09:23 08/04/2008

Giá cả tăng cao, lại tranh luận về “Kỷ nguyên Thiếu thốn”

Kiều Oanh

Học thuyết bi quan về tương lai thế giới của Thomas Robert Malthus lại được nhắc đến trong bối cảnh leo thang giá cả hiện nay

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng từ 23 USD/thùng vào năm 2003 lên mức trên 100 USD/thùng hiện nay.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng từ 23 USD/thùng vào năm 2003 lên mức trên 100 USD/thùng hiện nay.
Dân số tăng nhanh, giá nguyên nhiên liệu tăng vùn vụt, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Có vẻ như "bóng ma" của Thomas Robert Malthus đang bám đuổi nền kinh tế toàn cầu.

Malthus là một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của bộ môn kinh tế học chính thống giai đoạn thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chính Darwin đã phát minh ra Thuyết tiến hóa sau khi đọc cuốn Bàn về các quy luật của dân số do Malthus là tác giả.

Nhưng Manthus được nhắc tới nhiều hơn cả với cách lập luận đầy bi quan về tương lai của thế giới. Theo nhà kinh tế này, thu nhập tăng lên khiến tỉ lên khiến tỷ lệ sinh tăng và tỷ lệ tử giảm. Điều này đồng nghĩa với số lượng người tăng lên trong khi tài nguyên thiên nhiên không tăng, hoặc tăng không đáng kể. Do đó, tăng trưởng và thu nhập lại đi xuống. Quy trình này cứ lặp đi lặp lại và con người hết lần này đến lần khác trở thành nạn nhân của chính sự hoang phí tài nguyên của mình.

Đó là lý do tại sao mà một nhà sử học đã từng coi học thuyết Malthus là một cách nhìn “u ám, vô cảm và không có hy vọng về tương lai của thế giới”.

Lý do để bi quan

Trong thế kỷ 21 này, mối bận tâm của những người tin vào học thuyết Malthus tập trung vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và sức mua tiêu dùng tăng cao tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Chile, Mexico, Nga và các thị trường đang nổi lên khác.

Sự “phình ra” của các nền kinh tế mới nổi đã tạo ra một áp lực quá lớn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự leo thang giá cả mà thế giới đang chứng kiến không phải là sự biến động thị trường tạm thời, mà chính là một bước tiến “chắc nịch” vào Kỷ nguyên Thiếu thốn.

Liệu đây có phải là sự thật?

Những người có quan điểm bi quan như trên có lý lẽ của họ. Mặc dù thi thoảng vẫn có một giai đoạn đi xuống, giá cả nguyên nhiên vật liệu thế giới hiện vẫn cao chóng mặt. Chỉ số giá do công ty Rogers International thực hiện đối với 36 loại nguyên nhiên liệu từ hàng nông sản, năng lượng tới kim loại, đã tăng 383% trong 10 năm qua.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng từ 23 USD/thùng vào năm 2003 lên mức trên 100 USD/thùng hiện nay. Sự tăng giá này một phần phản ánh sự thật rằng, thế giới đang tiến sát tới đỉnh điểm sản lượng dầu. Có nghĩa là, sản lượng dầu thế giới chuẩn bị bắt đầu quá trình giảm dần theo thời gian mà không gì cưỡng lại được.

Giá thực phẩm toàn cầu cũng đang tăng vọt. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá thực phẩm của tổ chức này hiện ở mức cao nhất kể từ khi được thiết lập vào năm 1990.

Giá thực phẩm tăng cao thậm chí đang khiến túi tiền của người dân các quốc gia phát triển như Mỹ phải co lại. Nhưng đối tượng “mệt” nhất không ai khác chính là người dân các nước đang phát triển. Thời gian qua, người dân Mexico ở nhiều nơi đã đổ ra đường phản đối việc giá bánh ngô tăng cao. Tại châu Phi, đã có không ít vụ bạo động có liên quan đến giá ngũ công. Ở Yemen, trẻ em đã ra đường tuần hành để phản đối tình trạng trẻ em đói ăn.

