Ghi từ Bangladesh: Những câu hỏi và những niềm hy vọng
Người Bangladesh đang khát khao học hỏi kinh nghiệm phát triển từ các nước khác, trong đó có Việt Nam
Có mặt tại Bangladesh cuối tháng 10
vừa qua, phóng viên Lê Cẩm Lê đã có quãng thời gian chứng kiến và trải
nghiệm phần nào những nỗ lực phát triển của quốc gia vùng Nam Á nhiều
thiên tai và bất ổn chính trị này.
Hai mươi năm trước, ông N.A. Khan bắt đầu làm việc cho Youngone, một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc chuyên sản xuất giày dép và quần áo cho các thương hiệu quốc tế đầu tư tại Bangladesh. Lúc ấy, công ty mới chỉ có hơn 300 người.
Ngày nay, ông đã trở thành Giám đốc điều hành, cai quản hơn 40.000 công nhân làm việc trong 12 nhà máy của doanh nghiệp FDI lớn nhất đất nước này, với tổng số vốn đầu tư là 350 triệu USD.
Câu chuyện về sự phát triển của Youngone, theo ông, là một minh chứng cho thấy đã đến lúc các công ty nước ngoài nên đầu tư vào Bangladesh, dù đất nước này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Bên cạnh một hệ thống chính trị thường xuyên bất ổn thì hạ tầng yếu kém, quan liêu là những vấn đề đau đầu nhất cho Chính phủ Bangladesh hiện nay. Bất kỳ ai đến Dhaka, thử trải nghiệm việc chờ đợi từng chiếc xe di chuyển chậm chạp trên đường phố đầy rẫy ôtô, cũng có thể nhận thấy tắc nghẽn giao thông là một rào cản quá lớn cho sự phát triển của kinh tế.
Tốc độ gia tăng dân số lên tới 2,02% mỗi năm, trong khi đó tỷ lệ người biết chữ chỉ có 35,3%, cũng là những nguyên nhân đẩy đất nước này vào danh sách những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người ở mức 482 USD/năm vào năm 2006.
Đa số người dân vẫn đang sống trong nghèo đói, song những nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh vẫn không quên khát vọng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, nâng lên vị thế của quốc gia này.
Đi tìm giải pháp
“Ở Bangladesh, kinh doanh là điều tốt nhất”, đó là ý tưởng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI), một trong những tổ chức kinh tế có lịch sử lâu đời và đại diện cho hơn 5000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bangladesh.
Các con số thống kê gần đây cho thấy có 93.000 công ty công nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm tới hơn 90% trong nền kinh tế, tạo 80% công ăn việc làm cho người lao động. Rõ ràng sự phát triển của đất nước này phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của khu vực tư nhân.
Theo số liệu của Tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2007 lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Bangladesh đạt 666 triệu USD, thấp hơn so với con số 793 triệu USD năm 2006. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do sự không chắc chắn về tình hình chính trị trong tương lai cũng như do sự yếu kém của hệ thống hạ tầng.
Cho đến nay, sức mạnh nội tại của Bangladesh chủ yếu dựa vào ngành dệt may, nhờ được hưởng ưu đãi về hạn ngạch dành cho nước kém phát triển. Với 4.600 công ty và 2,5 triệu công nhân, năm 2007, ngành này có giá trị xuất khẩu tới 10,7 tỷ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Kiều hối ngày càng trở lên quan trọng đối với Bangladesh, đạt hơn 7 tỷ USD năm 2007. Từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, các chính phủ tại Bangladesh đều nỗ lực thúc đẩy việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài, chủ yếu sang khu vực Trung Đông và một số nước tại Đông Nam Á. Chỉ riêng trong năm 2007, Bangladesh đã xuất khẩu hơn 850.000 lao động ra nước ngoài.
