15:35 07/05/2025

Gã khổng lồ công nghệ nào đang dẫn đầu cuộc đua tăng trưởng giữa thuế quan gia tăng?

Mai Anh

Thuế quan gia tăng đã phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của hàng loạt các gã khổng lồ công nghệ, thế nhưng, vẫn có những tia sáng trong bức tranh u ám đó…

Apple và Amazon chịu tổn thất lớn khi chiến tranh thương mại đe dọa tới triển vọng kinh doanh phần cứng và thương mại điện tử. Ảnh: Financial Times
Apple và Amazon chịu tổn thất lớn khi chiến tranh thương mại đe dọa tới triển vọng kinh doanh phần cứng và thương mại điện tử. Ảnh: Financial Times

Theo tờ Financial Times, Microsoft đã trở thành người chiến thắng trong loạt báo cáo lợi nhuận đầu tiên của các đại gia công nghệ dưới nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Gã khổng lồ phần mềm này đang trên đà giành lại ngôi vị công ty đại chúng giá trị nhất thế giới từ tay Apple nhờ niềm tin từ các nhà đầu tư rằng doanh nghiệp này có khả năng chống chọi tốt nhất với cuộc chiến thương mại hiện tại.

Bất chấp tâm lý bi quan lan rộng trước thềm công bố kết quả kinh doanh, Microsoft vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục tại mảng điện toán đám mây Azure, nhờ quan hệ hợp tác với OpenAI và nhu cầu đối với các phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Những tuyên bố này đã giúp trấn an các nhà đầu tư giữa lúc lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và câu hỏi liệu các khoản chi khổng lồ cho AI có thực sự xứng đáng.

TRIỂN VỌNG U ÁM HƠN VỚI CÁC ÔNG LỚN CÔNG NGHỆ

Trong nhóm các công ty công nghệ lớn nhất, Apple và Amazon là hai cái tên chịu thiệt hại lớn nhất.

Tờ CNN Business đưa tin, nhà sản xuất iPhone cho biết sẽ phải gánh thêm ít nhất 900 triệu USD chi phí trong quý này. CEO Tim Cook tiết lộ thêm rằng, thương hiệu này đang chuyển hoạt động sản xuất iPhone được bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Theo công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities, khoảng 90% sản lượng iPhone của Apple – sản phẩm có lợi nhuận cao nhất của công ty – vẫn ở Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực tăng cường sản xuất ở những nơi khác.

Dù Mỹ miễn trừ điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác có chứa chất bán dẫn khỏi mức thuế quan đối ứng đối với Trung Quốc đã giúp iPhone tránh được mức thuế khắc nghiệt nhất, các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế tối thiểu là 20%, theo ông Cook.

Trong khi đó, triển vọng của Amazon đã bị lu mờ bởi rủi ro và bối cảnh không chắc chắn từ thuế quan của ông Trump cũng như chi tiêu của người tiêu dùng. Các chính sách thương mại thất thường của ông Trump đã làm tê liệt các doanh nghiệp và đe dọa làm tăng giá, gây tổn hại cho người tiêu dùng, theo phân tích từ tờ AP.

ĐIỀU GÌ GIÚP MICROSOFT ĐỨNG VỮNG?

Với Microsoft, kết quả vượt trội đã giúp hãng này giữ nguyên kế hoạch chi 80 tỷ USD cho trung tâm dữ liệu trong năm tài chính kết thúc vào 30/6 tới, thậm chí, sẽ chi nhiều hơn nữa vào năm tới, bao gồm hàng chục tỷ USD cho các dự án mới tại châu Âu nhằm đảm bảo Mỹ không thể cắt quyền tiếp cận của khu vực này với dữ liệu và sức mạnh tính toán.

“Microsoft không chỉ vượt xa kỳ vọng với các chỉ số quan trọng nhất mà những chia sẻ của họ về vấn đề chi tiêu vốn còn mang đến sự nhẹ nhõm của cả ngành công nghệ”, ông Ben Reitzes, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ tại Melius nhận xét. “Chúng tôi kỳ vọng Microsoft sẽ tiếp tục hưởng lợi khi niềm tin vào Azure được khôi phục”.

Ông Satya Nadella, CEO của Microsoft, đang trở thành nhân vật tạo ra thế cân bằng giữa làn sóng cường điệu hóa AI ở Thung lũng Silicon. Ông thiết lập quan hệ đối tác sớm với OpenAI, qua đó giúp Microsoft tiếp cận độc quyền công nghệ sinh lời này mà không phải tự bỏ tiền phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến, đồng thời vẫn giữ lại một khách hàng điện toán đám mây quy mô lớn.

