09:25 12/09/2009

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng

VnEconomy

Nội dung chính cuộc tọa đàm về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau khủng hoảng

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau khủng hoảng”, diễn ra tại Khách sạn Furama (Đà Nẵng) - Ảnh: Lê Thanh Tân.
Đại diện một doanh nghiệp phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau khủng hoảng”, diễn ra tại Khách sạn Furama (Đà Nẵng) - Ảnh: Lê Thanh Tân.
Sáng nay (12/9), tại Khách sạn Furama (Đà Nẵng), Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau khủng hoảng”.

Diễn giả của buổi tọa đàm này là đại diện nhà điều hành chính sách, ban ngành chức năng địa phương, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng thương mại, gồm:

- GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.

- Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

- TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).

- TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

- TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM).

- TS. Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế Đà Nẵng.

- TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt.

- Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng văn phòng đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khu vực miền Trung.

Buổi tọa đàm cũng có sự xuất hiện của ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng.

Thu hút hơn 800 đại biểu tham dự, tọa đàm “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh đang có những dấu hiệu phục hồi kinh tế trong thời gian gần đây tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đặt nền móng cho hy vọng suy giảm kinh tế đã chạm đáy, kinh tế thế giới đang bắt đầu bước vào thời kỳ sau khủng hoảng.

Tại đây, các đại biểu tham dự sẽ đưa ra các đánh giá, đề xuất giải pháp ở các góc nhìn khác nhau, đối với một vấn đề cấp bách và có tầm quan trọng lớn lao hiện nay, đó là tìm ra các giải pháp tài chính hữu hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng trong bối cảnh hậu khủng hoảng.

VnEconomy xin tường thuật những nội dung chính của cuộc tọa đàm này.

Ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng:

Tôi xin nhiệt liệt chào mừng các doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, lãnh đạo các cơ quan chức năng tham dự buổi tọa đàm hôm nay. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng đi tìm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kinh tế - xã hội của Đà Nẵng thời gian qua đạt nhiều thành quả tích cực. UBND thành phố Đà Nẵng thường xuyên tiếp tục, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tăng cường hỗ trợ, xúc tiến thương mại…

Nhiều nghìn tỷ đồng đã được giải ngân trong chương trình hỗ trợ lãi suất trong thời gian qua. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường, giá cả, xuất khẩu, đặc biệt là do thời kỳ suy thoái, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thua lỗ, nợ nần… Chính vì vậy, việc tìm những giải pháp tài chính phù hợp trong thời điểm này là một yêu cầu cấp thiết, nhằm chuẩn bị hành trang cho giai đoạn mới.

Thay mặt UBND thành phố Đà Nẵng, xin cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đà Nẵng hướng đến sự phát triển tốt đẹp. Chúc buổi tọa đàm thành công.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 1
GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh: Lê Thanh Tân.

GS. Đào Nguyên Cát:

Xin chào các quý vị đại biểu, các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Xin chào quý bạn đọc đang theo dõi nội dung buổi tọa đàm hôm nay.

Năm 2008, cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra đã gây tác  động và ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do thị trường nước ngoài bị thu hẹp, đồng USD tăng giá mạnh, hoạt động tín dụng bị thắt chặt, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng…

Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã quyết định thực hiện giải pháp hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng, nhằm kích thích các doanh nghiệp vay vốn, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Cho dù, nếu quá lạm dụng, thiếu kiểm soát, việc hỗ trợ lãi suất có thể sẽ gây ra một số hệ luỵ, song không thể phủ nhận giải pháp này đã giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng.

Khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, song những dấu hiệu tăng trưởng, phục hồi nhanh chóng trong thời gian gần đây từ các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến chúng ta có cơ sở vững chắc để hy vọng rằng sự suy giảm đã chạm đáy, kinh tế thế giới đang bắt đầu bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng. Bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng đang xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi, cho dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ khó lường, như xuất khẩu giảm, nhập siêu cao, tái lạm phát...

