18:23 24/06/2011

Giải ngân FDI giảm 3 tháng liên tiếp

Anh Quân

Sau khi các chỉ tiêu về lạm phát, nhập siêu được công bố với tình hình cải thiện hơn trước, thì vốn FDI không có được “may mắn” ấy

Tình hình thu hút vốn FDI qua các tháng năm 2011.
Tình hình thu hút vốn FDI qua các tháng năm 2011.
Sau khi các chỉ tiêu về lạm phát, nhập siêu được công bố với tình hình cải thiện hơn trước, thì vốn FDI không có được “may mắn” ấy.

Theo dõi số liệu thu hút đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm đến nay, xu hướng thấy rõ là giải ngân vốn FDI đang có xu hướng giảm dần qua các tháng.

So sánh báo cáo đầu tư nước ngoài 6 tháng năm 2011 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố với chuỗi số liệu trước đó, giải ngân vốn FDI tháng 6 chỉ vào khoảng 780 triệu USD. Với diễn biến này, giải ngân vốn FDI đã có 3 tháng liên tiếp giảm hơn so với tháng liền trước.

Xét ở chỉ tiêu so với cung kỳ, từ mức tăng 5% tại tháng đầu năm nay, đến tháng 6/2011, giải ngân vốn FDI lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể là vốn FDI giải ngân 6 tháng đạt 5,3 tỷ USD, giảm khoảng 1,9% so với cùng kỳ 2010, theo số liệu tính đến ngày 22/6 của Cục Đầu tư nước ngoài.

Vốn FDI giải ngân thường vẫn hỗ trợ cho cán cân thanh toán tổng thể. Nhưng trong điều kiện hiện nay, xu hướng giảm đang hình thành là một bất lợi, nhất là trong tình hình nhập siêu còn cao.

Các chỉ tiêu về vốn đăng ký cũng chồi sụt liên tiếp kể từ đầu năm. Tổng hợp báo cáo tính đến 22/6, Cục đầu tư cho biết trong tháng 6 đã có thêm 173 dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký trong tháng đạt 979 triệu USD, cải thiện hơn so với tháng trước đó.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến 22/6, cả nước đã thu hút được 587 dự án cả đăng ký mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 5,667 tỷ USD, chỉ tương đương 62,7% cùng kỳ năm trước. Mức giảm này chủ yếu do lượng vốn đăng ký mới rất thấp, chỉ bằng 1/2 cùng kỳ, trong khi dự án tăng vốn tăng nhẹ so với năm trước.

Không có nhiều dự án quy mô vốn lớn nhưng mỗi khi xuất hiện thì số liệu về thu hút vốn đăng ký mới lại đảo ngược nhiều xếp hạng về lĩnh vực, đối tác đầu tư và địa phương thu hút vốn lớn.

Ví dụ như Hàn Quốc mới thế chỗ Hồng Kông ở vị trí thứ hai các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam. Hay Bà Rịa - Vũng Tàu mới đẩy Hà Nội và Đà Nẵng để chiếm vị trí thứ nhì trong các địa phương thu hút FDI hiệu quả.

Nhưng trái với các con số hạn chế về giải ngân và thu hút FDI, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp FDI dường như tốt hơn nhiều năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu (bao gồm cả dầu thô) của khối này 6 tháng năm 2011 ước đạt xấp xỉ 23 tỷ USD, tăng trên 31% so với cùng kỳ; không kể dầu thô đạt khoảng 19,6 tỷ USD và tăng 32%.

Kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt khoảng 21,4 tỷ USD, tăng 29,4%. Như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 1,6 tỷ USD (tính cả dầu thô), hay nhập siêu gần 1,8 tỷ USD, nếu không tính kim ngạch xuất khẩu dầu thô.