11:00 01/07/2008

Giá dầu khó giảm trong tương lai gần

Quốc Trung

Trong khi các nền kinh tế vật lộn với việc giá dầu cao, thì các nhà sản xuất dầu lửa đang “bội thu” tiền bán dầu

Các chuyên gia cho rằng, nạn đầu cơ là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, nạn đầu cơ là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao.
Giá dầu vừa lập đỉnh cao mới hơn 142 USD/thùng vào cuối tuần trước và các chuyên gia dự báo giá “vàng đen” khó có thể hạ trong tương lai gần. Với mức giá ngất ngưởng này, các nước xuất khẩu dầu đang “bội thu” Đô la Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là sự mất cân bằng cung-cầu ngày càng tăng, đồng USD yếu và nạn đầu cơ...

Khó điều chỉnh các yếu tố tăng giá

Gần đây, Mỹ và một số nước nhập khẩu dầu mỏ cáo buộc các nước sản xuất dầu không chịu tăng sản lượng khai thác, khiến giá dầu tăng mạnh.

Song, theo nhiều chuyên gia, hầu hết các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều đang sản xuất hết công suất.

Tuần trước, Arập Xêút, đã tuyên bố tăng sản lượng khai thác dầu 200 nghìn thùng dầu/ngày, lên mức 9,7 triệu thùng/ngày, vào tháng 7 này, nhằm kiềm chế giá dầu thế giới tăng cao.

Kênh truyền hình "Press TV" của Iran ngày 29/6 cho biết, sản lượng dầu của nước này đã đạt tới mức kỷ lục 4,23 triệu thùng/ngày. Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Iran, S. Jashnsaz cho biết, Iran đang đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 4,28 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Trong khi sản lượng dầu trung bình một ngày của Iran năm 2007 là 4,1 triệu thùng.

Tuy nhiên, việc các nước OPEC sản xuất hết công suất hoặc tăng sản lượng khai thác vẫn không thể ngăn chặn được giá dầu tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 140 USD/thùng. Do đó, giới phân tích khẳng định, những yếu tố khác, như đồng USD mất giá, nhu cầu dầu của các nền kinh tế mới nổi gia tăng, sự hỗn loạn địa - chính trị hiện hành và tiềm tàng tại các nước sản xuất dầu, tình trạng đầu cơ, đã góp phần làm tăng giá dầu nhiều hơn là OPEC.

Những yếu tố trên khó có thể sớm được điều chỉnh và vì thế, giá dầu khó có thể giảm trong tương lai gần.

Ông Jeffrey Sachs, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, nói thế giới đang phải đương đầu với hiện tượng mất cân đối trong một nền kinh tế đang tăng trưởng, nguồn cung năng lượng không đủ đáp ứng sự tăng trưởng đó. Vấn đề hiện nay là phải đầu tư đáng kể để có nguồn cung cấp năng lượng mới, hiệu quả hơn. Kinh tế thế giới đang tăng trưởng 4-5%/năm, có nghĩa là tốc độ này sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 15 năm tới, và sự tăng trưởng rất nhanh đó càng gây áp lực lên nguồn cung năng lượng.

Sốt giá dầu, nhà xuất khẩu hốt bạc

Trong khi các nền kinh tế vật lộn với việc giá dầu cao, thì các nhà sản xuất dầu lửa Trung Đông, Nga và một số nước xuất khẩu dầu ở châu Phi đang “bội thu” tiền bán dầu.

Năm 2007, các nước nói trên đã thu thêm được 1.000 tỷ USD tiền bán dầu; riêng sáu nước vùng Vịnh thu về 300 tỷ USD. Nhờ vào nguồn thu nhập khổng lồ này, 6 nước vùng Vịnh đang đề ra kế hoạch đầu tư dài hạn 3.200 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng trong 12 năm tới.

Theo Văn phòng cố vấn kinh doanh McKinsey của Mỹ, với giá dầu trung bình 100 USD/thùng, từ nay đến năm 2020, các nước xuất khẩu dầu lửa sẽ thu về 8.800 tỷ USD. Cơ quan điều tiết giá cả các mặt hàng chính ở Mỹ và một uỷ ban đặc biệt trong Quốc hội Mỹ mới đây cho rằng, nguyên nhân chính của việc giá dầu tăng vọt, chính là các nhà đầu cơ.

Họ mua các hợp đồng, sau đó chờ giá tăng, bán lại để kiếm lời. Kết quả điều tra thị trường dầu thô chính của Mỹ là West Texas Intermediate cho thấy, 70% thị trường được sự vận hành bởi các nhà đầu cơ. Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách hạn chế đầu cơ dầu lửa tại thị trường chủ chốt này. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ thực hiện.

Trên thực tế, các nhà đầu tư chứng khoán và đầu cơ dầu mỏ đang đi vào một cái vòng luẩn quẩn, khiến giá dầu bị đẩy lên cao. Chỉ số chứng khoán của hầu như toàn bộ các thị trường Mỹ, châu Á, châu Âu mất điểm. Khi chứng khoán càng sụt giá, thì các nhà đầu tư càng chuyển vốn sang dầu mỏ, làm giá dầu càng leo thang.

Ngoài ra, do đồng USD tiếp tục sụt giá so với đồng Euro, các nhà đầu tư bên ngoài vùng USD ngày càng dồn vốn sang dầu mỏ. Các hãng hàng không và các nhà máy lọc dầu, vì sợ giá dầu thô tăng cao thêm, cũng đua nhau mua dầu dự trữ, khiến cơn sốt giá dầu càng thêm trầm trọng.