09:02 14/02/2008

FDI “ào ào” vào dịch vụ

Thùy Trang

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đang có sự chuyển dịch cơ cấu “chảy” mạnh vào lĩnh vực dịch vụ

Lĩnh vực du lịch đang thu hút một lượng vốn FDI đáng kể.
Lĩnh vực du lịch đang thu hút một lượng vốn FDI đáng kể.
Ngành dịch vụ càng ngày càng chiếm một thị phần lớn của thương mại toàn cầu.

Khu vực dịch vụ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch, qua tài chính cho đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe... Trong những nền kinh tế thế giới phát triển, các dịch vụ này thường chiếm trên phân nửa các hoạt động kinh tế.

Dòng chảy đầu tư vào dịch vụ

Theo UNCTAD, tỷ trọng dịch vụ trong xuất nhập khẩu hiện chiếm khoảng 70% giá trị xuất nhập khẩu toàn cầu. Điều này có nghĩa là muốn thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước phát triển, Việt Nam phải mở cửa khu vực dịch vụ và thu hút đầu tư, liên doanh trên các lĩnh vực dịch vụ.

Báo cáo đầu tư thế giới năm 2007 cũng chỉ ra rằng dòng vốn FDI trên thế giới đang có xu hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ. Là một nước tiếp nhận đầu tư, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Việc mở cửa thị trường dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng phát triển của các ngành dịch vụ, qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Ngược lại, sự tăng trưởng và phát triển của các ngành dịch vụ cũng tạo điều kiện để Việt Nam tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh thu hút FDI vào các ngành kinh tế khác.

Trong xu thế vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, dòng vốn đang có sự chuyển dịch cơ cấu “chảy” mạnh vào lĩnh vực dịch vụ, chiếm 47,7% tổng vốn đăng ký của cả nước trong năm 2007 vừa qua, trong đó tập trung chủ yếu vào kinh doanh bất động sản, bao gồm: xây dựng căn hộ, văn phòng, phát triển khu đô thị mới, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (42% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực dịch vụ), du lịch-khách sạn (24%), giao thông vận tải-bưu điện (18%).

Trong số các ngành dịch vụ, lĩnh vực dịch vụ du lịch đang nổi lên là điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam với số lượng các dự án lớn đang tìm hiểu và xúc tiến đầu tư tăng mạnh.

Chỉ tính riêng năm 2007, số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy: ngành du lịch Việt Nam đã thu hút 47 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký lên đến trên 1,86 tỷ USD, tăng 19,57% so với năm 2006.

Sức hút dịch vụ du lịch

Theo ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ cấu đầu tư trong thời gian qua rất khả quan, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm rất lớn cho các dự án xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf quy mô lớn và chất lượng dịch vụ cao.

Ngày 14/1/2008, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong thuộc tập đoàn T&M Trans (Ukraina). Đây là dự án du lịch lớn nhất hiện nay tại Vân Phong với hơn 295 ha mặt đất và hơn 160 ha mặt nước, tổng vốn đầu tư 3.742 tỉ đồng, được thực hiện từ nay đến năm 2018.

Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) cũng vừa báo cáo về phương án đầu tư, quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Laguna tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ông Steven M.Small, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Banyan Tree cho biết giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai vào tháng 3/2008, đến cuối năm 2009 hoàn thành và đến năm 2014 sẽ hoàn thành giai đoạn 4.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Laguna của Tập đoàn Banyan Tree là một trong những dự án có quy mô lớn nhất được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Cũng cần kể đến dự án xây khu resort Ana Mandara 5 sao tại xã Vân Trì, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng đầu tư 40 triệu USD. Giải thích về quyết định đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam, ông TJ. Grundl Hong, Giám đốc Phát triển dự án của Six Senses cho biết, rất nhiều khách du lịch "hạng sang" đến Hà Nội cần một khu nghỉ ngơi cao cấp nhưng Hà Nội hiện đang không có một khu resort nào như vậy”.

Tập đoàn ủy thác Trustee Suisse (Thụy Sĩ) đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để xây dựng dự án với qui mô vốn lên đến 2 tỉ Euro có tên gọi “Hòn ngọc châu Á” tại khu vực Rạch Tràm (phía bắc đảo Phú Quốc) với một khu trung tâm tài chính, khu phức hợp đô thị và du lịch, bao gồm khu khách sạn, nhà vườn... với tổng diện tích khoảng hơn 200 ha.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chấp nhận cho công ty Rockingham Asset Management LLC (Mỹ) đầu tư vào dự án phát triển quần thể du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng tại bãi Vòng - bãi Sao, đảo Phú Quốc với số vốn 1 tỉ USD.

Nhận định về sự tăng tốc của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này, ông Hà cho rằng, đây là kết quả của việc mở cửa theo lộ trình Việt Nam gia nhập WTO. Trước đây, nhiều ngành dịch vụ du lịch được coi là “kín cổng, cao tường” thì nay đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn, theo ông Hà, là “sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam với sự ổn định cao về chính trị và những ưu đãi đối với nhà đầu tư”.