15:06 04/12/2007

Giá dầu: OPEC tiến thoái lưỡng nan

Kiều Oanh

Diễn biến bất ổn của giá dầu khiến OPEC muốn tăng sản lượng cũng dở, mà không tăng sản lượng cũng chẳng xong

Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC, đang tỏ ra dè dặt việc tăng sản lượng dầu trong mùa đông năm nay.
Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC, đang tỏ ra dè dặt việc tăng sản lượng dầu trong mùa đông năm nay.
Ngày 5/12 này, đại diện của các nước thành viên OPEC sẽ nhóm họp tại Abu Dhabi để xác định sản lượng của khối cho mùa đông năm nay.

Sản lượng hiện tại của OPEC là 30,6 triệu thùng/ngày và trong cuộc họp này, OPEC sẽ thảo luận xem có nên bổ sung thêm 500.000 thùng/ngày hay không.

Sau 1 năm vùn vụt tăng và tiệm cận mốc 100 USD/thùng vào thời điểm 2 tuần trước đây, giá dầu trên thị trường thế giới liên tục diễn biến theo chiều đi xuống và xuống quá ngưỡng 90 USD/thùng. Chỉ riêng trong tuần trước, giá dầu đã sụt mất 10%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tuần trong 2 năm qua. Sự bất ổn này đã đặt OPEC vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Liệu OPEC nên làm hài lòng các nước công nghiệp phát triển bằng cách tăng sản lượng dầu, một động thái có thể khiến giá dầu tiếp tục giảm thêm nữa? Hay khối này nên duy trì sản lượng ở mức hiện tại, khi mà nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và như thế, sẽ vô tình hạn chế nhu cầu tiêu thụ năng lượng? 

Tăng sản lượng, cung cao, giá giảm 

Năm nay, sau những biến động mạnh và khó lường trước của thị trường dầu lửa thế giới, các quan chức OPEC và các nhà phân tích năng lượng đã chỉ ra mối liên hệ ngày càng rời rạc giữa giá dầu và nguồn cung. Họ cho rằng, những lý do chính dẫn tới giá dầu tăng mạnh là đồng USD yếu, công suất lọc dầu giảm tại Mỹ, nhu cầu tăng mạnh ở châu Á và nhất là hoạt động của giới đầu cơ, chứ không phải do quan hệ cung cầu. Mặt khác, đà đi lên của giá dầu trong thời gian qua cũng hoàn toàn trái ngược với tình hình không mấy sáng sủa của kinh tế Mỹ.

”Chắc chắn thị trường không thiếu hụt nguồn cung. Sự biến động giá không liên quan gì đến cung - cầu”, Ali Al-Naimi, Bộ trưởng Dầu lửa của Saudi Arabia, khẳng định. Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC, đang tỏ ra dè dặt việc tăng sản lượng dầu trong mùa đông năm nay.

“OPEC sẽ rất khó khăn trong việc ra quyết định. Chắc chắn họ đang lo ngại về những rủi ro đối với giá dầu. Việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong tuần qua rất có thể sẽ khiến họ không nghĩ tới việc tăng sản lượng”, David Kirsch, một nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng PFC Energy, nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên của OPEC cũng không ủng hộ quan điểm tăng sản lượng vì cho rằng, hành động như vậy vào thời điểm kinh tế thế giới đang tăng chậm lại sẽ khiến giá dầu càng giảm mạnh thêm, điều khiến họ lo ngại nhất. John Kilduff, một nhà phân tích năng lượng tại công ty môi giới MF Global, nói: “Tăng sản lượng có thể là một cái bẫy trong bối cảnh kinh tế không mấy sáng sủa. OPEC sợ sẽ bị rơi vào cái bẫy này”.

Ngoài ra, những nguồn cung mới cũng đang dần xuất hiện trên thị trường. Theo tính toán của Deutsche Bank, các mỏ dầu và khí mới của các nước OPEC có thể đạt sản lượng tới 2 triệu thùng/ngày vào năm sau. Cùng với đó, các mỏ dầu mới của các nước không phải là thành viên OPEC như Nga và Na Uy cũng sẽ cung cấp thêm 1,1 triệu thùng/ngày nữa. Nhiều chuyên gia cho rằng, những nhân tố này có thể đóng vai trò lớn trong việc giải tỏa nguồn cung dầu vốn bị thắt chặt trong nhiều năm qua.

13 nước thành viên OPEC hiện chiếm 40% lượng dầu xuất khẩu của toàn thế giới, khiến động thái tăng giảm sản lượng của khối này có tác động rất mạnh đến thị trường. Theo tính toán của các chuyên gia, sản lượng dự trữ của OPEC hiện ở mức 2,5 triệu thùng/ngày, phần lớn tập trung ở Saudi Arabia. 

Không tăng sản lượng, giá cao, cầu giảm 

Nhưng OPEC cũng phải đối mặt với một mối lo khác: giá dầu cao ngất ngưởng như hiện nay có khả năng sẽ làm giảm nhu cầu dầu của thế giới, đồng nghĩa với việc sản phẩm của OPEC sẽ không còn đắt hàng như trước.

Một số thành viên OPEC, đặc biệt là Nigeria, rất lo ngại trước những rủi ro có thể khiến nhu cầu năng lượng của thế giới giảm vào năm tới, nhất là cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất ở Mỹ, nước chiếm 1/4 lượng dầu tiêu thụ của thế giới. Bởi thế, những nước này muốn tăng sản lượng.

Mặt khác, Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem el-Badri cũng cho biết, các nước xuất khẩu dầu không hoàn toàn hài lòng với mức giá dầu như hiện tại vì mức giá này có thể dẫn tới nhu cầu giảm trong dài hạn. “Chúng tôi thực sự không có lợi ích gì nếu giá dầu ở mức cao quá hay thấp quá. Chúng tôi muốn giá dầu ổn định”, ông el-Badri nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, OPEC sẽ không vội tăng sản lượng trước khi những nút thắt trong lĩnh vực lọc dầu, đặc biệt là ở Mỹ, được tháo gỡ. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng sản lượng nếu chúng tôi biết dầu sẽ được đưa tới các nhà máy lọc dầu, chúng tôi sẽ không làm vậy nếu dầu được đưa vào những kho dự trữ dài hạn”.

Về phía các nước công nghiệp phát triển, tất nhiên họ muốn OPEC tăng sản lượng. Nobuo Tanaka, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đại diện của 26 nước tiêu thụ dầu, cho biết: “Mức giá hiện tại đang gửi một thông điệp đến các nước sản xuất dầu rằng, họ nên sớm tăng lượng khai thác”.

Từ năm 2000 đến nay, chính sách của OPEC là điều chỉnh sản lượng cho phù hợp với nhu cầu thế giới nhưng không cho phép các công ty dầu lửa và các hãng lọc dầu dự trữ quá nhiều dầu. Chính sách quản lý thận trọng đó đã giúp khối này đưa giá dầu đi lên sau sự sụp đổ của giá dầu vào cuối thập niên 1990.

Tuy nhiên, chính sách này không phải lúc nào cũng có hiệu quả như mong muốn. Trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, các thành viên OPEC đồng ý tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày với mong muốn “hạ nhiệt” giá dầu, nhưng không có kết quả.

Mặc dù vậy, lần này OPEC có thể vẫn buộc phải hành động vì có nhiều nhân tố có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao trở lại, đặc biệt là căng thẳng leo thang tại khu vực miền Bắc Iraq giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ly khai người Kurd và lập trường cứng rắn của phía Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

(Theo NYT)