00:08 28/08/2007

Giao dịch không sàn: Rắc rối chuẩn hóa công nghệ

Minh Đức

Công nghệ của các công ty chứng khoán vẫn trong tình trạng “đèn ai nấy rạng”, có từ các nhà thầu và các chuẩn khác nhau

Các công ty đều xác định công nghệ là lõi hoạt động của mình, họ sẵn sàng đầu tư mạnh tay để phát huy thế mạnh và phục vụ tốt hơn nhà đầu tư.
Các công ty đều xác định công nghệ là lõi hoạt động của mình, họ sẵn sàng đầu tư mạnh tay để phát huy thế mạnh và phục vụ tốt hơn nhà đầu tư.
Công nghệ là vấn đề đầu tiên các công ty chứng khoán quan tâm khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM công bố lộ trình thực hiện giao dịch không sàn.

>>Giao dịch không sàn: “Cú huých mạnh cho các công ty chứng khoán”

Theo giới chuyên môn, đầu tư, nâng cấp không khó, vấn đề là việc chuẩn hóa thay vì “đèn ai nấy rạng” như hiện nay.

Dự kiến ngày 7/9 tới, Sở sẽ lựa chọn 1 đến 2 công ty chứng khoán để triển khai thí điểm kế hoạch giao dịch không sàn. Việc chuẩn hóa công nghệ và các điều kiện liên quan dự kiến sẽ được triển khai khoảng một tháng sau đó. Và theo lộ trình, đến quý I/2008, Sở sẽ thực hiện giao dịch trực tuyến kết hợp hình thức sàn giao dịch.

Cũng như việc triển khai khớp lệnh liên tục mới đây, vấn đề mà các công ty chứng khoán quan tâm nhất hiện nay là việc chuẩn hóa công nghệ, đáp ứng yêu cầu mới. Quan điểm chung của các thành viên là ủng hộ chủ trương và kế hoạch này của Sở bởi nhiều lợi ích được mang lại, nhất là tình trạng “cháy chỗ” cho đại diện giao dịch tại Sở hiện nay.

Trước hết, giao dịch không sàn sẽ là môi trường để một số công ty chứng khoán phát huy thế mạnh về công nghệ trong các dịch vụ giao dịch qua Internet, qua tin nhắn SMS và qua điện thoại. Đặc biệt thời gian gần đây, một số công ty đã đầu tư khá mạnh tay cho dịch vụ giao dịch trực tuyến.

Ở một khía cạnh khác, từ phía các công ty chứng khoán, việc rút các đại diện giao dịch về sàn mình sẽ tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hơn trong việc khớp lệnh, hạn chế được khả năng các đại diện tự động nhập lệnh theo ý đồ, mục đích cá nhân; với nhà đầu tư, sự minh bạch, công bằng ở khâu nhập lệnh cũng sẽ được đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, đại diện một số công ty chứng khoán cho biết họ vẫn ở trong thế “ngoài cuộc” đối với kế hoạch của Sở. Hiện nay, công nghệ của các thành viên vẫn trong tình trạng “đèn ai nấy rạng”, có từ các nhà thầu và các chuẩn khác nhau. Thực tế, các công ty đều xác định công nghệ là lõi hoạt động của mình, họ sẵn sàng đầu tư mạnh tay để phát huy thế mạnh và phục vụ tốt hơn nhà đầu tư.

“Nhưng chúng tôi muốn đầu tư, muốn nâng cấp lắm nhưng chưa biết chuẩn công nghệ sẽ theo hướng nào, sẽ do nhà thầu Thái Lan hay Singapore cung cấp. Bởi nếu chúng tôi cầm đèn chạy trước ôtô, đến thời điểm nào đó, Sở nâng cấp hoặc thay đổi công nghệ, khả năng kết nối, đáp ứng của mình bị ảnh hưởng thì sao, trong khi chi phí đầu tư không nhỏ”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói.

Ngoài ra, một số ý kiến đề cập đến sự công bằng trong kế hoạch này. Đó là việc quy định các chuẩn cụ thể, về tốc độ đường truyền tối đa và các điều kiện liên quan để tránh xẩy ra một cuộc đua không cần thiết vì mục đích “chơi trội” để tiếp thị...

Một ý kiến khác đáng chú ý là yêu cầu Sở đứng ra xây dựng chuẩn công nghệ, đứng ra lựa chọn và đàm phán với các nhà thầu cung cấp hoặc nâng cấp để định hướng cho các công ty chứng khoán; từ đó để đảm bảo thống nhất công nghệ, tuổi đời công nghệ và tránh những trường hợp các công ty chứng khoán bị áp giá từ các nhà thầu như từng xẩy ra trong thời gian qua.

