rằng, có một lực lượng nắm giữ số lượng vàng rất lớn nên mới đủ sức thao túng như vậy, Thống đốc có ý kiến gì?
Câu chuyện này lại liên quan đến một vấn đề khác, là thống kê tài sản. Hiện tại, việc thống kê tài sản chỉ được thực hiện với lực lượng công chức nhà nước, còn đối với người dân thì không nên rất khó có thể biết ai là đầu nậu nắm giữ vàng.
Đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải chấp nhận yếu tố đầu cơ, khi giá cả thế giới biến động từng ngày, từ buôn bán bình thường rồi chuyển sang đầu cơ cũng là lẽ tất nhiên.
Không hiểu số liệu 1.000 tấn vàng trong dân lấy ở đâu?
Tại sao vàng quý như vậy mà Ngân hàng Nhà nước lại phải đẩy dần vàng ra khỏi đời sống tín dụng, để rồi chúng trôi nổi ngoài xã hội, gây hiệu ứng ngược cho hoạt động điều hành?
Phải hiểu, phương tiện thanh toán của nền kinh tế là đồng tiền quốc gia, nhưng ở Việt Nam còn tồn tại thêm hai công cụ khác là vàng và Đô la. Nói loại bỏ chúng ra khỏi đời sống kinh tế thì tôi khẳng định là không mặc dù trên thực tế các ngân hàng đã sử dụng tới 51% số vàng huy động được để đầu tư vào phi sản xuất.
Thực tế này không những không tạo ra của cải cho xã hội mà còn gây rối loạn đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ. Rất may số lượng này không lớn.
Xung quanh vấn đề vàng, có ý kiến rằng, nên thu gom hết số vàng ngoài xã hội để phát huy giá trị sinh lời, có ý kiến khác đề xuất nên làm thế nào đó để ngân hàng không tạo điều kiện cho việc găm giữ vàng, người dân thấy không còn nhiều lợi ích, họ sẽ bán ra, lấy tiền đó để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước thấy cách này hợp lý hơn.
Hiện nay, cũng có một số góp ý với Ngân hàng Nhà nước nên huy động vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, thực hiện chiết khấu và có ưu tiên cho vàng miếng nhưng ở các nước khác họ có làm vậy đâu! Tất nhiên về lâu dài, phải tìm cách để tận đụng được vàng, phát huy giá trị kinh tế và hạn chế hiệu ứng xấu đối với nền kinh tế.
Mới đây, có thông tin dẫn từ Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, trữ lượng vàng trong dân của Việt Nam lên tới 1.000 tấn, ông bình luận gì về con số này?
Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có số liệu thống kê số vàng tồn trong dân. Ai đó khẳng định 1.000 tấn, thậm chí số lượng tương đương 45% GDP thì tôi không hiểu họ lấy số liệu ở đâu ra. Nếu đúng vậy thì dân ta quá giàu và GDP/đầu người không phải là 1.200 USD mà có khi lên tới 1.600 USD hoặc hơn!
Tuy nhiên, tới đây khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định quản lý vàng, chúng tôi sẽ có số liệu, nhưng chỉ là số liệu thông qua nhập xuất khẩu chính thức.
Cấp quota nhập vàng đủ để bình ổn thị trường
Nhìn lại mối quan hệ “vàng - đô” vừa qua, có ý kiến nói rằng, chính vàng là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá USD lên và giá USD cũng kích giá vàng theo, Thống đốc thấy sao?
Điều đó là có thật. Trong pháp lệnh ngoại hối của chúng ta hiện nay cho phép cá nhân nhận tiền kiều hối để gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, có người rút ra cất đi, có người mang theo mình. Vì thế việc cầm giữ USD là hợp pháp và họ kinh doanh số tiền đó như thế nào để có lợi, cơ quan nhà nước không can thiệp được.
Tới đây, nếu có điều kiện chỉnh sửa lại pháp lệnh này, sẽ sửa lại cho hợp lý.
Thống đốc có thể tiết lộ những con số xung quanh việc cấp quota nhập khẩu vàng lần này?
Trưa nay tôi quyết định cấp vì thấy giá vàng lên bất thường, lập tức giá giảm ngay. Những đợt sốt vàng lần trước, chúng tôi cũng cấp quota nhưng hơi ngắn ngày, trong khi giá cao nên nhiều doanh nghiệp không nhập.
