Đừng say điệu nhảy
“Nó” là giám đốc điều hành của ba công ty: một của Mỹ, một của Trung Quốc và một công ty Việt Nam
Chầm chậm lại đi
Đừng say điệu nhảy
Thời gian ngắn ngủi
Âm nhạc sẽ tàn
“Nó” là giám đốc điều hành của ba công ty: một của Mỹ, một của Trung Quốc và một công ty Việt Nam.
Những hôm việc kinh doanh dồn dập, bị đuối là tôi tìm đến Nó xin “một chút lửa” để thêm nghị lực lao vào làm việc tiếp, so với Nó những bận rộn của tôi chẳng là cái gì cả. Buổi trưa, hai chị em còn ngồi ăn chung với nhau ở Tp.HCM thì đầu giờ chiều “Chị ơi, em đang ở Tây Ninh”, đến chạng vạng Nó đã ở ngoài Đà Nẵng. Nó đi lại nhiều vì ba công ty mà Nó điều hành ngành nghề không giống nhau, nếu không muốn nói là tréo ngoe, giống như vừa kinh doanh thức ăn, vừa kinh doanh thuốc chuột vậy.
Nó là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, giỏi, bản lĩnh và luôn hãnh tiến. Nó có một gương mặt buộc người ta khi đi qua phải ngoái lại nhìn: nước da trắng, mắt to đen và đôi môi lúc nào cũng tô son màu đỏ cam khiêu khích. Nó và tôi biết nhau qua kinh doanh, sau một thời gian dài qua lại, tin tưởng đến độ những số tiền lớn chỉ giao nhận qua điện thoại.
Nhưng, Nó và tôi không biết nhà riêng, không biết hoàn cảnh sống của nhau và mối quan hệ của chúng tôi là bè chứ không phải bạn. Dân kinh doanh thường ít khi kết bạn với nhau, có lẽ do “gặp nhau nói chuyện tiền bạc hoài, chán quá!”. Tôi cũng không quan tâm Nó giàu đến mức độ nào, chỉ biết loáng thoáng tài sản của Nó không tính được bằng tiền đồng Việt Nam, mà đơn vị tính bằng tiền triệu USD.
Bỗng nhiên, Nó biến đi đâu mất ba ngày, đúng lúc việc làm ăn của Nó và tôi vào đợt cao điểm. Gọi điện không được, đến Công ty cũng không, nhà riêng thì tôi không biết; đổ quạu, tôi nhủ thầm: “Bà đầm phân (bón) mà cũng ngoài vòng phủ sóng, trong vòng phủ phê”.
Đến ngày thứ tư, Nó chủ động đặt với tôi cái hẹn tại văn phòng công ty Việt Nam của Nó. Có một cái gì đó lạnh dọc sóng lưng khi tôi gặp Nó: mặt Nó được đánh phấn cho trắng hơn nữa, mắt tô đen hơn nữa, đôi môi đỏ hơn nữa và nụ cười cũng hãnh tiến hơn, nhưng… đừng hòng qua mặt tôi!
Mặc cho Nó kiêu ngạo, mặc cho Nó phách lối, tôi đến gần và ôm Nó vào lòng, áp đầu Nó vào ngực tôi vỗ về (tôi có đọc ở đâu đó để biết rằng, khi con người ta được áp cái đầu của mình vào ngực người khác, thì lập tức cả hai đều được bình yên) và hỏi: “Có điều gì ghê gớm lắm vừa xảy ra với em, phải không?”. Nó không trả lời, một khoảng trống im lặng kéo dài…
Ngực tôi bắt đầu nặng vì Nó đã dựa hết vào tôi. Màu son trên đôi môi Nó nhòe nhoẹt trên áo tôi. Nó ngủ. Tôi cố gắng giữ yên – tôi biết giấc ngủ lúc này thật quý. Rồi có một âm thanh gì đó âm ỉ, não nuột, đau đớn đến xé lòng; đó là những giọt nước mắt được nuốt vào trong. Nó nói, giọng Nó ráo hoảnh: “Chị ơi, em vừa chôn xong thằng con trai duy nhất của em vào sáng hôm qua, nó mới mười tám tuổi”.
Giới kinh doanh của mình kể cũng lạ: lịch lãm, hãnh tiến thì trương ra, còn đau khổ đến cùng cực lại chịu đựng một mình. Nếu chia sẻ với ai đó thì vượt qua rồi mới chịu bộc lộ.
Gần mười năm quen biết, hiểu rõ nhau trong làm ăn, nhưng hôm nay lần đầu tiên chúng tôi nói với nhau về chuyện không phải tiền bạc. “Chị à, con người ta chết đơn giản lắm, nhanh lắm”. Nó nói tiếp: “Ngày thứ nhất con em sốt nhẹ, em vẫn đi làm việc vì nghĩ không có gì; ngày thứ hai, nó sốt cao hơn, em cũng đi nhưng cố tình không lên kế hoạch đi xa để trưa về nhà với con. Em cũng yên tâm vì con đã lớn và đã có bác sĩ gia đình.