Việc chuẩn hóa nói trên, theo đại diện một số thành viên, đặc biệt quan trọng trong vấn đề bảo mật. Hiện tại, các công ty chứng khoán đều tự tìm đến các giải pháp để tự bảo vệ mình. Đề xuất gửi tới Sở là yêu cầu xây dựng một cơ chế bảo vệ chung, độc lập với các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, các thành viên vẫn đang chờ đợi những thông tin hướng dẫn cụ thể về cơ chế giao dịch, liên quan đến các trường hợp sửa lệnh, hủy lệnh...

“Duy trì đại diện sàn sẽ gây thắt nút cổ chai”

(Ông Nghiêm Trung Hiếu, Giám đốc Công nghệ, Công ty Chứng khoán Tân Việt - TVSI)

"Với hình thức duy trì đại diện sàn hiện nay, mọi lệnh giao dịch của nhà đầu tư đều được các đại diện sàn của công ty chứng khoán gõ lại trên màn hình DC Term để đẩy vào hệ thống xử lý của trung tâm giao dịch.

Hình thức này đã vô tình tạo ra một sự “thắt nút cổ chai” giữa nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và khả năng nhập lệnh của các đại diện sàn, một khi thị trường bùng nổ sẽ dẫn đến tình trạng “rớt lệnh” hoặc “gạt lệnh” của nhà đầu tư.

Mặt khác, với sự ra đời nhanh chóng của nhiều công ty chứng khoán mới, vấn đề mở thêm seat cho các đại diện sàn cũng là không đơn giản với HOSE và HASTC.

Hiện nay theo như công bố của cả HOSE và HASTC về việc triển khai mạng giao dịch từ xa, cả 2 nơi đều đang gấp rút triển khai hạ tầng công nghệ, và từng bước tiến hành thử nghiệm. Bước đầu là chuyển các máy nhập lệnh (DC Term) về các công ty chứng khoán, và bước tiếp theo sẽ là kết nối giao dịch trực tuyến giữa hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán với hệ thống giao dịch của trung tâm.

Với chủ trương của 2 sàn HOSE và HASTC trong việc triển khai mạng giao dịch từ xa, cũng như vừa qua có sự thay đổi về phương thức giao dịch tại sàn HOSE, hệ thống SMART hoàn toàn thích ứng cao, TVSI hoàn toàn tự tin và có thể nói không gặp khó khăn gì nhiều đối với các thay đổi này.

Đối với bước kéo các DC Term về công ty chứng khoán, chỉ là thiết lập thêm đường kết nối mạng, và hiện nay TVSI đã xây dựng các Gateway kết nối có tính mở cao hoàn toàn tương thích khi HOSE và HASTC đưa vào kết nối giao dịch trực tuyến”.

“Sở sẽ phải đứng ra đảm bảo an toàn chung”

(Ông Nguyễn Thái Hưng, Giám đốc Công nghệ, Công ty Chứng khoán Biển Việt - CBV)

"Kết nối đường truyền là một vấn đề cần bàn. Để đảm bảo sự công bằng cho các công ty chứng khoán, Sở cần có mức quy định tốc động đường truyền tối đa kết nối giữa Sở và các thành viên. Việc này sẽ loại bỏ sự chạy đua về đầu tư đường truyền và sử dụng đường truyền này như một ưu thế tiếp thị một cách không cần thiết.

Trên thực tế, Sở đang thực hiện rất đúng việc chuẩn hóa các kết nối VPN giữa Sở và các công ty chứng khoán, hy vọng việc này sẽ tiếp tục được duy trì.

Vấn đề thứ hai là bảo mật trong hệ thống. Vì quá trình truyền dữ liệu trên mạng VPN không dễ bị can thiệp bởi hacker nhưng lúc này giữa Sở và các công ty chứng khoán đã tạo thành một hệ thống mạng chung nên cần một cơ chế bảo vệ, độc lập giữa các công ty chứng khoán với nhau. Đây sẽ là bài toán mà Sở cần giải quyết thỏa đáng vì hệ thống data center đặt tập trung tại Sở nên bản thân Sở sẽ phải đứng ra đảm bảo sự an toàn chung.

Về góc độ các công ty chứng khoán, việc đầu tư đuờng truyền là không nhiều so với những lợi ích mà hình thức giao dịch này mang lại, hơn nữa ngay tại thời điểm này mỗi công ty chứng khoán đều đã có 2 đường truyền leased line vào Sở, khi cần chỉ cần nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Một điều nữa là hình thức giao dịch mới cũng sẽ dẫn tới nhu cầu cần có các quy định, luật và hướng dẫn thi hành cụ thể cho việc đặt lệnh, khớp lệnh, hủy lệnh...

Đối với CBV, hiện nay CBV sử dụng hệ thống IT tự xây dựng và vẫn tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy định của Sở. CBV có giải pháp phần mềm ổn định và cập nhật liên tục để phục vụ hoạt động môi giới chứng khoán ngày càng mở rộng và đa chiều.

Chẳng hạn, hệ thống của CBV có thể có thể phục vụ hiệu quả nhiều chi nhánh, đại lý và qua nhiều kênh đặt lệnh như SMS, điện thoại, Internet (dành cho các khách hàng cụ thể)".