11:13 28/01/2008

FDI: 20 năm và những bài học

Từ Nguyên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kỷ niệm 20 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam

Cần phải có một chính sách tổng thể để thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện.
Cần phải có một chính sách tổng thể để thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kỷ niệm 20 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Ấn tượng nhất xoay quanh câu chuyện 20 năm FDI, có lẽ là sự gia tăng đột biến về số vốn đăng ký từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với mức tăng hàng năm đạt trên 1,7 lần so với năm trước đó.

Có thể nói, với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chưa bao giờ nước ta đứng trước cơ hội thuận lợi như hiện nay trong vệc thu hút FDI với hàng chục dự án có số vốn hàng tỷ USD đang được chờ cấp phép trong năm 2008.

Tuy nhiên, câu chuyện về FDI sau 20 năm không chỉ đơn thuần là một bức tranh màu hồng, mà còn ẩn trong đó những bài học mà có lẽ chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ hơn, khi nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến động của kinh tế thế giới.

Bài học thứ nhất trong việc thu hút FDI trong suốt 20 năm qua, đó chính là cơ hội.

Còn nhớ, FDI của nước ta sau chu kỳ tăng trưởng từ 1991 đến 1997 là thời kỳ suy thoái kéo dài từ 1998 đến 2004. Trước thời kỳ suy thoái này, vào tháng 7 năm 1995, nước ta đã có 3 sự kiện quan trọng diễn ra trong cùng một tháng. Đó là: chúng ta gia nhập ASEAN, ký hiệp đinh khung về hợp tác kinh tế với EU và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Có lẽ chưa từng có và khó có thể lặp lại ba sự kiện lớn như vậy diễn ra trong cùng một tháng. Những sự kiện này đã tạo ra những cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, lĩnh vực FDI nói riêng. Nhưng đáng tiếc, chúng ta lại không nhanh chóng tạo ra được một môi trường đầu tư thuận lợi khi có quá nhiều cơ quan, ban ngành với vô số các thủ tục phiền đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội không chỉ dừng lại ở đó. Tháng 2/1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã đã lan rộng ra nhiều nước, gây thiệt hại nặng nề đối với các nền kinh tế vốn được coi là “sự thần kỳ Đông Á". Việt Nam khi đó vẫn nằm ngoài "rìa" vòng xoáy của cuộc khủng hoảng. Lẽ ra chúng ta có thể nhân đó biến thành lợi thế so sánh để thu hút FDI hơn nữa. Nhìn thấy cơ hội và biết nắm bắt nó để có thể làm lợi cho đất nước giữ một vai trò quyết định trong vấn đề thu hút vốn FDI.

Nhưng điều đó cũng đã không xảy ra, do nước ta bị động đối phó nên không những không biến được cơ hội thành hiện thực mà còn chịu tác dộng tiêu cực, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, vốn FDI cũng do đó mà ít dần.

Bài học thứ hai, đó chính là ba mối quan hệ lợi ích liên quan đến FDI.

Trước hết, đó là lợi ích của nước ta và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.

Nước ta có quyền ban hành luật pháp, áp dụng các thủ tục hành chính còn nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn nước để thực hiện dự án.

Vì thế, cần hài hòa lợi ích của cả hai bên trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của đất nước, phải bảo đảm nhà đầu tư thu được lợi nhuận đến mức đủ hấp dẫn họ, đi cùng với sự hướng dẫn và hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép và triển khai d án.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn có nhiều cơ quan, ban ngành gây phiền hà cho nhà đầu tư, thậm chí còn hình sự hóa một số vụ tranh chấp. Và đâu đó, vẫn còn những địa phương vẫn thực hiện các chính sách vượt quá khuôn khổ pháp luật nhà nước, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.

Mối quan hệ thứ hai là lợi ích giữa các bên liên doanh.

Theo GS.TS Nguyễn Mại (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng), tình trạng phổ biến hiện nay là đại diện bên Việt Nam không đủ năng lực, không biết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam mà phó mặc cho bên nước ngoài điều hành doanh nghiệp, miễn là hàng tháng nhận được một khoản tiền lương hậu hĩnh.

Đây chính là một hạn chế, một sai lầm cần sớm được khắc phục bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp mà xa hơn nữa, đó chính là chủ quyền, là vị thế của cả một quốc gia.

