“Giải oan” cho thương mại hóa
Khi dùng dao sắc bị đứt tay thì không thể đổ lỗi tại con dao. Cách phê phán như một xu hướng xấu là oan cho thương mại hóa
Đang có những quan điểm khác nhau về vấn đề thương mại hóa hoạt động sản xuất và dịch vụ đối với một số lĩnh vực; có ý kiến phê phán xu hướng thương mại hóa trong các lĩnh vực có tác động chính trị, xã hội như báo chí, giáo dục, y tế...
Sự phê phán đó là đích đáng hay quy oan cho thương mại hóa? Lý giải vấn đề này phải đi từ cách hiểu về “thương mại hóa”. Bài viết sau của các tác giả Trần Đình Nguyên - Phạm Chi Lan làm rõ hơn về vấn đề này.
Thương mại là từ chỉ mọi hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ; ở nước ta, cần thêm là mua bán theo cơ chế thị trường, vì mua bán theo sự phân phối và định giá của Nhà nước như cơ chế trước đây không phải là thương mại theo đúng nghĩa.
Cũng như những thuật ngữ khác có thêm chữ “hóa” (như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa, đô thị hóa, cho đến thể chế hóa, cụ thể hóa...), thương mại hóa là quá trình chuyển hóa (hoặc chuyển đổi) sự vật từ trạng thái, tính chất cũ sang trạng thái, tính chất mới.
Sự chuyển hóa đó diễn ra trên hai mặt:
Một là, từ tự cấp tự túc chuyển sang mua bán trên thị trường. Đây là hướng chuyển đổi quan trọng của nông nghiệp khi nông dân từ chỗ sản xuất lương thực, thực phẩm để tự tiêu dùng, chuyển sang sản xuất nông sản hàng hóa để bán.
Thương mại hóa cũng bao hàm cả việc cá nhân không tự làm các dịch vụ phục vụ đời sống, như nấu ăn, sửa chữa vật dụng... mà thuê hoặc mua các dịch vụ ấy; hoặc các cơ quan, tổ chức (trước hết là của Nhà nước) không tự mình tổ chức bộ phận lái xe, bảo vệ, làm vệ sinh... mà thuê cơ sở kinh doanh những dịch vụ này.
Hai là, từ mua bán theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang mua bán theo cơ chế thị trường. Sự chuyển hóa về mặt này phức tạp hơn và có nhiều tranh cãi hơn, đòi hỏi phải phân tích những yếu tố chính tạo nên sự chuyển hóa đó.
Thứ nhất, thương mại hóa theo hướng này đòi hỏi phải đổi mới chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, bảo đảm quyền của công dân được tự do kinh doanh theo pháp luật, quyền của các cơ sở sản xuất và dịch vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; đó là điều kiện tiên quyết cho sự mua bán theo cơ chế thị trường.
Điều này không chỉ đặt ra đối với các doanh nghiệp mà còn là yêu cầu của các đơn vị dịch vụ, kể cả các cơ sở cung ứng dịch vụ phục vụ cho đông đảo người dân, như các trường học, bệnh viện, báo chí... Quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước và cơ sở dịch vụ công lập không thể thực hiện theo cơ chế chủ quản của cơ quan hành chính như trước mà phải đổi mới phương thức để phát huy chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở.
Thứ hai, thương mại hóa đòi hỏi Nhà nước phải xóa bỏ bao cấp, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, tạo lập môi trường cho các cơ sở sản xuất và dịch vụ cạnh tranh và hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng.
Điều này không cản trở Nhà nước áp dụng các chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất hàng hóa và dịch vụ thuộc các lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích, nhưng nhất thiết phải xóa bỏ sự phân biệt theo chế độ sở hữu. Khi nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tự do hóa thương mại và cạnh tranh được nâng tầm sâu rộng hơn, vừa tạo động lực vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ, kể cả những dịch vụ phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân.
Thứ ba, thương mại hóa hướng vào tạo lợi nhuận trên cơ sở hạch toán đúng và đủ chi phí, đạt được hiệu quả kinh tế thực chất, tránh “lãi giả, lỗ thật” thường xảy ra theo cơ chế cũ. Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh là nguồn tăng tích lũy và tiêu dùng xã hội, tạo điều kiện cơ bản cho sự phát triển đất nước và cải thiện đời sống.
Vì vậy, kiếm lời chính đáng, đúng pháp luật cần được coi trọng và khuyến khích cả trong chính sách của Nhà nước và trong tâm thức, dư luận xã hội. Trong các lĩnh vực dịch vụ phục vụ công cộng, các cơ sở công lập lấy việc đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân, của đất nước làm trọng, hoạt động theo cơ chế “phi lợi nhuận”.
Chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và thể thao tạo điều kiện cho sự phát triển các cơ sở ngoài công lập (kể cả sở hữu hỗn hợp), trong đó có cơ sở hoạt động theo phương thức kinh doanh và Nhà nước có chính sách khuyến khích nhiều cơ sở áp dụng cơ chế “phi lợi nhuận”. Các cơ sở công lập và ngoài công lập thực hiện cơ chế “phi lợi nhuận” vẫn phải quan tâm tới hiệu quả thực chất trên cơ sở tính đủ chi phí và có thể đạt được thu nhập cao hơn chi phí, song lợi nhuận đã tạo ra không chia cho những cá nhân sở hữu tài sản của cơ sở mà được dùng cho lợi ích chung như phát triển cơ sở, giúp người nghèo, làm việc thiện...
Như vậy, đối với mọi cơ sở sản xuất và dịch vụ, kể cả những dịch vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội, những cơ sở được ngân sách nhà nước trợ cấp kinh phí hoạt động, thương mại hóa là yếu tố tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và xã hội.
Trong thực tế, có một số doanh nghiệp kiếm lời trái pháp luật, một số cơ sở dịch vụ và báo chí chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng, đi ngược mục tiêu phục vụ dân, gây hệ quả xấu về chính trị, xã hội. Cần gọi thẳng những sai hỏng, lệch lạc này là hoạt động mưu lợi trái pháp luật, trái đạo lý để phê phán, đấu tranh, xử lý kiên quyết, song không thể đánh đồng với thương mại hóa, bỏ qua những yếu tố tích cực và cần thiết của thương mại hóa đối với sự phát triển và nâng cao hiệu quả của các cơ sở sản xuất, dịch vụ và của cả nền kinh tế.
Cũng không thể làm mờ trách nhiệm của những người có sai phạm bằng cách quy tội cho thương mại hóa gây ra các hiện tượng tiêu cực, vì trong môi trường thương mại hóa vẫn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ làm ăn thành đạt đúng pháp luật. Khi dùng dao sắc bị đứt tay thì không thể đổ lỗi tại con dao. Cách phê phán thương mại hóa như một xu hướng xấu là quy oan cho thương mại hóa.
Một nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010 được xác định tại Đại hội lần thứ X của Đảng là “chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm nước ta”.
Chúng ta đang nỗ lực phấn đấu để rút ngắn thời hạn bị xem là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm kể từ khi gia nhập WTO. Thương mại hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ là một nội dung quan trọng trong định hướng phấn đấu đó và còn nhiều việc phải làm để có một nền thương mại vận hành thông suốt. Từ thương mại hóa được dùng theo nghĩa xấu không chỉ là vấn đề sử dụng thuật ngữ mà còn có chiều sâu về tư duy kinh tế, tác động tới việc hoạch định và thực hiện chính sách đổi mới.
Vì vậy, cần “giải oan” cho thương mại hóa.
Sự phê phán đó là đích đáng hay quy oan cho thương mại hóa? Lý giải vấn đề này phải đi từ cách hiểu về “thương mại hóa”. Bài viết sau của các tác giả Trần Đình Nguyên - Phạm Chi Lan làm rõ hơn về vấn đề này.
Thương mại là từ chỉ mọi hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ; ở nước ta, cần thêm là mua bán theo cơ chế thị trường, vì mua bán theo sự phân phối và định giá của Nhà nước như cơ chế trước đây không phải là thương mại theo đúng nghĩa.
Cũng như những thuật ngữ khác có thêm chữ “hóa” (như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa, đô thị hóa, cho đến thể chế hóa, cụ thể hóa...), thương mại hóa là quá trình chuyển hóa (hoặc chuyển đổi) sự vật từ trạng thái, tính chất cũ sang trạng thái, tính chất mới.
Sự chuyển hóa đó diễn ra trên hai mặt:
Một là, từ tự cấp tự túc chuyển sang mua bán trên thị trường. Đây là hướng chuyển đổi quan trọng của nông nghiệp khi nông dân từ chỗ sản xuất lương thực, thực phẩm để tự tiêu dùng, chuyển sang sản xuất nông sản hàng hóa để bán.
Thương mại hóa cũng bao hàm cả việc cá nhân không tự làm các dịch vụ phục vụ đời sống, như nấu ăn, sửa chữa vật dụng... mà thuê hoặc mua các dịch vụ ấy; hoặc các cơ quan, tổ chức (trước hết là của Nhà nước) không tự mình tổ chức bộ phận lái xe, bảo vệ, làm vệ sinh... mà thuê cơ sở kinh doanh những dịch vụ này.
Hai là, từ mua bán theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang mua bán theo cơ chế thị trường. Sự chuyển hóa về mặt này phức tạp hơn và có nhiều tranh cãi hơn, đòi hỏi phải phân tích những yếu tố chính tạo nên sự chuyển hóa đó.
Thứ nhất, thương mại hóa theo hướng này đòi hỏi phải đổi mới chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, bảo đảm quyền của công dân được tự do kinh doanh theo pháp luật, quyền của các cơ sở sản xuất và dịch vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; đó là điều kiện tiên quyết cho sự mua bán theo cơ chế thị trường.