Vẫn có những ý kiến lạc quan tại Bangladesh cho rằng quốc gia này không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang lan rộng do sự tham gia vào nền kinh tế thế giới của họ còn chưa mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do chính sách tiền tệ nghiêm ngặt; ngành may mặc của Bangladesh tuy xuất khẩu đứng thứ tư trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng cơ bản.
Nhưng rõ ràng trong thế giới toàn cầu hóa, mọi người dân Bangladesh đều biết rằng nếu chỉ bằng ngành may mặc, đất nước này sẽ khó bắt kịp tham gia chuyến tàu toàn cầu hóa trong thế kỷ 21.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, DCCI chào đón hơn 250 đại biểu đến từ 20 quốc gia phát triển và đang phát triển của châu Á và châu Âu tham dự những hoạt động chào mừng 50 năm thành lập của tổ chức này. Đây cũng là dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Dhaka, nên thành phố trở nên sôi động hơn với nhiều sự kiện văn hóa.
Với sự có mặt của các quan chức cấp cao của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), UNCTAD, và các nước trong khu vực cùng những nhà kinh tế, nhà nghiên cứu, DCCI tìm kiếm những giải pháp để đưa đất nước này tiến lên trước một thực tế là Bangladesh đang phát triển chậm hơn rất nhiều so với nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.
Hơn ai hết, giới lãnh đạo doanh nghiệp tại đất nước này đang nỗ lực tạo ra một “thương hiệu mới” cho đất nước này, để thay đổi nhận thức chung của thế giới về một Bangladesh nghèo, lạc hậu, chính trị bất ổn, thiên tai liên tiếp và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Một trong những mục tiêu của DCCI là tìm lời giải cho câu hỏi “Bangladesh có một vị thế nào trong khu vực châu Á?”.
Sức bật nội tại
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới với một nền chính trị thường xuyên bất ổn định, Bangladesh không phải không có những điểm mạnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia: lực lượng lao động trẻ, tiền lương thấp (bình quân chỉ 20 USD/tháng), một thị trường nội địa lên tới 150 triệu người và khả năng tiếp cận với 3 tỷ người tiêu dùng tại các nước xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Nam Á khác.
Như một nhà nghiên cứu nhận định nếu Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thì Bangladesh cũng có thể tận dụng cơ hội trở thành một lựa chọn khác trong trong chiến lược “Ấn Độ +1”.
Các quan chức trong chính phủ hiện thời của Bangladesh dự báo rằng nếu họ cải thiện công tác quản trị và tiến hành cải cách, đất nước này có thể đạt mức tăng trưởng 7-8 % và vượt qua những rào cản của sự nghèo đói vào năm 2015.
Bangladesh có trở thành một điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư hay không, điều đó còn tùy thuộc vào tình hình chính trị của nước này trong thời gian tới. Chỉ còn hơn một tháng nữa, vào ngày 18/12, những người dân Bangladesh sẽ đi bỏ phiếu bầu chính phủ mới, chấm dứt hai năm cả nước sống trong tình trạng khẩn cấp. Ở quốc gia này, quyền lực về chính trị vẫn là “bệ phóng” cho sự giàu có và các doanh nhân có mối quan hệ chặt chẽ với các chính trị gia, do vậy, họ sẽ là những người quan tâm đến cuộc bầu cử này hơn ai hết.
Như Cố vấn (một chức vụ tương đương với bộ trưởng) về thương mại và giáo dục của Bangladesh, ông Hossain Zillur Rahman nhận xét, trong thời gian tới, giới doanh nhân nước này có thể sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn do những xáo trộn do khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc bầu cử mang lại.
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử vẫn là sự kiện được hy vọng sẽ đem đến sự chuyển đổi trong tiến trình dân chủ của đất nước. Những người dân Bangladesh hy vọng với sự kiện đó, quốc gia trẻ nhất Nam Á này sẽ có cơ hội vươn lên, trở thành một trung tâm kinh tế trong khu vực.