Tiếp theo, đó là mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng và người lao động.

Có một thực tế hiện nay là chúng ta thường coi các cuộc đình công, bãi công là những việc không bình thường, trong khi điều này đã được luật pháp cho phép.

Do đó, trong các doanh nghiệp có vốn FDI thì càng phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vụ việc này. Các cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn người sử dụng lao động, nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ, tôn trọng văn hóa ứng xử, tập quán của người Việt Nam để từ đó giáo dục, tổ chức người lao động làm việc có kỷ luật, năng suất và đảm bảo công bằng.

Bài học thứ ba, đó là lợi thế so sánh.

Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng về khoa học – công nghệ và toàn cầu hóa nên lợi thế so sánh đã biến đổi khá nhiều. Lực lượng lao động đồi dào và tiền công thấp đã không còn là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi ngày càng nhiều dự án FDI công nghệ cao đang được triển khai thì tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao, kỹ năng lao động, đội ngũ nhà quản trị doanh nghiệp giỏi lại là nhươch điểm lớn của nước ta.

Để giải quyết vấn đề này, theo GS.TS Nguyễn Mại, cần phải cómột hệ giải pháp đồng bộ từ chủ trương, chính sách của Chính phủ đến vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo…

Hiện nay, chúng ta đang có một lợi thế so sánh nổi trội, đó là sự ổn định về chính trị - xã hội trong khi một số nước trong khu vực đang bất ổn cả chính trị và xã hội. Do đó, chúng ta cần phải tranh thủ thời cơ này để thu hút đầu tư FDI.

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất nhưng lại chậm được khắc phục nhất lại là hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng thiếu điện, thiếu đường giao thông vẫn phổ biến, gây ra sự e ngại đối với các nhà đầu tư đang có ý định rót vốn vào Việt Nam.

Năm 2007 là năm có tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký thấp nhất, chỉ đạt 22,6%. Do đó, cần phải cảnh báo rằng, nếu các cơ quan chức năng không thấy hết tính cấp bách của điều kiện hạ tầng kỹ thuật mà không có những giải pháp quyế liệt và có hiệu quả thì chắc chắn nguồn vốn FDI đã và sắp được cấp phép chỉ tăng trên giấy.

Bài học thứ tư về FDI, đó là chính sách.

Việc theo đuổi chính sách khuyến khích FDI và coi trọng chất lượng FDI luôn là hai mặt có quan hệ hữu cơ của thể chế và chính sách của chúng ta. Trong điều kiện hoạt động đầu tư trong nước đang gia tăng nhanh chóng thì việc lựa chọn dự án FDI cần phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì chúng ta không nên “khoe khoang” con số vốn đăng ký FDI mà cần phải quan tâm đến con số vốn thực hiện cũng như thực trạng ngày càng doãng ra giữa hai con số này. Nếu khoảng cách giữa hai con số này ngày càng gia tăng thì không thể nói là thu hút FDI thành công, dù vốn đăng ký có lên tới hàng trăm tỷ USD.

Bên cạnh đó, khi nước ta đã là thành viên WTO thì Chính phủ cần hướng vào chính sách nâng cấp FDI thông qua việc đẩy mạnh khai thác thế mạnh của các tập đoàn kinh tế mạnhcủa khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận nghiêm túc mặt trái của “cuộc chiến chào mời đầu tư” của các địa phương để tránh ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội của điạ phương tiếp nhận FDI do những ưu đãi không cần thiết chỉ vì để cạnh tranh với địa phương bên cạnh.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tập trung vào công tác chuẩn bị trước dự án đầu tư bao gồm mặt bằng đất đai, điện, nước, đường giao thông, dịch vụ, khả năng phát triển công nghiệp phụ trợ… và ban hành “cẩm nang đầu tư nước ngoài” để nhà đầu tư có được những thông tin cần thiết.

Cuối cùng, chúng ta cần nhanh chóng thực hiện chính phủ điện tử, đầu tư nguồn nhân lực, vốn để thiết lập các trung tâm điều hành tại Cục Đầu tư nước ngoài, sở kế hoạch và đầu tư, ban quản lý được nối mạng với doanh nghiệp FDI để cập nhật thông tin và giải quyết các vấn đề kịp thời, hiệu quả.