08:42 18/04/2008

EIA và Telapak gán tội ngành gỗ Việt Nam

Ái Vân

EIA và Telapak quy kết ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh là nhờ sử dụng gỗ lậu

Nguyên liệu gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam đều được các cơ quan chức năng hải quan, thuế vụ, kiểm lâm kiểm tra nguồn gốc.
Nguyên liệu gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam đều được các cơ quan chức năng hải quan, thuế vụ, kiểm lâm kiểm tra nguồn gốc.

Xài gỗ lậu mới phát triển nhanh! Đó là lời cáo buộc nêu ra trong bản báo cáo của cơ quan điều tra môi trường phi chính phủ (EIA) và đối tác Telapak (Indonesia) đã công bố vào cuối tháng 3 vừa qua tại Mỹ.

Nội dung của bản báo cáo này đã quy kết ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh là nhờ sử dụng gỗ lậu. Hiện tại, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang rất bức xúc từ các thông tin sai lệch này.

Để chứng minh cho luận điểm của mình quy kết ngành chế biến gỗ Việt Nam sử dụng gỗ lậu, trong bản báo cáo đã đưa ra những luận cứ về tình hình bảo vệ khai thác tài nguyên rừng của Việt Nam.

Ngành sản xuất gỗ Việt Nam trong mắt EIA và Telapak

Theo EIA và Telapak, tại Việt Nam, từ những năm 80 đến đầu những năm 90, một lượng lớn diện tích rừng tự nhiên đã bị khai thác.

Bản báo cáo đưa ra con số có lúc 4,5 triệu m3 gỗ rừng bị đốn/năm trong khoảng thời gian này. Trước tình hình phá rừng ồ ạt như vậy, từ năm 1992, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm soát ngành khai thác gỗ như: giảm 80% hạn ngạch và cấm xuất khẩu gỗ tròn.

Năm 1997, Việt Nam đã đóng cửa 3/4 các doanh nghiệp nhà nước khai thác rừng. Cùng lúc này, Việt Nam lại đẩy mạnh các hoạt động để bành trướng ngành sản xuất đồ gỗ. Cùng với việc kiểm soát nội địa, Việt Nam bắt đầu tăng số lượng gỗ súc nhập từ các nước láng giềng là Campuchia và Lào, Malaysia, Indonesia.

Cuối những năm 90, Việt Nam đã tiến hành nhập khẩu gỗ súc trái phép từ Campuchia. EIA và Telapak ước tính ít nhất 500.000 m3 gỗ tròn từ Lào nhập vào Việt Nam hàng năm.

Như vậy, hàm ý của bản cáo cáo là gán tội cho những thành tích của ngành chế biến gỗ Việt Nam có được nhờ việc tiêu thụ gỗ khai thác trái phép. Các loại gỗ nhập khẩu chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ và ván.

Qua hoạt động điều tra, EIA và Telapak cho rằng ngoài lượng lớn gỗ súc khai thác từ rừng trồng nhập khẩu có chứng nhận như: gỗ bạch đàn, keo hay teak, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam còn sử dụng lượng lớn gỗ rừng như: teak, gỗ dầu, chò chỉ khai thác lậu.

Ngành gỗ Việt Nam đã nhập khẩu 2 triệu m3 gỗ xúc/năm, đạt trên 80% nhu cầu nguyên liệu của ngành. Năm 2007 Việt Nam đã nhập khẩu 3 triệu m3 gỗ xúc cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Tiếp đó, bản báo cáo còn đưa ra những con số phấn đấu của ngành như đến năm 2010 xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD; năm 2020 đạt 7 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn cung cấp gỗ trong nước còn hạn chế không đủ đáp ứng sự mở rộng của ngành công nghiệp gỗ, vì vậy Việt Nam phải dựa vào nguồn nhập khẩu gỗ súc.

EIA còn nói rằng: chỉ trong một thập kỷ, Việt Nam đã tạo được vị thế là nhà sản xuất đồ gỗ tầm cỡ thế giới với 90% tổng sản phẩm xuất khẩu sang 120 quốc gia. Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng được ngành công nghiệp chế biến gỗ năng động, nhiều trung tâm chế biến gỗ ở các địa phương đang nổi lên.

Năm 2007, ngành xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam đạt giá trị 2,4 tỷ USD, tăng 10 lần so với năm 2000. Hiện Việt Nam đang trở thành nhà xuất khẩu đứng thứ 5 về sản phẩm đồ gỗ trên thế giới. Ước tính năm 2008 ngành công nghiệp gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.

