09:47 28/06/2007

Dùng Quỹ công ích “kích” cổ phần hóa ngành điện

Đức Long

Chỉ có Quỹ Công ích điện lực mới có thể làm hết sự lo lắng “cổ phần hoá “xoá” điện khí hoá nông thôn”

Sẽ có 3 công ty điện lực và 5 công ty TNHH một thành viên điện lực thực hiện cổ phần hóa trong năm 2007, 2 công ty điện lực thực hiện trong năm 2008.
Sẽ có 3 công ty điện lực và 5 công ty TNHH một thành viên điện lực thực hiện cổ phần hóa trong năm 2007, 2 công ty điện lực thực hiện trong năm 2008.

Sẽ có 3 công ty điện lực và 5 công ty TNHH một thành viên điện lực thực hiện cổ phần hóa trong năm 2007, 2 công ty điện lực thực hiện trong năm 2008.

Đây là nội dung trong Quyết định phê duyệt Kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2007- 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong năm 2007 sẽ thực hiện cổ phần hóa Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 3 và các công ty TNHH một thành viên: Điện lực Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng; năm 2008: Công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Công ty Điện lực Tp.HCM.

Vẫn vướng ở cơ chế kinh doanh sau cổ phần hóa

Tổng kết năm 2006, EVN khẳng định, nguyên nhân dẫn tới công tác cổ phần hóa các công ty điện lực bị chậm là do chủ trương có sự thay đổi từ việc cổ phần hóa 13 đơn vị điện lực trực thuộc chuyển sang cổ phần hóa 3 công ty điện lực cấp miền nên phải thực hiện lại công tác đánh giá giá trị doanh nghiệp; thủ tục thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp bị kéo dài do chi phí cổ phần hóa công ty điện lực vượt mức cho phép, phải trình duyệt các bộ, ngành nhiều lần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù là thực hiện tại 13 đơn vị có quy mô nhỏ (trực thuộc) hay 3 đơn vị lớn (cấp miền), thì cản trở mạnh nhất đối với công tác cổ phần hóa các công ty phân phối điện vẫn là nguyên nhân thiếu cơ chế.

Theo số liệu của KPMG - công ty được EVN thuê thực hiện "Dự án tư vấn và xây dựng chương trình cổ phần hóa ngành điện Việt Nam - vốn vay WB", cả 3 công ty điện lực 1, 2 và 3 đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về thực hiện cổ phần hóa (có sản lượng điện vượt quá mức tối thiểu là 1,5 tỷ kWh), nhưng lại có tỷ lệ khách hàng ở nông thôn rất cao, đồng thời vẫn tiếp tục phải đảm đương nhiệm vụ mở rộng mạng lưới điện nông thôn.

Năm 2004, mức trợ cấp cho khu vực nông thôn (thông qua hình thức bù chéo giá) của Công ty Điện lực 1 là 2.589 tỷ đồng (chiếm 26,3% doanh thu bán điện), của Công ty Điện lực 2 là 122 tỷ đồng (1,2% doanh thu) và của Công ty Điện lực 3 là 682 tỷ đồng (15,4%).

Tới năm 2006, khi tổng sản lượng bán ra của 3 công ty đều tăng mạnh, tương ứng với 11,873 tỷ kWh, 12,288 tỷ kWh, 3,528 tỷ kWh, mức trợ cấp cũng tăng theo rất nhanh, vì tốc độ tăng trưởng phụ tải của khu vực sinh hoạt nông thôn thay đổi chóng mặt với mức sống ngày càng được cải thiện...

“Khi bán điện cho doanh nghiệp bán buôn ở nông thôn, chưa kể đến tổn thất truyền tải và chi phí vốn xây dựng hệ thống lưới điện phân phối, các công ty điện lực phải chịu tổn thất khoảng 170 đồng cho mỗi kWh. Nếu bán điện trực tiếp đến hộ gia đình nông thôn, tuy công ty điện lực có lợi nhuận khoảng 90 đồng trên một kWh, nhưng lại gánh thêm chi phí quản lý, nhân lực”, nghiên cứu của Viện Năng lượng trong năm 2006 cho biết.

Liệu những đơn vị phân phối điện tiến hành cổ phần hóa có thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài ngành, khi mà đồng vốn họ bỏ ra lại không được sử dụng vì mục tiêu kinh doanh tạo lợi nhuận?