Rút kinh nghiệm, đợt này tôi cấp hẳn tới 14 - 15 ngày để các doanh nghiệp chủ động. Đối tượng cấp lần này là các ngân hàng có ngoại tệ mới được nhập. Còn cấp số lượng bao nhiêu thì tôi xin nói là hoàn toàn đủ để bình ổn thị trường.
Từ đầu năm đến nay, đã ba lần Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng, Thống đốc đánh giá hiệu quả như thế nào?
Tất nhiên là nhìn thấy hiệu quả ngay, giá giảm rất mạnh. Nhưng cũng đừng nghĩ một quyết định cho phép nhập khẩu vàng là thứ quyết định mọi vấn đề mà không để ý gì đến nhập siêu và lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, hầu như năm nào cũng phải đối mặt với lạm phát và nguyên nhân nội tại thì không ít như tăng lương, giá mặt hàng thiết yếu (điện, than, xăng dầu…) tăng theo cơ chế thị trường, bão lụt, thiên tai...
Mặt khác, cơ cấu kinh tế hiện nay là kích thích xuất khẩu để tăng trưởng mà xuất khẩu lại dựa phần lớn vào nhập khẩu. Chưa kể, chính sách tài khóa, đầu tư nhiều lúc còn chưa nhịp nhàng với tiền tệ.
Vì thế, thị trường chẳng xa lạ gì với chuyện vàng là mỗi khi giá thế giới lên, giá trong nước đẩy vượt xa, đến kịch điểm thì cấp quota cho nhập khẩu để hạ giá.
Trạng thái ngoại tệ vẫn ở mức bình thường
Đang có dư luận, mỗi khi thị trường “vàng”, “đô” căng thẳng thì Ngân hàng Nhà nước cứ dò dẫm hoặc “đòn gió” chán rồi mới giải quyết, Thống đốc nói gì về vấn đề này?
Thị trường ngoại hối bao giờ cũng phải dựa trên quan hệ cung cầu. Chủ trương của Chính phủ nói rất rõ cái gì ưu tiên, cái gì không ưu tiên để kiềm chế nhập siêu. Năm nay, Bộ Công Thương rất xuất sắc khi đưa ra hai quyết định về danh mục hàng hóa nhằm giúp việc định hướng ưu tiên bán ngoại tệ như thế nào.
Thứ nhất là danh mục những loại hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu, sau đó là quyết định liệt kê toàn bộ danh mục sản phẩm mà trong nước sản xuất được. Vì thế, dự báo nhập siêu cả năm ở mức 13,5 tỷ USD nhưng giờ có thể nói một cách khiêm tốn nhất, nhập siêu cả năm nay ước 12 tỷ USD thôi.
Ngoài ra, năm nay còn có nguồn thu ngoại tệ khá lớn từ khách du lịch. Ai dám nghĩ Việt Nam có tới 5 triệu khách quốc tế mà họ lại ở lâu để đón các sự kiện lớn. Ngoài ra, ở các nước phát triển hiện cầu vốn đang rất yếu nên họ tìm đến các thị trường mới nổi. Mới đây, có hai tập đoàn kinh tế trong nước xin phát hành trái phiếu quốc tế, mỗi đơn vị khoảng 500 triệu USD.
Bên cạnh đó, nguồn kiều hối vẫn đều đặn chảy vào, vì thế, dự báo nguồn cung ngoại tệ năm nay rất khả quan.
Hiện tại, trạng thái ngoại tệ các ngân hàng như thế nào? Từ sau ngày 4/11 đến nay, việc bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại được thực hiện như thế nào?
Trạng thái ngoại tệ mấy ngày nay không dồi dào như trước, nhưng vẫn ở mức bình thường, không bị âm.
Tối 3/11 sau khi họp với Chính phủ xong, sang ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 16 ngân hàng thương mại phía Bắc để giải quyết nhu cầu ngoại tệ cho các ngân hàng. Tôi đã cho thành lập một tổ công tác độc lập trực thuộc Thống đốc, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay phục vụ thanh toán và báo cáo đầy đủ.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm, đừng hiểu Ngân hàng Nhà nước can thiệp là bơm tiền thoải mái. Không có đâu! Phải đảm bảo đủ thủ tục, đúng nhu cầu, đúng mục đích mới bán.