Bởi vậy, các chính sách kinh tế thực hiện vào thời kỳ này - thời kỳ tạo ra tiền đề phát triển cho giai đoạn “tăng tốc” tiếp theo - sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế này đã đặt ra nhiều câu hỏi mới cần giải đáp đối với việc tìm giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung nói riêng.

Đó cũng là những nội dung chính chúng ta tập trung trao đổi tại buổi tọa đàm hôm nay.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 2
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Tôi sẽ đánh giá lại gói kích cầu vừa qua. Đến thời điểm này chúng ta không nên gọi là gói kích cầu. Các biện pháp dồn dập được đưa ra vừa qua, và nay vẫn tiếp tục.

Theo tôi nên gọi là gói kích thích nền kinh tế vượt qua suy giảm. Trước hết, chúng ta sử dụng các giải pháp tiền tệ, hỗ trợ lãi suất; rồi giải pháp tài chính, gồm thuế, ứng vốn năm trước cho năm sau, phát hành trái phiêu… hỗ trợ nền kinh tế. Giải pháp an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cho vay sinh viên… Gần đây chúng ta tiếp tục có những giải pháp mang tính dài hạn để tiếp tục hỗ trợ, vượt lên khó khăn. Gần đây nhất có chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị đưa ra…

Những giải pháp đó được đưa ra, thực hiện quyết liệt, liên tục bổ sung và hoàn thiện, tương đối đồng bộ, chỉ đạo tương đối tập trung để tạo nên sức mạnh của dân tộc; người dân cùng vào trận. Cái khó khăn nhất của nền kinh tế, của nhiều doanh nghiệp đã qua.

Đến giờ đã có những chuyển biến sau khó khăn. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm nay có thể tăng 5% hoặc tích cực hơn; lạm phát dưới 7%, bội chi ngân sách dưới 6% GDP… Tốc độ phá sản, nằm im của doanh nghiệp chậm lại; việc làm tăng trở lại; thị trường bất động sản, chứng khoán… ấm lên. Và quan trọng hơn là niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế đều công nhận cách đi của chúng ta là đúng hướng, có hiệu quả, có sự đi lên nhanh hơn, hứa hẹn nhiều hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Nhưng, nếu nhìn vào kế hoạch trọng tâm 2009 theo Quốc hội để ra trước đó, chống suy giảm kinh tế, hai là chống lạm phát trở lại. Hai cái này đối nghịch nhau và khó triển khai. Chống suy giảm hiện đã và đang thực hiện được. Chống lạm phát quay trở lại, đến thời điểm này có thể thấy năm nay có thể lạm phát chỉ trên dưới 7%. Đó là những tín hiệu mừng trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2009.

Nhưng xin lưu ý, đó là những kết quả bước đầu, mang tính giải cứu, tình thế, còn những vấn đề dài hạn, nền tảng đang ở phía trước, đang đặt ra cho doanh nghiệp, nền kinh tế một khối lượng công việc lớn.
 
Những vấn đề đặt ra hiện nay là gì? Thế giới đang có chuyển biến tích cực hơn, đó là xu thế chung. Giải pháp thì mỗi quốc gia đều có một ý tưởng là làm sao thoát ra nhanh nhất khỏi khó khăn. Chúng ta, tác động sớm hơn nhưng thoát ra nhanh hơn; lạm phát cao đã có từ hai năm trước; nay tình hình ổn định tốt hơn, sớm hơn. Chúng ta còn bị níu kéo bởi những yếu tố nội tại nữa...

Việc sắp tới chúng ta phải xử lý không chỉ những vấn đề tình thế mà cả lâu dài. Tựu trung có ba việc: qua tác động của khủng hoảng, tự nhìn ra những ưu điểm, khuyết điểm, điểm yếu, thế mạnh đã bộc lộ để tự đặt ra những đường đi nước bước phù hợp, trong đó khuyến khích những yếu tố sáng tạo. Doanh nghiệp phải nắm bắt chính sách, bối cảnh thị trường để tập trung khai thác những thế mạnh của mình. Doanh nghiệp phải bám sát những gõi kích thích, tái cấu trúc cho nền kinh tế. Tất nhiên, dù thế nào thì doanh nghiệp cũng phải chủ động vươn lên trước hết bằng chính sức lực của mình.

