Founder Toàn Nguyễn: Tôi đang chơi một ván cờ chắc thắng!
Những món đồ chơi broadgame quen thuộc không chỉ là sản phẩm để chơi, mà là nguồn cảm hứng sáng tạo, mở ra cánh cửa bước vào thị trường home décor trị giá tới 700 tỷ USD, thị trường quà tặng trị giá hơn 600 tỷ USD...
Maztermind là một thương hiệu mới với những sản phẩm quà tặng – home décor được làm thủ công lấy cảm hứng từ boardgame. Lựa chọn hướng đi tân tạo những trò chơi hàng trăm năm tuổi như cờ vua, cờ tướng hay domino, Maztermind là thương hiệu 100% Việt Nam, từ thiết kế, sản xuất cho đến chuỗi bán lẻ trong nước và kênh thương mại điện tử để quảng bá tại nước ngoài.
Là một người thích đi du lịch, Toàn Nguyễn (sinh năm 1983) từng băn khoăn: khách du lịch khi rời Việt Nam họ mang theo gì? Món đồ lưu niệm nào sẽ ghi dấu ấn Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất chứ không phải “made in…” một nước khác? Sau đó, anh lập ra mô hình bán lẻ The Craft House với khoảng hơn 1.000 sản phẩm thủ công lưu niệm mang đậm bản sắc Việt. Bây giờ, anh lại tự hỏi: một thương hiệu Việt Nam liệu có thể chạm tới thị trường thế giới như thế nào? Và thế là, anh đi những nước đi đầu tiên của ván cờ mang tên Maztermind.
ĐIỂM GIỮA NGỌT NGÀO NHẤT
Đã từng kinh qua nhiều công việc kinh doanh, nhưng dự án mới nhất của anh lại thuộc về lĩnh vực sản phẩm home decor thủ công. Anh học ngành thiết kế ư?
Không, tôi học kinh doanh. Ngay sau khi ra trường tôi đã bắt đầu với những công việc kinh doanh riêng. Tôi đã có gần 15 năm kinh doanh bánh kẹo xuất khẩu, đó là các sản phẩm bánh kẹo thủ công để trang trí trên bánh kem. Sau đó, tôi thành lập mô hình bán lẻ The Craft House (Nhà Thủ công) với 5 địa chỉ tại Hà Nội, Tp.HCM và Hội An cũng với mong muốn cung cấp những sản phẩm thủ công của Việt Nam cho khách du lịch. Hôm nay ngồi nói chuyện với bạn tôi mới tự nhận ra, hình như sản phẩm nào tôi làm cũng có tính thẩm mỹ và tính thủ công trong đó.
Và bây giờ là Maztermind. Anh luôn luôn muốn hướng tới thị trường quốc tế?
Khi kinh doanh bánh kẹo xuất khẩu, tôi vẫn chỉ là một người đi gia công theo đơn đặt hàng. Việt Nam một thời gian dài vẫn giống như “công xưởng” gia công của các thương hiệu thế giới. Bạn thử cầm một đôi giày Nike, hay một chiếc áo Adidas lên mà xem, rất nhiều sản phẩm có ghi dòng chữ “made in Việt Nam”. Nhưng một thương hiệu của Việt Nam vươn tầm quốc tế thì người nước ngoài khó mà kể ra một cái tên nào. Tôi nghĩ, dù chỉ sản xuất những sản phẩm nhỏ xíu như một cọng dây thun thôi, nhưng là thương hiệu Việt Nam và được thế giới biết đến thì rất hay. Bây giờ là thời của thương mại điện tử xuyên biên giới, công cụ rất sẵn, có mạng xã hội, có logistic, có paypal… khiến việc bán hàng đến tận tay người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vậy, hãy tận dụng thương mại điện tử để tự sản xuất và tự phân phối, không phải qua một kênh thứ ba nào, nhờ đó chúng ta có được thương hiệu của riêng mình.
Thay vì tập trung vào thị trường nội địa, Maztermind theo đuổi tệp khách hàng quốc tế ngay từ những ngày đầu tiên, anh có tham vọng quá không?
