11:51 23/04/2011

Giá vàng lình xình, USD tuột dốc mạnh

Sơn Hà

Sáng 23/4, giá vàng trong nước lình xình quanh 37,57 triệu đồng/lượng, USD cũng sà xuống mức thấp nhất từ hôm 6/4

Cuối tuần, giá vàng trong nước ít tăng giảm.
Cuối tuần, giá vàng trong nước ít tăng giảm.
Sáng phiên giao dịch cuối tuần (23/4), giá vàng miếng các thương hiệu trong nước lình xình quanh ngưỡng 37,56 - 37,57 triệu đồng/lượng, bất chấp đà tăng mạnh trên thế giới. Trong khi, tỷ giá USD liên ngân hàng trượt xuống mức thấp nhất từ hôm 6/4.

Vào lúc 11h20, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào là 37,45 triệu đồng/lượng, bán ra ở 37,57 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, vàng SJC của Công ty Phú Quý cũng được mua vào và bán ra với các mức giá tương tự vàng Rồng Thăng Long.

Còn theo bảng giá của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn Thương Tín, giá vàng SBJ hôm nay được niêm yết ở các mức 37,46 - 37,56 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Vàng SJC cũng theo bảng giá này được mua vào với giá 37,45 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 37,57 triệu đồng/lượng.

So với đầu tuần, giá vàng trong nước tăng được khoảng 300.000 đồng/lượng, không đáng kể nếu so với 6 phiên tăng và liên tục phá kỷ lục của giá vàng thế giới, từ mốc 1.486 USD/ounce lên gần 1.508 USD/ounce. Lý do khiến giá vàng "nội" ít biến động, là bởi có tin nói rằng các ngân hàng có thể bắt đầu ngừng huy động và cho vay bằng vàng từ tháng 5 tới.

Trong khi đó, chốt phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đứng ở mức 1.507,7 USD/ounce, ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Trong ngày giao dịch, có lúc vàng loại này vọt lên mốc giá cao kỷ lục mọi thời đại 1,512,5 USD/ounce.

Tính cả tuần qua, giá vàng quốc tế đã tăng được 1,5% và liên tục lập rồi phá kỷ lục. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá vàng vẫn còn nhiều lực hỗ trợ, như tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Bắc Phi, nợ công châu Âu, vấn đề lạm phát. Do đó, giá vàng quốc tế có khả năng còn tiếp tục tăng, đạt tới mốc 1.550 USD/ounce vào cuối quý 2 tới.

Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay (23/4), tỷ giá USD liên ngân hàng giảm tiếp 10 đồng, xuống còn 20.708 đồng, thấp nhất kể từ hôm 6/4 tới nay. Như vậy, sau khi lập đỉnh 20.733 đồng hôm 19/4, giá USD liên ngân hàng đã điều chỉnh giảm 4 phiên liên tiếp, hạ 25 đồng/USD.

Tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng giảm xuống còn 20.915 đồng. Tuy nhiên, mức niêm yết thực tế tại nhiều ngân hàng thấp hơn nhiều so với giá trần này. Cụ thể, tại Sacombank, giá mua vào USD là 20.710 - 20.720 đồng, bán ra là 20.780. Tại Eximbank, USD mua vào ở mức 20.700 - 20.720 đồng, mức bán ra cũng là 20.780 đồng.