Xây nhịp giao thương
Người Bangladesh đang khát khao học hỏi kinh nghiệm phát triển từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng và đều mới giành độc lập hơn 30 năm.
Trải qua 35 năm kể từ khi Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã liên tục có những bước phát triển mới, thực chất hơn. Những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước và hơn 15 hiệp định, bản ghi nhớ và chương trình hợp tác song phương giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hiệp định tránh đánh thuế hai lần, đã tạo ra nền tảng pháp lý chắc chắn để các doanh nghiệp hai nước không ngừng mở rộng hợp tác.
Dù còn nhiều khó khăn, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bangladesh trong những năm gần đây đạt mức tăng trưởng ổn định và khá cao, khoảng 20% mỗi năm. Trong năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt mức 100 triệu USD.
Đối với giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Bangladesh, nhiều mặt hàng như cáp điện, quạt điện, nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp, thiết bị y tế, nông sản và thực phẩm chế biến, thiết bị và công nghệ chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, bóng đèn, xăm lốp ô tô, phụ kiện ngành may mặc, xà phòng, đồ vệ sinh cá nhân… từ lâu đã giành được thị phần xứng đáng và sự tín nhiệm tại thị trường này. Mặt hàng dây cáp điện và thiết bị điện của Việt Nam là một sản phẩm nổi tiếng với doanh số xuất khẩu tăng nhanh. Trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của riêng mặt hàng này từ Việt Nam đạt hàng chục triệu USD.
Ngoài mặt các mặt hàng xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam đang bắt tay với các công ty Bangladesh trong lĩnh vực tư vấn, chuyển giao công nghệ đóng tàu biển.
Một điều mà nhiều doanh nghiệp Bangladesh và dư luận báo chí nước này đều đồng tình nhận định là Việt Nam ngày nay không chỉ là mô hình phát triển có nhiều kinh nghiệm Bangladesh có thể tham khảo mà còn là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Bangladesh.
Dhaka là trung tâm chính trị và Chittagong là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước này. Theo ông Saifuzzaman Chowdhury, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Chittagong, phần lớn hoạt động kinh tế của Bangladesh diễn ra ở đây. Các doanh nhân ở Chittagong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu, cho thuê tàu, kho ngoại quan…, Chittagong chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Bangladesh đầy tiềm năng.
Với bãi biển Cox’s Bazar dài nhất thế giới (hơn 110 km), một trong những mối quan tâm của họ là làm thế nào để phát triển du lịch và tiếp thị hình ảnh của đất nước này, đưa ngành du lịch thành một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, một điều họ cho rằng có thể học hỏi được từ Việt Nam.
Mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước ngày càng tăng cũng thúc đẩy việc đi lại của người dân ở hai quốc gia. Theo ông Võ Tuấn Ngọc, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, số thương gia Bangladesh sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, buôn bán và du lịch ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước này mong muốn tìm hiểu các cơ hội giao thương, các mặt hàng và sản phẩm cụ thể từ Việt Nam. Chính sự năng động và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước là động lực chính để tăng cường quan hệ kinh tế đầy tiềm năng giữa hai nước trong tương lai.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hóa trước năm 2020, trong khi đó, Bangladesh đặt mục tiêu bước ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển nhất trong vòng 15 năm tới.
Ông Debapriya Bhattacharya, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện của Bangladesh tại Geneva (Thụy Sỹ) đã cụ thể hóa giấc mơ về một Bangladesh thịnh vượng bằng sự ra đời của nhà máy phát điện có công suất 20000 MW, hệ thống transit ở Dhaka, đưa vào hoạt động cầu Padma, hoàn thành đường cao tốc sáu làn nối Dhaka và Chittagong, 50 % lượng hàng được xuất khẩu từ các ngành ngoài dệt may và hàng ngàn người Bangladesh ở nước ngoài sẽ đầu tư về nước…
Ông cũng hy vọng, mỗi năm một triệu khách du lịch sẽ đến thăm bãi biển Cox’s Bazar và Sunderbans, Bangladesh sẽ trở thành nhà vô địch thế giới môn cricket và được trao tặng ít nhất một giải Oscar trong 15 năm tới...