Rạng sáng ngày thứ ba thì nó có vẻ đừ, em thức suốt đêm để ngồi bên cạnh con, mồ hôi nó cứ lã ra, em lau khô và thay quần áo cho con, rồi gọi điện thoại báo cho bác sĩ. Tay em cầm tay con, mắt em nhìn mắt con, nó nhìn em rồi… nó ngủ. Một lát sau, em có cảm giác tay con lạnh và nặng trong tay em, sờ đầu thì thấy không còn sốt nữa, em mừng. Em ngồi yên như thế thật lâu ngắm con mình ngủ, nó ngủ trông rất đẹp.
Đến lúc bác sĩ đến khám…, ông ấy nói với em rằng: thằng nhỏ đã chết lâu rồi! Chị ơi, người ta chết nhanh lắm, nhanh đến không ngờ. Em còn hứa là sẽ đi với nó về Cần Thơ để nó giới thiệu bạn gái của nó, thế mà không sao sắp xếp được; chắc lát nữa em phải đi liền”. Đã thế, Nó còn nói “Từ rất lâu chồng em đã có người đàn bà khác…”. Trời ơi.
Một tài sản không thể tính bằng tiền đồng Việt Nam, có ba công ty liền một lúc, nhưng đứa con trai duy nhất thì vừa mới qua đời, tuổi của Nó cũng đã bốn mươi, chồng lại có người đàn bà khác. Hơn nửa đời người vất vả, hoa nở không biết, chim hót không hay. Còn có cái gì ê chề hơn nữa không?
Tưởng Nó vượt qua được, ai dè không; nó đổ bệnh nặng sau ngày con Nó chết. Hôm tôi vào viện thăm chẳng biết Nó bệnh gì mà tóc rụng hết trơn. Nhìn quen gương mặt có đôi môi luôn tô màu đỏ cam khiêu khích, nay không còn, tự nhiên tôi lo sợ cho bạn của mình.
Còn lại tôi và các bạn – những người trong giới kinh doanh – hãy cùng chiêm nghiệm đoạn cuối của bài thơ:
Cuộc đời không phải cuộc đua
Chầm chậm lại thôi
Hãy lắng nghe tiếng nhạc
Trước khi bài ca tan biến.
(Bài thơ Slow Dance - Hoàng Thảo dịch – tác giả là một bé gái không biết tên đã chết vì bệnh ung thư ở New York).
* Bài đã đăng báo Phụ Nữ Chủ Nhật và Tạp chí Văn hóa Phật Giáo.
Đừng say điệu nhảy
Thời gian ngắn ngủi
Âm nhạc sẽ tàn
“Nó” là giám đốc điều hành của ba công ty: một của Mỹ, một của Trung Quốc và một công ty Việt Nam.
Những hôm việc kinh doanh dồn dập, bị đuối là tôi tìm đến Nó xin “một chút lửa” để thêm nghị lực lao vào làm việc tiếp, so với Nó những bận rộn của tôi chẳng là cái gì cả. Buổi trưa, hai chị em còn ngồi ăn chung với nhau ở Tp.HCM thì đầu giờ chiều “Chị ơi, em đang ở Tây Ninh”, đến chạng vạng Nó đã ở ngoài Đà Nẵng. Nó đi lại nhiều vì ba công ty mà Nó điều hành ngành nghề không giống nhau, nếu không muốn nói là tréo ngoe, giống như vừa kinh doanh thức ăn, vừa kinh doanh thuốc chuột vậy.
Nó là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, giỏi, bản lĩnh và luôn hãnh tiến. Nó có một gương mặt buộc người ta khi đi qua phải ngoái lại nhìn: nước da trắng, mắt to đen và đôi môi lúc nào cũng tô son màu đỏ cam khiêu khích. Nó và tôi biết nhau qua kinh doanh, sau một thời gian dài qua lại, tin tưởng đến độ những số tiền lớn chỉ giao nhận qua điện thoại.
Nhưng, Nó và tôi không biết nhà riêng, không biết hoàn cảnh sống của nhau và mối quan hệ của chúng tôi là bè chứ không phải bạn. Dân kinh doanh thường ít khi kết bạn với nhau, có lẽ do “gặp nhau nói chuyện tiền bạc hoài, chán quá!”. Tôi cũng không quan tâm Nó giàu đến mức độ nào, chỉ biết loáng thoáng tài sản của Nó không tính được bằng tiền đồng Việt Nam, mà đơn vị tính bằng tiền triệu USD.
Bỗng nhiên, Nó biến đi đâu mất ba ngày, đúng lúc việc làm ăn của Nó và tôi vào đợt cao điểm. Gọi điện không được, đến Công ty cũng không, nhà riêng thì tôi không biết; đổ quạu, tôi nhủ thầm: “Bà đầm phân (bón) mà cũng ngoài vòng phủ sóng, trong vòng phủ phê”.
