FDI vào nông nghiệp: “Gỡ rối” cho nhà đầu tư!
6 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 2,46% tổng vốn FDI
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy 6 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 2,46%, tức là 107 triệu USD trên tổng số 4,3 tỷ USD vốn FDI của cả nước.
Việc thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, kỹ năng lao động thấp, mức độ rủi ro cao... tiếp tục là những trở ngại lớn, ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với nông nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo "Chiến lược thu hút và nâng cao hiệu quả FDI vào nông nghiệp" đã mổ xẻ nhược điểm, hạn chế trong quá trình triển khai các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Nông nghiệp - ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tính đến hết tháng 6/2007, các dự án FDI ở Việt Nam đã thu hút được 67,3 tỷ USD vốn đăng ký với gần 30 tỷ USD vốn thực hiện song số vốn đăng ký trong nông nghiệp chỉ đạt 3,78 tỷ USD (tương đương 5,6%), vốn thực hiện là gần 1,9 tỷ USD (xấp xỉ 6,3%).
Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn có tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp ổn định từ 13-21%.
Mặc dù nguồn vốn đầu tư còn hạn chế song, các dự án FDI đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn, nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và áp dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh khi tham gia hội nhập.
Với 758 dự án đã và đang triển khai, lĩnh vực FDI trong nông nghiệp đem lại doanh thu hàng năm khoảng 312 triệu USD, xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm và tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế nông nghiệp vẫn tiếp tục nhận định lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía, nhất là điều kiện tự nhiên, thị trường; lãi suất thấp, thu hồi vốn chậm vì phải theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi.
Vì vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung các dự án thu hồi vốn nhanh như sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến nông lâm sản thay vì triển khai các dự án phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, trồng, chế biến các loại rau, quả xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao. Điều đó được thể hiện qua cơ cấu đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 76% vốn đầu tư trong khi lĩnh vực trồng rừng, chế biến gỗ chỉ chiếm 24%.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án FDI nông nghiệp thường được thực hiện tại các vùng nông thôn nhưng các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng nên có tới 30% số dự án bị giải thể so với mức bình quân chung của cả nước là 20%.
Đơn cử, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cần sử dụng nhiều đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu thì thực tế tại các địa phương, đất đai đã được giao hết cho các hộ nông dân với quy mô sản xuất manh mún, đầu tư phân tán, chạy theo thị trường khiến các cơ sở chế biến nông sản FDI luôn bị động về nguồn nguyên liệu.
Những khó khăn trên đã đẩy các dự án FDI về những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên...
Đột phá từ đâu?
Trải qua hơn 18 năm hoạt động nhưng đến nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng thu hút vốn FDI rõ ràng. Vì vậy một trong những nội dung quan trọng của "Chiến lược thu hút và nâng cao hiệu quả FDI vào nông nghiệp" là xác định vị trí của nguồn vốn FDI đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp, những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và châu Âu.
Theo đó, các giải pháp thúc đẩy thu hút vốn FDI của ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào ba nhóm lớn:
- Nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm;
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích FDI (ưu đãi hỗ trợ, vốn và tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại, hạ tầng, nguồn nhân lực...);
- Tăng cường, nâng cao hiệu quả vận động, xúc tiến FDI.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ phát triển (ODA) sẽ được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai các dự án đào tạo nghề cho nông dân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp, chất lượng, sản lượng của nguồn nguyên liệu nông sản trước khi chế biến, xuất khẩu.
Còn các doanh nghiệp FDI được khuyến khích đầu tư chủ yếu vào ngành chế biến nông lâm sản, trồng rừng - chế biến gỗ, chăn nuôi - sản xuất thức ăn gia súc.
Đây có thể coi là những điểm đột phá nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam, giảm dần tình trạng xuất thô và tạo lực đẩy cho việc phát triển các vùng sản xuất nông, lâm sản quy mô lớn với chất lượng được cải thiện rõ rệt. Đồng thời, những giải pháp này cũng tạo thêm nguồn lực phát triển đáng kể cho các địa phương tại miền núi có tiềm năng lớn về đất rừng cũng như phát triển chăn nuôi góp phần giảm bớt chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa các vùng miền trên cả nước.
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai còn có thể hy vọng vào sự hỗ trợ của một hệ thống cơ chế, chính sách về khuyến khích FDI (bao gồm các chính sách về ưu đãi vốn và tín dụng, đất đai, phát triển thị trường, hạ tầng, và nguồn nhân lực...) ổn định và hoàn thiện hơn.
Dự kiến, ngay trong tháng 8/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành chiến lược và quy hoạch sử dụng FDI cho tới năm 2010. Tiếp đó, trình Chính phủ phê duyệt và ban hành các chính sách mới ưu đãi thu hút FDI cho ngành nông, lâm nghiệp (trong quý 4 năm 2007).
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phát triển hệ thống quản lý và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp... Chiến lược nhắm tới mục tiêu đến năm 2010, ngành nông nghiệp có thể huy động 1,5 tỷ USD vốn thực hiện FDI.