08:02 06/09/2011

Eurozone tan vỡ, giá vàng sẽ “thăng thiên”?

Diệp Anh

Trên bảng giao dịch điện tử ở New York, vàng hợp đồng tháng 12 đêm qua (5/9) tăng 26 USD, tương ứng 1,4%, lên 1.902,9 USD/oz

Giá vàng tương lai đêm qua tăng mạnh, bất chấp thị trường Mỹ nghỉ giao dịch nhân lễ Lao động.
Giá vàng tương lai đêm qua tăng mạnh, bất chấp thị trường Mỹ nghỉ giao dịch nhân lễ Lao động.
Phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng quốc tế bất ngờ vượt qua vùng 1.900 USD/ounce. Ngoài những kỳ vọng về khả năng Mỹ đưa ra một chương trình nới lỏng định lượng mới, thì quan ngại về triển vọng khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã tác động đa chiều lên các thị trường hàng hóa quốc tế, trong đó có vàng.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch London, giá vàng giao ngay tăng 17,82 USD, tương ứng 0,9%, lên 1.900,7 USD/ounce, sau khi đã chạm ngưỡng 1.903,52 USD/ounce. Trên bảng giao dịch điện tử ở New York, vàng hợp đồng tháng 12 cũng tăng 26 USD, tương ứng 1,4%, lên 1.902,9 USD/ounce. Trong phiên, có lúc vàng loại này chạm tới mức 1.917 USD/ounce.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Âu tuột dốc hơn 4%. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh giảm 189,45 điểm, tương ứng 3,58%, xuống còn 5.102,58 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 148,99 điểm, tương ứng 4,73%, xuống còn 2.999,54 điểm. Chỉ số DAX của Đức bốc hơi 292,15 điểm, tương ứng 5,28%, xuống còn 5.246,18 điểm.

Trên thị trường dầu thô quốc tế, giá dầu thô ngọt nhẹ hợp đồng tháng 10 chốt phiên giao dịch điện tử đêm qua (5/9), cũng tiếp tục xu hướng trượt giảm, khi mất 2,85 USD/thùng, tương ứng 3,3% xuống còn 83,60 USD/thùng. Hôm qua, thị trường không giao dịch tại sàn, do Mỹ nghỉ lễ Lao động. Cuối tuần trước, dầu hợp đồng này cũng đã giảm 2,8% xuống 86,45 USD/thùng.

"Giới đầu tư đang đánh cược về nguy cơ Eurozone tan vỡ", Ian King, trưởng bộ phận chứng khoán quốc tế của hãng Legal & General, cho biết. Hôm qua, nguy cơ này đã được bổ sung thêm một vài mắt xích mới. Những yếu tố này càng trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động.

Trước tiên là việc đồng Euro hôm qua sụt giá mạnh sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba tuần so với đồng USD trong phiên giao dịch tại châu Á. Chiều qua, tại Tokyo, đồng Euro đã giảm xuống 1,4158 USD, so với 1,4203 USD tại New York vào cuối tuần trước và 108,6 Yên, so với 109,09 Yên.

Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư bán tháo đồng Euro bắt nguồn từ cuối tuần trước, sau khi Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dừng việc kiểm toán tài chính đối với Hy Lạp để nước này xem xét lại mục tiêu về thâm hụt ngân sách cho năm nay, trong lúc chính phủ Hy Lạp thừa nhận việc đạt được mục tiêu đã đề ra là một điều khó khăn.

Hôm 1/9, một ủy ban độc lập của Quốc hội Hy Lạp trong cuộc họp với các quan chức Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang ở thăm và giám sát tình trạng nợ của nước này, đã nhận định rằng, các chính sách của Chính phủ Hy Lạp không thể giải quyết được tình trạng bất ổn về tài chính, và nợ công của Hy Lạp có thể sẽ "vượt khỏi tầm kiểm soát".

Theo ủy ban trên, không giải quyết được vấn đề nợ, thâm hụt ngân sách cao là những yếu tố đẩy nợ công của Hy Lạp "vượt khỏi tầm kiểm soát". Các chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề nan giải hiện nay của Hy Lạp không chỉ là quy mô của nợ công, mà còn ở chỗ nước này không có khả năng quản lý tài chính.

Bất chấp những nỗ lực cải cách, thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục phình to. Chính phủ không đủ sức để áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế hay "thắt lưng buộc bụng". Những thách thức trên càng làm gia tăng lo ngại về khả năng của Chính phủ Hy Lạp trong việc đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cũng như đưa mức trần nợ công về mức cho phép của Liên minh Châu Âu.

