08:44 16/01/2008

Giá vàng, dầu sẽ giảm hay tiếp tục tăng?

Kiều Oanh

Có hai quan điểm trái ngược về tác động của kinh tế Mỹ đối với giá cả hàng hóa, bao gồm vàng và dầu, trong năm 2008

Lượng vàng sử dụng trong công nghiệp chỉ chiếm có 15% tổng nhu cầu vàng (số liệu năm 2006), so với mức 50% của bạch kim và 47% của bạc. Lượng vàng sử dụng cho trang sức hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu vàng của toàn thế giới.
Lượng vàng sử dụng trong công nghiệp chỉ chiếm có 15% tổng nhu cầu vàng (số liệu năm 2006), so với mức 50% của bạch kim và 47% của bạc. Lượng vàng sử dụng cho trang sức hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu vàng của toàn thế giới.
Một số nhà phân tích cho rằng, năm nay, giá các loại hàng hóa như vàng và dầu thô thế giới sẽ tiếp tục“phi mã”. Một số khác lại cho rằng việc kinh tế Mỹ tăng chậm lại sẽ kéo giá những mặt hàng này xuống.

Ai đúng?

Những kỷ lục mới 

Trong những ngày cuối năm 2007, đầu năm 2008 này, giá vàng và dầu thô tăng mạnh. Giá dầu đã có lúc chạm 100 USD/thùng, giá vàng đã ở trên mức 900 USD/oz.Giá của nhiều mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt, như giá ngô tăng cao nhất trong 11 năm, giá đậu tương cao kỷ lục kể từ thập niên 1970. Trong 5 năm qua, giá đồng đã tăng gấp 3 lần, giá kẽm cũng tăng gấp đôi.

Sự bùng nổ của thị trường hàng hóa toàn cầu - với những mặt hàng làm nguyên liệu cho nền kinh tế hiện đại - đã diễn ra trong 6 năm liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thường thì thị trường hàng hóa luôn diễn biến theo chu kỳ, hết “phồng” lại “xẹp”, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường hiện nay bị tác động mạnh bởi cung, cầu hơn là tình trạng đầu cơ.

Nhưng cùng lúc, những lo ngại về tình hình sức khỏe kinh tế Mỹ cũng mỗi lúc một gia tăng do cuộc khủng hoảng tín dụng “dưới chuẩn” lan rộng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 12 đã tăng lên 5%, khiến nhiều nhà phân tích dự đoán kinh tế Mỹ chẳng lâu nữa sẽ bắt đầu một thời kỳ suy thoái.

Hai xu hướng trên đặt người ta vào một bài toán khó tìm lời giải: giá hàng hóa, trong đó có vàng và dầu thô, năm nay sẽ tăng hay giảm?

Người bảo còn tăng…

Thường thì kinh tế tăng trưởng chậm chạp sẽ kéo giá các loại hàng hóa xuống, nhưng theo dõi tình hình trong những ngày qua cho thấy, mọi việc không phải như thế.

Về mặt lịch sử, tăng trưởng kinh tế Mỹ chính là động lực lớn nhất cho nhu cầu đối với các loại nguyên vật liệu thô, và do đó, đây chính là lực đẩy phía sau của các đợt tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tình hình hiện nay không giống như trước đây vì sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và các nước đang phát triển khác, cộng với nguồn cung toàn cầu thu hẹp, đã tạo ra một “siêu chu kỳ” đẩy giá các nguyên vật liệu tiếp tục leo thang trong những năm sắp tới.

Sự phát triển bùng nổ hiện nay của Trung Quốc yêu cầu một khối lượng khổng lồ các loại sắt thép, điện, than, dầu... Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tiêu thụ dầu của Trung Quốc hiện ở mức 7,5 triệu thùng/ngày, so với mức 5,5 triệu thùng/ngày năm 2003. Trung Quốc hiện chiếm tới 31% trong lượng tiêu thụ dầu tăng thêm của toàn thế giới. Tương tự, nước này chiếm 64% trong nhu cầu tăng thêm của toàn thế giới đối với đồng, 70% đối với nhôm và 82% đối với kẽm.

IEA cho rằng, tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng lên mức 23,1 triệu thùng/ngày vào năm 2030 từ mức 9,3 triệu thùng/ngày năm 2005. Nhu cầu năng lượng cũng ngày càng tăng cao tại những nước đang phát triển lớn như Nga và Mexico, nơi ngày càng có nhiều người sử dụng ôtô.

