Giảm thuế cho doanh nghiệp về 15-17% sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?
Tác động tiêu cực nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 15-17% là sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng/năm
Tác động tích cực khi giảm thuế, theo Bộ Tài chính, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, là tiền đề giúp khối này phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Chính sách rất đáng ủng hộ
Như VnEconomy đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ sẽ được áp dụng thuế suất 17%, còn doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%.
Trong đó, tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Trao đổi với VnEconomy về đề xuất này, một chuyên gia kinh tế cho rằng đây là chính sách rất đáng ủng hộ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường nên các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trước.
"Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, chiếm tỷ lệ cao. Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 doanh nghiệp và trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm và được xác định là động lực tăng trưởng, là xương sống của nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thì đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp và cần thiết", ông nói.
Có thể giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng/năm
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đánh giá, nếu giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Mặt khác, tiêu chí xác định đối tượng kết hợp giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Thuế tiêu thụ doanh nghiệp hiện hành đảm bảo phù hợp với thực tế và khả năng ngân sách nhà nước cũng như thông lệ quốc tế.
Đó là mặt tích cực, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng chỉ rõ tác động tiêu cực của đề xuất này. Theo đó, việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, nếu áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 4.500 tỷ đồng/năm. Và áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
"Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh", Bộ Tài chính cho biết.
Đồng ý với đánh giá này, vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không thể tránh khỏi tác động trực tiếp là giảm thu ngân sách những năm đầu, tuy nhiên đó chỉ là "thiệt hại" trước mắt, bởi khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ khoẻ, đủ mạnh thì tự khắc thu ngân sách sẽ tăng lên.
Ông cũng lưu ý, việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ gây ra một tác động tiêu cực khác là xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhằm hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.
"Chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được tác động tiêu cực này bằng những quy định pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và minh bạch", ông nói.
Được biết, hiện nhiều nước trên thế giới cũng có quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông. Chẳng hạn như Trung Quốc áp dụng mức thuế suất 5%, 10% hoặc 20% đối với các mức thu nhập chịu thuế khác nhau của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%.
Hay tại Thái Lan cũng miễn thuế hoặc áp dụng mức thuế suất 15% đối với các mức thu nhập chịu thuế khác nhau của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi mức thuế suất phổ thông là 20%. Malaysia áp dụng mức thuế suất 17% đối với 500.000 ringit thu nhập chịu thuế đầu tiên của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi mức thuế suất phổ thông là 24%...