16:07 24/09/2010

FDI tháng 9: Xuất hiện một số dự án giảm vốn

Anh Quân

Thu hút, giải ngân vốn FDI đều chậm lại trong tháng 9. Vốn đăng ký tăng thêm thậm chí còn sụt giảm, là một điểm đáng lưu ý

Lũy kế đến tháng 9/2010, số vốn FDI cấp mới và tăng vốn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 12,19 tỷ USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ 2009.
Lũy kế đến tháng 9/2010, số vốn FDI cấp mới và tăng vốn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 12,19 tỷ USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ 2009.
Thu hút, giải ngân vốn FDI đều chậm lại trong tháng 9. Vốn đăng ký tăng thêm thậm chí còn sụt giảm, là một điểm đáng lưu ý.

Vốn vào chậm lại

Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 9/2010 có 62 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 616 triệu USD. Nếu so với các con số tương ứng của tháng 8 là 72 dự án và gần 2,5 tỷ USD, kết quả đạt được trong tháng qua khá khiêm tốn.

Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được 720 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn đăng ký 11,4 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ 2009. Mức bình quân gần 1,3 tỷ USD/tháng cũng cho thấy phần nào sự “tụt lại” của lượng vốn FDI đổ vào trong tháng 9.

Tuy nhiên, một hiện tượng “lạ” đã xuất hiện với số vốn FDI đăng ký tăng thêm. Chênh lệch trong báo cáo tháng 9 và tháng 8 của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, mặc dù đã thêm được 4 dự án tăng vốn trong tháng qua, nhưng số vốn đăng ký lại hụt đi 4 triệu USD, đưa tổng số vốn đăng ký tăng thêm từ đầu năm đến thời điểm báo cáo chỉ còn 783 triệu USD, chỉ bằng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009 (tháng 8 là 14,2%).

“Đã xuất hiện một số dự án giảm quy mô vốn đầu tư, như dự án Công ty TNHH Phát triển quốc tế thế kỷ 21 xây dựng khu tái định cư tại Tp.HCM giảm trên 31 triệu USD; dự án Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siêu thị An Lạc tại Tp.HCM giảm 6 triệu USD…”, Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết.

Lũy kế đến tháng 9/2010, số vốn FDI cấp mới và tăng vốn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 12,19 tỷ USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ 2009. Nhiều khả năng, chỉ tiêu này sẽ không đạt mục tiêu 22-25 tỷ USD của kế hoạch năm nay.

Với con số quan trọng nhất, giải ngân vốn FDI trong tháng 9 đạt khoảng 800 triệu USD, đưa tổng số vốn thực hiện 9 tháng đầu năm lên mức 8,05 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, mức giải ngân tháng này đã thấp hơn 50 triệu USD so với tháng 8 và kém xa con số giải ngân bình quân 9 tháng đầu năm, gần 900 triệu USD/tháng.

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2010, gồm có dự án Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam tổng vốn 1 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea vốn đăng ký 902,5 triệu USD…

Công nghiệp chế biến hút vốn FDI

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã liên tục tăng cao trong các tháng gần đây. Với 275 dự án cấp mới, tổng số vốn cấp mới trên 3 tỷ USD và 106 lượt dự án tăng vốn, tổng số vốn đăng ký tăng thêm 653,6 triệu USD đã đưa lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI trong 9 tháng qua, chiếm 30,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kinh doanh thuận lợi là động lực để dòng vốn FDI đổ vào khu vực sản xuất. Báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) 9 tháng đầu năm ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ và chiếm 53,1% tổng xuất khẩu cả nước.

Nếu không tính dầu thô, khu vực doanh nghiệp FDI ước xuất khẩu 23,7 tỷ USD, chiếm 45,9% tổng xuất khẩu và tăng 40,1% so với cùng kỳ 2009. Các doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm ước đạt 25,7 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ và chiếm 42,8% tổng nhập khẩu cả nước.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 1,7 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 8,6 tỷ USD. Nếu không tính xuất khẩu dầu thô, khu vực FDI nhập siêu trên 2 USD, chiếm 23,5% giá trị nhập siêu cả nước, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Ở các vị trí tiếp sau, chí với 6 dự án đầu tư được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2010, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký khá cao 2,94 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm.

Không có nhiều dự án đăng ký thêm, nhưng với quy mô vốn đầu tư trung bình của một dự án khá cao, 144,9 triệu USD/dự án, nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3. Tổng vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực này là 2,75 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2010, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hà Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,2 tỷ USD chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng  thứ 2 với trên 2 tỷ USD, chiếm 17%; Hoa Kỳ đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,87 tỷ USD.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 9 tháng đầu năm 2010 với 2,23 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Ninh, Tp.HCM và Nghệ An với số vốn đăng ký lần lượt là 2,15 tỷ USD, 1,8 tỷ USD và 1 tỷ USD.