21:26 18/01/2011

DVD bị đình chỉ phát hành: Cổ đông thực hiện quyền thiệt nặng?

Khánh Hà

Cổ đông DVD sẽ được nhận lại tiền mua cổ phiếu đã nộp, nhưng còn phần "lỗ" do giá bị điều chỉnh kỹ thuật thì không biết đòi ai

Nếu giá DVD được "bù" phần điều chỉnh kỹ thuật, nhà đầu tư mua ở giá những ngày vừa qua lại quá lợi
Nếu giá DVD được "bù" phần điều chỉnh kỹ thuật, nhà đầu tư mua ở giá những ngày vừa qua lại quá lợi
Tin sốc với cổ đông Công ty Dược Viễn Đông (DVD) là chiều muộn 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã quyết định hủy bỏ đợt phát hành ra công chúng.

Việc hoàn tiền đã nộp cho nhà đầu tư không có gì đáng nói, quan trọng hơn là việc điều chỉnh giá đã xảy ra sẽ giải quyết thế nào?

Ba sai phạm

Theo Quyết định số 59/QĐ-UBCK ngày 18/01/2011 của SSC, trong vòng 60 ngày kể từ khi cơ quan quản lý đình chỉ có thời hạn đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (ngày 19/11/2010), DVD vẫn chưa thực hiện khắc phục các thiếu sót.

Thứ nhất, DVD không cung cấp được các chứng từ chứng minh doanh thu có thật từ giao dịch của DVD với các doanh nghiệp:  Công ty Cổ phần Liên doanh LiLy Pháp, Công ty TNHH Phát triển thương mại và Kỹ thuật Hoàn Thiện, Công ty Cổ phần Quốc tế Viễn Đông, cũng như giá trị các hợp đồng ký kết năm 2010. Theo báo cáo tài chính các năm từ 2007-2010, phần lớn doanh thu của DVD là phát sinh từ các giao dịch với các công ty nêu trên. 

Ngày 14/1/2011, DVD cũng đã có công văn số 12/CV/2011 báo cáo tình hình tài chính sơ bộ của công ty tính tới thời điểm 31/12/2010. Theo đó, tài sản ròng của doanh nghiệp ước tính ở mức 796 tỷ đồng, trong đó tổng vay và lãi vay phải trả ngân hàng là 728 tỷ đồng. Ngoài ra, DVD phải trả lại tiền cho các cổ đông đề nghị hoàn trả tiền mua cổ phiếu từ đợt chào bán là hơn 69 tỷ đồng, các khoản phải trả trái phiếu cho công đoàn và cổ phiếu tri ân khách hàng hơn 89 tỷ đồng (khoản này không đưa vào báo cáo tài chính từ trước đến nay). Các khoản chưa thể xác nhận, đối chiếu được là 641 tỷ đồng. 

Thứ hai, DVD đã thừa nhận tại biên bản làm việc ngày 17/11/2010 với SSC về việc đưa các thông tin về Công ty YVERRY không được kiểm chứng, sai lệch, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư vào trong Bản cáo bạch. Cho tới nay, các thông tin chính xác về Công ty YVERY cũng chưa được DVD chỉnh sửa, bổ sung.

Thứ ba, về việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng theo giấy chứng nhận đăng ký chào bán số 652/UBCK-GCN do UBCKNN cấp ngày 25/8/2010: Theo giải trình của DVD tại công văn số 32/CVKT/2010 ngày 23/11/2010, DVD đã sử dụng vốn sai mục đích so với kế hoạch nêu tại bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Ai bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

Với quyết định hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của DVD, SSC yêu cầu trong vòng 7 ngày kể từ hôm nay, Công ty phải công bố thông tin này ra công chúng. Trong vòng 15 ngày kể từ hôm nay DVD phải thu hồi các chứng khoán đã phát hành, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Quá thời hạn này, DVD phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư. Nhà đầu tư có quyền khởi kiện DVD nếu Công ty không hoàn trả và bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. DVD chịu trách nhiệm thực hiện theo các quy định pháp luật để giải quyết quyền lợi hợp pháp của các cổ đông.

SSC cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan công an thu thập bằng chứng về việc lãnh đạo DVD đã giả mạo hồ sơ niêm yết, hồ sơ chào bán và đánh giá ảnh hưởng tới tình hình tài chính của công ty để có biện pháp xử lý tiếp theo.

Như vậy “án treo” đối với trường hợp phát hành thêm của DVD đã kết thúc. Việc nhận lại tiền đã nộp để mua cổ phiếu không có gì khó khăn. Tuy nhiên do DVD đã thực hiện niêm yết và giá cổ phiếu đã điều chỉnh kỹ thuật nên những vướng mắc nảy sinh rất phức tạp: Giá DVD trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 144.000 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền được điều chỉnh là 100.000 đồng/cổ phiếu. Khi đợt phát hành bị hủy bỏ, khả năng giá có được điều chỉnh ngược trở lại trên cơ sở bù theo giá trị quyền mua tương ứng hay không còn chưa rõ vì chưa có tiền lệ.

Việc điều chỉnh kỹ thuật giá cổ phiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền được thực hiện ở sở giao dịch. Tuy nhiên, sở chỉ điều chỉnh khi việc phát hành đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật và HOSE không có lỗi gì trong chuyện này. Ngay cả quy định của cả hai sở giao dịch cũng không tính đến khả năng phải điều chỉnh giá ngược vì không ai ngờ được việc phát hành lại bị đình chỉ sau khi đã được chấp thuận và chốt quyền. 

Đợt phát hành bị hủy thì rõ ràng cổ đông thực hiện quyền mua đang bị thiệt vì giá đã điều chỉnh kỹ thuật. Trong trường hợp này không thể có được sự công bằng cho tất cả. Nếu “bù giá” để cổ đông thực hiện quyền đỡ thiệt thì nhà đầu tư  mua sau ngày chốt quyền lại quá lợi vì tự nhiên lại được thêm “cục” tiền. Việc phân định ai nắm giữ cổ phiếu để thực hiện quyền, ai mua sau khi điều chỉnh giá trong khoảng thời gian vài tháng là bất khả thi. Ngay việc điều chỉnh lại giá hay bồi thường cũng không biết căn cứ vào khung pháp lý nào.