Điều này không chỉ đặt ra đối với các doanh nghiệp mà còn là yêu cầu của các đơn vị dịch vụ, kể cả các cơ sở cung ứng dịch vụ phục vụ cho đông đảo người dân, như các trường học, bệnh viện, báo chí... Quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước và cơ sở dịch vụ công lập không thể thực hiện theo cơ chế chủ quản của cơ quan hành chính như trước mà phải đổi mới phương thức để phát huy chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở.
Thứ hai, thương mại hóa đòi hỏi Nhà nước phải xóa bỏ bao cấp, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, tạo lập môi trường cho các cơ sở sản xuất và dịch vụ cạnh tranh và hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng.
Điều này không cản trở Nhà nước áp dụng các chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất hàng hóa và dịch vụ thuộc các lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích, nhưng nhất thiết phải xóa bỏ sự phân biệt theo chế độ sở hữu. Khi nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tự do hóa thương mại và cạnh tranh được nâng tầm sâu rộng hơn, vừa tạo động lực vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ, kể cả những dịch vụ phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân.
Thứ ba, thương mại hóa hướng vào tạo lợi nhuận trên cơ sở hạch toán đúng và đủ chi phí, đạt được hiệu quả kinh tế thực chất, tránh “lãi giả, lỗ thật” thường xảy ra theo cơ chế cũ. Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh là nguồn tăng tích lũy và tiêu dùng xã hội, tạo điều kiện cơ bản cho sự phát triển đất nước và cải thiện đời sống.
Vì vậy, kiếm lời chính đáng, đúng pháp luật cần được coi trọng và khuyến khích cả trong chính sách của Nhà nước và trong tâm thức, dư luận xã hội. Trong các lĩnh vực dịch vụ phục vụ công cộng, các cơ sở công lập lấy việc đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân, của đất nước làm trọng, hoạt động theo cơ chế “phi lợi nhuận”.
Chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và thể thao tạo điều kiện cho sự phát triển các cơ sở ngoài công lập (kể cả sở hữu hỗn hợp), trong đó có cơ sở hoạt động theo phương thức kinh doanh và Nhà nước có chính sách khuyến khích nhiều cơ sở áp dụng cơ chế “phi lợi nhuận”. Các cơ sở công lập và ngoài công lập thực hiện cơ chế “phi lợi nhuận” vẫn phải quan tâm tới hiệu quả thực chất trên cơ sở tính đủ chi phí và có thể đạt được thu nhập cao hơn chi phí, song lợi nhuận đã tạo ra không chia cho những cá nhân sở hữu tài sản của cơ sở mà được dùng cho lợi ích chung như phát triển cơ sở, giúp người nghèo, làm việc thiện...
Như vậy, đối với mọi cơ sở sản xuất và dịch vụ, kể cả những dịch vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội, những cơ sở được ngân sách nhà nước trợ cấp kinh phí hoạt động, thương mại hóa là yếu tố tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và xã hội.
Trong thực tế, có một số doanh nghiệp kiếm lời trái pháp luật, một số cơ sở dịch vụ và báo chí chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng, đi ngược mục tiêu phục vụ dân, gây hệ quả xấu về chính trị, xã hội. Cần gọi thẳng những sai hỏng, lệch lạc này là hoạt động mưu lợi trái pháp luật, trái đạo lý để phê phán, đấu tranh, xử lý kiên quyết, song không thể đánh đồng với thương mại hóa, bỏ qua những yếu tố tích cực và cần thiết của thương mại hóa đối với sự phát triển và nâng cao hiệu quả của các cơ sở sản xuất, dịch vụ và của cả nền kinh tế.
Cũng không thể làm mờ trách nhiệm của những người có sai phạm bằng cách quy tội cho thương mại hóa gây ra các hiện tượng tiêu cực, vì trong môi trường thương mại hóa vẫn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ làm ăn thành đạt đúng pháp luật. Khi dùng dao sắc bị đứt tay thì không thể đổ lỗi tại con dao. Cách phê phán thương mại hóa như một xu hướng xấu là quy oan cho thương mại hóa.
Một nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010 được xác định tại Đại hội lần thứ X của Đảng là “chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm nước ta”.
Chúng ta đang nỗ lực phấn đấu để rút ngắn thời hạn bị xem là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm kể từ khi gia nhập WTO. Thương mại hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ là một nội dung quan trọng trong định hướng phấn đấu đó và còn nhiều việc phải làm để có một nền thương mại vận hành thông suốt. Từ thương mại hóa được dùng theo nghĩa xấu không chỉ là vấn đề sử dụng thuật ngữ mà còn có chiều sâu về tư duy kinh tế, tác động tới việc hoạch định và thực hiện chính sách đổi mới.
Vì vậy, cần “giải oan” cho thương mại hóa.