15:54 14/12/2007

Giá dầu cao cũng có lợi...

Kiều Oanh

Giá dầu cao như đám mây đen đang che phủ kinh tế thế giới, nhưng điều này không phải không có những tác động tích cực

Các công ty cung cấp thiết bị khai thác dầu như giàn khoan ở châu Á đang “kiếm bộn” nhờ số lượng lớn đơn đặt hàng.
Các công ty cung cấp thiết bị khai thác dầu như giàn khoan ở châu Á đang “kiếm bộn” nhờ số lượng lớn đơn đặt hàng.
Giá dầu cao như đám mây đen đang che phủ kinh tế thế giới, nhưng điều này không phải không có những tác động tích cực.

Xuất khẩu năng lượng kiếm bộn

Mới đây, giá dầu thế giới đã có lúc tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng. Mặc dù, sau đó có giảm và diễn biến lên xuống khá phức tạp trong những ngày qua, hiện giá dầu vẫn đang ở mức trên 90 USD/thùng và được dự báo sẽ ở mức bình quân 95 USD/thùng vào quý 1 năm tới.

Đây thực sự là một cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng cho các nước nhiều tài nguyên dầu lửa ở châu Á. Các công ty khai thác dầu khí ở các nước này đã gặt hái lợi nhuận cao ngoài dự kiến. Trong một số trường hợp, ngân khố quốc gia tăng mạnh nhờ thuế thu nhập đánh vào lợi nhuận của các công ty này. Trung Quốc là một ví dụ. Dự kiến, thuế thu nhập đánh vào các công ty dầu lửa của nước này trong năm nay có thể đạt 8,11 tỷ USD.

“Ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu cao đối với nền kinh tế châu Á là tích cực”, ông Chua Hak Bin, Giám đốc phân tích kinh tế và thị trường của Citigroup tại Singapore nói. Vào tháng 6/2006, khi giá dầu đang ở ngưỡng 70 USD/thùng, ông Chua đã dự báo việc giá dầu tăng bùng nổ có thể tác động tích cực thay vì tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế châu Á.

Lợi ích của giá dầu cao đã được cảm nhận rõ nét ở các nước xuất khẩu dầu như Malaysia và Brunei, hay các nước xuất khẩu khí tự nhiên, đặc biệt là ở dạng hóa lỏng, như Indonesia; và những nước xuất khẩu than lớn như Australia, Indonesia và Việt Nam.

Thiết bị, nhân công cũng hưởng lợi

Các công ty cung cấp thiết bị khai thác dầu như giàn khoan ở châu Á đang “kiếm bộn” nhờ số lượng lớn đơn đặt hàng. Những nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí và xây dựng đường ống dẫn cũng được tìm đến nhiều. Trong số những công ty đi đầu về tăng trưởng trong hoạt động thượng nguồn của lĩnh vực dầu khí là Keppel Offshore & Marine Ltd. và SembCorp Marine Ltd. của Singapore.

Hiện hai công ty này đã nhận được đơn đặt hàng yêu cầu cung cấp các giàn khoan hiện đại và các thiết bị khác có liên quan với thời hạn giao hàng sang tận sau năm 2010. Đây là hai công ty chiếm lĩnh khoảng 90% thị trường giàn khoan dầu của thế giới. Chỉ riêng trị giá sổ đặt hàng của Keppel hiện đã lên tới 9 tỷ USD. Trên khắp thế giới, hiện có hơn 50 giàn khoan dầu ở vùng nước sâu đang được xây dựng và sẽ được giao hàng trong thời gian từ 2009 đến 2010.

Cùng cạnh tranh để giành thị phần trên thị trường thiết bị và xây dựng dầu khí quá hấp dẫn này là các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong tháng 12 này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ hoàn thành một đường ống dẫn khí dài 1.600 km ở Ấn Độ. Đây là đường ống dẫn khí đầu tiên của tập đoàn này tại Nam Á và được kỳ vọng là sẽ tăng cường uy tín của tập đoàn cũng như nâng cao số lượng đơn đặt hàng từ các thị trường nước ngoài khác.

Kim ngạch xuất khẩu các thiết bị dầu khí của Trung Quốc như giàn khoan, đường ống dẫn, và các phụ tùng đã tăng tới 67% lên mức 3,25 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, 32% là xuất sang Mỹ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu năng lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là sẽ tăng lên mức 25,8 triệu thùng/ngày vào năm 2008, chiếm gần 30% so với tổng nhu cầu toàn thế giới, tăng 3,2% so với năm 2006 và cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,5% cho năm 2007. Do đó, nhu cầu mua thiết bị để đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu sẽ còn tiếp tục tăng.

Tạo việc làm là một lợi ích khác của giá dầu cao. Năng lượng vốn là một ngành công nghiệp từ lâu vẫn “khát” lao động, và dân số đang phát triển nhanh của châu Á với tỷ lệ người dân được giáo dục ở mức cao cao chính là một nguồn cung cấp lao động hợp lý. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế bùng nổ ở các quốc gia vùng Vịnh cũng đẩy cao nhu cầu công nhân xây dựng từ châu lục này.

Giá dầu cao cũng giúp lượng kiều hối do các công nhân dầu khí người Philippines, Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh làm việc ở Trung Đông gửi về nước tăng mạnh. Hiện lượng kiều hối mà người Philippines làm việc ở nước ngoài gửi về nước hàng năm ở mức bình quân khoảng 14 tỷ USD mõi năm, cao gấp đôi so với mức 5 năm trước đây. Một phần lượng tièn này được sử dụng đầu tư kinh doanh, do đó hiệu quả kinh tế sẽ tương đối lớn. GDP của Philippines tăng 6,6% trong quý 3 năm nay, một phần nhờ kiều hối thúc đẩy tiêu dùng.

“Chỉ có điều, những rủi ro về lạm phát đã gia tăng ở một số nước châu Á do giá dầu cao. Việc giá dầu tăng mạnh như thời gian qua có thể là một thử thách đối với một số ngân hàng trung ương ở đây”, ông Chua nói thêm. Thêm vào đó, cũng theo ông Chua, giá dầu cao kỷ lục cũng có thể khiến chính phủ những nước châu Á áp dụng chính sách trợ giá xăng dầu phải lao đao. Việc trợ giúp bù lỗ cho các công ty xăng dầu sẽ khiến gánh nặng tài chính càng nặng thêm.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng, chắc chắn Mỹ - nền kinh tế tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới - sẽ phải đối mặt với suy thoái. Theo ông Tobin Gorey, một nhà chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và châu Á có thể sẽ là một vấn đề đối với kinh tế châu Á, mặc dù không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại nhận định, giá dầu chỉ có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu một khi ở trên mức 100 USD/thùng trong vòng 6 tháng hoặc hơn.

(Theo WJS)