06:58 01/05/2008

FED hạ lãi suất USD xuống còn 2%

Kiều Oanh

Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% xuống còn 2%

Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.
Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.

Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% xuống còn 2%.

Đồng thời, FED cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy, chuỗi cắt giảm lãi suất 7 lần kể từ tháng 9 năm ngoái tới nay có thể sẽ tạm thời dừng lại trong thời gian tới.

Quyết định ít gây bất ngờ nói trên của FED vừa được công bố vào lúc rạng sáng nay (1/5) theo giờ Việt Nam, sau cuộc họp kéo dài hai ngày của ngân hàng này. Cùng với đó, lãi suất chiết khấu áp dụng cho các khoản vay trực tiếp từ FED cũng được cắt giảm từ mức 2,5% xuống còn 2,25%.

Trong tuyên bố cắt giảm lãi suất, các quan chức của FED nhận định: “Các biện pháp nới lỏng tiền tệ tính tới thời điểm này, cùng với các biện pháp khác đang được áp dụng, sẽ giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức độ vừa phải”.

Mặt khác, bản tuyên bố cũng cảnh báo một số áp lực lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây: “FED hy vọng tốc độ lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới nhờ giá nhiên liệu và các loại nguyên vật liệu khác hạ xuống. Việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề lạm phát là việc làm cần thiết”.

Đây chính là những dấu hiệu mà giới quan sát cho rằng FED sẽ “nghỉ giải lao” sau khi đã liên tục cắt giảm lãi suất USD tới 7 lần - đợt nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ trở lại đây tại Mỹ - đưa lãi suất cơ bản USD từ mức 5,25% vào tháng 9/2007 xuống còn 2%.

Trong tuyên bố cắt giảm lãi suất lần này, FED cũng thừa nhận rằng, những thiệt hại xuất phát từ cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc đã có tác động tiêu tới thời kỳ tăng trưởng kéo dài 6 năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng với đó, tình hình trên thị trường việc làm, thị trường tín dụng và tiêu dùng vẫn chưa có những tín hiệu khả quan.

Chỉ vài giờ trước khi FED đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất, Bộ Thương mại Mỹ công bố một báo cáo cho thấy, GDP của nước này trong quý 1 vừa qua tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo trước đó. Mặc dù vậy, tiêu dùng của các hộ gia đình - bộ phận cấu thành lớn nhất trong GDP Mỹ - tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái năm 2001.

Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới đã thâm hụt tài sản và thua lỗ ít nhất 312 tỷ USD do khủng hoảng tín dụng. Trong quý 1, số vụ tịch biên nhà vì người vay mua nhà không trả nổi nợ tại Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Tính ra, trong quý 1, cứ 194 hộ gia đình Mỹ thì có 1 hộ gia đình phải giải quyết thủ tục giao nộp nhà cho ngân hàng.

Trong khi đó, thị trường nhà đất Mỹ vẫn tiếp tục đi xuống và chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhà đã chạm đáy. Trong tháng 2, giá nhà tại 20 thành phố lớn ở Mỹ đã giảm 12,7%, còn số nhà mới khởi công trong tháng 3 tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại đây.

Giới quan sát cho rằng, lúc này, các quan chức của FED muốn ngừng việc cắt giảm lãi suất lại và dành thời gian để quan sát xem các “liều thuốc” bao gồm liên tục cắt giảm lãi suất, cho vay trực tiếp các tập đoàn đầu tư, bơm tiền vào hệ thống tài chính… có vực dậy được kinh tế Mỹ hay không.

Mặt khác, trong bối cảnh các áp lực lạm phát gia tăng như giá xăng tại Mỹ đang tiến tới mốc 4 USD/gallon và giá thực phẩm leo thang, có thể FED đang chuyển hướng sang nhiệm vụ chống lạm phát. Mức lãi suất cơ bản 2% hiện nay của USD thực âm 1,27%.

Giống như lần trước, lần cắt giảm lãi suất cơ bản này của FED không nhận được sự đồng thuận của tất cả các quan chức. Chủ tịch FED tại bang Dallas là Richard Fisher và Chủ tịch FED tại bang Philadelphia là Charles Plosser - hai nhân vật thiên về chủ trương chống lạm phát - vẫn bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất chiết khẩu USD nhận được phiếu thuận của tất cả các quan chức.

Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào hai ngày 24 - 25/6 tới. Giới quan sát cho rằng, lần cắt giảm lãi suất USD tiếp theo, nếu có, sẽ được thực hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu đúng như vậy, đây chính là những gì đã diễn ra trong chuỗi cắt giảm lãi suất hồi năm 2001 của FED.

Khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2000, FED đã liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản USD trong năm 2001 xuống còn 1,75%. Sau đó, mức lãi suất 1,75% được duy trì tới tận tháng 11/2002 rồi mới được tiếp tục cắt giảm thêm hai lần nữa.