15:35 04/01/2011

FDI dưới “kính lúp” của Bộ chủ quản

Anh Quân

Bộ Kế hạch và Đầu tư giải thích về một số vấn đề mới nổi lên cũng như những tồn tại lâu nay trong thu hút FDI

"Có ổn định được kinh tế vĩ mô mới tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư" - Ảnh: Anh Quân.
"Có ổn định được kinh tế vĩ mô mới tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư" - Ảnh: Anh Quân.
“Những nhận định đánh giá mang tính lý thuyết, nguyên lý của các nhà kinh tế, các học giả, chúng tôi rất tôn trọng, nhưng những người quản lý nhà nước phải nhìn vào từng dự án cụ thể để đánh giá”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói.

Trước các vấn đề mới nổi lên, cũng như tồn tại lâu nay trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dư luận quan tâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 30/12 vừa qua đã tổ chức một buổi họp báo để giải thích với báo giới.

Giảm vốn, nhập thành phẩm là “bình thường”

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vào tháng 9 đã xuất hiện một số dự án giảm quy mô vốn. Các ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Tôi nghĩ thế này, chuyện tăng vốn hay giảm vốn cũng là bình thường.

Khi nhà đầu tư xin cấp phép thì trong thời gian nghiên cứu mới chỉ là giả định thôi, còn khi triển khai dự án thì có nhiều chuyện xảy ra tác động khách quan, có khi bản thân từ tập đoàn của họ thay đổi, có khi từ thị trường thay đổi, đâm ra người ta phải giảm.

Ví dụ khi khảo sát làm việc với một số tỉnh, một số địa phương có phản ánh với chúng tôi là do ban đầu người ta tính quy mô như thế, nhưng bây giờ do khủng hoảng các tập đoàn từ bên ngoài thu hẹp sản xuất nên không nhận đơn hàng nữa, thành ra đầu ra không có...

Tuy nhiên trên góc độ quản lý, chúng tôi cũng đã xem xét giảm do cái gì. Vừa qua có một số hiện tượng chúng tôi đã thấy, ví dụ họ dừng, giảm sản xuất và chuyển sang phân phối.

Bộ Công Thương cũng cho biết, cuối năm 2010 FDI có nhập nhiều sản phẩm về chứ không phải là nhập để sản xuất. Tình trạng này do đâu và hướng giải quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Đây là do tính toán của nhà đầu tư, làm thế nào có lợi hơn và luật pháp Việt Nam có cho phép hay không.

Chúng ta đang đứng trước áp lực hội nhập sâu WTO, thuế suất các nước ASEAN cũng đang dần về 0% cho nên nhiều nhà đầu tư chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu, đó là một xu hướng.

Các doanh nghiệp FDI sản xuất và lắp ráp cho biết, nhập khẩu linh kiện thuế cao hơn nguyên chiếc trong khi phụ trợ trong nước chưa đáp ứng, dẫn tới một số nhà máy tính chuyện chuyển địa bàn đầu tư sang nước khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp gì đối với tình hình này?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Chúng tôi đã nói và rất nhiều hiệp hội cũng đã kêu việc này, thuế nhập khẩu linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu thành phẩm, cho nên người ta tội gì nhập khẩu linh kiện về mà lắp ráp! Nhiều trường hợp người ta nhập khẩu về phân phối, đây là do chính sách thuế.

Chúng ta có nhiều ưu đãi thu hẹp, nói kỹ hơn thì nhiều cái ưu đãi vẫn tốt nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp chúng ta thu hẹp, cho nên một số nhà đầu tư tính toán là đóng cửa. Thuế nhập khẩu linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu thành phẩm thì rõ ràng là nhà sản xuất phải nhập khẩu thành phẩm chứ tội gì nhập khẩu linh kiện. Trong khi "made in Singapore", "made in Thailand" có vẻ dễ bán hơn "made in Vietnam", ví dụ vậy.

Ông Đặng Huy Đông: Câu chuyện về nhập khẩu thành phẩm, linh kiện, chính sách thuế… khu vực kinh tế các nước ASEAN là một thực thể, chúng ta không thể tách rời. Với các doanh nghiệp của chúng ta, chỉ có cách là phải cạnh tranh.

Chính phủ sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp, để hiểu doanh nghiệp rõ hơn, để có những chính sách, giải pháp đồng bộ giúp cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có tính cạnh tranh hơn so với hàng nhập ngoại. Đấy là bài toán về lâu về dài.