Doanh nghiệp chất vấn: Trong thời kỳ đầu, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ có khảo sát đưa ra con số khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phá sản. Nhưng điều này không xẩy ra, vậy phép màu đã đến từ đâu?
 
Ông Cao Sỹ Kiêm: Số liệu chính xác là trước tác động của khủng hoảng thì có 80% khó khăn, trong đó có 20% nằm im hoặc chờ phá sản, 60% chờ sự hỗ trợ để tiếp tục hoạt động, 20% có thể tiếp tục tự hoạt động. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì số 20% chờ phá sản đó sẽ rất nguy. Đến giờ số doanh nghiệp phá sản quả thực không như chúng ta tưởng. Đó là sự vươn lên không ngừng của doanh nghiệp và thành công từ hỗ trợ của Nhà nước.

Doanh nghiệp chất vấn: Thưa ông Cao Sỹ Kiêm, miền Trung chúng tôi dân số ít, vốn và công nghệ còn nghèo, chảy máu chất xám, thu nhập còn thấp… Những điều đó còn có ở các doanh nghiệp chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn trong khi ngân hàng nào cũng thừa vốn. Làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau? Vừa rồi chúng ta có quỹ bảo lãnh, nhưng rất nhỏ, thủ tục quá rườm rà, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được. Vì vậy vốn thừa mà doanh nghiệp vẫn khó. Vậy giải quyết tình trạng trên thế nào?

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Thời gian qua chúng ta thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, giải phóng một số vốn, nhưng phải theo nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay. Doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện cho vay, ngân hàng phải kinh doanh an toàn. Có những doanh nghiệp không vay được vì dưới tiêu chuẩn, ngân hàng thì không dám vì khó thu hồi nợ. Đó là mâu thuẫn.

Để giải quyết, chúng ta phải rất chú ý nguyên tắc thị trường chúng ta đang theo đuổi, không khác được; thứ hai là những yếu tố có thể chiếu cố cho từng vùng, từng doanh nghiệp có thể làm được.

Chúng ta không thể thay đổi chuẩn vay, vì sẽ rất nguy hiểm, minh chứng là sự sụp đổ của nhiều tổ chức tín dụng tại Mỹ. Chúng ta phải thích nghi, từng bước vươn lên. Con đường thoát là phải thích nghi nhanh, đáp ứng nhanh các mối quan hệ, yêu cầu của thị trường... Tất nhiên, trong bước đi, Nhà nước sẽ xử lý có lộ trình, có mức độ đối với các đối tượng, có chiếu cố những đối tượng quá khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ có những kiến nghị, tư vấn cụ thể.

Về bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, vừa rồi có thay đổi là giao cho Ngân hàng Phát triển làm, theo chuẩn mới, có chiếu có như nợ quá hạn, nợ thuế, hai năm không lãi... nhưng có yếu tố đi lên thì có thể được. Nhưng Ngân hàng Phát triển mới ra đời, thiết kế chính sách ban đầu hơi chặt. Theo đó chúng tôi đang kiến nghị để có những điều chỉnh hợp lý hơn. Tất nhiên, Ngân hàng Phát triển có một đội ngũ thẩm định có nghề và sẽ hoàn thiện dần.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 3
TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo:

Tôi xin trình bày về một số điểm của chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có những công bố, thứ nhất là ổn định lãi suất cho doanh nghiệp, lãi suất cơ bản giữ 7%, lãi suất cho vay tối đa cho doanh nghiệp là 10,5%/năm; lãi suất USD từ 4 – 6%/năm. Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định thị trường ngoại tệ, đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng sẽ giữ mức khoảng 30% năm nay, cao hơn năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, nhưng sẽ tập trung cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn…, thông qua điều chỉnh cơ cấu như giảm bớt tín dụng bất động sản, tín dụng vào chứng khoán… Các ngân hàng thương mại chủ động rà soát lại các khoản vay, cơ cấu lại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.