Hướng đến thị trường nước ngoài vì tôi nghĩ thị trường thế giới giống như đại dương vậy, còn thị trường trong nước vẫn còn là một mặt hồ. Nếu sản phẩm tôi làm ra đủ tiêu chuẩn để “nổi” được trên đại dương thì hẳn nó cũng sẽ được đánh giá cao ở trong nước. Khởi điểm, các sản phẩm Maztermind đã hướng đến thị trường quốc tế nên từ thiết kế, cách thức sản xuất, đường hướng marketing đều đã được chuẩn bị sẵn…
Trước khi đưa ra thị trường nước ngoài, tôi cũng có “test” bằng cách bán sản phẩm trong nước khoảng 6 tháng, qua cả kênh thương mại điện tử lẫn bán offline tại hệ thống The Craft House. Kết quả ngoài mong đợi. Tôi nghĩ thị trường trong nước chỉ mang về khoảng 5 điểm thì thực tế nó đã mang về cho tôi khoảng 8 điểm. Vì thế, tôi mạnh dạn đưa sản phẩm ra nước ngoài qua kênh thương mại điện tử mà không còn e ngại gì.
Nhưng tại sao lại là boardgame chứ không phải là một lĩnh vực nào khác?
Boardgame chỉ là một cái “cớ”, một nguồn cảm hứng khơi gợi sự sáng tạo để tôi làm ra những sản phẩm quà tặng, home décor… chứ sản phẩm của chúng tôi không phải là những món đồ chơi chỉ để… chơi. Khi kinh doanh The Craft House, tôi trò chuyện với khách hàng và biết, ai trong cuộc đời cũng từng chơi một trò chơi boardgame nào đó, nhưng đã lâu rồi họ không có ý định chơi lại, vì các món đồ chơi đó không đủ hấp dẫn. Mặt khác, thị trường lại có nhu cầu rất cao về quà tặng và đồ trang trí nhà cửa. Vậy tại sao không kết hợp boardgame – quà tặng và home décor lại với nhau?
Theo tìm hiểu của cá nhân tôi, thị trường boardgame trên thế giới chiếm khoảng hơn 20 tỷ đô la, nhưng thị trường home décor của thế giới thì vào khoảng 700 tỷ đô la, thị trường quà tặng cũng vào khoảng hơn 600 tỷ đô la. Vậy nếu giao thoa 3 thị trường lại, chúng tôi sẽ được một thị trường lớn hơn nhiều, tạo nên những sản phẩm có nhiều giá trị mà người tiêu dùng sẵn sàng trả một cái giá cao để mua.
Hiện nay, thị trường boardgame đang rơi vào 2 phân khúc: phân khúc đại trà với các sản phẩm làm bằng giấy và nhựa, chỉ dùng để chơi, đa số do Trung Quốc sản xuất; và phân khúc cao cấp đến từ các thương hiệu xa xỉ như Hermes, dùng để trưng bày và sưu tập. Maztermind chính là điểm giữa ngọt ngào nhất, với nét đẹp thủ công mỹ nghệ nhưng lại có giá thành không quá cao.
Để bảo toàn giá trị và tinh thần của sản phẩm, Toàn Nguyễn không chọn thông qua các đại lý nước ngoài. Nếu các sản phẩm đã hoàn toàn làm bằng tay, thì các gói hàng cũng phải được trao đi từ chính bàn tay của những người đã tạo ra nó.
TÔI THÍCH MỘT CÔNG VIỆC ĐỦ HẤP DẪN…
Số lượng boardgame truyền thống nổi tiếng trên thế giới không phải quá nhiều, khoảng hơn 20 loại trò chơi. Anh có dự định gì để kéo dài được mãi cái sự hấp dẫn, với chính anh và với khách hàng?