Ví dụ, để cho doanh nghiệp cạnh tranh hơn không chỉ đơn giản là chính sách thuế, nếu như hệ thống vận chuyển, một container ra cảng trong 1-2 tiếng, thông quan ngay cũng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để cạnh tranh. Có nhiều giải pháp khác đồng bộ hơn, nhìn vào chiều sâu và mang tính toàn diện hơn…

Các ông dự kiến giải ngân vốn FDI năm 2011 khoảng 11-11,5 tỷ USD. Có lạc quan quá không khi vĩ mô bất ổn, tiền đồng mất giá ảnh hưởng lợi nhuận và chính sách mới chỉ cho phép ngân hàng nước ngoài được cho vay không quá 15% nguồn vốn ở Việt Nam, dẫn tới nhiều doanh nghiệp FDI lo ngại ảnh hưởng đến vay vốn đầu tư thời gian tới?

Ông Đặng Huy Đông: Chúng tôi phải nói những vấn đề vĩ mô là vấn đề chung của mỗi quốc gia và phải được điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ. Còn đứng về phía doanh nghiệp, không riêng gì doanh nghiệp FDI mà tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ và các yếu tố vĩ mô.

Về phía Chính phủ, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Có ổn định được kinh tế vĩ mô mới tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư.

Tăng kiểm soát phân cấp đầu tư

Quá trình phân cấp đầu tư thời gian qua đã dẫn tới cấp phép tràn lan, một số loại hình dự án cấp phép quá nhiều như sân golf chẳng hạn. Liệu trong thời gian tới có hướng thu về hay không, thu lĩnh vực nào?

Ông Đặng Huy Đông: Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng phân cấp thời gian vừa qua về tổng thể mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế trong phát triển kinh tế xã hội của chúng ta. Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng đi đôi với phân cấp thì việc tăng cường kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý phải tăng cường, chấn chỉnh. Nếu như các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, trên thực tế còn sơ hở thì phải sửa đổi, nếu như quy định pháp luật đã rõ nhưng ở cấp dưới, hoặc do trình độ năng lực, hoặc do yếu tố khách quan khác, do chạy đua thành tích để có con số lớn… thì phải đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát cần tăng cường.

Chúng tôi cũng thấy đối với một số lĩnh vực có lẽ phải xem xét lại, không thu về để quản lý tập trung nhưng phải xem xét quy chế quản lý chặt hơn so với những lĩnh vực khác. Ví dụ như phân cấp về khai khoáng, về trồng rừng, sử dụng nhiều đất đai, mặt nước thì không thu về nhưng phải có cơ chế chính sách quản lý riêng, cụ thể hơn cho những lĩnh vực đó. Chúng tôi đang chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài năm tới phải đi theo hướng đó.

Với câu hỏi có thu lại không, chúng tôi trả lời là không. Chúng tôi khẳng định phân cấp là đúng, trong phân cấp đó cũng bắt đầu xuất hiện một số cái lệch lạc, chúng tôi cần phải chấn chỉnh và đó là điều bình thường trong điều hành và quản lý.

Với các dự án thép, xi măng đã xuất hiện nhiều quan ngại rằng cấp phép vượt quá quy hoạch có thể dẫn tới thừa sản lượng. Trong khi đó, ngành điện thì kêu về chuyện thép tiêu tốn điện năng và bị “lợi dụng” giá điện rẻ. Các ông nghĩ gì về điều này?

Ông Đặng Huy Đông: Ngành thép và xi măng đều có quy hoạch do các bộ chuyên ngành quản lý và được Chính phủ thông qua. Riêng về ngành thép, chúng tôi có theo dõi, những nhận định mang tính chung chung, lý thuyết không sai, nhưng phải nhìn vào từng dự án cụ thể.

 Cơ quan quản lý chúng tôi đương nhiên là đi các nhà máy, chúng tôi thấy rằng, có nhà máy thép nước thải của họ cá bơi trong hồ. Hai là với công nghệ mới họ thu lại nhiệt lượng 60-65% trong nhà máy để sản xuất điện năng, họ chỉ cần mình bù thêm 35-40%. Và điều kiện của chúng tôi cũng là nhà đầu tư phải tự xây dựng nhà máy điện cho mình.

Cho nên, những nhận định đánh giá mang tính lý thuyết, nguyên lý của các nhà kinh tế, các học giả, chúng rất tôn trọng, nhưng quản lý nhà nước như chúng tôi phải nhìn vào từng dự án cụ thể để đánh giá.

Hay là dự án đó có làm mất cân bằng cung cầu không? Quan điểm của chúng tôi là bây giờ chúng ta đi vào hội nhập rồi, đi vào chuỗi giá trị, thế thì người ta xuất khẩu thép sang mình cũng đồng nghĩa với việc mình xuất khẩu thép sang nước khác, vào thời điểm này thời điểm khác, nếu như sản xuất ở Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn, thì nhà đầu tư người ta tự tìm thị trường.