Trong khi đó, cũng tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cho Ireland, một mắt xích khác của cuộc khủng hoảng nợ công dây chuyền ở châu Âu, vay thêm 2,11 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Đây là khoản vay thứ ba mà tổ chức này cung cấp cho Ireland, nâng tổng số tiền giải ngân cho Ireland lên đến 12,39 tỷ USD trong gói cứu trợ 123 tỷ USD.

Mặc dù trong tuyên bố ngày 2/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết Ireland đã nghiêm túc kiềm chế chi tiêu ngân sách, nền kinh tế đã có những dấu hiệu ổn định và cải thiện đáng kể, song, Ireland đang phải đối mặt với sự sụt giảm về đối tác thương mại, vì vậy, Chính phủ Ireland cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để tránh rủi ro cho nền kinh tế cũng như khôi phục lòng tin đối với thị trường.

Một yếu tố khác cũng tác động tới những lo sợ nguy cơ tan rã khu vực đồng Euro của giới đầu tư là tin tức cho biết, ngày 7/9, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức sẽ đưa ra một phán quyết có thể làm giảm quyền tự quyết của Chính phủ Đức trong việc cung cấp tài chính nhằm cứu trợ các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ như Hy Lạp.

Đức hiện là nước có đóng góp lớn nhất cho quỹ cứu trợ kinh tế của khu vực đồng Euro. Trong các hành động giải cứu những nước thành viên Eurozone suýt vỡ nợ gần đây như Hy Lạp, đều có sự đóng góp phần lớn từ Đức. Do đó, nếu phán quyết này được thực thi, lục địa già sẽ thiếu đi một trợ lực đáng kể để có thể chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công và sự tồn tại của Eurozone sẽ bị đặt lên bàn cân.

Cuối tuần trước, phát biểu tại Bắc Kinh, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo rằng, "cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã biến thể thành cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng, với các tác động nghiêm trọng đối khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các ngân hàng, cũng như khả năng cạnh tranh của một số nước thành viên trong khu vực".

Theo đánh giá của ông Zoellick, cùng với việc Mỹ gặp khó khăn trong giải quyết triệt để các vấn đề nợ, chi tiêu và cải cách thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân, cũng như chính sách thương mại, thì cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng ở châu Âu sẽ khiến thế giới có thể rơi vào "một vùng nguy hiểm mới" trong mùa thu năm nay.

Nhà phân tích kinh tế Mike Larson của tờ Money & Market cũng cho rằng, cơn lốc kinh tế đang tràn đến châu Âu, tàn phá các nền kinh tế và đẩy các ngân hàng lớn của châu lục này đến bờ vực phá sản. Tai họa này không còn giới hạn trong các nền kinh tế sắp vỡ nợ như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha mà tràn khắp Liên minh châu Âu với những khoản nợ khả năng không trả được.

Không chỉ dừng ở đó, cuối tuần trước nữa, tại hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương các nước phát triển tại thành phố Jackson Hole, bang Wyoming, các chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc và quốc tế đã cảnh báo hiện trạng nền kinh tế châu Âu là mối đe dọa lớn nhất sự phục hồi ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, theo giới phân tích thị trường vàng, giá kim loại quý này còn đang được hỗ trợ bởi những yếu tố yếu kém khác của nền kinh tế thế giới, như sản lượng công nghiệp toàn cầu và thương mại toàn cầu đang sụt giảm mạnh, cùng với tình hình kinh tế, tăng trưởng việc làm yếu ớt của nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố ngày 31/8 cho thấy trong quý II/2011, tăng trưởng xuất khẩu của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và một số nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi) giảm xuống còn 1,9% so với 7,7% trong quý trước.

Trong khi, theo báo cáo ra ngày 1/9, Liên hiệp quốc dự báo sản lượng công nghiệp toàn cầu năm 2011 sẽ giảm mạnh so với năm 2010 bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn cao của các nước đang phát triển. Báo cáo trên cho biết sản lượng công nghiệp toàn cầu quý 2/2011 tăng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mức 7,4% của quý 1/2011.

Với xu hướng này, giá trị tăng thêm của công nghiệp toàn cầu (MVA) năm 2011 chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng của năm 2010. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong quý 2 chỉ đạt 4,4% so với mức 7% trong quý 1. Sản lượng công nghiệp cũng giảm mạnh ở các nước công nghiệp hàng đầu thế giới như Pháp, Anh, Italy và các nền kinh tế mới nổi quan trọng như Ấn Độ, Brazil, Mexico.