Trong những tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng tiếp tục thực hiện đúng cơ chế hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, trung và dài hạn, cho vay khu vực nông thôn, bảo lãnh vay vốn… Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua, 8 tháng khoảng 26%, nên phải cơ cấu. Bên cạnh việc tiếp vốn, chúng ta cũng cần tính đến những ổn định vĩ mô khác, như lạm phát thời gian tới.

Trong năm 2010, theo chủ trương của Chính phủ, phấn đầu tăng trưởng 6,5%, lạm phát ở mức một con số. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn chậm chạp, vẫn còn nhiều tranh cãi về khắc phục hậu quả của khủng hoảng… Theo đó, vấn đề xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vẫn có những thách thức bên cạnh cơ hội, ngang nhau. Chủ trương của chính sách tiền tệ trong năm 2010 là tiếp tục linh hoạt, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến 31/12/2009, một số gói hỗ trợ lãi suất kết thúc. Chính phủ có thể tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế mạnh lên; từ chống suy giảm, chúng ta chuyển sang kích thích nền kinh tế. Có thể trong quý 4 này Chính phủ sẽ công bố gói kích thích này.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 4
TS. Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế Đà Nẵng - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Hồ Kỳ Minh:

Tôi xin giới thiệu một số nét về tình hình doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 8/2009, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 11.109 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng quyết định đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế thành phố thông qua huy động các nguồn vốn và sức mạnh của xã hội phục vụ sản xuất kinh doanh; đóng góp quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá; tạo ra việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp; đóng góp cho ngân sách Nhà nước; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội…

Trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thì doanh nghiệp Nhà nước chiếm 7,30%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 90,18%, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,52%. Qua đó cho thấy, thành phần chủ yếu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp dân doanh, trong đó có 64,59% là loại hình công ty TNHH; 17,52% là công ty cổ phần; 17,88% là doanh nghiệp tư nhân; còn 0,01% thuộc các loại hình khác.

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng trong những năm qua tuy phát triển nhanh về số lượng, nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện có khoảng 56,33% doanh nghiệp có vốn kinh doanh dưới 1 tỷ đồng; 38,32% có vốn kinh doanh từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng; 4,02% có vốn kinh doanh từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 0,54% từ 50 đến dưới 100 tỷ đồng; 0,73% từ 100 đến dưới 1.000 tỷ đồng; và chỉ 0,06% có vốn kinh doanh từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Như vậy, xét theo quy mô vốn kinh doanh, Đà Nẵng có đến 94,65% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động.

Tính đến cuối tháng 7/2009, đã có 2.196 doanh nghiệp được vay 7.440,83 tỷ đồng với số tiền lãi được được hỗ trợ lãi suất là 84,55 tỷ đồng.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 5
TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Vũ Đình Ánh:

Tôi xin bổ sung một số ý kiến về tình hình kinh tế vĩ mô. Tôi cho rằng ảnh hưởng của khủng hoảng hiện nay vẫn còn.

Có thể thấy cụ thể nhất là xuất khẩu. Xuất khẩu của chúng ta giảm 11,2%, có vấn đề ở đây. Dường như chúng ta đang có làm rất nhiều nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Đây là câu chuyện doanh nghiệp cần lưu ý. Trong khi đó hiệu quả đầu tư vẫn đang đi xuống.

Tôi thấy một chi tiết đáng chú ý. Mới đây Chính phủ ra nghị quyết, Chính phủ không khẳng định là chúng ta đã qua được những khó khăn, mà chúng ta đang duy trì được tăng trưởng. Tôi cho rằng tăng trưởng 6% cả năm rất khó thực hiện, nhất là khi xuất khẩu giảm. Từ nay đến cuối năm tôi nghĩ xuất khẩu sẽ vẫn giảm, vẫn khó ở câu chuyện đầu ra. Thị trường nội địa cũng chưa đạt được như mong muốn.

Tôi rất tán thành ý kiến của ông Cao Sỹ Kiêm là chúng ta nên gọi là gói kích thích nền kinh tế chứ không phải kích cầu. Để đánh giá hiệu quả, thực tế nền kinh tế hiện nay sau như hỗ trợ đó, thật khó. Ví dụ, tôi xin hỏi hiện đã có bao nhiêu doanh nghiệp phá sản năm nay? Đó là một con số khó khăn đối với chúng tôi. Ở Mỹ người ta cập nhật hàng ngày, như về sự đổ vỡ của các ngân hàng.

