Giám đốc sàn Hà Nội nói về năm 2006
Năm 2006 của sàn Hà Nội là những con số “ngoạn mục”, là sự quá tải và cả sự mệt mỏi vì quy mô các hoạt động đều tăng đột biến
Sáng 4/1, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), đã có buổi trò chuyện với báo giới. VnEconomy trích giới thiệu một phần nội dung ông Dũng đề cập đến.
“Năm 2006, HASTC đã có một bước phát triển vượt bậc và không nằm ngoài sự phát triển nói chung của thị trường chứng khoán. Chúng ta cứ hình dung thế này:
Thứ nhất, khi xây dựng Luật Chứng khoán, cũng như trong kế hoạch 5 năm phát triển thị trường chứng khoán mà Bộ Tài chính ký ban hành, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2010 quy mô thị trường sẽ đạt 10 – 15% GDP. Và hiện nay thị trường chứng khoán đã đạt tối đa mục tiêu đó ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm.
Với HASTC, từ khi ra đời (tháng 7/2005) cho đến cuối năm 2005, quy mô chỉ có 6 doanh nghiệp, vốn hóa được khoảng 1.900 tỷ đồng. Đến phiên giao dịch cuối cùng năm 2006, đã có 87 doanh nghiệp, vốn hóa thị trường là 73.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm 29/12/2006, quy mô sàn Hà Nội đã bằng khoảng 8% GDP. Nếu chỉ tính riêng sàn Hà Nội thì cũng đã đạt được mục tiêu mà Ủy ban Chứng khoán mong đợi của cả thị trường trong năm 2006 rồi.
Thứ hai, chất lượng của thị trường rất tốt, thể hiện ở hai khía cạnh. Về quy mô giao dịch, nếu năm 2005 chỉ khoảng 4 tỷ đồng, quý I/2006 khoảng 6-7 tỷ nhưng đến tháng 12/2006 quy mô đó đã lên tới 100 tỷ.
Khía cạnh thứ hai là chất lượng của các công ty niêm yết là rất tốt, đặc biệt là trong khối tài chính, ngân hàng như ACB, 3 công ty chứng khoán, rồi các doanh nghiệp ngành khác như Savico, các thành viên của Sông Đà, Vinaconex…
Thứ ba là về hoạt động đấu thầu. Trong nửa đầu năm 2006, hoạt động đấu thầu khá khó khăn, đấu thầu ở hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM, khối lượng thắng thầu khá thấp và lãi suất rất cao (lãi suất 6 tháng đầu năm ở khoảng 8,75%). Từ tháng 6/2006, Bộ Tài chính quyết định tập trung tại Hà Nội dẫn đến những đột biến.
Đó là đột biến về thành viên tham gia, từ 26 lên 36 thành viên, trong đó là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính lớn và đặc biệt là các tổ chức tài chính nước ngoài. Họ không những là thành viên mà còn tham gia đấu thầu rất tích cực. Theo đó, năm 2006 HASTC đã thực hiện đấu thầu xong khối lượng 4.260 tỷ cho 3 đơn vị là Kho bạc Nhà nước, UBND Tp.Hà Nội và Tp.HCM.
Về số lượng thì không nói, điểm đặc biệt là huy động được số lượng theo kế hoạch để cho ngân sách chủ động và giảm được lãi suất. Lãi suất từ 8,75% được giảm xuống còn 8,24 – 8,26% trong khi lãi suất các ngân hàng vẫn tăng. Lãi suất đấu thầu giảm là một tín hiệu tốt đối với thị trường ngân hàng nói chung, mặt khác cũng làm giảm áp lực cho ngân sách phải trả sau này.
Về hoạt động đấu giá, trong năm 2006, những cuộc đấu giá lớn nhất cũng đã tập trung ở sàn Hà Nội. Có 5 tổng công ty lớn tiến hành cổ phần hóa thì 2 trong số đó, cũng là những tổng công ty đầu tiên, đều chọn sàn Hà Nội. Nếu năm 2005, mỗi cuộc đấu giá chỉ khoảng vài ba trăm người thôi thì năm 2006 lại quá đông; về mặt bằng và nhân sự thì sàn Hà Nội đã quá tải. Cuộc đấu giá cổ phần PVI vừa qua là một điển hình. Sự quá tải đó cũng khiến chúng tôi khá mệt mỏi, có cuộc phải làm từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm.
Có những cuộc thành công và không thành công, nhưng nói chung là phần chênh lệch trên giá khởi điểm mang về cho Nhà nước là rất ngoạn mục, khoảng 5.630 tỷ đồng. Nhà nước được lợi rất nhiều, tránh được thất thoát so với cách làm cũ là cổ phần khép kín.
Trong bối cảnh doanh nghiệp ồ ạt lên sàn, hàng loạt công ty chứng khoán được lập mới, chúng tôi phải chịu sức ép rất nhiều, sức ép từ công ty niêm yết, từ công ty chứng khoán, từ cơ quan quản lý… trong khi nhân lực không tăng, thậm chí là có thể mất đi khi các công ty chứng khoán thành lập nhiều. Nhưng không phải vì những sức ép đó mà dễ dãi, chúng tôi phải kiên quyết từ chối những doanh nghiệp không đạt yêu cầu.
Về định hướng trong năm 2007, thị trường chứng khoán có những tác động lớn từ Luật Chứng khoán có hiệu lực, từ việc hội nhập WTO và việc Mỹ thông qua PNTR cho Việt Nam, rồi việc Chính phủ vừa thông qua mục tiêu GDP năm 2007 là 8,5%, lượng tiền từ nước ngoài đổ vào khá nhiều… Nhìn từ bối cảnh đó có rất nhiều lạc quan.
Nhìn chung, trong năm 2007 sẽ có nhiều tác động tốt hơn là xấu. Cá nhân tôi vẫn tin rằng trong năm 2007 thị trường sẽ phát triển mạnh hơn, không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng. Tôi không nhìn thấy một dấu hiệu nào cho thấy là thị trường có vấn đề trong năm 2007 cả.”