Cũng trong bản báo cáo, EIA còn lên tiếng nói rằng Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động để đẩy mạnh ngành sản xuất đồ gỗ. Chẳng hạn như đưa ra các thông số như năm 2007 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh mở rộng thị trường quốc tế cho mặt hàng đồ gỗ với ngân sách 10 triệu USD/năm. Triển khai một chính sách tín dụng và các quy định nới lỏng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ thêm cho ngành sản xuất này về nguồn nguyên liệu thô, máy móc, đưa ra mức thuế thuận lợi cho các doanh nghiệp có hướng xuất khẩu.

EIA và Telapak đưa ra thông tin sai lệch

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores), bản báo cáo trên đã đưa ra những thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ để làm mất uy tín của ngành chế biến gỗ và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Trong bản báo cáo của mình, EIA và Telapak đã xếp ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ. Năm 2007, đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ là 2,4 tỉ USD. Đây là một con số không chính xác.

Về vấn đề này, Chánh văn phòng Vietfores, ông Trịnh Vỹ cho biết, Việt Nam chỉ đứng thứ 2 về xuất khẩu sản phẩm gỗ ở khu vực Đông Nam Á và so với thế giới còn thua xa Trung Quốc, Hoa Kì, Đức, Pháp, Italy, Brazil và Mexico.

Nếu nói doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gỗ lậu để sản xuất thì không đúng sự thật. Vì thực tế, hàng hóa xuất vào các thị trường trên quốc tế, phía nhà nhập khẩu yêu cầu phải có giấy chứng nhận quản lí rừng bền vững (FSC) do Hội đồng quản trị rừng thế giới chứng nhận.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định của FSC. Nếu nói doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gỗ lậu trong sản xuất như vậy khác nào không công nhận sự uy tín của chứng chỉ FSC?

Chánh văn phòng Vietfores cho biết: hàng năm Việt Nam bỏ ra gần 1 tỉ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ rất nhiều nước trên thế giới, với các loại gỗ phục vụ cho việc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang các nước, gồm có: sồi, dương, anh đào, tần bì từ Hoa Kì, giẻ gai (Đức), Bỉ, Rumani, Italia, Pháp... Ngoài ra, còn nhập các loại gỗ rừng trồng như bạch đàn (Nam Phi), thông (Australia, New Zealand), teak (châu Phi).

Ngành gỗ đồng loạt lên tiếng

Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đều đang rất bức xúc trước những lời cáo buộc của EIA và Telapak. Họ cho biết: các văn bản hợp đồng mua gỗ, giấy phép vận chuyển, gỗ nhập khẩu đều được kiểm tra cẩn thận dưới sự giám sát, kiểm tra tại chỗ ngay từ cảng. Nguyên liệu gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều được các cơ quan chức năng hải quan, thuế vụ, kiểm lâm kiểm tra nguồn gốc.

Để tìm hướng giải quyết cho vụ việc này, mới đây Bộ Công Thương, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores) và các doanh nghiệp đã họp bàn. Trước những lời cáo buộc ác ý trên, theo nguồn tin riêng, phía các ban ngành đã yêu cầu các doanh nghiệp thật sự bình tĩnh.

Mục đích của bản báo cáo mà EIA và Telapak đưa ra nhằm hạ uy tín của ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam. EIA là một tổ chức môi trường (Environmental Ivestigation Agency); Telapak là một tổ chức phi chính phủ của Indonesia.

Như nhận định chung, đây là hành vi cạnh tranh thương mại không lành mạnh, dùng lời lẽ bêu xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của đối thủ. Các doanh nghiệp lọt vào “sổ đen” của EIA và Telapak đều kêu rằng những con số nêu ra trong bản báo cáo là phóng đại. Phải mất cả vài năm, các doanh nghiệp mới đạt được tới những con số ấy.

Một trong những doanh nghiệp cho biết bị cáo buộc nhập khẩu đến 15.000 m3/năm gỗ từ Lào nhưng thực tế trung bình doanh nghiệp chỉ có 3.000 m3/năm.

Còn như ý kiến từ Ban lãnh đạo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM thì không thể nói đôi giữa việc phá rừng ở Lào với sự phát triển của ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam. Để đạt được những kết quả như ngày nay, Việt Nam đã ra sức phấn đấu rất nhiều từ nỗ lực của bản thân nội bộ đến đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư trong nhiều năm liền.

Các hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ đều có bên thứ 3, đơn vị cấp chứng nhận FSC giám sát. Vì vậy, tại thời điểm này, đang đợi sự đánh giá của đơn vị cấp chứng nhận FSC cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Như vậy, đơn vị này sẽ phải có văn bản thông báo rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam không vi phạm những điều khoản về bảo vệ rừng của FSC trước tháng 5/2008.