Và nữa, chúng ta hỏi đã có bao nhiều người mất việc làm, bao nhiêu công nhân mất việc? Rất khó trả lời, thế nên cũng khó để nhìn nhận chính xác về ảnh hưởng của khủng hoảng.

Doanh nghiệp chất vấn: Tôi đến từ Cảng Đà Nẵng. Tôi xin nêu so sánh, qua hai năm suy giảm kinh tế, ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới lao đao, phá sản…, nhưng ở Việt Nam ngành tài chính - ngân hàng vẫn hầu hết lãi cao hơn năm trước. Đứng ở góc độ sản xuất như chúng tôi thì rất ghen tị với các ngân hàng. Tôi có đề nghị, sau khủng hoảng Nhà nước nên có gói kích cầu làm sao để tất cả các doanh nghiệp đều tiếp cận được, không nhất thiết là hỗ trợ lãi suất.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Đến tháng 7/2009, VCCI có điều tra, kết quả là 91% doanh nghiệp Việt Nam cơ bản ổn định và có khả năng phát triển kinh doanh, một kết quả sau ảnh hưởng khủng hoảng. Trong đó có một tác động của tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ lãi suất. Ở các nước, các ngân hàng khó phát triển tín dụng. Ở Việt Nam tín dụng lại tăng cao.

Về lợi nhuận, tôi xin bình luận thế này. Gần đây các ngân hàng công bố lợi nhuận, về tâm lý xã hội thì có thể có vấn đề. Thứ nhất, những con số công bố là lãi trước thuế, chưa hoạch toán đầy đủ. Thứ hai, các ngân hàng hầu hết có trên 3.000 tỷ đồng vốn tự có, phải xét đến tỷ suất lợi nhuận. Hiện chúng tôi cũng đang xem xét lại khung pháp lý để làm sao có những dữ liệu công bố xác thực hơn, phù hợp hơn.

Xét về chênh lệch lãi suất hiện nay, theo lãi suất trần, chênh lệch thực tế chỉ còn khoảng hơn 1,5%; năm 2008 là 2,7%/năm. Nhưng do vốn tự có lớn, tăng trưởng tín dụng cao nên phần thu nhập của các ngân hàng có tăng lên. Hiện nay có sức ép là tăng lãi suất cơ bản để nâng lãi suất trần. Nhưng quan điểm của Chính phủ là vẫn giữ ổn định. Theo đó các ngân hàng có tăng lãi suất đầu vào thế nào thì cũng phải tính toán và để ổn định.

Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng chất vấn: Hỗ trợ lãi suất đã gần hết hạn nhưng thủ tục, hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với các quỹ vẫn chưa có, đề nghị trả lời.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Khi xây dựng chính sách, thực thi chính sách này chủ yếu là các ngân hàng thương mại, sau đó mở rộng thêm các đối tượng khác, trong đó có quỹ đầu tư phát triển. Hiện do chưa thống nhất được quan điểm giữa các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất có thể đưa ra quy định. Việc hướng dẫn sẽ sớm được ban hành.

Doanh nghiệp chất vấn: Có hay không việc tiếp tục nới biên độ tỷ giá, có thiếu ngoại tệ trong thời gian tới không?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Chính sách tiền tệ tư tưởng chung là ổn định, để tạo tâm lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, không tạo sốc; ổn định để tạo điều kiện sản xuất kinh doanh. Chính về thế, nới rộng biên độ tỷ giá nếu đặt trong tình huống những sức ép thế nào để có ứng xử linh hoạt.

Những sức áp vừa qua là do chúng ta chống suy giảm, người ta hăng lái vay VND do được hỗ trợ lãi suất; cung – cầu ngoại tệ chưa được điều hành và phối hợp có lúc chưa nhịp nhành, chỗ thừa chỗ thiếu… dẫn đến căng thẳng. Nguồn vốn nước ngoài vào có giảm nhưng không quá mức.