Hai mươi năm trước, ông N.A. Khan bắt đầu làm việc cho Youngone, một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc chuyên sản xuất giày dép và quần áo cho các thương hiệu quốc tế đầu tư tại Bangladesh. Lúc ấy, công ty mới chỉ có hơn 300 người.
Ngày nay, ông đã trở thành Giám đốc điều hành, cai quản hơn 40.000 công nhân làm việc trong 12 nhà máy của doanh nghiệp FDI lớn nhất đất nước này, với tổng số vốn đầu tư là 350 triệu USD.
Câu chuyện về sự phát triển của Youngone, theo ông, là một minh chứng cho thấy đã đến lúc các công ty nước ngoài nên đầu tư vào Bangladesh, dù đất nước này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Bên cạnh một hệ thống chính trị thường xuyên bất ổn thì hạ tầng yếu kém, quan liêu là những vấn đề đau đầu nhất cho Chính phủ Bangladesh hiện nay. Bất kỳ ai đến Dhaka, thử trải nghiệm việc chờ đợi từng chiếc xe di chuyển chậm chạp trên đường phố đầy rẫy ôtô, cũng có thể nhận thấy tắc nghẽn giao thông là một rào cản quá lớn cho sự phát triển của kinh tế.
Tốc độ gia tăng dân số lên tới 2,02% mỗi năm, trong khi đó tỷ lệ người biết chữ chỉ có 35,3%, cũng là những nguyên nhân đẩy đất nước này vào danh sách những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người ở mức 482 USD/năm vào năm 2006.
Đa số người dân vẫn đang sống trong nghèo đói, song những nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh vẫn không quên khát vọng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, nâng lên vị thế của quốc gia này.
Đi tìm giải pháp
“Ở Bangladesh, kinh doanh là điều tốt nhất”, đó là ý tưởng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI), một trong những tổ chức kinh tế có lịch sử lâu đời và đại diện cho hơn 5000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bangladesh.
Các con số thống kê gần đây cho thấy có 93.000 công ty công nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm tới hơn 90% trong nền kinh tế, tạo 80% công ăn việc làm cho người lao động. Rõ ràng sự phát triển của đất nước này phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của khu vực tư nhân.
Theo số liệu của Tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2007 lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Bangladesh đạt 666 triệu USD, thấp hơn so với con số 793 triệu USD năm 2006. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do sự không chắc chắn về tình hình chính trị trong tương lai cũng như do sự yếu kém của hệ thống hạ tầng.
Cho đến nay, sức mạnh nội tại của Bangladesh chủ yếu dựa vào ngành dệt may, nhờ được hưởng ưu đãi về hạn ngạch dành cho nước kém phát triển. Với 4.600 công ty và 2,5 triệu công nhân, năm 2007, ngành này có giá trị xuất khẩu tới 10,7 tỷ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Kiều hối ngày càng trở lên quan trọng đối với Bangladesh, đạt hơn 7 tỷ USD năm 2007. Từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, các chính phủ tại Bangladesh đều nỗ lực thúc đẩy việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài, chủ yếu sang khu vực Trung Đông và một số nước tại Đông Nam Á. Chỉ riêng trong năm 2007, Bangladesh đã xuất khẩu hơn 850.000 lao động ra nước ngoài.
Vẫn có những ý kiến lạc quan tại Bangladesh cho rằng quốc gia này không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang lan rộng do sự tham gia vào nền kinh tế thế giới của họ còn chưa mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do chính sách tiền tệ nghiêm ngặt; ngành may mặc của Bangladesh tuy xuất khẩu đứng thứ tư trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng cơ bản.