Khi chúng tôi cấp phép, chúng tôi không cam kết bao tiêu sản phẩm cho họ. Cho nên chúng ta không nên lo thừa , đó thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp. Tất nhiên về phía nhà nước có quản lý quy hoạch để đảm bảo sự cân bằng tương đối.

Hay là cứ nói thép chung chung, vấn đề là thép nào, trong nước đã làm được chưa, đáp ứng nhu cầu trong nước như thế nào. Ví dụ như nhà máy thép mà chúng tôi nói ở trên thì họ chế tạo thép không rỉ từ thép phế liệu, có thể nói rất là tốt. Mà thép không rỉ thì hiện nay chúng ta nhập khẩu gần như 100%. Thế thì cái việc cho người mở nhà máy ở đây là hoàn toàn cần thiết.

Nhưng trong khi ngành thép, xi măng dư thừa công suất, thu hút đầu tư lĩnh vực chúng ta cần như nông nghiệp chẳng hạn vẫn khó khăn. Các ông có giải pháp gì cụ thể không?

Ông Đặng Huy Đông: Chúng tôi cho rằng chênh lệch đầu tư giữa công nghiệp xây dựng với nông nghiệp cũng là bình thường và tất cả các quốc gia đều như thế.

Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư nước ngoài, chứ không thể cứ hô quyết tâm. Với nhà đầu tư nước ngoài thì hiệu quả là trên hết. Trong khi giá trị gia tăng từ lĩnh vực chế biến và sản xuất công nghiệp không cao và cạnh tranh rất lớn trên thế giới, thế thì họ có sự lựa chọn riêng của họ.

Chúng tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng cách xúc tiến đầu tư và chính sách thu hút đầu tư mà chỉ thuần túy phân biệt sự hấp dẫn giữa các vùng miền thì chưa đủ. Nếu như chúng ta muốn hấp dẫn thu hút đầu tư vào miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa khó khăn, chúng ta có trải thảm đỏ hay dát vàng vào những vị trí đó, ưu đãi thuế bằng không thậm chí là bù thêm thì họ cũng không vào.

Bởi vì nhà đầu tư họ phải có lãi, họ tính toán từ phương tiện đi lại rồi điện, nước, nguồn nhân lực… không đủ thì họ không vào.

Trong thời gian tới, chúng tôi có định hướng xúc tiến đầu tư đi theo chuyên ngành, lĩnh vực. Chúng tôi đã có thảo luận với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chúng tôi sẽ tập trung xúc tiến đầu tư lựa chọn ưu tiên.

Ví dụ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi thống nhất từ tháng 2/2011, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ sát cánh cùng Bộ và Tổng cục Thủy sản để xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào khu vực chế biến thủy sản xuất khẩu.

Đi kèm theo không phải chính sách chung chung mà là thu hút đầu tư cụ thể, có địa chỉ, địa bàn, và có chính sách thuế rất rõ rệt, tính sát đến từng phần trăm chứ không phải thuế chung chung từ 0% đánh đùng cái lên 10%, cả khoảng cách rộng như thế cũng không đủ hấp dẫn và phân loại các nhà đầu tư.

Tương tự như vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương làm một số lĩnh vực về điện tử, công nghiệp phụ trợ…

Chuyển giá: Chúng tôi tự tin xử lý được

Theo một số báo cáo cho biết, có đến 50-60% số liệu doanh nghiệp FDI lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngành thuế trong năm 2010 cũng trưng thu khoảng 1.400 tỷ đồng do doanh nghiệp lỗ giả lãi thật. Đây là vấn đề sắn với chuyển giá, khai lỗ tại Việt Nam để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy con số thống kê cụ thể của các ông với tình hình này như thế nào?

Ông Đặng Huy Đông: Doanh nghiệp ở quốc gia nào cũng thế, họ không trốn thuế nhưng tránh thuế, họ có giải pháp là lách thuế và tối ưu hóa lợi nhuận, đây là chuyện bình thường. Điều này đòi hỏi đội ngũ của chúng ta phải vươn lên để mà kiểm soát được tình hình. Bộ máy quản lý tốt hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn thì làm được.

Còn số liệu thống kê chi tiết, chúng tôi phải phối hợp rất nhiều với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan mới có được con số thống kê. Đây cũng là một chủ đề để trong chỉ đạo của chúng tôi với Cục Đầu tư nước ngoài thực hiện trong thời gian tới.

Vậy giải pháp đối với vấn đề chuyển giá của Bộ như thế nào?

Ông Đặng Huy Đông: Chuyển giá là hiện tượng có thực trên thế giới, không chỉ có ở Việt Nam. Theo những nguồn tài liệu chúng tôi tiếp cận được, chuyển giá hoàn toàn có những giải pháp có thể ứng phó được.

