16:11 15/05/2007

Đường vòng tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam

Một số định chế tài chính nước ngoài “lặng lẽ” đi theo đường khác để có thể cung cấp những khoản cho vay tại thị trường Việt Nam

Société Générale muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Société Générale muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Ngân hàng Nhà nước vừa cấp phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Tài chính Việt - Société Générale của Ngân hàng Société Générale (Pháp), trước đó không lâu là giấy phép thành lập Công ty Tài chính Prudential, và hiện tại đã có những đề xuất tương tự tới Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi nhiều ngân hàng nước ngoài với nhiều cách khác nhau tìm cách mở rộng thị trường tại Việt Nam nhưng chưa dễ dàng, thì một số định chế tài chính nước ngoài khác “lặng lẽ” đi theo đường khác để có thể cung cấp những khoản cho vay tại thị trường Việt Nam với số lượng nghiệp vụ có thể bó hẹp hơn phạm vi của một ngân hàng thương mại nhưng hiệu quả không hề thấp.

Tương tự với các nhà đầu tư trong nước, khi việc thành lập ngân hàng mới tỏ ra chưa dễ dàng thì việc thành lập các công ty tài chính cũng là một hướng đi khác đang hấp dẫn.

Nhu cầu tăng vọt

Loại hình công ty tài chính từ trước tới nay tồn tại như là các thành viên của tổng công ty, hoạt động chủ yếu là hỗ trợ vốn cho dự án của các thành viên trong tổng công ty. Về quy định, nếu so với hoạt động của một ngân hàng thương mại thì các công ty tài chính này chỉ bị hạn chế hơn chủ yếu 2 lĩnh vực là không được huy động vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) và không được làm thanh toán.

Lĩnh vực hoạt động còn lại khá rộng, thậm chí cả nghiệp vụ cho vay tiêu dùng đang “rất mốt” của các ngân hàng thương mại, nhưng trên thực tế hầu hết công ty chưa tạo một vị thế đáng kể trên thị trường. Thậm chí, đã có công ty phải sáp nhập thành một pháp nhân mới như Công ty Tài chính Sài Gòn trước kia đã sáp nhập với đối tác khác để thành Ngân hàng Việt Á, hay như Công ty Tài chính Seaprodex đã không còn hoạt động.

Thế nhưng sự phát triển của thị trường tài chính đang khiến điều này thay đổi, hầu hết công ty tài chính thành viên của tổng công ty trước đây đang rục rịch chuyển đổi mô hình hoạt động sang cổ phần, thậm chí có công ty đang định hướng phát triển thành mô hình công ty cổ phần nhiều thành viên. Chẳng hạn, Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) đã nâng vốn điều lệ và chuẩn bị mở thêm hàng loạt công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo số liệu của NHNN, hiện có 10 hồ sơ xin thành lập mới loại hình công ty tài chính cổ phần vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, điều này vẫn phải chờ, bởi NHNN đang xây dựng một quy chế về việc cấp phép thành lập và hoạt động của loại hình công ty này, và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.

Đối với khối đầu tư nước ngoài, hiện đã có quy định về việc thành lập mô hình công ty tài chính 100% vốn nước ngoài và không chỉ hai trường hợp được cấp phép, vẫn đang có một số định chế tài chính nước ngoài có những đề xuất tương tự để tiếp cận thị trường Việt Nam, trong đó có cả những tập đoàn rất lớn như GE Money (Mỹ).

Hứa hẹn

Theo giấy phép của Công ty TNHH Tài chính Việt - Société Générale, thì công ty này được hoạt động khá rộng như phát hành các loại kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi,... để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Về hoạt động tín dụng thì được phép cấp tín dụng tiêu dùng như cho vay mua trả góp, phát hành thẻ tín dụng và cho vay bằng tiền, cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính, ngân hàng, tiền tệ, đầu tư về tiêu dùng,...

Theo các chuyên gia tài chính, với một thị trường tín dụng tiêu dùng đang rất tiềm năng như ở Việt Nam thì các công ty tài chính dạng này sẽ có một tương lai hoạt động kinh doanh rất tốt so với các công ty tài chính trong nước, trước đây chỉ tập trung phục vụ các dự án của tổng công ty mẹ.

Thực tế cho thấy, chiến lược của hầu hết ngân hàng Việt Nam hiện nay là trở thành các ngân hàng bán lẻ, tức là cung cấp chủ yếu các dịch vụ tín dụng tiêu dùng… đã cho thấy tiềm năng thị trường được đánh giá cao như thế nào. Với dân số hơn 80 triệu người nhưng mới chỉ có hơn 5 triệu tài khoản cá nhân tại ngân hàng, thấp hơn nhiều so với mức độ phổ cập dịch vụ ngân hàng ở các nước trong khu vực. Do vậy, đây là thời điểm để các công ty tài chính có kinh nghiệm phát triển tại thị trường Việt Nam.

Trong trả lời phỏng vấn báo giới vào đầu năm nay, đại diện của GE Money cũng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. “Với sự phát triển kinh tế, nhu cầu về các sản phẩm bán lẻ như thẻ tín dụng, vay cá nhân, vay mua ô tô,... sẽ tăng mạnh hơn bao giờ hết”, GE Money nhận định.

Với kinh nghiệm toàn cầu tại 50 nước và khoảng 120 triệu khách hàng, khi được cấp phép tại Việt Nam, GE Money hay các công ty nước ngoài khác sẽ là một động lực làm vai trò của các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhiều lần thay vì hiện nay, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng hầu như chỉ do ngân hàng thương mại cung cấp.