Gia tộc giàu nhất Thái Lan “phất” lên như thế nào?
Năm 1921, Chia Ek Chor rời khỏi ngôi làng xơ xác vì bão ở miền Nam Trung Quốc để bắt đầu một cuộc đời mới ở Thái Lan
Vào năm 1921, Chia Ek Chor rời khỏi ngôi làng xơ xác vì bão ở miền Nam Trung Quốc để bắt đầu một cuộc đời mới ở Thái Lan bằng nghề bán hạt giống rau.
Gần 1 thế kỷ sau, gia đình của Chia Ek Chor đã trở thành gia tộc giàu có nhất ở Thái Lan, và con cháu của ông đang có mối quan hệ kinh tế rất gần gũi với Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, con trai của ông Chia Ek Chor là ông Dhanin Chearavanont hiện đang giữ cương vị Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group, hay còn gọi là CP Group, một tập đoàn đa lĩnh vực với hoạt động kinh doanh trải rộng từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thịt gia cầm, tôm, cho tới viễn thông.
Không chỉ là công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, CP còn nắm vai trò trung tâm trong một kế hoạch tham vọng nhằm biến khu vực bờ biển phía Đông của Thái Lan thành một trung tâm công nghệ với tàu cao tốc, mạng 5G, và các nhà máy sản xuất ôtô thông minh.
Kế hoạch có tên gọi Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) là một chương trình chủ lực của chính quyền Thái Lan nhằm thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản và các công ty Trung Quốc như Alibaba và Huawei để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,1%, mức tăng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
EEC là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó, chính quyền quân sự của Thái Lan hiện đã cam kết 1,7 nghìn tỷ Baht, tương đương 53 tỷ USD, cho các dự án hạ tầng thuộc 3 tỉnh Chachoengsao, Chonburi và Rayong. Ở thời điểm hiện tại, đây là 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất ở Thái Lan.
CP Group hiện giữ vai trò là mạch dẫn chính cho vốn đầu tư Trung Quốc vào EEC. Một liên minh do CP đứng đầu, bao gồm Tổng công ty Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) đã tham gia đấu thầu một dự án đường sắt dài 200 km, trị giá 225 tỷ Baht nối giữa hai sân bay quốc tế ở Bangkok và một sân bay khác ở Pattaya với một khu công nghiệp ở bờ biển phía Đông. Nhóm này cũng đang tham gia đấu thầu một dự án khu sân bay.
Các nhà đầu tư Nhật Bản như Hitachi là những công ty rót vốn sớm nhất vào EEC, nhưng mối quan hệ gần gũi của Trung Quốc với CP Group đang giúp khu vực này thu hút các dự án công nghệ - theo ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng EEC. Năm 2018, Trung Quốc đã trở thành nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phê chuẩn nhiều thứ ba tại Thái Lan, sau Nhật Bản và Singapore.
"Làn sóng tiếp theo sẽ tập trung vào công nghệ cao, lĩnh vực mà Trung Quốc đang mạnh", ông Kanit nói.
Các dự án hợp tác của CP Group tại EEC trải rộng từ lĩnh vực ôtô tới bất động sản. Năm 2017, tập đoàn này công bố mở một nhà máy sản xuất ôtô liên doanh với SAIC Motor của Trung Quốc. Tiếp đó, CP hợp tác với Công ty Xây dựng Quảng Tây phát triển một dự án khu công nghiệp dành cho nhà đầu tư Trung Quốc.
Huawei hiện đang đầu tư vào dự án thử nghiệm mạng 5G ở Thái Lan. True Corp., một công ty được CP hậu thuẫn, đang hợp tác với Huawei để triển khai một phòng thí nghiệm về Internet vạn vật (IoT), đồng thời đã sử dụng thiết bị Huawei để trở thành nhà cung cấp mạng 4G đầu tiên tại Thái Lan.
Trong một động thái cho thấy EEC đề cao việc thu hút các "đại gia" công nghệ Trung Quốc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha năm ngoái đã tiếp tỷ phú Jack Ma của Alibaba và ký một thỏa thuận về "trung tâm kỹ thuật số thông minh" tại EEC. Mới đây, Alibaba ký thêm nhiều thỏa thuận về EEC, bao gồm tăng cường xuất khẩu gạo và sầu riêng của Thái Lan thông qua hệ thống thương mại điện tử của Alibaba.
Theo ước tính của Bloomberb Billionaires Index, nhà Chearavanont sở hữu khối tài sản 20,9 tỷ USD, giàu nhất ở Thái Lan. Trong khối tài sản này có cổ phần của CP Group trong công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An, với giá trị đã tăng gấp 3 lần kể từ khi CP mua cổ phần này vào năm 2012.
Vị thế của nhà Chearavanont hiện nay cho thấy gia tộc này đã tiến xa đến đâu kể từ khi Chia Ek Chor nhập khẩu hạt giống để bán cho nông dân Thái Lan. Năm 1946, Chia Ek Chor lấy họ Thái Lan là Chearavanont và đặt tên cho công ty gia đình là Charoen Pokphand, trong tiếng Thái có nghĩa là "mang thịnh vượng đến cho người tiêu dùng".
Bằng cách tiến từng bậc trong chuỗi thức ăn - từ sản xuất các loại nông sản làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm đóng gói, cho tới sở hữu các siêu thị - nhà Chearavanont đã xây dựng nên "đế chế" của mình, theo giáo sư William Kirby của Trường Kinh doanh Harvard, một người nghiên cứu về CP Group.
Tập đoàn này là một trong những nhà đầu tư Thái Lan đầu tiên rót vốn vào Thâm Quyến khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế thời ông Đặng Tiểu Bình, và tiếp tục mở rộng các lợi ích kinh doanh với Trung Quốc.
"Giờ đây, CP đã là một tập đoàn đa lĩnh vực", ông Kirby nói. "Đầu tiên là ở Thái Lan, với lợi ích trong các ngành nông nghiệp, viễn thông, cửa hàng tiện ích 7-Elevens, và nhiều thứ khác. Rồi tới Trung Quốc".