10:35 20/05/2023

EU "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập Microsoft - Activision Blizzard

Bảo Ngọc

EU đã phê duyệt đề nghị mua lại Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD của Microsoft. Sự chấp thuận từ Ủy ban châu u dường như đã làm sống lại hy vọng của Microsoft đối với thỏa thuận này khi công ty chuẩn bị kháng cáo phản đối quyết định CMA Anh và FTC của Mỹ. Tuy nhiên, giao dịch vẫn có thể huỷ bỏ…

EU "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập Microsoft - Activision Blizzard. Ảnh: Shutterstock
EU "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập Microsoft - Activision Blizzard. Ảnh: Shutterstock

Theo Tech Wire Asia, thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay đối với nhà sản xuất phần mềm và ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang phải đối mặt với đòn chí mạng từ các cơ quan quản lý chống độc quyền (Vương quốc Anh) vào tháng trước.

Tuần này, Microsoft đã được các cơ quan quản lý Liên minh châu Âu (EU) “bật đèn xanh” cho một số nỗ lực trị giá 69 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất tựa game nổi tiếng Call of Duty, Activision Blizzard. Theo Ủy ban châu Âu (EC), Microsoft đã giải quyết được các vấn đề cạnh tranh độc quyền khi Vương quốc Anh ngăn chặn thỏa thuận vì lo ngại ảnh hưởng đến những biến động sau này trong kinh doanh trò chơi trên nền tảng đám mây mới nổi này.

Tuy nhiên, để thương vụ này được thông qua, Microsoft-Activision cần nhiều hơn những cái gật đầu từ Vương quốc Anh và Mỹ, không chỉ riêng EU. Thật không may, cho đến nay mới chỉ có EU chấp thuận sáp nhập.

Nhìn lại, quyết định của EC, Cơ quan điều hành khối, có lẽ sẽ làm sống lại hy vọng của Microsoft đối với thỏa thuận này khi công ty chuẩn bị kháng cáo Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA). Mặt khác tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cũng chống lại việc tiếp quản và đâm đơn kiện để ngăn chặn thương vụ.

TƯƠNG LAI SAU KHI ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 1/2022 khi Microsoft và Activision công bố thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay đối với nhà sản xuất phần mềm và ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Thỏa thuận này sẽ cho phép nhà sản xuất Xbox kiểm soát một trong những công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, sở hữu nhiều thương hiệu trò chơi nổi tiếng như Call of Duty, Overwatch hay World of Warcraft.

Microsoft sẽ trở thành công ty game lớn thứ ba thế giới tính theo doanh thu chỉ sau Tencent và Sony nếu thỏa thuận được ký kết. Vì vậy, gã khổng lồ công nghệ đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận này trong năm nay.

VẤN ĐỀ CỦA EC VỚI MICROSOFT - ACTIVISION LÀ GÌ?

Để bắt đầu, cả hai doanh nghiệp đều phát triển và xuất bản trò chơi cho PC, consoles (máy chơi game) và thiết bị di động. Microsoft cũng phân phối trò chơi cho consoles (máy chơi game), cung cấp bảng điều khiển Xbox và một loạt các sản phẩm và dịch vụ phần mềm, bao gồm cả hệ điều hành PC khó có thể thay thế "Windows".

Danh mục trò chơi của Activision bao gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Call of Duty, World of Warcraft, Overwatch và Diablo. Chính vì vậy, cuộc điều tra sơ bộ của Ủy ban nhận định Microsoft có thể gây hại cho sự cạnh tranh trong thị trường phân phối trò chơi điện tử consoles và PC.

Vào đầu tuần này, EC thông báo rằng đã chấp nhận các biện pháp khắc phục được Microsoft đề xuất. Các gợi ý liên quan đến việc Microsoft cung cấp giấy phép miễn phí trong mười năm, cho phép người tiêu dùng châu Âu mua các trò chơi PC và console (máy chơi game) của Activision có thể phát trực tuyến trên các dịch vụ đám mây khác.

Ủy viên EC, bà Margrethe Vestager, cho biết quyết định này sẽ đưa các trò chơi của Activision đến với "nhiều thiết bị và người tiêu dùng hơn trước đây nhờ phát trực tuyến trò chơi trên đám mây". Bà nói thêm, "các cam kết do Microsoft đưa ra sẽ lần đầu tiên cho phép người chơi phát trực tiếp các trò chơi trong bất kỳ dịch vụ đám mây nào, tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển thị trường".

MỸ VÀ ANH NÓI GÌ VỀ QUYẾT ĐỊNH CỦA EU?

Trong một tuyên bố chính thức, CMA bày tỏ sự công nhận và tôn trọng phán quyết của EC nhưng vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu của tổ chức. 

Giám đốc điều hành của CMA, bà Sarah Cardell, khẳng định cả hai công ty sẽ thay thế thị trường tự do, cởi mở và cạnh tranh bằng một thị trường tuân theo quy định các trò chơi, nền tảng mà Microsoft đang bán. "Đây là một trong những lý do khiến nhóm hội đồng độc lập của CMA từ chối đề xuất của Microsoft và ngăn cản thỏa thuận này", bà Sarah nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng sẽ có một sự khác biệt lớn nếu Microsoft lật ngược quyết định của tòa phúc thẩm Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nếu thua kiện ở nước này, cuộc chơi sẽ kết thúc. "Trừ khi Microsoft quyết định rút khỏi thị trường Anh", bà Anne Witt, giáo sư luật chống độc quyền tại trường kinh doanh EDHEC (Pháp), chia sẻ với The Guardian.

Tại Hoa Kỳ, vụ kiện giữa FTC và Microsoft vẫn đang tiếp diễn. Một quan chức cấp cao của Ủy ban cho biết EU đã trao đổi quan điểm với FTC nhiều lần và đang có sự hợp tác chặt chẽ.