Chính phủ các nước trên thế giới mỗi lúc lại thêm lo ngại và đang bàn thảo các biện pháp nhằm kiềm chế đà tăng giá lương thực cũng như đảm bảo nguồn cung. Theo ADB, thuế nhập khẩu thực phẩm và ngũ công tại nhiều nước đã được cắt giảm, trong khi tại một số nước khác, việc xuất khẩu lương thực đã bị đánh thuế để đảm bảo nguồn cung trong nước.Ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, việc kiểm soát giá cả lương thực, thực phẩm đã được áp dụng

Tuy nhiên, ADB lo ngại, những biện pháp kiềm chế giá cả như hiện nay có thể sẽ đẩy giá cả lên mức cao hơn trong tương lai, vì sẽ cản trở những sáng kiến phát triển thị trường.

Lý do để lạc quan

Mặc dù vậy, vẫn có những lý do không tồi để tin rằng, Kỷ nguyên Thiếu thốn chưa đến lúc xuất hiện. Nhiều nhà kinh tế học có quan điểm lạc quan cho rằng “cái khó ló cái khôn”. Tình hình hiện nay sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp mới, nhất là các phát minh công nghệ mới, để giải quyết vấn đề. Một khi những giải pháp như thế được tìm ra, thế giới sẽ bắt đầu một thời kỳ mới tốt đẹp hơn, thậm chí so với trước khi tình trạng thiếu hụt hiện nay xảy ra.

Một nhà kinh tế học nổi tiếng không kém Malthus là Joseph Schumpeter đã đưa ra học thuyết về sự “phá hủy mang tính sáng tạo”. Theo đó, những công nghệ mới, những thị trường mới và những tổ chức mới sẽ dần thay thế những gì đã cung kỹ và đem đến cho thế giới những gì tốt đẹp hơn. Kiến thức, những phát kiến mới và các doanh nghiệp sẽ đi đầu trong quá trình này.

Không ít các nhà khoa học và các doanh nghiệp ở những trung tâm công nghệ như Silicon Valley đã và đang theo đuổi việc tìm ra những nguồn năng lượng thay thế trong bối cảnh giá dầu không ngừng tăng như hiện nay.

Nhưng một vấn đề cũng quan trọng không kém là chính sách công của các nước. gành công nghiệp nhiên liệu sinh học được khuyến khích phát triển mạnh tại châu Âu và Mỹ đang góp phần đẩy giá lương thực tăng vọt. Việc biến các loại nông sản thành năng lượng như vậy đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới thảm họa cho gần 1 tỷ người nghèo trên thế giới, vốn vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thức ăn là ngũ cốc.

Hiện tỷ lệ ngũ cốc trong khẩu phần ăn của người dân là 63% ở châu Á, 60% ở Đông Âu và Bắc Phi, 50% ở Tiểu sa mạc Sahara, và 43% ở Mỹ Latin. Rõ ràng là không có lý do gì để các nước phát triển không cắt giảm ngay những khoản trợ cấp khổng lồ dành cho ngành nhiên liệu sinh học của họ.

Để đảm bảo nguồn cung lương thực, tất nhiên chính phủ các nước đang phát triển cần tập trung phát triển kỹ thuật và năng suất trong ngành nông nghiệp, thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành này, nhất là hệ thống thủy lợi, và các hỗ trợ khác qua thị trường tín dụng và các dịch vụ khuyến nông.

Trong nhiều năm qua, đã không ít lần các chuyên gia dự báo về một “kịch bản Malthus” đáng sợ cho thế giới. Vào thời kỳ khủng hoảng dầu lửa và lương thực ở thập niên 1970, đã có những dự báo ảm đạm về tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đưa ra.

Rồi tới năm 1980, hai nhà kinh tế là Paul Ehrlich và Julian Simon đã đánh cược với nhau về sự tăng giá của 5 mặt hàng kim loại vào đầu năm 1990. Kết cục, mặc dù dân số thế giới đã tăng 800 triệu người vào thập niên 1980, giá 5 kim loại này ở thời điểm đầu năm 1990 đã giảm so với ở thời điểm đầu năm 1980.

Như vậy, chúng ta có đủ lý do để lạc quan rằng, Kỷ nguyên Thiếu thốn sẽ chưa đe dọa thế giới, chừng nào chính sách công của các nước có thể thúc đẩy các phát minh và tạo ra những thị trường rộng lớn hơn.