Trước hết, chuyển giá xảy ra nhiều nhất ở những doanh nghiệp đa quốc gia, chuyển từ nơi này sang nơi khác để tránh thuế và trốn thuế. Số liệu mà chúng tôi tìm hiểu được, đánh giá mức độ ảnh hưởng của chuyển giá đến nền kinh tế. Chỉ một loại thuốc chữa dạ dày của một tập đoàn đa quốc gia mà khi bị kiểm toán xem xét lại giá cả, chưa kể phần bị phạt do gian lận mà chỉ tính đúng, tính đủ thôi, một năm sản phẩm thuốc đó đã tạo nên một khoản chênh lệch là 2,3 tỷ USD. Tất nhiên, với những quốc gia có hệ thống chính quyền có kinh nghiệm trong quản lý, họ chấn chỉnh được, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng đó.

Qua đó để thấy vấn đề này là rất quan trọng. Chúng tôi đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo Bộ và sẽ báo cáo lên Chính phủ, chúng tôi đã trao đổi với người đồng cấp của chúng tôi bên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là năm 2011 chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu bằng một dự án hỗ trợ kỹ thuật để tìm hiểu toàn bộ về vấn đề này, trong khoảng 6-8 tháng.

Chúng tôi đã tìm được địa chỉ một cơ quan quốc tế chống chuyển giá và có đủ cơ sở pháp lý về quản lý chuyển giá giữa các quốc gia. Qua đó, chúng tôi sẽ ra được các chính sách phù hợp để áp dụng trên đất nước ta về chống chuyển giá.

Chỉ cần chúng ta làm 2-3 doanh nghiệp điểm thôi, làm đúng thì ngay lập tức doanh nghiệp sẽ phải thay đổi. Vì đây toàn là những doanh nghiệp quốc tế và họ cần uy tín của họ. Họ không giữ uy tín khi chúng ta không biết. Còn khi chúng ta biết rồi đưa ra ánh sáng một vài doanh nghiệp thôi thì tự khắc họ phải đổi. Chúng tôi khá tự tin về việc này. Bây giờ là chưa quá muộn, nhưng phải bắt đầu, về vấn đề chuyển giá.

Đã có chuyển dịch sang công nghệ cao

Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng độ lan tỏa từ khu vực FDI đến toàn bộ nền kinh tế còn yếu. Các ông đánh giá thế nào về tình trạng công nghệ và chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI?

Ông Đặng Huy Đông: Hiện nay muốn đánh giá rõ vấn đề này cần có một đề án riêng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi cũng như theo số liệu đã có, đầu tư trong khu vực FDI đã có chuyển dịch từ công nghệ thấp sang công nghệ cao, từ lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là một xu thế chuyển dịch chúng tôi thấy rất tích cực.

Chúng ta đã có những nhà máy công nghiệp nặng sản xuất được thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến, ví dụ thiết bị lọc nước biển cung cấp cho cả thành phố 50 nghìn dân, xuất khẩu được và 100% sản xuất tại Việt Nam, đóng dấu vào thiết bị "made in Vietnam", trị giá nửa tỷ USD. Như vậy chúng ta đã bắt đầu tham gia vào khâu giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về lĩnh vực điện tử, chúng ta thấy Samsung năm nay đã xuất khẩu lượng hàng trị giá 1 tỷ USD. Họ cũng dự kiến sẽ đẩy giá trị xuất khẩu của nhà máy riêng về phần điện thoại di động tăng lên 5 tỷ USD. Đây là nhà máy hiện đại nhất trên toàn thế giới của tập đoàn này, hiện đại hơn và lớn hơn cả nhà máy của họ bên chính quốc.

Rồi tập đoàn Intel và một loạt tập đoàn công nghệ cao khác mà đi kèm theo các tập đoàn lớn như thế này là hàng chục, hàng trăm các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan và tin tưởng xu thế đang chuyển dịch đầu tư sang công nghệ cao.

Quay trở lại với dự án giảm vốn, bắt đầu xuất hiện một số thực tế cho thấy dòng đầu tư dựa nhiều vào lực lượng lao động rẻ tiền đã giảm và chuyển sang nước khác vì giá trị lao động của chúng ta bắt đầu tăng lên. Và sự dịch chuyển này là bình thường của các doanh nghiệp chuyên gia công, dựa vào lực lượng lao động chi phí thấp.

Cộng với đất đai của chúng ta cũng có hạn nên chúng tôi, trong thời gian tới, tập trung thu hút những dự án đầu tư nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao, mang lại hàm lượng công nghệ nhiều hơn và để sử dụng hiệu quả hơn diện tích đất.