Nhưng rõ ràng trong thế giới toàn cầu hóa, mọi người dân Bangladesh đều biết rằng nếu chỉ bằng ngành may mặc, đất nước này sẽ khó bắt kịp tham gia chuyến tàu toàn cầu hóa trong thế kỷ 21.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, DCCI chào đón hơn 250 đại biểu đến từ 20 quốc gia phát triển và đang phát triển của châu Á và châu Âu tham dự những hoạt động chào mừng 50 năm thành lập của tổ chức này. Đây cũng là dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Dhaka, nên thành phố trở nên sôi động hơn với nhiều sự kiện văn hóa.
Với sự có mặt của các quan chức cấp cao của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), UNCTAD, và các nước trong khu vực cùng những nhà kinh tế, nhà nghiên cứu, DCCI tìm kiếm những giải pháp để đưa đất nước này tiến lên trước một thực tế là Bangladesh đang phát triển chậm hơn rất nhiều so với nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.
Hơn ai hết, giới lãnh đạo doanh nghiệp tại đất nước này đang nỗ lực tạo ra một “thương hiệu mới” cho đất nước này, để thay đổi nhận thức chung của thế giới về một Bangladesh nghèo, lạc hậu, chính trị bất ổn, thiên tai liên tiếp và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Một trong những mục tiêu của DCCI là tìm lời giải cho câu hỏi “Bangladesh có một vị thế nào trong khu vực châu Á?”.
Sức bật nội tại
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới với một nền chính trị thường xuyên bất ổn định, Bangladesh không phải không có những điểm mạnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia: lực lượng lao động trẻ, tiền lương thấp (bình quân chỉ 20 USD/tháng), một thị trường nội địa lên tới 150 triệu người và khả năng tiếp cận với 3 tỷ người tiêu dùng tại các nước xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Nam Á khác.
Như một nhà nghiên cứu nhận định nếu Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thì Bangladesh cũng có thể tận dụng cơ hội trở thành một lựa chọn khác trong trong chiến lược “Ấn Độ +1”.
Các quan chức trong chính phủ hiện thời của Bangladesh dự báo rằng nếu họ cải thiện công tác quản trị và tiến hành cải cách, đất nước này có thể đạt mức tăng trưởng 7-8 % và vượt qua những rào cản của sự nghèo đói vào năm 2015.
Bangladesh có trở thành một điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư hay không, điều đó còn tùy thuộc vào tình hình chính trị của nước này trong thời gian tới. Chỉ còn hơn một tháng nữa, vào ngày 18/12, những người dân Bangladesh sẽ đi bỏ phiếu bầu chính phủ mới, chấm dứt hai năm cả nước sống trong tình trạng khẩn cấp. Ở quốc gia này, quyền lực về chính trị vẫn là “bệ phóng” cho sự giàu có và các doanh nhân có mối quan hệ chặt chẽ với các chính trị gia, do vậy, họ sẽ là những người quan tâm đến cuộc bầu cử này hơn ai hết.
Như Cố vấn (một chức vụ tương đương với bộ trưởng) về thương mại và giáo dục của Bangladesh, ông Hossain Zillur Rahman nhận xét, trong thời gian tới, giới doanh nhân nước này có thể sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn do những xáo trộn do khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc bầu cử mang lại.
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử vẫn là sự kiện được hy vọng sẽ đem đến sự chuyển đổi trong tiến trình dân chủ của đất nước. Những người dân Bangladesh hy vọng với sự kiện đó, quốc gia trẻ nhất Nam Á này sẽ có cơ hội vươn lên, trở thành một trung tâm kinh tế trong khu vực.
Xây nhịp giao thương
Người Bangladesh đang khát khao học hỏi kinh nghiệm phát triển từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng và đều mới giành độc lập hơn 30 năm.
