09:15 22/01/2008

FDI 2008: “Cố gắng giải ngân nhiều hơn 6 tỷ USD”

Nguyên Quân

Hỏi chuyện ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những điểm đáng chú ý của đầu tư nước ngoài năm nay

"Các nước khác họ không bao giờ lấy vốn FDI cam kết để so sánh mà chỉ lấy đó để thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư, độ hấp thụ vốn của nước đó như thế nào, môi trường đầu tư của nước đó ra sao".
"Các nước khác họ không bao giờ lấy vốn FDI cam kết để so sánh mà chỉ lấy đó để thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư, độ hấp thụ vốn của nước đó như thế nào, môi trường đầu tư của nước đó ra sao".
Hỏi chuyện ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những điểm đáng chú ý của đầu tư nước ngoài năm nay.

Thưa ông, tại sao vốn FDI đăng ký năm nay hơn 20,3 tỷ USD nhưng vốn thực hiện chỉ nhỉnh hơn năm ngoái, với hơn 4 tỷ USD?

Nguồn vốn đó là vốn cam kết thôi. Sau đó, nhà đầu tư phải chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, thiết kế và thông thường phải mất khoảng 3 năm mới có thể triển khai đầu tư, đưa vốn vào. Thông lệ ở các nước khác cũng vậy. Nói như vậy để hiểu là vốn đăng ký và thực hiện không mất đi đồng nào cả.

Ngoài ra, cũng còn một lý do là vốn cam kết dồn vào cuối năm. Cho nên cá nhân tôi cho rằng hiện tượng “chênh lệch” lớn giữa vốn cam kết và vốn thực hiện không vướng gì cả.

Ông nói vốn FDI thực hiện có độ trễ, nhưng đây là tình trạng kéo dài từ lâu và độ trễ này là khác nhau. Tại sao lại như vậy?

Tính từ khi bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến nay, hiện nay đã giải ngân được 50% trong số 80 tỷ USD vốn cam kết. Như thế là được. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến thực tế có những nhà đầu tư đã cam kết nhưng sau khi tính toán lại, họ rút.

Họ có quyền như vậy, không phải cứ vốn được cấp phép là đầu tư. Ví dụ dự án rất lớn là dự án ở Đà Lạt, 1 tỷ USD, cấp phép từ lâu nhưng thấy đường bay từ Singapore đến Đà Lạt chưa mở, du lịch chưa phát triển như họ tính toán nên họ không thực hiện nữa.

Sự cam kết của nhà đầu tư FDI nhẹ nhàng hơn, mở hơn nên khác với ODA. Các nước khác họ không bao giờ lấy vốn FDI cam kết để so sánh mà chỉ lấy đó để thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư, độ hấp thụ vốn của nước đó như thế nào, môi trường đầu tư của nước đó ra sao.

Tuy nhiên, đã có không ít quan ngại về khả năng hấp thụ vốn, nhà đầu tư sẵn sàng làm đúng cam kết, nhưng điều kiện đã không đáp ứng được mong muốn thực hiện?

Đúng vậy, nhiều ý kiến đặt vấn đề cần phát triển quyết liệt hơn nữa khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực... trước các dòng vốn lớn sắp “đổ” vào Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phải lên chương trình phối hợp với các địa phương, rà soát lại các dự án, nhất là những dự án lớn, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục trong đầu tư và các lĩnh vực liên quan, giúp các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc để nhanh chóng triển khai dự án.

Nguồn nhân công ở Việt Nam từ trước đến nay mới chỉ có ưu thế về sự dồi dào nhưng ít nhiều bị lãng quên là đa phần chưa qua đào tạo. Hơn nữa, các dự án đầu tư không dàn đều cả nước mà tập trung ở một vài khu vực nhất định, những nơi đã và đang nóng về nhân lực như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... nên tình hình lại càng “nóng” hơn.

Trong năm 2008, nhiệm vụ trọng tâm của bài toán đầu tư FDI là sẽ cố gắng giải ngân đạt mức cao hơn 6 tỷ USD. Và các nhà hoạch định đang đứng trước ngổn ngang những vấn đề cần phải tháo gỡ.

Vậy theo ông, nhiệm vụ thu hút vốn FDI của năm 2008 sẽ như thế nào?

Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008 sẽ là công tác giải ngân. Bộ Kế hoạch Đầu tư trong năm 2008 đặt kế hoạch thu hút 15 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn so với năm trước, để tập trung cho nhiệm vụ: lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài sao cho có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế đất nước; không chỉ đặt mục tiêu thu hút nhiều vốn FDI mà quan trọng nguồn vốn FDI vào Việt Nam phải phù hợp với khả năng tiếp nhận của nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch của cả nước và quy hoạch của từng địa phương, vùng lãnh thổ.

Đồng thời, tạo những giải pháp gì đột phá để chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng. Chính phủ sẽ có cuộc họp bàn riêng để đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Tại hội nghị ODA, các nhà tài trợ cũng thấy rằng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, họ đã hướng vào tài trợ phát triển hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn. Ví dụ họ quan tâm dự án hạ tầng ở Hà Nội, Tp.HCM như xe điện ngầm, Nhật Bản, liên minh châu Âu đã cam kết rất lớn.

Vậy giải ngân vốn FDI sẽ được đặt lên như một nhiệm vụ trọng tâm cùng với các nguồn vốn khác?

Năm 2007 có một điểm tồn tại lớn là chậm giải ngân một số nguồn vốn. Đặc biệt như trái phiếu chính phủ ta vay lãi suất cao, càng giải ngân chậm càng lãng phí. Ở đây có vấn đề thế này: Khi các bộ, ngành xây dựng dự án lên mới đưa danh mục, nhu cầu, còn báo cáo tiền khả thi, thiết kế nên cần phải làm lại, kể cả giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương triển khai quá chặt chẽ, chỉ lo bảo đảm an toàn cho họ. Một số bộ sử dụng vốn lớn như Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng chậm. Có một số vấn đề chỉ đạo ở đây. Tôi cho rằng với nguồn vốn trái phiếu chính phủ cần dùng đến đâu huy động đến đấy. Tôi cho rằng chậm đưa công trình vào vận hành mới là lãng phí.