Đất nước mình còn nghèo ngoại tệ. Rất nhiều người đi xuất khẩu lao động đang nai lưng nhặt từng cắc nơi xứ người, phải trân trọng mồ hôi nước mắt của họ. Rồi những đồng ngoại tệ quý giá của Việt kiều đóng góp cho quê hương cũng rất quý. Phải nghĩ tới cái đó, chứ sao có thể phung phí, thả phanh để nhập khẩu những thứ xa xỉ cho thói xài sang?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trao đổi chi tiết với báo giới sau khi cấp phép cho nhập khẩu vàng chiều 9/11. Ông nói:
- Nhiều năm nay, năm nào vàng cũng biến động giá, ít nhất mỗi năm vài ba đợt. Có rất nhiều lý do giải thích vàng tăng giá nhưng chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào giá thế giới. Dù vậy nhưng đến nay, trên thế giới cũng chưa có một tổ chức chính thức nào đứng ra tuyên bố dự báo giá vàng biến động trong tương lai, ở Việt Nam cũng vậy.
Tập quán của dân mình vốn rất thích tích trữ vàng nhưng đó là trong quá khứ. Còn hiện tại, hỏi người dân rằng, nhà ông bà có bao nhiêu “cây”, “chỉ” vàng cất trong tủ làm của để dành thì chắc chắn phần lớn câu trả lời là không. Bởi vì từ ngày thay đổi chính sách quản lý vàng, ban hành các cơ chế mới, tự do hóa hoạt động sản xuất, chế tác, kinh doanh vàng thì họ phải gửi vào hệ thống ngân hàng, vừa có lãi lại an toàn chứ!
Đã là kinh tế thị trường, phải chấp nhận đầu cơ
Thưa Thống đốc, lý do thực sự để thị trường vàng nổi loạn mấy ngày nay là gì?
Chuyện giá vàng tăng trong mấy ngày nay cũng chỉ quanh quẩn ở kịch bản cũ thôi.
Thứ nhất, giá vàng thế giới chỉ trong một ngày đã tăng tới 18 USD/ounce, từ đó kéo giá trong nước tăng theo. Trong khi đó, giá vàng thế giới biến động mấy ngày nay lại không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cảnh báo với dân chúng.
Nếu chiểu theo quy định luật pháp hiện hành thì Ngân hàng Nhà nước chỉ có trách nhiệm cấp quota nhập khẩu vàng khi thị trường có dấu hiệu cung cầu bất cập. Còn việc gần đây Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22 là mong muốn loại bỏ rủi ro tín dụng vàng khỏi hệ thống ngân hàng, bởi một thực tế, có tới 51% tổng giá trị vàng huy động được chỉ đi vào khu vực phi sản xuất, không tạo thêm nhiều việc làm và của cải cho xã hội.
Vì thế, mới đây, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành thông tư quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Lý do thứ hai, khi cơn sốt giá bắt đầu thì xuất hiện yếu tố làm giá. Một số cửa hàng khi thấy người đến mua đông đã đóng cửa, ngừng giao dịch, kích động tâm lý không lành mạnh trên thị trường.
Thứ ba, khi yếu tố “khan cung giả tạo” tung ra, càng khiến cho người mua cố mua vì cứ nghĩ giá thị trường còn lên nữa, dẫn đến thị trường mỗi lúc một lún sâu vào vòng xoáy luẩn quẩn. Ai cũng thế cả, không tỉnh táo thì rất dễ bị mắc bẫy. Và trong ngày 9/11, những người bị mất oan 1 triệu đồng/lượng, hẳn sẽ được bài học nhớ đời bởi kinh doanh gì có thể bù đắp được mức độ rủi ro như thế?
Cũng có ý kiến rằng, nguyên nhân vàng tăng giá còn do các ngân hàng mua vào để chuẩn bị cho việc tất toán theo Thông tư 22, Thống đốc nghĩ sao?
Chúng tôi chưa có số liệu chính thức các ngân hàng đã mua vào bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng là chưa. Bởi lẽ khối lượng tất toán khoảng 10 tấn trong khi họ có thời gian tới 8 tháng để thực hiện. Trong khi giá cao như hiện nay, không ai dại gì đi mua vào để tất toán.
Diễn biến giá dầu 3 năm qua là một bài học. Giá dầu có lúc lên 150 USD/thùng, thậm chí có người còn dự báo giá sẽ lên 200 USD/thùng nhưng rồi tụt dốc xuống 50 USD/thùng và bây giờ mới nhích lên quẩn quanh hơn 80 USD/thùng.
Một ý kiến khác lại cho rằng, có một lực lượng nắm giữ số lượng vàng rất lớn nên mới đủ sức thao túng như vậy, Thống đốc có ý kiến gì?