Trong khi đó, những mỏ dầu mới đang ngày càng khó phát hiện hơn, còn chi phí sản xuất lại đang gia tăng. Sản lượng vàng của thế giới cũng đang giảm xuống vì nhiều lý do như các công ty khai thác phải đào ở độ sâu lớn hơn. Năm 2006, sản lượng vàng toàn cầu giảm xuống mức 2.477 tấn, thấp nhất trong 10 năm. Tình hình hạn hán tại nhiều nơi trên thế giới do khí hậu toàn cầu nóng lên khiến xảy ra tình trạng mất mùa. Thêm vào đó, việc gia tăng sử dụng ngũ cốc để sản xuất ethanol khiến nguồn cung loại hạt này thêm hạn chế.

Tới lúc này, câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với giới đầu tư hàng hóa là: liệu “siêu chu kỳ” tăng giá này có thể bị chặn lại trong năm nay?

Một số chuyên gia đã từng nghiên cứu những thời kỳ tăng giá hàng hóa trước đây nhận thấy có một vài yếu tố hỗ trợ viễn cảnh giá tăng của các loại hàng hóa, trong đó có vàng và dầu thô. Giáo sư tài chính Gary Gorton thuộc Đại học Pennsylvania so sánh tình hình hiện nay với thời kỳ đầu thập niên 1970, khi thế giới phải đối mặt với tình hình hạn hán và lượng dự trữ hàng hóa thấp, đẩy giá cả lên cao, thậm chí cả khi kinh tế Mỹ trượt dốc.

“Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc và việc đẩy mạnh sản xuất ethanol sẽ kéo dài một thời gian. Kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhưng điều đó không thể thay đổi nhu cầu của Trung Quốc. Và thậm chí cả kinh tế Trung Quốc suy thoái thì cũng không chắc là dự trữ hàng hóa trên thế giới có tăng nhanh trở lại hay không”, Giáo sư Gorton nhận xét.

Giáo sư Cam Harvey của Đại học Duke (Mỹ) nhận xét, quá trình toàn cầu hóa đã làm mờ ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế ở Mỹ đối với thị trường hàng hóa. Theo vị giáo sư này, điều cần thiết là phải so sánh các giai đoạn lịch sử của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Mối liên hệ mật thiết giữa chu kỳ phát triển của kinh tế Mỹ và giá cả nguyên vật liệu đã giảm đi nhiều do sự nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển”, ông cho biết.

Kẻ nói sẽ giảm…

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát lại đưa ra một cách nhìn nhận khác. Trong khi giá các loại kim loại quý như vàng, bạch kim tăng mạnh, giá của các kim loại khác sử dụng trong công nghiệp như đồng và nhôm đã giảm “nhiệt”. “Một khi kinh tế Mỹ thực sự suy thoái và những con số thống kê đáng sợ, thị trường hàng hóa sẽ bị tác động mạnh”, nhà phân tích hàng hóa Edward Meir tại công ty MF Global ở Chicago nhận xét.

Theo lập luận của nhà phân tích này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng Mỹ. “Kinh tế Mỹ lớn gấp 7 lần kinh tế Trung Quốc và thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 200 tỷ USD. Do đó, tình hình vẫn sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào kinh tế Mỹ”, ông Meir nhận định.

Theo Giáo sư Harry Kat tại Đại học City ở London (Anh), lý do chính khiến thị trường hàng hóa vẫn chưa phản ứng mạnh trước sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ là một số lượng lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính mới bắt đầu chuyển sang quan tâm đến thị trường hàng hóa để phân tán rủi ro. hêm vào đó, việc USD liên tục mất giá cũng là một yếu tố rất quan trọng nâng đỡ giá vàng.

Mặc dù vậy, theo giáo sư này, ngay cả số lượng nhà đầu tư đông đảo và việc USD mất giá cũng không thể kéo giá vàng cao mãi lên được. Cũng Giáo sư Kat, nếu kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay, “siêu chu kỳ” của giá hàng hóa sẽ chấm hết.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích vẫn giữ một quan điểm khác đối với các kim loại quý, trong đó có vàng. Tình hình lạm phát leo thang, đồng tiền mất giá khiến giới đầu tư, ngân hàng trung ương, cũng như người dân tại nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh mua vàng vào để tích trữ. Mặt khác, nếu kinh tế thế giới có tăng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ vàng trong các ngành như nha sỹ, điện tử… lại không bị ảnh hưởng nhiều so với các kim loại khác như bạc hay bạch kim.

Lý do ở đây là lượng vàng sử dụng trong công nghiệp chỉ chiếm có 15% tổng nhu cầu vàng (số liệu năm 2006), so với mức 50% của bạch kim và 47% của bạc. Lượng vàng sử dụng cho trang sức hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu vàng của toàn thế giới.

Do đó, trong trưởng hợp kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng tại nhiều quốc gia, nhu cầu đầu tư vào các kim loại quý hiếm này đều tăng lên, nhưng đặc biệt mạnh sẽ là nhu cầu đầu tư vào vàng.

(Theo BusinessWeek, New York Times)