Trải qua 35 năm kể từ khi Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã liên tục có những bước phát triển mới, thực chất hơn. Những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước và hơn 15 hiệp định, bản ghi nhớ và chương trình hợp tác song phương giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hiệp định tránh đánh thuế hai lần, đã tạo ra nền tảng pháp lý chắc chắn để các doanh nghiệp hai nước không ngừng mở rộng hợp tác.
Dù còn nhiều khó khăn, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bangladesh trong những năm gần đây đạt mức tăng trưởng ổn định và khá cao, khoảng 20% mỗi năm. Trong năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt mức 100 triệu USD.
Đối với giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Bangladesh, nhiều mặt hàng như cáp điện, quạt điện, nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp, thiết bị y tế, nông sản và thực phẩm chế biến, thiết bị và công nghệ chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, bóng đèn, xăm lốp ô tô, phụ kiện ngành may mặc, xà phòng, đồ vệ sinh cá nhân… từ lâu đã giành được thị phần xứng đáng và sự tín nhiệm tại thị trường này. Mặt hàng dây cáp điện và thiết bị điện của Việt Nam là một sản phẩm nổi tiếng với doanh số xuất khẩu tăng nhanh. Trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của riêng mặt hàng này từ Việt Nam đạt hàng chục triệu USD.
Ngoài mặt các mặt hàng xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam đang bắt tay với các công ty Bangladesh trong lĩnh vực tư vấn, chuyển giao công nghệ đóng tàu biển.
Một điều mà nhiều doanh nghiệp Bangladesh và dư luận báo chí nước này đều đồng tình nhận định là Việt Nam ngày nay không chỉ là mô hình phát triển có nhiều kinh nghiệm Bangladesh có thể tham khảo mà còn là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Bangladesh.
Dhaka là trung tâm chính trị và Chittagong là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước này. Theo ông Saifuzzaman Chowdhury, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Chittagong, phần lớn hoạt động kinh tế của Bangladesh diễn ra ở đây. Các doanh nhân ở Chittagong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu, cho thuê tàu, kho ngoại quan…, Chittagong chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Bangladesh đầy tiềm năng.
Với bãi biển Cox’s Bazar dài nhất thế giới (hơn 110 km), một trong những mối quan tâm của họ là làm thế nào để phát triển du lịch và tiếp thị hình ảnh của đất nước này, đưa ngành du lịch thành một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, một điều họ cho rằng có thể học hỏi được từ Việt Nam.
Mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước ngày càng tăng cũng thúc đẩy việc đi lại của người dân ở hai quốc gia. Theo ông Võ Tuấn Ngọc, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, số thương gia Bangladesh sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, buôn bán và du lịch ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước này mong muốn tìm hiểu các cơ hội giao thương, các mặt hàng và sản phẩm cụ thể từ Việt Nam. Chính sự năng động và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước là động lực chính để tăng cường quan hệ kinh tế đầy tiềm năng giữa hai nước trong tương lai.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hóa trước năm 2020, trong khi đó, Bangladesh đặt mục tiêu bước ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển nhất trong vòng 15 năm tới.
Ông Debapriya Bhattacharya, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện của Bangladesh tại Geneva (Thụy Sỹ) đã cụ thể hóa giấc mơ về một Bangladesh thịnh vượng bằng sự ra đời của nhà máy phát điện có công suất 20000 MW, hệ thống transit ở Dhaka, đưa vào hoạt động cầu Padma, hoàn thành đường cao tốc sáu làn nối Dhaka và Chittagong, 50 % lượng hàng được xuất khẩu từ các ngành ngoài dệt may và hàng ngàn người Bangladesh ở nước ngoài sẽ đầu tư về nước…
Ông cũng hy vọng, mỗi năm một triệu khách du lịch sẽ đến thăm bãi biển Cox’s Bazar và Sunderbans, Bangladesh sẽ trở thành nhà vô địch thế giới môn cricket và được trao tặng ít nhất một giải Oscar trong 15 năm tới...