18:30 08/06/2012

“Giảm lãi suất mạnh là đúng, nhưng...”

Duy Cường

“Tôi không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ còn phải giảm thêm khoảng 200-300 điểm lãi suất điều hành từ đây đến cuối năm”

TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital.
“Tôi không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ còn phải giảm thêm khoảng 200-300 điểm lãi suất điều hành từ đây đến cuối năm”, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital, bình luận với VnEconomy về động thái giảm lãi suất vừa qua.

Trong 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất, sẽ xuống 9%/năm từ 11/6 tới. Theo ông, việc lãi suất giảm liên tiếp như vậy liệu có gây "sốc" cho thị trường tiền tệ?

Thực tế cho thấy lãi suất liên ngân hàng đã ở mức rất thấp trong 3 tuần vừa qua, trong đó lãi suất qua đêm ở mức 1-1,5%, 1 tuần (2-2,5%) và 1 tháng (4-4,5%).

Với mức lãi suất thấp như vậy, theo tôi, việc giảm thêm 2% có lẽ không tạo sốc cho thị trường tiền tệ.

Việc biến động tỷ giá trong những ngày vừa qua được giải thích bởi việc các ngân hàng thương mại đóng các trạng thái bán (short) USD do chênh lệnh lãi suất USD-VND liên ngân hàng không còn hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, theo tôi, các ngân hàng cũng không dám nâng trạng thái USD lên cao. Do đó, việc giảm lãi suất huy động VND sẽ không có tác động mạnh lên tỷ giá trong thời gian tới.

Ông có lo ngại việc điều chỉnh chính sách tiền tệ này sẽ làm cho nguy cơ lạm phát cao quay trở lại?

Trong quý 1/2012, Ngân hàng Nhà nước đã đúng khi không giảm lãi suất nhanh. Lạm phát quý 1 lúc đó còn rất cao, 14,2%. Tuy nhiên, tới tháng 5, chúng ta có thể thấy rằng lạm phát đã về 8,4% và kỳ vọng tháng 6 lạm phát về mức gần 7%.

Lạm phát trong nước đang trên chiều giảm rất mạnh, thêm vào đó, một số nước khác còn đang lo lắng về giảm phát. Do đó, việc giảm mạnh lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, là hợp lý.
 
Viêt Nam là một trong những nước có lãi suất thực cao nhất trên thế giới hiện nay. Lạm phát kỳ vọng vào khoảng 7%, trong khi đó trước kia lãi suất tiền gửi là 11%, lãi suất thực của Việt Nam lên đến 4%. Trong khi các nước khác lãi suất thực phần lớn là âm hoặc gần bằng không.

Một điều quan trọng là lạm phát bị ảnh hưởng bởi lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế chứ không hoàn toàn vào giá của tiền (lãi suất). Có rất nhiều giai đoạn, mối liên quan giữa lãi suất và lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế bị gián đoạn (liquidity trap). Việt Nam chúng ta có lẽ đang ở trong giai đoạn này.

Việc kích cầu và giảm lãi suất mạnh là đúng, nhưng cần phải chú ý dòng tiền kích cầu đi vào dự án nào, có thực sự giúp doanh nghiệp được không, và có thực sự tăng sức mua của người dân hay không. Nếu kích cầu mà phần lớn dòng tiến tiếp tục vào những dự án kém hiệu quả như năm 2009, thì khả năng lạm phát quay lại trong trung hạn là có.

Theo dự báo của ông, liệu đây có phải là lần giảm lãi suất cuối cùng trong năm nay không?

Tôi nghĩ là không.

Theo tôi, mức cân bằng (equilibrium) lãi suất của nền kinh tế Việt Nam phải thấp hơn mức hiện tại khá nhiều. Tuy nhiên, do hệ thống và cơ cấu của ngành ngân hàng đã làm cho lãi suất xuống rất chậm (sticky price/ interest rate).

Tôi không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ còn phải giảm thêm khoảng 200-300 điểm lãi suất điều hành (OMO, tái cấp vốn…) từ đây đến cuối năm.

Lãi suất giảm, ông có lo ngại dòng tiền tiết kiệm sẽ vào ngân hàng ít hơn không? Dòng tiền đó có chảy ra các kênh đầu tư khác không?

Bình quân lãi suất tiền gửi của Việt Nam từ năm 2000-2007 là 6,2%, cũng trong giai đoạn này lạm phát bình quân vào tầm 4,6%/năm. Trong đó có giai đoạn 2000-2001, lãi suất tiền gửi ở mức 3-5% mỗi năm. Có nhiều giai đoạn Việt Nam chúng ta có lãi suất thực âm hay rất thấp nhưng tiền gửi vẫn tăng.

Trong giai đoạn tới, các tài sản khác sẽ có độ biến động về giá mạnh do diễn biến của thế giới. Do đó, có lẽ các tài sản khác chưa đến giai đoạn hút nguồn vốn mạnh từ tiết kiệm.  

Theo ông, việc kinh tế phục hồi sẽ đòi hỏi những yếu tố mấu chốt nào, bên cạnh những nỗ lực hạ lãi suất?

Theo tôi, việc hạ lãi suất chỉ mang tính kích cung là chính, hiệu ứng kích cầu của lãi suất chỉ là gián tiếp. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang gặp cả vấn đề về cung và cầu. Chính sách kích cầu từ tài khoá là hợp lý, tuy nhiên hiệu quả của chính sách kích cầu từ tài khoá lại vấp phải trăn trở rất lớn từ hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, theo tôi, Quốc hội nên mạnh dạn cho thâm hụt ngân sách cao hơn, tuy nhiên quy trình giám sát các gói kích cầu cần phải được chú ý thật kỹ. Kích đúng nơi và kích sao cho tạo hiệu ứng lan toả (multiplier effect) cao nhất.