09:34 10/01/2008

FDI “ào ào” vào địa ốc

Ái Vân

Được đánh giá là tiềm năng nhất tại châu Á, thị trường bất động sản Việt Nam đang là điểm nhắm của các nhà đầu tư nước ngoài

Thời gian qua, Tp.HCM là khu vực có thị trường bất động sản “nóng” nhất cả nước.
Thời gian qua, Tp.HCM là khu vực có thị trường bất động sản “nóng” nhất cả nước.
Được đánh giá là tiềm năng nhất tại châu Á, thị trường bất động sản Việt Nam đang là điểm nhắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, đã có một nguồn vốn FDI không nhỏ đã đổ vào thị trường địa ốc tại Việt Nam. Và dự báo thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngòai vẫn sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào lĩnh vực này.

Tp.HCM và Hà Nội là 2 khu vực được nhà đầu tư nước ngòai nhắm đến nhiều nhất. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng biệt về sự phát triển, về kinh tế, xã hội, và lại là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của cả nước nên thị trường bất động sản Tp.HCM được các nhà đầu tư quan tâm hơn.

Tạo thêm lực cho thị trường phát triển

Thời gian qua, Tp.HCM là khu vực có thị trường bất động sản “nóng” nhất cả nước. Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, so với các lĩnh vực dịch vụ khác thì số lượng dự án xin đầu tư mới về lĩnh vực bất động sản không nhiều, chỉ đạt 25/401 dự án cấp phép đầu tư mới và 125 dự án tăng vốn của thành phố, nhưng lượng vốn FDI đổ vào bất động sản đã chiếm đến 85% giá trị trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của thành phố (năm 2007 tổng vốn FDI của Tp.HCM đạt 2,5 tỷ USD).

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trong năm 2007, nhiều tập đoàn, công ty họat động trong lĩnh vực bất động sản của Mỹ, Australia, Canada, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Philippines... tiếp xúc với Hiệp hội để tìm hiểu về tình hình thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Hiện nay, hàng loạt dự án của các nhà đầu tư nước ngòai đầu tư đang triển khai trên địa bàn thành phố. Đây là những dự án được đánh giá có mức đầu tư quy mô lớn và góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản của thành phố, chẳng hạn dự án như Kumho Asian có tổng vốn đầu tư 255 triệu USD đang triển khai xây dựng tại góc đường Lê Duẩn-Hai Bà Trưng và Nguyễn Du (quận 1).

Quận 2 là khu vực đang thu hút và tập trung nhiều dự án bất động sản của các nhà đầu tư nước ngòai như: Tập đoàn Captilad (Singapore) liên kết với 2 đối tác Việt Nam đã khởi công dự án The Vista tại phường An Phú. Kế đó là, Tập đòan Keppel Land (Singapore) triển khai dự án Saigon Riviera vốn đầu tư 35 triệu USD, dự án Saigon Sport City có vốn đầu tư 130 triệu USD.

Cũng tại quận 2, mới đây, Công ty Pumyang (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần công nghiệp (Descon) đã khởi công dự án cao ốc Préche có vốn đầu tư 40 triệu USD. Tại các quận trung tâm thành phố đang có dự án Saigon Happiness Square của nhà đầu tư Đài Loan đầu tư với tổng vốn đầu tư 428 triệu USD...

Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Tp.HCM đã đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và chỉnh trang bộ mặt đô thị của thành phố. Trước kia, bộ mặt của các quận vùng ven như quận 7, quận 2, quận 9, quận 12, Bình Chánh còn rất hoang sơ nhưng đến nay cơ sở hạ tầng tại các khu này đã được cải thiện rất nhiều. Sau một thời gian “tấn công” dồn dập khu vực trung tâm thành phố, hiện nay các quận vùng ven trung tâm đang được các nhà đầu tư trong ngoài nước bắt đầu xâm nhập.

Doanh nghiệp nội cần năng động hơn

Các nhà đầu tư nước ngòai tham gia vào thị trường bất động sản sẽ đẩy nhanh việc cung ứng nguồn hàng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngòai sẽ tạo ra lực cản đối với doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Tại một cuộc hội thảo về phát triển thị trường bất động sản Việt Nam được tổ chức tại Tp.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, đã phát biểu rằng cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để tiếp cận với nguồn vốn nhằm nâng cao tính cạnh tranh vì phần lớn doanh nghiệp bất động sản trong nước đều quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn vốn. Tiếp đó, các doanh nghiệp trong nước nên tranh thủ tìm kiếm sự hợp tác cùng với các đơn vị nước ngòai.

Thông thường, khi vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn liên kết với một doanh nghiệp địa phương nhằm hỗ trợ lẫn nhau về mặt thông tin, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Theo Tổng thư kí Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Đỗ Thị Loan, thì các doanh nghiệp trong nước nên cân nhắc trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, dự án đầu tư, địa điểm đầu tư để phù hợp với khả năng và năng lực của mình. Bởi vì nhu cầu trên thị trường bất động sản ngoài nhà chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê thì nhu cầu nhà ở của người có mức thu nhập trung bình còn rất lớn. Đây lại là sản phẩm bất động sản chưa được các nhà đầu tư chú ý đến.

Hiện nay, trên thị trường bất động sản, nguồn cung vẫn chưa đuổi kịp cầu, dù sau mấy năm phát triển mạnh, đến nay giữa cung và cầu vẫn chưa tìm được điểm chung. Như nhận định của bà Đỗ Thị Loan, năm 2007 là năm mà thị trường bất động sản Việt Nam “nóng bỏng” nhất trong những năm qua.

Song với tình hình hiện nay, năm 2008, “nhiệt độ” của thị trường bất động sản cũng sẽ nóng không kém. Vì thế, giá cả của thị trường bất động sản 2008 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng và sẽ còn kéo dài đến năm 2010.