Câu trả lời một phần có thể thấy từ một trong 3 "đại gia" nói trên: Công ty Điện lực 2 (kinh doanh bán điện trên địa bàn 20 tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trừ Đồng Nai và Tp.HCM), có mức tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm đạt gần 19%/năm, nhưng lãi từ kinh doanh điện từ năm 2002 lại giảm theo từng năm (năm 2003 lãi 200 tỷ đồng, năm 2005: còn 130 tỷ đồng, năm 2006: còn 48 tỷ đồng).

Mặc dù suất đầu tư cho khu vực nông thôn lớn, giá bán điện thấp, kinh doanh không hiệu quả, nhưng Công ty vẫn phải thực hiện nhiệm vụ phát triển phụ tải cho khu vực này với tốc độ 5%/năm. Năm 2006, chỉ tính riêng tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Phú Quý (Bình Thuận), Công ty đã "mất đứt" 43,565 tỷ đồng; dự kiến năm 2007: lỗ gần 54 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài ngành cảnh báo, với nhiệm vụ đảm bảo cung cấp an toàn và đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phải đảm bảo lãi cổ tức ít nhất là 5% sau khi cổ phần hóa, nếu Nhà nước không có một cơ chế đặc biệt thì chắc chắn việc cổ phần hóa hoá của Công ty sẽ khó có thể thành công.

Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Theo nhà tư vấn KPMG, để tiến trình cổ phần hóa các công ty điện lực không bị cản trở, cần sớm xác định rõ ràng về nghĩa vụ của các công ty cổ phần điện lực trong hoạt động điện khí hoá nông thôn, cơ chế hỗ trợ (trợ cấp) bán điện cho khu vực nông thôn.

Đồng tình với ý kiến này, trong bản góp ý kiến cho đề án cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN giai đoạn 2007- 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sau khi cổ phần hóa, các công ty cổ phần phân phối điện hoàn toàn có quyền tự chủ kinh doanh, đồng nghĩa với việc các đơn vị này có quyền chỉ bán điện ở những nơi đảm bảo có lãi và không bị bắt buộc phải bán điện cho những khu vực kinh doanh lỗ. Do vậy, rất cần có cơ chế đặc biệt đảm bảo cung cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của các công ty cổ phần phân phối điện.

Bộ Công nghiệp thì cho rằng, việc cổ phần hóa toàn bộ các công ty phân phối điện trước năm 2009 là quá nhanh trong khi vẫn còn có nhiều vấn đề vướng mắc chưa giải quyết được như: cơ chế giá bán điện của các doanh nghiệp, đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, quỹ công ích điện lực...

Kế hoạch đã được xác lập, tiến trình cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN nói chung và các đơn vị phân phối điện nói riêng vẫn đang ráo riết được triển khai, cho dù thiếu cơ chế.

Mới đây, Ban cổ phần hóa và Chứng khoán của EVN đã khẳng định: 0h ngày 1/7/2007 là thời điểm bắt đầu để xác định giá trị doanh nghiệp của 10 đơn vị tiến hành cổ phần hóa trong năm 2007, trong đó có các công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng.

EVN đã yêu cầu các đơn vị thực hiện cổ phần hóa trong năm 2007 cần nỗ lực hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp vào đầu quý 4/2007, bán cổ phần vào thời điểm cuối quý 4/2007 để đến quý 1/2008 có thể hoàn thành công tác cổ phần hóa và thành lập công ty cổ phần, các đơn vị cổ phần hóa trong năm 2008.

Dự kiến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 0h ngày 1/10/2007, việc bán cổ phần dự kiến được thực hiện vào cuối quý 2/2008.

Sự ra đời của Quỹ Công ích điện lực (nhằm hỗ trợ các đối tượng nghèo và khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo) đã thực sự cấp thiết, vì không những sẽ làm giảm áp lực đối với các công ty cổ phần phân phối điện về kinh doanh có lãi, huy động vốn đầu tư, mà còn góp phần xoá bỏ cơ chế bù chéo giá hiện nay, đảm bảo việc sử dụng điện được công bằng hơn.

Và, cuối cùng, chỉ có Quỹ Công ích điện lực mới có thể làm hết sự lo lắng “cổ phần hoá “xoá” điện khí hoá nông thôn”.