Rồi tâm lý lo lạm phát, chờ USD lên giá nên có tình trạng nắm giữ, ngân hàng không mua được vì không có người bán. Không giải quyết được kịp thời thì lại tạo căng thẳng. Cần phải giải quyết được tất cả những nguyên nhân đó.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 6
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM) - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Lê Thẩm Dương:

Cho dù các thông tin vĩ mô có tín hiệu tốt dần, nhưng qua hậu khủng hoảng chưa thì chưa thấy. Thất nghiệp chưa được giải quyết, thị trường tài chính còn nhiều khó khăn… Phải nói là khó khăn chững lại thôi. Tuy nhiên, cho dù chưa hậu suy thoái phải thảo luận về hậu suy thoái.

Tôi cho rằng thời gian tới bằng mọi giá phải giữ lạm phát, vì đây là căn bệnh ung thư nguy hiểm, giới doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng, từ nay đến cuối năm và sang năm còn phải đối phó với khó khăn.

Tôi nghĩ các giải pháp của thế giới chỉ để tham khảo, không áp dụng được ở Việt Nam đâu. Vì thị trường khác nhau, thị trường miền Trung cũng khác với thị trường miền Nam và miền Bắc. Đối với doanh nghiệp miền Trung phải giải quyết nhiều vấn đề: Cần thay đổi cấu trúc doanh nghiệp, trong đó bao gồm tái cấu trúc nguồn nhân lực (con người), máy móc và nguyên liệu. Chiến lược kinh doanh cần tận dụng thời cơ thị trường, có chính sách về giá, chiến lược về lợi nhuận, về đạo đức kinh doanh.... Hai vấn đề trên phải giải quyết trước khi nói đến giải pháp tài chính.

Còn về các giải pháp tài chính, chúng ta thường nói đến hai dòng vốn, dòng nội sinh và ngoại sinh - đòn bẩy tài chính. Có người cứ nghĩ thiếu vốn là đến ngân hàng, như thế không ổn. Có thể tham gia kéo tiền từ những kênh khác, nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó.

Nguồn quan trọng nhất là nguồn tài chính thương mại, một nguồn rất quan trọng. Nguồn từ tín dụng ngân hàng cũng có nhiều cách để tiếp cận, đâu phải chỉ đến đưa đơn vay. Không đủ điều kiện vay thì thuê tài chính, quỹ đầu tư, công ty tài chính, các kênh của thị trường tiền tệ, thậm chí vay của cán bộ nhân viên, từ thị trường chứng khoán, tại sao không sử dụng kênh trái phiếu? Tôi nghĩ có những kênh như chứng khoán hoàn toàn có thể tham gia được.

Ngoài ra, có những trường hợp chúng ta phải xem lại. Như doanh nghiệp không thiếu vốn nhưng do cơ cấu không hợp lý, cần sắp xếp vốn hợp lý sẽ có những khoản vốn dư cần thiết. Tất nhiên điều này đi cùng với khả năng quản lý, cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Hay như doanh nghiệp có thể liên doanh, liên kết để tạo sức mạnh vốn, khắc phục khó khăn về vốn. Thậm chí có những giải pháp phải tính đến tái cơ cấu, thậm chí phải tính đến cả trường hợp phải sáp nhập. Hay là tái đầu tư, tại sao lại cứ phải đâm đầu vào những mục đầu tư lãi thấp, xây dựng danh mục đầu tư hợp lý, điều đó làm cho đồng vốn đi đúng chỗ và giảm bớt khó khăn từ thiếu…

Tôi cho rằng nói gì thì nói, giải pháp gì đi nữa thì quan trọng nhất là phải tự mình hỗ trợ mình, tự cơ cấu lại nguồn vốn, điều chỉnh sản xuất kinh doanh và chọn trọng tâm đầu tư. Và với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi nghĩ nên có giám đốc tài chính để quản lý tốt, dù phải phát sinh thêm một khoản chi phí.

Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp sau khủng hoảng  - Ảnh 7
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt - Ảnh: Lê Thanh Tân.