Ông Nadella cũng lập luận rằng, việc tập trung vào phần mềm cho doanh nghiệp thay vì người tiêu dùng, cùng chuỗi cung ứng đa dạng, đã biến Microsoft thành công ty công nghệ ít bị ảnh hưởng nhất bởi chính sách dưới thời ông Trump.

“Phần mềm là nguồn tài nguyên dễ thích ứng nhất mà chúng ta có để chống lại mọi áp lực lạm phát hay tăng trưởng, khi bạn cần làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn”, ông phát biểu mới đây, theo dẫn lời của tờ Financial Times.

Bằng chứng là cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần 9% trong tuần từ ngày 28/4 – 2/5, trở thành cái tên duy nhất trong nhóm “Bảy kỳ quan công nghệ”, gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla, có mức tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.

Năm ngoái, Microsoft đã tụt lại phía sau so với các đối thủ, chỉ tăng 13% so với mức tăng 25% của chỉ số S&P 500.

CÁI GIÁ CỦA VIỆC PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC

Tính từ ngày 21/1, tức một ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, giá trị vốn hóa của nhóm bảy đại gia công nghệ kể trên đã bốc hơi 2.300 tỷ USD, với riêng ngày 3/4 đã mất một nghìn tỷ USD chỉ sau một phiên giao dịch, khi ông Trump công bố các mức thuế đối ứng áp lên hàng loạt đối tác thương mại, trong đó mức cao nhất nhắm vào Trung Quốc.

“Microsoft chính là bất ngờ lớn và không chỉ ở mảng điện toán đám mây. Mảng phần mềm của họ cũng đang hoạt động rất tốt và rủi ro từ thuế quan là rất thấp”, ông Jim Tierney, trưởng bộ phận quỹ tăng trưởng tập trung Mỹ tại AllianceBernstein nhận định. “Trong khi đó, Amazon, Meta và Apple phải vật lộn với thuế quan và những tác động lên khách hàng của họ, từ thương nhân, nhà sản xuất cho đến nhà quảng cáo tại Trung Quốc”.

Dù kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, cổ phiếu Apple vẫn lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ sau khi báo cáo vào ngày 2/5 vừa qua. CEO Tim Cook không thể trấn an nhà đầu tư rằng chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ tránh được tác động nặng nề từ thuế quan, và thừa nhận rằng môi trường chính sách bất ổn khiến việc “dự đoán chi phí và giá bán trong tương lai trở nên rất khó khăn”.

Sự ràng buộc của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới với Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng nặng nề lên mảng thương mại điện tử và quảng cáo. Cổ phiếu Amazon giảm 2% trong phiên ngoài giờ ngày 2/5 khi hãng bổ sung “chính sách thuế và thương mại” vào danh sách các yếu tố rủi ro và công bố dự báo lợi nhuận mới thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall.

Theo Morgan Stanley, tập đoàn có trụ sở tại Seattle này nhập khẩu 1/4 số sản phẩm bán ra từ Trung Quốc. Họ cũng vận hành nền tảng siêu giá rẻ mang tên Haul, tận dụng chính sách miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp – vốn bị chính phủ Mỹ xóa bỏ mới đây.

Meta và Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng cảnh báo về sự suy giảm chi tiêu quảng cáo số từ Trung Quốc. Financial Times trước đó đưa tin các đại gia thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein đã cắt giảm ngân sách quảng cáo trên nền tảng của hai hãng này.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của Meta và Alphabet vẫn được thị trường đón nhận tích cực hơn nhờ kỳ vọng vào AI, lĩnh vực cả hai đang sử dụng để tăng mức độ tương tác người dùng và tối ưu hóa quảng cáo.

Các phân tích của Morgan Stanley dự báo, 11 nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu sẽ chi tổng cộng 392 tỷ USD trong năm nay, tăng 38% so với năm 2024.

Dù tốc độ tăng đã chậm lại so với mức 65% của năm ngoái, số tiền này vẫn tương đương tổng chi của năm 2023 và 2024 cộng lại, đồng thời chiếm tới 17% doanh thu của các công ty này.

“Mặc dù phần lớn khoản chi gia tăng này tập trung cho đầu tư AI để hỗ trợ hoạt động cốt lõi, đây vẫn là chiến lược rất táo bạo trong bối cảnh kinh tế bất ổn”, nhà phân tích Mark Shmulik của Bernstein nhận xét về Meta.

“Lời hứa về một môi trường ít điều tiết hơn và thuế thấp hơn từng khiến giới đầu tư hồ hởi vào cuối năm ngoái nay đã không còn”, nhà phân tích Rishi Jaluria tại RBC đánh giá. “Chúng ta còn chẳng nhắc đến suy thoái cách đây 5 tháng, mà giờ thì… đây rồi”.