Câu chuyện này lại liên quan đến một vấn đề khác, là thống kê tài sản. Hiện tại, việc thống kê tài sản chỉ được thực hiện với lực lượng công chức nhà nước, còn đối với người dân thì không nên rất khó có thể biết ai là đầu nậu nắm giữ vàng.
Đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải chấp nhận yếu tố đầu cơ, khi giá cả thế giới biến động từng ngày, từ buôn bán bình thường rồi chuyển sang đầu cơ cũng là lẽ tất nhiên.
Không hiểu số liệu 1.000 tấn vàng trong dân lấy ở đâu?
Tại sao vàng quý như vậy mà Ngân hàng Nhà nước lại phải đẩy dần vàng ra khỏi đời sống tín dụng, để rồi chúng trôi nổi ngoài xã hội, gây hiệu ứng ngược cho hoạt động điều hành?
Phải hiểu, phương tiện thanh toán của nền kinh tế là đồng tiền quốc gia, nhưng ở Việt Nam còn tồn tại thêm hai công cụ khác là vàng và Đô la. Nói loại bỏ chúng ra khỏi đời sống kinh tế thì tôi khẳng định là không mặc dù trên thực tế các ngân hàng đã sử dụng tới 51% số vàng huy động được để đầu tư vào phi sản xuất.
Thực tế này không những không tạo ra của cải cho xã hội mà còn gây rối loạn đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ. Rất may số lượng này không lớn.
Xung quanh vấn đề vàng, có ý kiến rằng, nên thu gom hết số vàng ngoài xã hội để phát huy giá trị sinh lời, có ý kiến khác đề xuất nên làm thế nào đó để ngân hàng không tạo điều kiện cho việc găm giữ vàng, người dân thấy không còn nhiều lợi ích, họ sẽ bán ra, lấy tiền đó để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước thấy cách này hợp lý hơn.
Hiện nay, cũng có một số góp ý với Ngân hàng Nhà nước nên huy động vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, thực hiện chiết khấu và có ưu tiên cho vàng miếng nhưng ở các nước khác họ có làm vậy đâu! Tất nhiên về lâu dài, phải tìm cách để tận đụng được vàng, phát huy giá trị kinh tế và hạn chế hiệu ứng xấu đối với nền kinh tế.
Mới đây, có thông tin dẫn từ Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, trữ lượng vàng trong dân của Việt Nam lên tới 1.000 tấn, ông bình luận gì về con số này?
Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có số liệu thống kê số vàng tồn trong dân. Ai đó khẳng định 1.000 tấn, thậm chí số lượng tương đương 45% GDP thì tôi không hiểu họ lấy số liệu ở đâu ra. Nếu đúng vậy thì dân ta quá giàu và GDP/đầu người không phải là 1.200 USD mà có khi lên tới 1.600 USD hoặc hơn!
Tuy nhiên, tới đây khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định quản lý vàng, chúng tôi sẽ có số liệu, nhưng chỉ là số liệu thông qua nhập xuất khẩu chính thức.
Cấp quota nhập vàng đủ để bình ổn thị trường
Nhìn lại mối quan hệ “vàng - đô” vừa qua, có ý kiến nói rằng, chính vàng là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá USD lên và giá USD cũng kích giá vàng theo, Thống đốc thấy sao?
Điều đó là có thật. Trong pháp lệnh ngoại hối của chúng ta hiện nay cho phép cá nhân nhận tiền kiều hối để gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, có người rút ra cất đi, có người mang theo mình. Vì thế việc cầm giữ USD là hợp pháp và họ kinh doanh số tiền đó như thế nào để có lợi, cơ quan nhà nước không can thiệp được.
Tới đây, nếu có điều kiện chỉnh sửa lại pháp lệnh này, sẽ sửa lại cho hợp lý.
Thống đốc có thể tiết lộ những con số xung quanh việc cấp quota nhập khẩu vàng lần này?
Trưa nay tôi quyết định cấp vì thấy giá vàng lên bất thường, lập tức giá giảm ngay. Những đợt sốt vàng lần trước, chúng tôi cũng cấp quota nhưng hơi ngắn ngày, trong khi giá cao nên nhiều doanh nghiệp không nhập.
Rút kinh nghiệm, đợt này tôi cấp hẳn tới 14 - 15 ngày để các doanh nghiệp chủ động. Đối tượng cấp lần này là các ngân hàng có ngoại tệ mới được nhập. Còn cấp số lượng bao nhiêu thì tôi xin nói là hoàn toàn đủ để bình ổn thị trường.