Ông Nguyễn Đức Hưởng:

Tôi rất quan tâm đến các phát biểu vừa rồi của đại diện doanh nghiệp, về việc các ngân hàng lợi nhuận lớn. Tôi xin cảm ơn và phải nói rằng là ngân hàng có được lợi nhuận thì phải có khách hàng.

Tôi cũng là đại diện một ngân hàng có lãi, nhưng khó có ngân hàng nào chỉ huy động và cho vay mà có lãi lớn. Nhưng như LienVietBank, nguồn thu hơn 70% không phải là tín dụng, mà là các sản phẩm phái sinh, liên ngân hàng… Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ trọng ngoài lãi là lớn. Mà mọi so sánh thì khó nói lắm.

Thời điểm diễn ra buổi tọa đàm hôm nay rất hợp lý, trong một thời điểm quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp cần những giải pháp tài chính, không phải “cho” doanh nghiệp, mà là “của” doanh nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh một chi tiết như vậy.

Qua phát biểu của cấc chuyên gia, chúng ta cũng đã có những thông tin giá trị. Tôi xin nói về vấn đề làm sao để vốn đến với các doanh nghiệp miền Trung.

Theo tôi trước hết cần có sự cải cách, cải tiến mạnh. Thậm chí trong khủng hoảng, có những doanh nghiệp có sự cải tiến, điều chỉnh hợp lý để kinh doanh hiệu quả. Theo đó, nguồn vốn sẽ tự tìm đến. Tôi thấy có vẻ tại nhiều doanh nghiệp miền Trung chưa quan tâm nhiều đến điều này lắm.

Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất ban đầu, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đứng vững được. Nhưng theo tôi, không thể đứng chờ đợi hỗ trợ, kích cầu mãi được. Tốt nhất là doanh nghiệp nghĩ không có gói hỗ trợ thứ hai để tự chủ động vận động.

Về giải pháp tài chính, như TS. Lê Thẩm Dương nói, đó không chỉ là giải pháp về nguồn vốn. Ngoài cơ cấu sản xuất kinh doanh, cơ cấu tài chính, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn trong những bước tiếp cận khác, như mạnh dạn tham gia thị trường chứng khoán, tham gia niêm yết nếu đủ điều kiện. Ngay ở việc tham gia thị trường này, giá trị là sự minh bạch, là thương hiệu, đó cũng là những yếu tố cần cho khả năng gọi vốn…

Về phía LienVietBank, tôi khẳng định sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn, tăng cường hỗ trợ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp miền Trung. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn có được mối quan hệ tốt và ngày một phát triển với cộng động doanh nghiệp tại đây.

GS. Đào Nguyên Cát:

Chúng ta đã dành gần 4 giờ đồng hồ liên tiếp không nghỉ giải lao để cùng bàn về vấn đề chung của nền kinh tế, phân tích những dấu hiệu phục hồi, liệu chúng ta đã qua đáy khủng hoảng chưa, diễn biến kinh tế trong thời gian tới sẽ đi theo những kịch bản nào, và những giải pháp của chúng ta…

Hơn 800 đại biểu là doanh nghiệp miền Trung đến với cuộc tọa đàm, điều này khiến chúng tôi hiểu rằng “giải pháp tài chính” đang là một vấn đề đau đầu của hầu hết các doanh nghiệp.

Tôi hy vọng rằng, trong một khoảng thời gian ngắn, những phân tích thấu đáo, tư vấn cụ thể của các diễn giả hẳn đã mang lại những giá trị, kinh nghiệm cần thiết cho các doanh nghiệp. Đó cũng là thành công của buổi tọa đàm hôm nay.

Tôi xin thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn các diễn giả từ thủ đô Hà Nội vào, từ Tp.HCM ra và tại thành phố Đà Nẵng đã hết sức quan tâm và đem đến cho doanh nghiệp miền Trung nhiều thông tin bổ ích. 

Tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, cảm ơn sự hợp tác của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI - chi nhánh Đà Nẵng đã phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam thực hiện tọa đàm. Trân trọng cảm ơn Ngân hàng Liên Việt và Furama Resort đã tài trợ cho cuộc tọa đàm.