16:38 20/12/2010

DVD tăng giá vì thay nhân sự cao cấp?

Nguyễn Hoàng

Cổ phiếu DVD bất ngờ tăng trần liên tục 2 phiên trở lại đây. Diễn biến này là phản ứng với thông tin thị trường đã biết hay chưa biết?

Mức giảm giá thời gian qua của DVD đã "chiết khấu" hết tin xấu?
Mức giảm giá thời gian qua của DVD đã "chiết khấu" hết tin xấu?
Hai phiên giao dịch gần đây cổ phiếu DVD đột ngột tăng trần. Dù thanh khoản không thực sự lớn nhưng với sức nặng của những tin xấu, diễn biến tăng giá vẫn rất đáng chú ý.

Hôm nay, Công ty Dược Viễn Đông (DVD) chính thức công bố kết quả cuộc họp bất thường của HĐQT, thay chủ tịch HĐQT cũ – bà Trần Thanh Hoa – bằng ông Đào Xuân Hưởng, Tổng giám đốc đương nhiệm. Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hải sẽ thay ông Hưởng làm Tổng giám đốc DVD.

Như vậy đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng, DVD có sự thay đổi về nhân sự cao cấp. Ngày 25/11/2010, sau khi ông Lê Văn Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT DVD bị bãi miễn do bị Cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam vì liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán, bà Hoa được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT và ông Hưởng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc.

Ông Hưởng từng là thành viên HĐQT DVD, sở hữu 450.000 cổ phiếu và từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Nhà máy Lili of France  - nhà máy trực thuộc DVD. Bà Hoa trước đây là đại diện phần vốn của Ngân hàng An Bình tại DVD. Bà Hoa sau ngày 20/12 thôi chức chủ tịch HĐQT DVD đồng thời cũng không còn là người đại diện phần vốn của Ngân hàng này nữa. Người thay thế bà Hoa là ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình. Ông Thanh cũng sẽ tham gia làm thành viên HĐQT của DVD.

Người tạm thời giữ chức Tổng Giám đốc DVD – ông Nguyễn Quốc Hải – nguyên là Phó tổng giám đốc phụ trách kênh bán hàng DVD. Theo thông tin từ DVD, ông Hải là người đã đồng hành cùng công ty từ những ngày đầu triển khai kênh phân phối. “Thời điểm hiện tại, DVD muốn đẩy mạnh doanh số bán hàng, đưa công ty thoát khỏi tình trạng khó khăn tạm thời. Ông Hải hơn ai hết hiểu rõ thế mạnh cũng như những khó khăn cần giải quyết trong công việc bán hàng và các hoạt động kinh doanh khác của DVD”, thông cáo báo chí của DVD viết. 

Mặc dù ngày 20/12 DVD mới chính thức công bố thông tin thay đổi một loạt nhân sự cao cấp nhưng giá DVD đã tăng trần sang phiên thứ 2. Tính từ thời điểm 26/11/2010 – ngày ông Lê Văn Dũng bị bắt – DVD đã giảm giá khoảng 26,4%, xuống mức thấp nhất 36.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên nếu tính từ thời điểm cao nhất trong tháng 9/2010, DVD đã mất khoảng 68,4% thị giá, từ mức 115.000 đồng/cổ phiếu.

Kể từ khi bị HOSE đưa vào diện kiểm soát ngày 2/12/2010 với duy nhất 15 phút giao dịch đóng cửa, DVD hầu như giảm sàn liên tục. Lượng cung bình quân khoảng 300.000 cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, 5 phiên trở lại đây lượng bán đột ngột giảm mạnh, chỉ còn bình quân dưới 100.000 cổ phiếu/phiên, trong khi lượng mua tăng lên, đạt bình quân 190.000 cổ phiếu/phiên.

Khối lượng bán giảm cùng với tốc độ mất giá rất mạnh của DVD có thể là biểu hiện của tâm trạng chán nản của cổ đông. Mức lỗ hiện tại đã quá lớn trong khi vụ việc của DVD vẫn chưa có thêm thông tin gì mới. 

Liệu diễn biến tăng giá của DVD hai hôm nay thuần túy là phản ứng với thông tin được biết cho đến thời điểm hiện tại, hay vì cầu đã đủ mạnh để cân bằng với sự chán nản của người bán?

DVD từng có hai phiên giao dịch đột biến về khối lượng và giá tăng vào các ngày 30/11 và 10/12. Đặc biệt phiên ngày 30/11 có tới trên 617.000 cổ phiếu được chuyển nhượng, giá dao động 10% ngay trong phiên. 

Thông thường trong một xu hướng giá cổ phiếu đang lao dốc, xuất hiện khối lượng giao dịch đột biến, rất có thể là hiện tượng thu gom. Lượng nhà đầu tư bắt đáy chấp nhận đánh cược với rủi ro có thể làm mất cân bằng cung cầu tại một thời điểm. Nếu khối lượng mua đủ lớn để tiêu hóa hết những người muốn bán thì giá có thể phục hồi. Thực tế sau phiên ngày 30/11, DVD đã tăng và đi ngang trong 3 phiên trước khi trở lại quán tính giảm sàn thêm 5 phiên liên tục nữa.

Liệu mức giá 36.300 đồng/cổ phiếu ngày 16/12 vừa qua của DVD đã là đáy? Hai phiên tăng giá gần đây – dù là giá trần – vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Trong hành trình đi xuống của DVD từ mốc trên 100.000 đồng/cổ phiếu, cũng có rất nhiều “trạm nghỉ” mà nhà đầu tư tưởng như đã xác lập đáy. Đa số các “trạm nghỉ” đó không giữ vững được qua T+4 và rất nhiều người đã chấp nhận bị “kẹp”.

Một điều không thể phủ nhận là DVD đã giảm rất dài và liên tục, áp lực bán tháo cũng giảm rất mạnh. Đó cũng có thể xem là mức giảm giá đã phần nào “chiết khấu” những “tai nạn” mà DVD gặp phải. Tuy nhiên khó có thể coi những thông tin thay đổi nhân sự nói trên là động lực cho những phiên tăng trần gần đây. DVD vẫn chưa có những thông tin rõ ràng liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như những rủi ro pháp lý có thể gặp phải.

Trên thị trường hiện đang có rất nhiều tin đồn liên quan đến DVD, thậm chí cả khả năng “tai qua nạn khỏi” trong vụ làm giá HTV. Những thông tin nhỏ giọt và biến động giá trần sàn chóng mặt khiến không ít nhà đầu tư coi giao dịch với DVD không khác gì chơi xổ số, được ăn cả, ngã về không! 

Từ góc độ cung cầu, người “dám” mua DVD hẳn phải có khả năng chịu đựng rủi ro rất cao hoặc rất nhạy bén, có lợi thế về thông tin. Dù sao số lượng nhà đầu tư đang phải “cắn răng” đầu tư dài hạn với DVD là rất lớn. Đó sẽ là lực cản chính nếu DVD phục hồi thuần túy nhờ hoạt động đầu cơ, thay vì các yếu tố cơ bản.