Đến ngày thứ tư, Nó chủ động đặt với tôi cái hẹn tại văn phòng công ty Việt Nam của Nó. Có một cái gì đó lạnh dọc sóng lưng khi tôi gặp Nó: mặt Nó được đánh phấn cho trắng hơn nữa, mắt tô đen hơn nữa, đôi môi đỏ hơn nữa và nụ cười cũng hãnh tiến hơn, nhưng… đừng hòng qua mặt tôi!
Mặc cho Nó kiêu ngạo, mặc cho Nó phách lối, tôi đến gần và ôm Nó vào lòng, áp đầu Nó vào ngực tôi vỗ về (tôi có đọc ở đâu đó để biết rằng, khi con người ta được áp cái đầu của mình vào ngực người khác, thì lập tức cả hai đều được bình yên) và hỏi: “Có điều gì ghê gớm lắm vừa xảy ra với em, phải không?”. Nó không trả lời, một khoảng trống im lặng kéo dài…
Ngực tôi bắt đầu nặng vì Nó đã dựa hết vào tôi. Màu son trên đôi môi Nó nhòe nhoẹt trên áo tôi. Nó ngủ. Tôi cố gắng giữ yên – tôi biết giấc ngủ lúc này thật quý. Rồi có một âm thanh gì đó âm ỉ, não nuột, đau đớn đến xé lòng; đó là những giọt nước mắt được nuốt vào trong. Nó nói, giọng Nó ráo hoảnh: “Chị ơi, em vừa chôn xong thằng con trai duy nhất của em vào sáng hôm qua, nó mới mười tám tuổi”.
Giới kinh doanh của mình kể cũng lạ: lịch lãm, hãnh tiến thì trương ra, còn đau khổ đến cùng cực lại chịu đựng một mình. Nếu chia sẻ với ai đó thì vượt qua rồi mới chịu bộc lộ.
Gần mười năm quen biết, hiểu rõ nhau trong làm ăn, nhưng hôm nay lần đầu tiên chúng tôi nói với nhau về chuyện không phải tiền bạc. “Chị à, con người ta chết đơn giản lắm, nhanh lắm”. Nó nói tiếp: “Ngày thứ nhất con em sốt nhẹ, em vẫn đi làm việc vì nghĩ không có gì; ngày thứ hai, nó sốt cao hơn, em cũng đi nhưng cố tình không lên kế hoạch đi xa để trưa về nhà với con. Em cũng yên tâm vì con đã lớn và đã có bác sĩ gia đình.
Rạng sáng ngày thứ ba thì nó có vẻ đừ, em thức suốt đêm để ngồi bên cạnh con, mồ hôi nó cứ lã ra, em lau khô và thay quần áo cho con, rồi gọi điện thoại báo cho bác sĩ. Tay em cầm tay con, mắt em nhìn mắt con, nó nhìn em rồi… nó ngủ. Một lát sau, em có cảm giác tay con lạnh và nặng trong tay em, sờ đầu thì thấy không còn sốt nữa, em mừng. Em ngồi yên như thế thật lâu ngắm con mình ngủ, nó ngủ trông rất đẹp.
Đến lúc bác sĩ đến khám…, ông ấy nói với em rằng: thằng nhỏ đã chết lâu rồi! Chị ơi, người ta chết nhanh lắm, nhanh đến không ngờ. Em còn hứa là sẽ đi với nó về Cần Thơ để nó giới thiệu bạn gái của nó, thế mà không sao sắp xếp được; chắc lát nữa em phải đi liền”. Đã thế, Nó còn nói “Từ rất lâu chồng em đã có người đàn bà khác…”. Trời ơi.
Một tài sản không thể tính bằng tiền đồng Việt Nam, có ba công ty liền một lúc, nhưng đứa con trai duy nhất thì vừa mới qua đời, tuổi của Nó cũng đã bốn mươi, chồng lại có người đàn bà khác. Hơn nửa đời người vất vả, hoa nở không biết, chim hót không hay. Còn có cái gì ê chề hơn nữa không?
Tưởng Nó vượt qua được, ai dè không; nó đổ bệnh nặng sau ngày con Nó chết. Hôm tôi vào viện thăm chẳng biết Nó bệnh gì mà tóc rụng hết trơn. Nhìn quen gương mặt có đôi môi luôn tô màu đỏ cam khiêu khích, nay không còn, tự nhiên tôi lo sợ cho bạn của mình.
Còn lại tôi và các bạn – những người trong giới kinh doanh – hãy cùng chiêm nghiệm đoạn cuối của bài thơ:
Cuộc đời không phải cuộc đua
Chầm chậm lại thôi
Hãy lắng nghe tiếng nhạc
Trước khi bài ca tan biến.
(Bài thơ Slow Dance - Hoàng Thảo dịch – tác giả là một bé gái không biết tên đã chết vì bệnh ung thư ở New York).
* Bài đã đăng báo Phụ Nữ Chủ Nhật và Tạp chí Văn hóa Phật Giáo.