11:53 26/05/2007

Eminence muốn đánh bóng tên tuổi?

Ý kiến của một số quan chức bộ Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư về dự án "30 tỉ USD" của Tập đoàn Eminence

Buổi họp báo do Eminence tổ chức tại Hà Nội.
Buổi họp báo do Eminence tổ chức tại Hà Nội.
Liên quan tới dự án 30 t USD, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào nhận định, nhiều khả năng Tập đoàn Eminence mới thành lập, muốn làm một cú giật gân để đánh bóng tên tuổi mà thôi!

>>Theo dòng sự kiện

Báo chí đã đưa tin một quan chức Bộ Thương mại cho biết là đã từng dẫn Chủ tịch Tập đoàn Eminence Yang Wu Song (Dương Vũ Thông) đến gặp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Phúc và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào.

Chiều 25/5, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, khẳng định: “Tôi chưa bao giờ gặp người nào liên quan tới dự án này và Bộ Công nghiệp chưa bao giờ tiếp những người như thế này cả. Nếu mà gặp Bộ Công nghiệp thì dự án thép này đã bị từ chối ngay rồi, vì Việt Nam hiện đang thừa dự án thép.

Ngay như, Tycoon (một doanh nghiệp sản xuất thép) ngày trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ hởi chào đón nhưng cho đến nay qua 3 năm có giấy phép đầu tư vào Dung Quất đã làm được gì đâu. Thực chất là những dự án sản xuất thép hiện không được khuyến khích. Việt Nam chỉ chào đón những dự án sản xuất thép đặc biệt để chế tạo máy cái, còn thép thường thì từ nay đến năm 2020 chỉ cần tối đa 10-15 triệu tấn là đủ.

Còn dự án sản xuất thép inox tại Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 700 nghìn tấn/năm đã nhận giấy phép đầu tư từ lâu nhưng chưa làm được gì. Hiện, 2 mỏ thép của Việt Nam cũng đã có chủ. Nhiều khả năng Tập đoàn Eminence mới thành lập, muốn làm một cú giật gân để đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, khả năng đầu tư giỏi lắm cũng chỉ vài trăm triệu hoặc 1 tỉ USD là cùng, chứ 30 tỉ USD thì đánh bóng quá. Bởi vì, doanh nghiệp này mới thành lập”.

Với kinh nghiệm lâu năm, ông có thấy nhiều địa phương quá nôn nóng thu hút đầu tư?

Thậm chí còn tranh giành nữa ấy chứ. Bây giờ phân cấp, nhiều địa phương không thèm thông báo cho các cơ quan quản lý. Cho nên, xuất hiện nhiều dự án chui là vì thế. Có nhiều dự án không phù hợp với địa phương nhưng vẫn cho triển khai.

Riêng dự án thép, việc đầu tiên là Thanh Hóa phải hỏi Bộ Công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh này chưa bao giờ hỏi cả và Bộ cũng chưa bao giờ có hướng quy hoạch phát triển thép ở Thanh Hoá. Bộ Công nghiệp chỉ có quy hoạch ở Vũng Áng hoặc Dung Quất hay Vịnh Vân Phong. Với Nghi Sơn, Bộ chỉ quy hoạch phát triển sản xuất xi măng, điện.

Làm sao để thẩm định năng lực dự án?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sẵn sàng giúp thẩm định năng lực dự án khi có đề nghị của tỉnh. Bảo là làm thép, vậy tên tuổi anh đâu? Bây giờ đấu thầu nhà nước còn yêu cầu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Làm ăn kinh tế không thể tin suông được. Phải xem xét cẩn thận năng lực kinh doanh.

* Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trung - Cục phó Đầu tư ngoài nước, người được ủy quyền để tiếp xúc với ông Dương Vũ Thông nhiều lần - cho biết: “Tôi thấy lạ là, chúng tôi thu hút đầu tư 20 năm được khoảng 60 tỉ USD, mà nay tập đoàn này vào đã dự định đầu tư lên tới 30 tỉ USD. Tôi đã nói với họ rằng, dự án 3 tỉ USD thì không nói làm gì chứ 30 tỉ thì tôi chưa thấy bao giờ.

Tôi cũng chỉ nói là nếu các anh làm được dự án này thì Thanh Hóa sẽ có khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 lần, một lần gặp Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phúc và một lần gặp tôi.

Tôi cũng nói thẳng với họ là, các anh làm được việc này sẽ giúp cho một tỉnh nghèo như Thanh Hoá. Các anh mà lừa người nghèo là có tội. Họ cũng trao đổi với tôi sẽ làm nhà máy có quy mô 12 triệu tấn thép/năm, thì đúng là cả nước chưa có doanh nghiệp nơi nào có khu luyện thép 12 triệu tấn cả.

Họ nói, nếu Chính phủ chấp nhận, dự án sẽ khởi công ngay trong tháng 8/2007. Hôm thuyết trình, Eminence thể hiện trên máy chiếu có nhiều nguồn nguyên liệu ở Úc, Brazil, Indonesia... Họ bảo thế thì mình nghe vậy thôi. Tôi cũng nói với anh Lợi (ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) phải kiểm tra cẩn thận”.