09:57 04/01/2010

FTA thúc đẩy thương mại ASEAN - Trung Quốc

Quốc Trung

Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN gồm 1,9 tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội chung lên tới gần 6.000 tỷ USD

Theo thoả thuận, Trung Quốc và 6 nước sáng lập ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand sẽ bỏ các rào cản đầu tư và thuế với 90% hàng hoá - Ảnh: Getty Images.
Theo thoả thuận, Trung Quốc và 6 nước sáng lập ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand sẽ bỏ các rào cản đầu tư và thuế với 90% hàng hoá - Ảnh: Getty Images.
Khu vực tự do thương mại (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN vừa chính thức đi vào hoạt động ngày 1/1/2010, với khoảng 9.000 nhóm hàng hóa và dịch vụ được miễn giảm thuế. Theo đó, thúc đẩy thương mại toàn khu vực, song sự cạnh tranh ở một số ngành sẽ trở nên gay gắt hơn.

Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 1,9 tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung lên tới gần 6.000 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, với FTA này, các ngành được hưởng lợi nhiều nhất gồm ngành dịch vụ, xây dựng, cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Mở rộng tầm với thương mại của châu Á

Đây là khu vực thương mại lớn nhất thế giới về mặt dân số và lớn thứ 3 thế giới về khối lượng giao dịch, sau Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Với việc thành lập khu vực thương mại này sau 8 năm đàm phán, thuế quan đối với khoảng 9.000 nhóm hàng hóa và dịch vụ, tương đương 90% tổng trao đổi thương mại song phương, sẽ được cắt giảm hoặc bãi bỏ.

Zhang Kening, Tổng giám đốc Ban thương mại quốc tế và các vấn đề kinh tế Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, mức thuế trung bình mà Trung Quốc áp lên các hàng hoá của ASEAN sẽ giảm xuống còn 0,1% kể từ mức 9,8%. Thuế trung bình mà các nước ASEAN đánh vào hàng hoá Trung Quốc sẽ giảm từ 12,8% xuống còn 0,6%.

Theo thoả thuận, Trung Quốc và 6 nước sáng lập ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand sẽ bỏ các rào cản đầu tư và thuế với 90% hàng hoá. Các nước thành viên ASEAN khác gồm Việt Nam và Campuchia sẽ có những bước đi tương tự vào 2015.

FTA song phương ASEAN - Trung Quốc đi vào hoạt động trong bối cảnh quan hệ thương mại Trung Quốc - ASEAN đã tăng mạnh trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt tới 231,1 tỷ USD trong năm 2008, so với mức 19,5 tỷ USD của năm 1995.

Đặc biệt trong 4 năm qua, hoạt động thương mại đã tăng gấp đôi với việc ký kết các thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, dịch dụ và một hiệp ước về khuyến khích đầu tư liên khu vực. Trung Quốc cũng đã chiếm chỗ của Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN và tiến tới sẽ vượt Nhật và EU để trở thành đối tác số 1 của khu vực này trong vòng vài năm đầu của FTA.

ASEAN và Trung Quốc hy vọng FTA song phương sẽ mở rộng tầm với thương mại của châu Á trong khi tăng cường giao dịch trong khu vực; giúp hai bên bớt phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Một số ngành cạnh tranh gay gắt hơn

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, FTA giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ khiến một số ngành công nghiệp của Đông Nam Á chịu sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc. Một số nhà sản xuất lo ngại hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể ngập tràn thị trường nước mình một khi thuế nhập khẩu được dỡ bỏ. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho chính quyền địa phương trong việc duy trì hoặc tăng cường thị phần của mình.

Tại Indonesia, ngành công nghiệp dệt may và thép tỏ ra đặc biệt lo ngại về việc dỡ bỏ thuế quan, khiến chính phủ nước này từng nêu vấn đề có thể sẽ đề nghị hoãn áp dụng miễn thuế đối với một số sản phẩm.

Cũng theo các chuyên gia, những nước ASEAN đang tập trung sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ, sẽ dễ bị tổn thương sau khi FTA với Trung Quốc có hiệu lực. Những nước này có thể cần hướng tới các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và xác định các thị trường thích hợp mới.

Trong khi, các nhà kinh tế Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng, sau ngày 1/1/2010, Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng nông sản từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ tới nông dân Trung Quốc ở các tỉnh miền Nam như Quảng Tây và Vân Nam.

Theo nhận định của ông Thomas Kaegi, chuyên gia của Viện Quản lý tài sản UBS, cán cân thương mại chung có phần thiên về phía Trung Quốc, dù đối với riêng từng nước trong ASEAN có sự khác biệt đáng kể. Singapore, Malaysia và Thái Lan chỉ chịu mức thâm hụt thương mại nhỏ với Trung Quốc trong khi con số này của Việt Nam trong những năm qua tăng mạnh.