Ngay từ đầu, chúng tôi không chọn con đường sáng tạo ra một trò chơi mới. Vì thế mạnh là sản xuất thủ công, chúng tôi chọn cách tân tạo các board game đó, khoác cho chúng cái áo mới. Có thể vào thời gian này, xu hướng của thị trường đang ưa chuộng phong cách thẩm mỹ Morden Industrial, chúng tôi sẽ cho ra những sản phẩm theo phong cách này. Qua một thời gian, chúng tôi sẽ cho ra loạt sản phẩm mới theo phong cách khác, vintage hoặc retro chẳng hạn, hay cá nhân hóa các sản phẩm (cho phép khách hàng khắc tên mình, đổi biểu tượng của trò chơi…) Đó chính là thế mạnh của Việt Nam nói chung và Maztermind nói riêng, có thể sản xuất các sản phẩm thủ công tỉ mỉ, có đủ nhân công để làm các sản phẩm cá nhân hóa với giá không quá cao.
Nhưng sản phẩm thủ công cũng có một điểm yếu - đó là không sản xuất nhanh và hàng loạt được. Vậy điều gì khiến anh tự tin vào các sản phẩm của mình?
Câu slogan của Maztermind là: “Play in style” – nghĩa là chơi có phong cách. Các sản phẩm của chúng tôi được làm thủ công, tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao, để dù bạn mua về để chơi, để tặng quà hay trưng bày trong nhà cũng sẽ thể hiện được gu thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa của con người bạn. Sản phẩm thủ công, trên lý thuyết là không sản xuất nhanh và hàng loạt được, nhưng nếu có một quy trình hợp lý, chúng ta vẫn có thể sản xuất nhanh hơn so với các cách truyền thống. Chúng tôi đã phát triển một dây chuyền chế tác bền vững để có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Rất nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, con người chơi game online mãi rồi cũng chán, rồi sẽ quay lại với boardgame, vì những trò chơi này có tính kết nối rất cao. Bạn có thấy ai chơi boardgame một mình? Cả gia đình cùng chơi, bạn bè cùng chơi, đồng nghiệp trong công sở cũng có thể chơi lúc giải lao… Hơn hết, chúng tôi có thể truyền tải những câu chuyện văn hóa mới mẻ cho những bộ boardgame này. Đó là những câu chuyện ẩm thực đường phố qua bộ cờ tỷ phú Saigonopoly, hay những chú tuấn mã trở về thành Troy trong bộ cờ cá ngựa. Đó sẽ là những câu chuyện mà người chơi chia sẻ và tương tác, tạo ra một sự gắn bó ý nghĩa hơn.
Cho đến giờ, đâu là sản phẩm anh ưng ý nhất?
Mỗi thiết kế của chúng tôi luôn chứa đựng những câu chuyện, còn trong sản phẩm luôn có sự kết hợp của nhiều vật liệu mới lạ với nhau. Ví dụ luôn bằng sản phẩm tôi ưng ý nhất: bộ Cờ cá ngựa. Với sản phẩm này, chúng tôi đã kết hợp các chất liệu riêng biệt như đồng thau, xi măng, da và gỗ. Trong những nguyên vật liệu chiến lược sắp tới, chúng tôi sẽ đưa gốm, sơn mài, thép, inox… vào làm sản phẩm. Chúng tôi làm ra những món quà tặng đẹp nhưng phải xài được, phải thực dụng, lúc trưng bày thì có tính thấm mỹ nhưng khi mang ra chơi thì phải đem tới cảm giác phấn khích.
NƯỚC CỜ CHIẾU TƯỚNG!
Có vẻ như anh đang khá hài lòng với team của mình? Vậy tại sao anh không mở rộng sản xuất các sản phẩm thủ công khác nữa, ngoài những sảm phẩm boardgame?
Hiện tôi khá hài lòng về góc độ thiết kế, các designer của chúng tôi khá trẻ nhưng cho họ được trao niềm tin để sáng tạo không cần khuôn khổ, nhờ đó họ mang đến những thiết kế bản năng mang tính đột phá. Bên cạnh đó, tôi có những người thợ thủ công lành nghề, những chuyên gia marketing có kinh nghiệm... Ngoài boardgame, chúng tôi có làm nhiều sản phẩm thủ công quà tặng khác nữa, hiện đang bán tại hệ thống The Craft House, nhưng chúng tôi chưa đủ nguồn lực để làm marketing cho tất cả. Hình dung vui vui thì giống như nhà tôi có mấy đứa con, không thể nào cho tất cả từng ấy đứa đi du học cùng lúc được, tôi buộc phải chọn một đứa tiềm năng nhất để cho xuất ngoại trước. Nếu đứa con đó thành công, nó sẽ có tiền để “nuôi” em nó, nó học xong rồi nó cũng sẽ có những công thức, những kinh nghiệm nhất định, mấy đứa “em” sau đi theo sẽ dễ dàng hơn…
Nếu có một lời khuyên cho những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tương tự, anh sẽ nói gì?