Từ đầu năm đến nay, đã ba lần Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng, Thống đốc đánh giá hiệu quả như thế nào?
Tất nhiên là nhìn thấy hiệu quả ngay, giá giảm rất mạnh. Nhưng cũng đừng nghĩ một quyết định cho phép nhập khẩu vàng là thứ quyết định mọi vấn đề mà không để ý gì đến nhập siêu và lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, hầu như năm nào cũng phải đối mặt với lạm phát và nguyên nhân nội tại thì không ít như tăng lương, giá mặt hàng thiết yếu (điện, than, xăng dầu…) tăng theo cơ chế thị trường, bão lụt, thiên tai...
Mặt khác, cơ cấu kinh tế hiện nay là kích thích xuất khẩu để tăng trưởng mà xuất khẩu lại dựa phần lớn vào nhập khẩu. Chưa kể, chính sách tài khóa, đầu tư nhiều lúc còn chưa nhịp nhàng với tiền tệ.
Vì thế, thị trường chẳng xa lạ gì với chuyện vàng là mỗi khi giá thế giới lên, giá trong nước đẩy vượt xa, đến kịch điểm thì cấp quota cho nhập khẩu để hạ giá.
Trạng thái ngoại tệ vẫn ở mức bình thường
Đang có dư luận, mỗi khi thị trường “vàng”, “đô” căng thẳng thì Ngân hàng Nhà nước cứ dò dẫm hoặc “đòn gió” chán rồi mới giải quyết, Thống đốc nói gì về vấn đề này?
Thị trường ngoại hối bao giờ cũng phải dựa trên quan hệ cung cầu. Chủ trương của Chính phủ nói rất rõ cái gì ưu tiên, cái gì không ưu tiên để kiềm chế nhập siêu. Năm nay, Bộ Công Thương rất xuất sắc khi đưa ra hai quyết định về danh mục hàng hóa nhằm giúp việc định hướng ưu tiên bán ngoại tệ như thế nào.
Thứ nhất là danh mục những loại hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu, sau đó là quyết định liệt kê toàn bộ danh mục sản phẩm mà trong nước sản xuất được. Vì thế, dự báo nhập siêu cả năm ở mức 13,5 tỷ USD nhưng giờ có thể nói một cách khiêm tốn nhất, nhập siêu cả năm nay ước 12 tỷ USD thôi.
Ngoài ra, năm nay còn có nguồn thu ngoại tệ khá lớn từ khách du lịch. Ai dám nghĩ Việt Nam có tới 5 triệu khách quốc tế mà họ lại ở lâu để đón các sự kiện lớn. Ngoài ra, ở các nước phát triển hiện cầu vốn đang rất yếu nên họ tìm đến các thị trường mới nổi. Mới đây, có hai tập đoàn kinh tế trong nước xin phát hành trái phiếu quốc tế, mỗi đơn vị khoảng 500 triệu USD.
Bên cạnh đó, nguồn kiều hối vẫn đều đặn chảy vào, vì thế, dự báo nguồn cung ngoại tệ năm nay rất khả quan.
Hiện tại, trạng thái ngoại tệ các ngân hàng như thế nào? Từ sau ngày 4/11 đến nay, việc bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại được thực hiện như thế nào?
Trạng thái ngoại tệ mấy ngày nay không dồi dào như trước, nhưng vẫn ở mức bình thường, không bị âm.
Tối 3/11 sau khi họp với Chính phủ xong, sang ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 16 ngân hàng thương mại phía Bắc để giải quyết nhu cầu ngoại tệ cho các ngân hàng. Tôi đã cho thành lập một tổ công tác độc lập trực thuộc Thống đốc, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay phục vụ thanh toán và báo cáo đầy đủ.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm, đừng hiểu Ngân hàng Nhà nước can thiệp là bơm tiền thoải mái. Không có đâu! Phải đảm bảo đủ thủ tục, đúng nhu cầu, đúng mục đích mới bán.
Đất nước mình còn nghèo ngoại tệ. Rất nhiều người đi xuất khẩu lao động đang nai lưng nhặt từng cắc nơi xứ người, phải trân trọng mồ hôi nước mắt của họ. Rồi những đồng ngoại tệ quý giá của Việt kiều đóng góp cho quê hương cũng rất quý. Phải nghĩ tới cái đó, chứ sao có thể phung phí, thả phanh để nhập khẩu những thứ xa xỉ cho thói xài sang?