19:54 13/12/2010

Giãn tiến độ tăng vốn pháp định ngân hàng?

Nguyễn Hoài

Thị trường đang xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể giãn tiến độ tăng vốn pháp định của các ngân hàng

Nỗi khổ của các ngân hàng thương mại trong diện tăng vốn được đè nặng trước hết lên ban điều hành.
Nỗi khổ của các ngân hàng thương mại trong diện tăng vốn được đè nặng trước hết lên ban điều hành.
Thị trường đang xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước giãn tiến độ tăng vốn pháp định của các ngân hàng.

Tăng vốn hay “cửa ải”?

Theo một nguồn tin, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kế hoạch giãn tiến độ tăng vốn pháp định các ngân hàng thương mại cổ phần lên 3.000 tỷ đồng thêm ít nhất 6 tháng, kể từ hạn chót 31/12/2010.

Nếu như lần thứ nhất, các ngân hàng trong diện tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng cũng bị trì hoãn đến hết quý 1/2010 mới hoàn thành thay vì 31/12/2009, thì lần này, mốc 3.000 tỷ đồng đến hạn 31/12/2010 tiếp tục bị giãn thêm thời gian 6 tháng, để các ngân hàng có điều kiện chuẩn bị.

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia tài chính Phạm Đỗ Chí, từng là chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói: “Tình hình vĩ mô từ nay đến hết Tết ta vẫn nhiều ngổn ngang. Hơn nữa, tại thời điểm này, các ngân hàng cần có nhiều vốn để đáp ứng các nhu cầu chi trả, thanh toán nên việc quyết định giãn thời điểm tăng vốn là cần thiết”.

Theo ông, một sai lầm lớn là biến ngân hàng nông thôn thành ngân hàng thành thị. Vì ngân hàng nông thôn có mục đích rất rõ ràng trong việc phục vụ các nhu cầu tín dụng nông thôn. Mặt khác, khi tồn tại trong mô hình này, mức chi tiêu của họ ít hơn, không cần đầu tư nhiều vào hệ thống mạng lưới, công nghệ hiện đại như các ngân hàng đô thị.

Chẳng hạn, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cần vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng là họ phục vụ tốt các nhu cầu tín dụng khu vực nông thôn. “Còn bây giờ, buộc họ lên đô thị thì mấy anh như “Đại Tín” làm sao lại nổi với mấy ông nhà băng to? Thêm vào đó, vùng hoạt động truyền thống của họ lâu nay cũng bị bỏ ngỏ”, ông Chí nói.

Trên thực tế, một số ngân hàng đã nhanh chân tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi (SHB), bằng sáp nhập hệ thống tiết kiệm bưu điện (LienVietBank) hoặc các cổ đông góp “tiền tươi thóc thật” như TienPhongBank… Nhưng những ngân hàng làm được như trên chỉ được dăm ba đơn vị, còn phần lớn vẫn phải trông đợi vào thị trường chứng khoán, vốn dĩ đã khá thất thường.

“Đạn đã lên nòng thì phải bắn”?

Ở một bình diện khác, nỗi khổ của các ngân hàng thương mại trong diện tăng vốn được đè nặng trước hết lên ban điều hành.

Theo một chuyên gia tài chính, trong điều kiện bình thường, các cổ đông góp vốn gây áp lực rất mạnh về lợi nhuận. Nhưng nay, khi phải góp thêm vốn, gánh nặng lợi nhuận càng đè nặng hơn. Áp lực này khiến cho ban điều hành các ngân hàng phải nghĩ đủ cách xoay xở và mảng đầu tư được ưu tiên lựa chọn thay vì mô hình kinh doanh truyền thống.

Ông Phạm Đỗ Chí nói: “Nhiệm vụ chính của các ngân hàng là kinh doanh các dịch vụ trên nền tảng tín dụng, lời không nhiều nhưng bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi nhuận ngân hàng không đến nhiều từ khu vực này mà chủ yếu là từ đầu tư vàng, trái phiếu…nhưng năm nay đầu tư cũng thua lỗ”.

Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày này, giới ngân hàng đang xì xào trước việc tổng giám đốc một ngân hàng phải “nói lời tạm biệt” với dự án lập ngân hàng mà ông dày công chắp bút và xây dựng. Theo quan điểm của vị tổng giám đốc trên, kinh doanh ngân hàng phải phát triển bền vững, chấp nhận lãi ít, luôn đặt nền tảng quản trị rủi ro lên hàng đầu, hoạt động phải “sạch sẽ”, nói không với cơ chế “hai giá”.

Thế nhưng, cách nhìn của cổ đông ngân hàng này lại không thế. Đó là, khi áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng mạnh dần đến 31/12/2010, cổ đông nhìn lại kế hoạch lợi nhuận bị điều chỉnh từ mức trên 500 tỷ xuống khoảng 250 tỷ đồng trong năm nay, họ đong đếm với đồng vốn góp thêm cho đủ số 3.000 tỷ đồng, và chuyện gì đến sẽ phải đến. Vị tổng giám đốc nọ đành gửi đơn “dứt áo ra đi” ngay từ tháng 10 vừa qua. Những ngày này, ông đang chờ bàn giao cho một ứng viên mới được kỳ vọng nhiều hơn từ sự năng động và thực tế xoay xở.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: “Nên bỏ việc thực hiện tăng vốn vì xét đến cùng, nếu có bỏ cũng chẳng chết ai!”. Tất nhiên, “bỏ” hay “không bỏ” cần phải có cách nhìn toàn diện và lắng nghe phản biện nhiều chiều, nhưng có lẽ tinh thần thực hiện nghị định này không nên theo kiểu “đạn đã lên nòng thì phải bắn”!

* Liên quan đến khả năng giãn tiến độ tăng vốn pháp định của các ngân hàng, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho VnEconomy biết, ngay trong ngày 14/12, cơ quan thanh tra, giám sát sẽ chính thức có thông tin cụ thể.