Kinh doanh những sản phẩm có yếu tố văn hóa khá là khó khăn, vì có nhiều công đoạn lắt nhắt tỉ mỉ mà mình phải trực tiếp nhúng tay vào, không đơn giản là mua đi bán lại một món đồ để kiếm lời. Do đó, muốn bắt đầu thì trước tiên phải có đủ đam mê. Sau đó, quan trọng nhất là xác định được thị trường. Bạn phải xác định được bạn làm sản phẩm đó là có thị trường, không có thị trường thì dù bạn có làm sản phẩm tốt cỡ nào cũng không phát triển được. Nếu đã xác định được thị trường cho sản phẩm, thì vấn đề thứ nhì là: không bỏ cuộc. Khi bạn biết trước mặt bạn là một chiếc bánh to, bạn cứ đi rồi sẽ tìm được đường tới, đi đường này không đúng thì vòng qua đường khác, cuối cùng sẽ đến được đích thôi.
So sánh công việc kinh doanh của mình với một boardgame, anh nghĩ đó sẽ là trò chơi nào? Anh có chắc mình sẽ thắng?
Hiện tại, tôi cũng đang nói chuyện với chính bản thân tôi, rằng tôi đang chơi một boardgame với Maztermind. Đây là một ván cờ tướng. Có những lúc mình phải hy sinh “quân” này để đạt được “quân” kia, có những lúc muốn nhanh thì phải từ từ, có những lúc phải kiềm chế để giữ “quân”, rồi với một chút xíu tiền vốn thì làm sao để “sang sông”… Đây là một ván cờ nhiều trăn trở, tôi phải vừa chơi vừa học, dò dẫm từng nước đi và suy tính, nhưng mang lại rất nhiều đam mê và niềm vui.
Trước tiên phải định nghĩa thế nào là “thắng”? Ước mơ của tôi không phải là làm ra một sản phẩm boardgame, mà là đưa một brand Việt ra thế giới. Với tôi, chiến thắng ván cờ này là khi các sản phẩm chúng tôi làm ra đều bán được ra thế giới, được người tiêu dùng thế giới đón nhận, thương hiệu Maztermind được nhận diện là một brand chuyên về sản phẩm quà tặng – home décor thủ công, thậm chí người ta sẽ bàn tán về thương hiệu này đến từ Việt Nam đấy… Nếu định nghĩa chiến thắng là như vậy, tôi tự tin 100% mình sẽ chiến thắng!
Và nước cờ nào sẽ là nước cờ chiếu tướng của anh?
Sản phẩm của Maztermind có nhiều ưu điểm nổi trội. Nhưng điều khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm của chúng tôi thay vì chọn sản phẩm khác, chính là craftmanship - tính thủ công tỉ mỉ. Khi chọn mua một sản phẩm, khách hàng có thể vào xem clip ghi lại quá trình ra đời của sản phẩm đó, để thấy cả câu chuyện đằng sau: có bao nhiêu con người tham gia vào quá trình đó, từng bước từng bước sản xuất tỉ mỉ bằng tay như thế nào… chắc chắn họ sẽ bị thuyết phục. Handmade là nước cờ quan trọng nhất của tôi!
Mỗi sản phẩm đều mang trong nó một câu chuyện, được "kể" bởi những người thợ thủ công lành nghề.
Toàn Nguyễn mất khoảng 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo sản phẩm, cũng như tìm hiểu về những tệp khách hàng mà mình nhắm tới. Mục tiêu của anh là tạo ra danh tính rõ ràng cho thương hiệu một khi chính thức được tung ra, với bộ sưu tập đa sắc và bộ nhận diện hẳn hoi.